Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa biên giới với Syria để cắt đứt huyết mạch của IS
Mỹ cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria nhằm ngăn chặn lực lượng khủng bố IS di chuyển người và vũ khí qua đường biên giới giữa 2 nước.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ canh gác ở khu vực biên giới với Syria – Ảnh: Reuters
Để tăng cường cho chiến dịch tiêu diệt lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong, Mỹ đang triển khai kế hoạch cùng Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa toàn bộ vùng biên giới phía bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cắt đứt huyết mạch của IS, theo Independent ngày 18.11.
“75% biên giới phía bắc của Syria đã bị phong tỏa và chúng tôi đang cùng với người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát vùng biên giới với Syria”, ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ nói trên kênh CNN.
Theo Ngoại trưởng Kerry, kế hoạch cùng hành động của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây thêm áp lực với IS ở Syria và Iraq và ngăn không cho nhóm khủng bố này di chuyển người, vũ khí hay tài sản khác qua khu vực biên giới. Ông Kerry từ chối nói chi tiết về kế hoạch hành động này cũng như việc quân đội Mỹ có tham gia kiểm soát khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hay không.
Trả lời phỏng vấn của đài Sputnik (Nga) ngày 18.11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Elissa Smith cho biết Lầu Năm Góc không muốn chia sẻ thông tin chi tiết về kế hoạch phong tỏa ở biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhấn mạnh đó là một trong những kế hoạch nhằm tăng tính hiệu quả cho chiến dịch không kích IS của Mỹ được triển khai hơn 1 năm ở Syria.
Mỹ và NATO cho rằng IS vẫn giữ được sự “dẻo dai” cho tới nay chính là nhờ tài lực và vũ khí được lưu chuyển thường xuyên qua đường biên giới này. Cắt đứt đường liên lạc, hậu cần, đặc biệt các nguồn tiếp viện từ dầu thô và nhiều loại hàng hóa khác qua “huyết mạch” này sẽ làm IS yếu đi trước khi có thể tiêu diệt hoàn toàn lực lượng khủng bố này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố trong cuộc họp của khối G20 kết thúc hôm 16.11 rằng IS có một nguồn lực tài chính khá lớn từ 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước trong khối G20, theo RT.
Minh Quang
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Đòn trả đũa của Nga, Pháp có thể làm IS mạnh hơn
Quyết định tăng cường không kích của Nga, Pháp có thể chính là điều IS mong đợi sau các vụ khủng bố, bởi IS sẽ có lý do để lừa mị người Syria rằng họ đang bị nhiều nước tấn công và chỉ có IS mới có thể bảo vệ được họ.
Chiến đấu cơ Pháp mang bom, tên lửa không kích sào huyệt Raqqa của IS. Ảnh:AFP
Ngày 17/11, các quan chức quốc phòng Pháp cho hay chiến đấu cơ của họ đã thực hiện hai đợt không kích dữ dội xuống sào huyệt Raqqa của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong chưa đầy 24 giờ, nhằm trả đũa vụ tấn công đẫm máu mà IS gây ra ở Paris khiến 129 người thiệt mạng.
Hôm qua, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa hành trình của Nga cũng liên tiếp tấn công thành phố Raqqa và các mục tiêu IS khác ở Syria, sau khi Nga xác nhận chiếc máy bay của hãng Metrojet đã bị đánh bom trên bầu trời Ai Cập, và Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiêu diệt những kẻ khủng bố ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà báo Pháp Nicolas Henin, người từng bị IS bắt làm con tin, cho rằng những cuộc không kích trả đũa dữ dội như thế này chỉ càng làm IS mạnh lên, bởi những cuộc không kích này "đang có lợi cho chiến dịch tuyên truyền" của IS.
Theo NYTimes, những câu hỏi lớn cũng bắt đầu xuất hiện sau khi Nga và Pháp tăng cường chiến dịch không kích lên gấp đôi, trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là nếu như hai nước này có thể tiêu diệt được nhiều mục tiêu IS như vậy trong các cuộc tấn công trả đũa, tại sao họ không đánh bom với mật độ như vậy từ đầu chiến dịch? Và trong thực tế, những đòn không kích trả thù dữ dội này đã trúng vào đâu?
Nhiều nhà hoạt động và dân thường ở Raqqa cho biết khoảng 37 đợt không kích trong hai ngày vừa qua của Pháp vào Raqqa không làm thiệt mạng dân thường nào, nhưng chúng cũng hầu như không gây ra thiệt hại đáng kể cho IS.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay nhiều quả bom của Pháp ném xuống Raqqa đã rơi trúng các doanh trại, căn cứ bỏ không của IS ở ngoại ô thành phố, khiến thiệt hại mà phiến quân phải hứng chịu hầu như không đáng kể.
Theo các nhà hoạt động, dân thường ở Raqqa mới là những người phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong các cuộc không kích này, khi hệ thống điện, nước bị cắt đứt, khiến tình cảnh của họ càng trở nên khốn khổ.
"Nếu các nước muốn đánh bom IS ở sào huyệt của chúng, họ có thể thực hiện, nhưng họ vẫn chưa nhắm được vào những mục tiêu quan trọng nhất của phiến quân. Chúng tôi thực sự không hiểu nổi. Còn bao nhiêu nước muốn đánh bom chúng tôi nữa đây", một nhà hoạt động giấu tên ở Raqqa nói với tờ Aljazeera.
"Người dân Raqqa đã tuyệt vọng lắm rồi. Thành phố đã trải qua những thứ tưởng như không chịu đựng được, và chúng tôi đang sống dưới sự cai trị tàn bạo của IS. Nhiều người đã trốn đi, nhưng chúng tôi bị mắc kẹt. IS kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của chúng tôi", nhà hoạt động này cho biết.
Nhiều dân thường Raqqa đang bị mắc kẹt trong thành phố bị oanh kích liên tục. Ảnh: Reuters
Nhà báo Henin cho rằng quyết định tăng cường không kích của Nga, Pháp là những gì IS mong đợi sau các cuộc khủng bố đẫm máu. "Khi tấn công Paris, IS không muốn gì hơn là khiêu khích hành động leo thang. Chúng muốn Pháp gia tăng hành động can thiệp quân sự ở Syria để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của chúng", Henin cho hay.
"Những cuộc không kích dữ dội vào Raqqa càng khiến IS có lý do để thuyết phục người dân Syria rằng họ đang mắc kẹt trong thành phố, họ đang bị không quân nhiều nước tấn công cùng một lúc, và chỉ có IS mới có thể bảo vệ được họ".
Nhắm vào thế lực hậu thuẫn
Theo các chuyên gia phân tích, thực tế này chứng minh một điều rằng Nga, Mỹ, và các đồng minh khó có thể làm suy yếu hoặc tiêu diệt được phiến quân IS bằng các hành động quân sự đơn thuần, nếu không có những biện pháp làm cạn kiệt nguồn tài chính và ngăn chặn các hoạt động hỗ trợ IS từ bên ngoài.
Theo bình luận viên Paton Walsh của CNN, sự trỗi dậy và bành trướng của phiến quân IS là sản phẩm của cuộc đấu đá giữa Iran và Arab Saudi cùng một số quốc gia Vùng Vịnh khác nhằm tranh giành quyền lực, ảnh hưởng tối cao trong khu vực.
Hôm 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiết lộ rằng IS đang nhận tiền tài trợ từ khoảng 40 nước trên thế giới, trong đó có cả các thành viên của G20. Tuyên bố này của ông Putin càng củng cố nhận định rằng cuộc xung đột hiện nay ở Syria thực chất là một "cuộc chiến ủy nhiệm" giữa các cường quốc khu vực.
Theo ông Walsh, cả Iran và Arab Saudi đều là những nước có thế hệ lãnh đạo đã cao tuổi, dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu liên tục sụt giảm cũng như những thay đổi chóng vánh trong khu vực. Bối cảnh đó buộc hai cường quốc này phải có những biện pháp tranh giành ảnh hưởng khu vực càng nhanh càng tốt.
Sau khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein và tạo ra tình trạng hỗn độn chính trị ở nước này, cả Arab Saudi và Iran đều biết rằng chiến lược can thiệp của Mỹ khó có thể áp dụng thành công ở bất cứ quốc gia Trung Đông nào. Bởi vậy, họ tự làm theo cách của mình để áp đặt ảnh hưởng lên các nước khác trong khu vực, hỗ trợ cho các thế lực đối lập nhau ở Syria, đẩy mảnh đất này chìm sâu vào chiến sự và đổ máu.
Phiến quân IS ở thành phố Raqqa. Ảnh: Reuters
Có vẻ như các nhà hoạch định chiến lược đối ngoại của Mỹ cũng đã nhận ra điều này khi quyết định mời cả Iran lẫn Arab Saudi tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria ở Vienna, nhằm tìm ra những tiếng nói chung giữa hai cường quốc khu vực này về tương lai Syria.
Cả Mỹ, Nga và Liên Hợp Quốc đều rất kỳ vọng rằng các quốc gia đứng đằng sau những nhóm tham chiến ở Syria sẽ tôn trong một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Đây là giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay để chống lại IS, bởi nó giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đó là những thế lực hậu thuẫn của phiến quân, chứ không phải là hành động quân sự trên chiến trường.
"Đến một lúc nào đó, các cường quốc trong khu vực sẽ phải chán nản với cuộc chiến và tình trạng hỗn loạn, đến mức phải ngồi xuống đàm phán để tìm ra biện pháp kết thúc, bởi phương Tây sẽ không thể nào thực hiện được điều đó", ông Walsh nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Pháp lập đại liên minh chống IS Pháp yêu cầu kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của EU tại hội nghị khẩn cấp ở Brussels trong nỗ lực thành lập đại liên minh để tiêu diệt IS. Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước EU nhóm họp tại Brussels ngày 17.11 để xem xét yêu cầu hỗ trợ của nước Pháp - Ảnh: Reuters Giới hữu...