Thợ lặn Indonesia thiệt mạng khi tìm kiếm chiếc máy bay chở 189 người gặp nạn
Một thợ lặn Indonesia đã thiệt mạng hôm 2/11 trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay Lion Air chở 189 người rơi xuống vùng biển Java.
Thợ lặn Syachrul Anto (Ảnh: Facebook)
Theo Straits Times, thợ lặn thiệt mạng là ông Syachrul Anto, 48 tuổi. Thợ lặn này bị nghi thiệt mạng do thiếu dưỡng khí trong quá trình bơi lặn tìm kiếm chiếc máy bay.
Chỉ huy đội tìm kiếm, cứu hộ, Đại tá Isswarto cho biết với hãng tin Merdeka.com rằng, tai nạn xảy ra khoảng 4h30 chiều 2/11.
Là một thợ lặn nhiều kinh nghiệm, ông Syachrul từng tham gia một số chiến dịch cứu hộ, trong đó có vụ rơi máy bay Air Asia mang số hiệu chuyến bay QZ8501 năm 2014, một số tai nạn liên quan đến phà chở khách ở Indonesia.
Ông Syachrul cũng vừa trở về nhà ở Surabaya sau khi tham gia sứ mệnh cứu trợ nhân đạo ở Palu, đảo bị tàn phá nghiêm trọng sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng trước.
Yosep Safrudin, một người bạn của ông Syachrul, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân rằng: “Chỉ một tuần sau khi trở về từ Palu, anh ấy đã nhờ tôi đưa tới sân bay cách đây 2 ngày, mượn thiết bị lặn của tôi và nhờ đưa tới khu vực tìm kiếm cứu hộ máy bay JT610 ở Tanjung Priok… Tôi sẽ nhớ mãi nụ cười và sự nhân hậu của anh ấy”.
Máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) chở 189 người đã rơi xuống vùng biển Java không lâu sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta sáng 29/10.
Indonesia đã lập tức triển khai chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay và các nạn nhân. Tuy nhiên, giới chức địa phương cho rằng, cơ hội sống sót của 189 người trên máy bay gần như không còn. Đội cứu hộ hiện tập trung vào nỗ lực tìm kiếm và trục vớt thi thể nạn nhân, các mảnh vỡ và hộp đen của máy bay.
Hiện có khoảng 52 thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm. Các thợ lặn tìm kiếm theo cặp và họ nổi lên mặt nước sau tối đa 28 phút.
Các thợ lặn đã tìm thấy hộp đen thứ nhất ghi hành trình chuyến bay, tuy nhiên hộp đen này hư hại nặng và cần thời gian để khắc phục. Đội cứu hộ cũng chạy đua với thời gian để tìm kiếm hộp đen còn lại ghi âm buồng lái với hy vọng giải mã nguyên nhân vụ tai nạn.
Minh Phương
Theo Dantri/ Straits Times
Phi công Lion Air từng cảnh báo trước lỗi chết người trên máy bay JT610
Trước khi xảy ra tai nạn, chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air đã có vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng và các phi công từng cảnh báo hãng về những vấn đề này.
Theo Bloomberg, chiếc máy bay mang số hiệu JT610 rơi xuống biển ngày 29/10 đã gặp vấn đề với cảm biến sử dụng để tính toán độ cao và tốc độ trên chuyến bay trước. Lỗi này có thể lý giải tại sao máy bay đột ngột tăng tốc lên cao rồi lao xuống biển với tốc độ khó tin như trong một số báo cáo điều tra đã công bố.
Một mảnh vỡ của máy bay gặp nạn được tìm thấy. (Ảnh: Twitter)
Các phi công trên chiếc Boeing 737 này đã trình báo vấn đề sau khi bay từ Denpasar, Bali về Jakarta, đêm 28/10, người phát ngôn Lion Air Danang Mandala Prihantoro ngày 31/10 cho biết. Dù vậy, người phát ngôn cũng khẳng định, các lỗi này đã được nhân viên bảo trì kiểm tra xuyên đêm và sáng 29/10 máy bay ở trong trạng thái sẵn sàng khai thác.
Có thể sẽ mất thêm nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước khi có thông tin rõ ràng về vụ tai nạn, xảy ra không lâu sau khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên, vấn đề của hệ thống đọc tốc độ và độ cao có thể đã khiến phi công trong buồng lái bối rối và lỗi tương tự từng gây ra những tai nạn hàng không trong quá khứ, bao gồm vụ tai nạn năm 2009 của một máy bay Air France trên Đại Tây Dương.
Dữ liệu truy dấu chuyến bay trước khi máy bay Lion Air gặp nạn cũng cho thấy máy bay đã thay đổi độ cao đột ngột và liên tục, một dấu hiệu phi công đã không có thông tin chính xác từ cảm biến khí áp của máy bay về tốc độ và độ cao.
Cảm biến gặp trục trặc vì vậy có thể là một lời giải thích cho dữ liệu bay kỳ lạ, theo John Cox, cựu phi công và chủ tịch tổ chức Hệ thống vận hành an toàn. Nhưng ông Cox cũng cảnh báo vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì đã xảy ra trên chuyến bay cuối cùng của chiếc Boeing 737.
Video: Máy bay Indonesia rơi xuống biển - lời kể của nhân chứng
Indonesia yêu cầu Lion Air sa thải giám đốc kỹ thuật và bắt đầu kiểm tra bộ phận bảo trì của hãng hàng không này sau khi thảm họa xảy ra. Hãng hàng không cũng sa thải kỹ sư đã phê duyệt cho JT610 tiếp tục bay sau khi các phi công báo cáo vấn đề vào ngày hôm trước.
Lion Air và các nhà điều tra chưa cung cấp dữ liệu chi tiết về vấn đề của máy bay trong chuyến bay ngày 28/10.
Theo Bloomberg, dù có hệ thống GPS, các máy bay vẫn cần tính toán tốc độ chính xác. Để xác định tốc độ bay trên không, có thể khác biệt so với tốc độ trên mặt đất do gió - máy bay phải dựa vào các ống Pitot đo lượng không khí dội vào.
Bằng cách so sánh áp lực trong ống Pitot với áp lực không khí xung quanh do các thiết bị tĩnh ghi lại - máy bay có thể xác định tốc độ chính xác trên không.
Nếu một trong số các cảm biến áp lực bị chặn, việc đọc tốc độ có thể gặp trục trặc . Trong vụ máy bay Air France, các nhà điều tra kết luận một cơn bão trên cao đã chặn các ống Pitot.
Các máy bay hiện đại được trang bị ba hệ thống cảm biến tốc độ trên không để dự phòng. Nếu một hệ thống bị hỏng, các phi công được đào tạo để kiểm tra những hệ thống khác và bỏ hệ thống thiếu chính xác.
Đội tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện tín hiệu âm thanh đi kèm với các thiết bị ghi dữ liệu trên máy bay JT610 và tin rằng đã xác định được vị trí thân máy bay, cùng với nơi có thể tìm thấy hộp đen.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Lo ngại lượng pin của hộp đen thứ hai có hạn, cứu hộ Indonesia dốc sức tìm kiếm Lực lượng cứu hộ Indonesia đang gấp rút tìm kiếm thiết bị ghi âm buồng lái CVR, hay hộp đen thứ hai của máy bay gặp nạn hôm 29/10, vì thời lượng pin phát ra tín hiệu của thiết bị này sau tai nạn có hạn. "Thời lượng pin sẽ chỉ kéo dài khoảng 30 ngày, vì vậy chúng tôi phải làm việc...