Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về đoạn băng ghi âm vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi
Trong bối cảnh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng Ankara đã chia sẻ bằng chứng mà Ankara có được cho Washington liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn, ngày 19-10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Reuters đưa tin, ngày 19-10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Ankara chưa hề chia sẻ bất kỳ đoạn băng ghi âm nào với các bên liên quan, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đoạn băng ghi âm lại việc nhà báo Khashoggi bị thủ tiêu, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 17-10.
Dù lên tiếng phủ nhận, nhưng Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã tái khẳng định nước này có bằng chứng và thông tin thu thập được từ cuộc điều tra vụ án nhà báo Khashoggi.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định chưa chia sẻ bằng chứng vụ việc nhà báo Khashoggi bị thủ tiêu với bất kỳ ai. Ảnh: trend.az.
Được biết, với việc khẳng định ông Khashoggi bị thủ tiêubên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia và xác đã được đưa ra ngoài, nhóm điều tra Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi tìm kiếm, lần theo đường di chuyển và các chặng dừng của những chiếc xe hơi rời Lãnh sự quán Saudi Arabia vào hôm 2-10, ngày mà ông Khashoggi mất tích.
“Các nhà điều tra nghi ngờ những kẻ thủ tiêui Khashoggi đã phi tang các xác của nhà báo này theo hai hướng ngược nhau tính từ Istanbul, đó là khu rừng Belgrad thuộc ngoại ô thành phố và tại một khu vực ở Yalova, gần biển Marmara, cách Istanbul khoảng 90km”, Anadolu dẫn nguồn tin từ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Những manh mối mà phía Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được ở hai khu vực nêu trên sẽ được đối chiếu với kết quả phân tích ADN từ những mẫu đất và nước mà nhóm điều tra lấy được trong đợt khám xét Lãnh sự quán Saudi Arabia và dinh thự của Tổng lãnh sự nước này.
Video đang HOT
Về phía Saudi Arabia, cho đến nay, Riyadh tiếp tục bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đây là một sự việc “dối trá” có thể khiến nước này rơi vào khủng hoảng chính trị, làm lung lay quan hệ đồng minh với Mỹ và phải “lùi một bước” trước các kế hoạch nhằm dẫn đầu khu vực Trung Đông.
Trong một diễn biến khác, Reuters cùng ngày đưa tin, trước lo ngại về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích, một số quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan và Pháp đã đình chỉ các chuyến công tác của quan chức những nước này tới Saudi Arabia trong thời gian tới.
Các nước này đánh giá vụ việc của nhà báo Khashoggi là vô cùng nghiêm trọng và kêu gọi Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra minh bạch và tin cậy.
Trước đó, phía Mỹ cũng đã ra tối hậu thư, yêu cầu Saudi Arabia phải hoàn tất việc điều tra mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi trong vòng 72 giờ, nếu nước này muốn tránh việc làm xấu vị thế trên trường quốc tế.
Theo cand.com.vn
Vì sao ông Trump đổi giọng cứng rắn với Saudi Arabia vụ nhà báo mất tích?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo, Saudi Arabia sẽ phải gánh chịu hậu quả "nặng nề" nếu đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/10 khẳng định gần như chắc chắn nhà báo mất tích Jamal Khashoggi - cây viết kì cựu của Washington Post, đã chết và cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải gánh chịu hậu quả "nặng nề" nếu đứng sau cái chết của nhân vật này.
Làn sóng biểu tình sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích - Ảnh: Reuters.
Phát biểu với báo chí, ông Trump cho biết, chính quyền ông đang "chờ đợi kết quả của 3 cuộc điều tra khác nhau" trước khi có phản ứng đáp trả. Nhà báo Khashoggi đã mất tích từ hôm 2/10, sau khi ông vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Trước đó có nhiều thông tin cho rằng, nhà báo người Mỹ gốc Saudi Arabia này đã bị tấn công bên trong lãnh sự quán, sau đó bị tra tấn, giết hại và phân xác. "Ý tôi là các biện pháp đáp trả sẽ rất nghiêm khắc. Nhưng chúng ta sẽ thấy những gì đã xảy ra", ông Trump nói.
Tuyên bố trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng về việc phải hành động, hơn 2 tuần sau khi ông Jamal Khashoggi - nhà báo thường chỉ trích chính quyền Saudi Arabia bị mất tích. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã rút khỏi hội nghị đầu tư tại thủ đô Riyadh sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo với ông Mnuchin và Tổng thống Trump về kết quả chuyến đi của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hồi đầu tuần. Trả lời báo chí tại Nhà Trắng, ông Pompeo cho biết: "Chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm với họ rằng chúng tôi đang xem xét vụ việc ông Khashoggi một cách nghiêm túc. Saudi Arabia cũng nhất trí với điều này và cho biết, họ sẽ tiến hành cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về tất cả các tình tiết liên quan đến ông Khashoggi và sẽ làm công việc này trong thời gian sớm nhất".
Một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền ông Trump đã cho Saudi Arabia thời hạn hai ngày để đưa ra lời giải thích về những gì đã xảy ra với Khashoggi, đồng thời cảnh báo về hậu quả mà quốc gia này phải đối mặt. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết, các nhà cầm quyền của Saudi Arabia đang xem xét đổ trách nhiệm về vụ sát hại ông Khashoggi cho một quan chức tình báo cao cấp, thân cận với Thái tử Mohammed.
Hiện tại, chính quyền ông Trump cũng đang phải đối mặt với sự giận dữ ngày càng gia tăng từ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ về vai trò của Saudi Arabia trong vụ nhà báo Khashoggi mất tích.
VOA dẫn lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy tại bang Louisiana cho biết: "Ông Khashoggi đã chết. Tôi không nghĩ rằng những người ngoài hành tinh đã bắt cóc ông. Tôi không cho rằng ông ấy đã rơi vào lỗ hổng thời gian. Tôi nghĩ ông ấy đã chết và người Saudi Arabia là thủ phạm."
Trong khi các nghị sỹ Mỹ đe dọa trừng phạt chính phủ Saudi Arabia, thì chính quyền Tổng thống Donald Trump - vốn đang khai thác những lợi ích từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đối với quốc gia này lại bày tỏ quan điểm thận trọng. Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ liên minh lâu dài giữa Mỹ và Saudi Arabia. "Họ là một đồng minh chiến lược quan trọng với Mỹ và chúng ta cần quan tâm đến điều đó".
Mâu thuẫn trong chính giới Mỹ
Các nghị sỹ Mỹ tỏ ra không hài lòng với quan điểm nêu trên của chính quyền ông Trump. Trong bài viết trên trang Twitter ngay sau phát biểu của ông Pompeo, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio, bang Florida cho biết: "Không thể chấp nhận một mối quan hệ liên minh chiến lược với Saudia Arabia mà đòi hỏi chúng ta phải im lặng khi họ sát hại một nhà phê bình chính trị". Ông kêu gọi tất cả các bên cần có trách nhiệm về vấn đề này, và cho rằng, Mỹ phải làm rõ lập trường về những điều mà nước này mong muốn nếu Saudi Arabia muốn bảo tồn liên minh với Mỹ.
Sự khác biệt quan điểm rõ rệt giữa Quốc hội và chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Nhà Trắng vẫn coi trọng quan hệ với Saudi Arabia hơn Đồi Capitol. Không chỉ riêng vụ việc nhà báo bị sát hại, mà từ lâu, nhiều nghị sỹ Mỹ đã mất lòng tin với Saudi Arabia liên quan đến vụ tấn công Tòa tháp đôi tại Mỹ ngày 11/9/2001, cũng như sự can dự của nước này trong cuộc chiến ở Yemen và tình hình chính trị Lebanon.
Về phía chính quyền Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Saudi Arabia đã cam kết với ông rằng cuộc điều tra sẽ minh bạch, rõ ràng và kết quả sẽ được công bố công khai. "Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực của hai nước, bức tranh toàn cảnh về vụ việc liên quan đến nhà báo mất tích sẽ thực sự trở nên rõ ràng", ông Pompeo nói.
Quốc hội sẽ ra tay?
Liệu Quốc hội Mỹ sẽ hành động chống lại Saudi Arabia bất chấp thái độ lưỡng lự của ông Trump? Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là một thất bại của chính quyền ông Trump liên quan đến các vấn đề đối với Saudi Arabia. Thượng nghị sỹ Kenedy cho biết, các biện pháp mà Mỹ đang cân nhắc bao gồm trục xuất các nhà ngoại giao Saudi Arabia tại Mỹ, thúc đẩy một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành vi của Saudi Arabia, cắt giảm bán vũ khí hoặc ban hành lệnh trừng phạt đối với các quan chức nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã phản đối các biện pháp đó vì ông cho rằng, thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi Arabia trị giá 110 tỷ USD sẽ giúp tạo ra 500.000 công ăn việc làm tại Mỹ.
Ông Trump đã lựa chọn Saudi Arabia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống và chính quyền của ông cũng coi Saudi Arabia là một con bài chủ chốt trong chính sách của Mỹ về Trung Đông khi Mỹ đang tìm cách cô lập Iran về mặt tài chính lẫn ngoại giao. Saudi Arabia đã trở thành một đối tác quan trọng trong nỗ lực này của Mỹ và Tổng thống Trump luôn tìm cách bảo vệ đồng minh của mình, ngay cả khi Saudi Arabia mạnh tay trấn áp nạn tham nhũng trong hoàng tộc hoặc can dự vào cuộc xung đột tại Yemen. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể sớm phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu áp đảo về áp đặt các biện pháp trừng phạt với Saudi Arabia - quốc gia mà ông luôn tìm cách cải thiện quan hệ./.
Hồng Anh
Theo VOV.VN/ Bloomberg
Ông Trump tin nhà báo Saudi Arabia đã chết Thổ Nhĩ Kỳ triển khai cảnh sát vào rừng và về vùng ngoại ô Istanbul tìm thi thể nhà báo Jamal Khashoggi. Về vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-10 lần đầu tiên nói rằng ông tin nhà...