Thổ Châu Hòn đảo bị bắt cóc
Tháng 5-1975, lợi dụng quân đội Việt Nam vừa trải qua những trận đánh lớn để thống nhất đất nước, Khmer Đỏ đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Thổ Châu (Kiên Giang).
Cha con ông Tư Sĩ, những người hiếm hoi thoát chết khỏi nanh vuốt Khmer Đỏ – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Trên 500 người dân đảo bị chúng bắt cóc đưa đi biệt tăm. Đã có những trận đánh lớn, đã có cuộc trao đổi với nỗ lực tìm kiếm tung tích những thường dân vô tội này. Nhưng đằng đẵng 41 năm qua, sự thật vẫn chưa được vén màn.
Thổ Châu vốn là vùng đảo hiền hòa, trù phú, là nơi của những người Việt từ khắp nơi tìm về kiếm kế sinh nhai. Thế rồi mọi chuyện thay đổi khi “những người bạn” mà thật ra là “quân phản bội” từ bên kia vùng biển chạy sang chiếm đóng.
Ngày bình yên cuối cùng
Để có những phác họa về một Thổ Châu yên bình trước khi vùng đảo này rơi vào tay quân Khmer Đỏ, chúng tôi đã rong ruổi khắp nơi để tìm lại ký ức của những người từng đến, sinh sống ở đây trong thời gian đó.
Một điều quá khó khi những cư dân từng có mặt trên đảo Thổ Châu trong những ngày yên bình trước biến cố Khmer Đỏ không còn ai trở lại vùng đảo này. Người thì đã chết già, người thì vượt biên sau biến cố, phần lớn đã bị sát hại bởi quân phản bội bạo tàn.
May mắn khi cách nay ít lâu, chúng tôi tìm được gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ (Tư Sĩ), hiện sinh sống tại đảo Hòn Mấu (quần đảo Nam Du, H.Kiên Hải, Kiên Giang). Gia đình ông Sĩ được coi là có “mạng lớn” khi thoát chết bởi quân bắt cóc Khmer Đỏ. Sau đó ông cũng không trở lại Thổ Châu nữa.
Khi chúng tôi hỏi chuyện về hòn đảo thiên đường một thời, mắt ông Nguyễn Văn Toại (54 tuổi), con trai ông Tư Sĩ, như vụt sáng: “Trên đảo giờ dây khoai từ còn nhiều không?”.
Chưa kịp trả lời thì ông đã kể luôn: “Hồi đó Hòn Từ nhiều khoai từ lắm. Dây từ mọc hoang kín các gò đất, gai từ nổi lên trên bề mặt, lội vô là rách cả chân”.
Theo ông Tư Sĩ, tên các hòn đảo trong quần đảo Thổ Châu được người dân gọi theo những đặc điểm rất riêng như: Hòn Từ là hòn có nhiều khoai từ, Hòn Nhạn có nhiều chim nhạn, Hòn Khô chỉ là chỏm đá chơ vơ… Riêng Thổ Châu là hòn đảo có nhiều đất đỏ.
Năm 1971, khi gia đình ông Tư Sĩ rời Hòn Mấu ra Thổ Châu, trên đảo chỉ có vài chục nóc gia. Có nhà gốc từ Cà Mau, từ Rạch Giá ra, có nhà vốn là dân Quảng Ngãi vào…
Video đang HOT
Hồi đó trên đảo chưa có máy phát điện, người dân chủ yếu dùng đèn dầu, mấy gia đình người Quảng Ngãi dùng đèn măngsông. Quanh đảo lúc đó cũng chưa có cầu cảng để cập tàu, người dân phải hùn tiền thuê ngư dân Campuchia qua cặm cây làm cầu để thuận tiện lên xuống.
“Giàu nhất trên đảo lúc đó là ông Chín Hải, dân Quảng Ngãi vô. Ổng làm nghề nuôi và bán đồi mồi. Chỉ có ổng là cất được nhà tường ở dưới Bãi Dong, dân hay gọi là khu nhà tường” – ông Tư Sĩ kể.
Gia đình ông Tư Sĩ khi đã an cư cũng nuôi đồi mồi, nhưng như ông tự nhận là nuôi nhỏ lẻ, không quy mô như ông Chín Hải. Ông Toại góp chuyện: “Hồi đó xài tiền giấy 100 đồng. Đồi mồi bán đo mai, mỗi tấc là 1.000 đồng, con bự ba tấc bán được 3.000 đồng, đủ mua một chỉ vàng”.
Ông Toại kể lúc đặt chân lên đảo Thổ Châu năm 1971, ông mới hơn 9 tuổi. Những năm sau đó, ngoài theo cha ra biển tìm ổ đồi mồi đem về nuôi, ông cùng bạn bè chèo ghe ra các hòn đảo gần đó. Theo ông Toại, trên Hòn Nhạn, ở vách đá phía nam có một hang yến lớn.
Nhưng hồi đó không có phương tiện gì để trèo sâu vô trong, chỉ lấy được ít tổ yến bên ngoài. Còn nhạn thì ôi thôi không tả sao cho xiết.
“Năm 1984 tui đi bộ đội hải quân và có dịp trở lại Thổ Châu đóng quân một thời gian. Sau này giải ngũ không còn dịp trở lại đó nữa” – ông Toại kể.
Cả hai cha con ông Tư Sĩ đều kể trước khi quân Khmer Đỏ đổ bộ, Thổ Châu là một quần đảo rất yên bình. Cho đến trước ngày 30-4-1975, chiến sự hầu như không lan tới nơi hải đảo xa xôi này.
Khi ấy trên đảo chỉ có khoảng một tiểu đội lính hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) và khoảng một tiểu đội địa phương quân.
“Từ bến tàu Bãi Ngự bây giờ đi lên, nhà tui nằm ngay ngã ba chỗ có gốc cây gòn lớn, phía sau là con suối. Còn doanh trại của lính hải quân chính là chỗ sở chỉ huy của trung đoàn 152 hiện nay” – ông Tư Sĩ nhớ lại. Còn theo ký ức của ông Toại, con suối ngày ấy có rất nhiều tôm càng và cá bống.
Theo ông Tư Sĩ, trước giải phóng trên đảo không có trường học, cũng chưa có trạm y tế. Dân bị bệnh thì lên trại lính hải quân VNCH xin thuốc của y sĩ Ngoạc để uống.
Năm 1973, chính quyền VNCH đưa thêm người từ đất liền ra để thành lập xã Thổ Châu và đến năm 1974 thì nhập Thổ Châu vào quận Phú Quốc.
Đảo Thổ Châu trù phú, yên bình hôm nay
Người dân bị bắt cóc
Theo ông Tư Sĩ, hồi đó người dân còn không biết đảo bị quân Khmer Đỏ chiếm. Khi ấy, lực lượng của Pol Pot không nhiều và hầu như không phải tốn một viên đạn nào. “Họ ghé tàu lại và nói là miền Nam giải phóng rồi, hải quân VNCH đã bỏ chạy nên họ giữ đảo giùm.
Người dân tụi tui nghe nói thì tin vậy. Cho đến khi lùa mọi người xuống tàu họ cũng nói là đưa dân vào đất liền cho an toàn nhưng lúc này thì mọi người đã biết là mình bị bắt cóc” – ông Tư Sĩ nói.
Trong lúc chiếm giữ đảo, quân Khmer Đỏ đưa tàu tuần tra xung quanh và bắt giữ hai tàu buôn nước ngoài, buộc neo ngoài khơi Hòn Nhạn đến hai ngày mới thả cho đi.
Mấy ngày sau, xuất hiện vài chiếc máy bay lượn qua lượn lại trên bầu trời không rõ của lực lượng nào nhưng quân Khmer Đỏ liền sau đó bắt dân đào công sự như chuẩn bị chiến đấu.
“Có thể họ sợ bị lộ vụ chiếm đảo nên sau đó mới vội vã lùa dân xuống tàu đưa đi” – ông Tư Sĩ nhận định.
Vợ chồng ông Tư Sĩ và ba người con nhỏ cũng bị lùa đi trong đêm 23-5-1975 đó. Chúng cột xuồng máy của người dân vào tàu lớn để kéo đi.
Tuy nhiên rạng sáng 24-5, bất ngờ sợi dây cột xuồng chở gia đình ông Sĩ bị đứt. Ông liền nổ máy chạy về lại Việt Nam và may mắn thoát khỏi số phận của 500 đồng bào mình.
Chúng tôi hỏi về gia đình của những người dân trên đảo Thổ Chu ngày ấy, ông Tư Sĩ cho hay ông không biết rõ. Riêng có một người là ông Ba Hân (72 tuổi) hiện ở Xẻo Nhàu, huyện An Minh, Kiên Giang, sau này ông có liên lạc được.
Ông Ba Hân xác nhận năm 1971, khi ấy 17 tuổi, trốn quân dịch ra Thổ Chu và ở đậu nhà ông Tư Sĩ.
“Tui trốn ra đó một mình. Sau ngày 30-4 nghe tin miền Nam giải phóng, thấy lính hải quân VNCH vô bờ trình diện nên ngày 10-5-1975 tui cũng quá giang tàu đánh cá tìm về đất liền. Sau này khi gia đình chú Tư Sĩ chạy thoát về kể lại tui mới biết mình đã may mắn vì không ở lại đảo” – ông Hân kể.
“Đầu tháng 5, trên khu vực biển đảo Tây Nam, lợi dụng lúc hải quân VNCH bỏ chạy và tan rã, ngày 3-5-1975, bọn phản động Campuchia do một tiểu đoàn quân Khmer Đỏ đổ bộ lên đảo Phú Quốc của ta.
Nhưng trước khí thế và áp lực của lực lượng cách mạng ở đây, quân Khmer Đỏ buộc phải rút khỏi đảo Phú Quốc.
Sau đó, ngày 10-5-1975, chúng lại lén lút đổ bộ chiếm đóng trái phép đảo Thổ Chu (Thổ Châu), bắt và giết hại hơn 500 đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống trên đảo…”.
(Theo tư liệu lịch sử của Vùng 5 Hải quân)
Theo Tuổi Trẻ
Nhân chứng hãi hùng kể chuyện Khmer Đỏ ăn thịt người
Một nhân chứng từng ngồi tù dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã nói trước toà án ở Phnom Penh ngày 29.2 rằng ông bị ép chứng kiến cảnh hành quyết dã man một phụ nữ.
Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, gồm Nuon Chea (89 tuổi, phải) và Khieu Samphan (84 tuổi) trong phiên xét xử hồi năm 2014 - Anh: Reuters
Ông Meu Peou ngày 29.2 đã kể lại chuyện Khmer Đỏ ăn thịt người trong phiên xét xử tội diệt chủng đối với hai cựu lãnh đạo cấp cao của chế độ tàn ác này, gồm Nuon Chea (89 tuổi) và Khieu Samphan (84 tuổi), theo AFP.
Trước tòa, ông Meu Peou đã khóc khi kể lại quãng thời gian còn là một cậu bé bị giam ở tỉnh Pursat với cáo buộc phản bội Khmer Đỏ vì đã... ăn trộm gạo. Trong trại giam, cậu bé Meu Peou chứng kiến cảnh một người phụ nữ bị hành quyết.
"Cô ta bị buộc cởi hết quần áo và sau đó bị xẻo thịt. Máu chảy lênh láng... Gan của cô ta bị moi ra để nấu ăn", ông Meu Peou nói trước tòa.
Ngoài ông Meu Peou còn có một nhân chứng khác cũng kể lại tội ác ăn thịt người của Khmer Đỏ. Ông Meu Peou cho hay ông mất 17 người thân dưới chế độ Khmer Đỏ.
Có đến 2 triệu người ở Campuchia chết dưới chế độ Khmer Đỏ trong giai đoạn 1975-1979, theo AFP. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Khmer Đỏ đã chết mà không bị xét xử, bao gồm thủ lĩnh Pol Pot chết vào năm 1998, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Thêm một cựu quan chức thời Khmer Đỏ bị buộc tội diệt chủng Yim Tith, cựu quan chức cấp cao thời Khmer Đỏ đã bị cáo buộc tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người, theo Cambodia Daily. Trong giai đoạn Khmer Đỏ cầm quyền từ năm 1975 đến năm 1979, đã có khoảng hai triệu người vô tội bị giết hại - Ảnh: Reuters Báo Cambodia Daily ngày 9.12 đưa tin,...