Thịt lợn nhập khẩu giá 23.000 đ/kg có đảm bảo chất lượng?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, hiện tại, sản lượng thịt nhập khẩu chưa thấy những tác động rõ rệt đối với thị trường trong nước, nhưng về lâu dài cần có giải pháp kiểm soát chặt hơn để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như quyền lợi người chăn nuôi.
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 15%, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu thịt lợn vào các tháng cuối năm. Nhận định của ông về thực trạng này như thế nào?
- Sau khi bùng phát vào đầu tháng 2/2019, càn quét qua các tỉnh, thành, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu dịu bớt ở một số địa phương. Tuy vậy, diễn biến của dịch vẫn còn khá phức tạp, khi dịch không chỉ xuất hiện ở những trại chăn nuôi nhỏ lẻ, mà ngay cả một số trại lớn cũng bị. Tại Đồng Nai đã ghi nhận tình trạng này.
Giá thịt lợn nhập có loại chỉ 23.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc thiếu thịt lợn trong thời gian tới không còn là nguy cơ, mà nó đang dần hiện hữu. Sau nhiều ngày giá giảm thê thảm, hiện, giá lợn hơi đang có những diễn biến khá tích cực. Tại miền Bắc, giá lợn hơi đã trên 45.000 đồng/kg, còn tại miền Nam cũng đã đạt 35.000 đồng/kg. Theo tôi, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá lợn hơi còn tăng cao hơn nữa, có thể đạt 50.000 – 55.000 đồng/kg.
Vấn đề đặt ra là: Làm sao đảm bảo được nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm, tránh tăng giá đột biến.
Trên thực tế, nhận định tình hình thịt lợn sẽ có nguy cơ thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã có chủ trương mở rộng các đối tượng vật nuôi khác để bù lại lượng thiếu hụt từ thịt lợn như chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản. 6 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã làm rất tốt điều này, khi quy mô chăn nuôi gia cầm đã tăng 7,5%, quy mô đàn bò tăng 2,9%. Dự kiến đến hết năm 2019, đàn gia cầm tăng 10%, đàn bò tăng 6,7%, nguồn thiếu hụt từ thịt lợn chắc chắn sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng của người Việt, thịt lợn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu bữa ăn, nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ cao. Do đó, ngoài biện pháp cấp bù thực phẩm khác, phải tìm cách tái đàn để cấp bù đàn lợn đã bị mất do dịch tả lợn châu Phi.
Theo tôi, trong thời gian tới, nếu có chính sách điều hành giá, cộng với tái đàn hợp lý, lượng thịt lợn trong sẽ không thiếu mà giá cả sẽ được cải thiện đáng kể, chắc chắn mức giá trên 50.000 đồng/kg lợn hơi là có thể đạt được.
Mức giá này cũng là hợp lý ở thời điểm này, bởi người nông dân đã quá vất vả chống chọi với dịch, giờ là lúc họ lấy lại những gì đã mất, vì chi phí chống dịch khiến giá thành sản xuất sẽ tăng cao hơn. Hiện, giá lợn hơi của Việt Nam đang thấp nhất khu vực, trong khi giá lợn ở Trung Quốc, Campuchia đều trên 60.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Hiện nay, các địa phương vẫn đang cân nhắc việc khuyến cáo người dân tái đàn lợn sau dịch. Vậy theo ông, làm sao để người dân tái đàn hiệu quả?
- Bộ NNPTNT cũng đã có những quy định rất rõ về tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khu vực vừa bị dịch nhất quyết không được tái đàn ở thời điểm này, chúng ta chỉ nên tái đàn ở những vùng chưa có dịch.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh phải được duy trì ở mức độ cao, không nên quá bi quan, vì hiện tại vẫn còn 85% đàn lợn, cần phải áp dụng tổng lực các giải pháp để duy trì được đàn.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng nghiêm túc các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, bên cạnh đó, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Có một diễn biến đáng chú ý trên thị trường thịt lợn 6 tháng đầu năm 2019 là lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến. Liệu điều này có tác động đến ngành chăn nuôi trong nước không, thưa ông?
- Đúng là 6 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 8.000 tấn. Nếu so sánh con số 8.000 tấn thịt lợn nhập khẩu với sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn thì không phải là con số quá lớn. Những tác động của thịt nhập khẩu lên thị trường thịt lợn cũng chưa rõ ràng.
Nhưng về lâu dài, theo tôi, cần tăng cường kiểm soát lượng thịt lợn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, cộng với độ mở của thị trường ngày càng lớn. Nếu không kiểm soát để nhập ồ ạt, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.
Trong số lượng thịt nhập khẩu, ngoài một số loại thịt cao cấp cũng có một số loại không phải chính phẩm như chân giò, thịt vụn giá rất rẻ, chỉ hơn 23.000 đồng/kg. Điều tôi lo ngại là liệu những sản phẩm thịt nhập có đảm bảo chất lượng không, thời hạn sử dụng như thế nào hay lại là loại cận date. Nếu để những loại thực phẩm này tràn về, không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà sức khỏe người tiêu dùng cũng bị đe dọa.
Điều cốt lõi vẫn là chủ động chăn nuôi trong nước với chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ cho thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo cuộc sống của người chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Thịt thăn lợn, cốt lết lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 16 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM); tương đương 417.000 đồng/kg.
Thịt filet lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 14 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM), tương đương 385.000 đồng/kg.
Chân lợn, tai lợn, đuôi lợn từ Mỹ giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.
Chân giò cắt khúc từ Úc giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.
Phụ phẩm lợn đông lạnh có xương-xương sườn lợn (FROZEN PORK RIBLETS) hiệu Skiba từ Ba Lan giá 1 USD/kg (CIF, cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu), tương đương 23.238 đồng/kg
Theo Danviet
Nuôi lợn an toàn sinh học - "Vũ khí" trong khi đợi vaccine ra đời?
Sáng qua (2/7), Bộ NNPTNT đã tổ chức họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đánh giá mới nhất, kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm và thí điểm trên diện hẹp của vaccine này đều cho thấy rất khả quan.
Đem lại hy vọng cho người chăn nuôi
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay đã tròn 5 tháng kể từ khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại Hưng Yên (1/2/2019). Trên cả nước có khoảng 2,8 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm xấp xỉ 10% tổng đàn, nhưng thực tế có thể nhiều hơn vì việc thống kê hiện nay chưa đo đếm được đến từng hộ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc sáng 2/7. Ảnh: M.H
Theo Bộ trưởng, nguy cơ bệnh dịch vẫn tiếp tục xảy ra, đe doạ tới ngành chăn nuôi. Khi dịch xảy ra, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine.
Một số người cho rằng, đặt ra nhiệm vụ này là bất khả thi trong bối cảnh thế giới gần 100 năm qua chưa nghiên cứu được, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm và đến nay đã đạt được kết quả ban đầu rất tích cực.
Báo cáo về tình hình nghiên cứu bệnh DTLCP, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ NNPTNT giao, ngoài ra còn có 7 đề tài khác do Học viện chủ động thực hiện như thử chế phẩm nano bạc, thử độc lực virus trên lợn... Đáng chú ý, nghiên cứu vaccine vô hoạt đã bước đầu ghi nhận sự thành công.
Theo bà Lan, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vaccine vô hoạt thế hệ mới và bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.
Cụ thể, vaccine thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do DTLCP.
Đánh giá về độ an toàn của vaccine, bà Lan cho biết, vaccine an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% số lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).
"Tuy nhiên với loại vaccine vô hoạt, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NNPTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine DTLCP, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, nhóm nghiên cứu cũng đã chuẩn bị từ 300-500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vaccine quy mô công nghiệp"- bà Lan nhấn mạnh.
An toàn sinh học - vũ khí trước mắt
Ông Trần Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, nếu vaccine nghiên cứu thành công, chắc chắn công ty sẽ sản xuất được. Hiện Navetco cũng đang phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 nghiên cứu giảm độc virus bằng phương pháp truyền thống, cắt bỏ gen... và dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho kết quả cụ thể.
Là một bác sĩ thú y, song đồng thời cũng là một chủ trang trại chăn nuôi quy mô 500 con lợn nái, ông Nguyễn Văn Bách - Tổng Giám đốc Công ty Amavet cho biết, bệnh DTLCP không nguy hiểm với người tiêu dùng, thịt lợn có thể ăn bình thường, nhưng nguy hiểm với các chủ trang trại vì nó có thể làm người chăn nuôi phá sản. Trang trại của ông Bách cũng bị chết 1 chuồng nuôi do nhiễm virus dịch tả, ngay lập tức ông tiến hành tiêu hủy triệt để lợn bị bệnh, cách ly đàn lợn, phun sát trùng đúng cách, đúng liều lượng và sử dụng sản phẩm Kangjuntai - một chất kháng khuẩn, kháng virus nhằm ức chế và kìm hãm sự nhân lên của virus (trộn đều vào thức ăn).
"Kết quả cho thấy, đàn lợn còn lại vẫn phát triển khỏe mạnh. Trong lúc chưa có vaccine, chúng tôi cố gắng tìm cách sống chung với dịch. Muốn kiểm soát được dịch, phải hiểu được đặc điểm mạnh - yếu của virus, hiểu được con đường truyền lây, nhất là chủ trang trại, công nhân chăn nuôi phải thực hiện thận trọng, tỉ mỉ, kiểm soát từng bước mới thành công"- ông Bách nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết: Qua nghiên cứu các mô hình thí điểm, cho thấy việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh DTLCP. Thực tế chăn nuôi sinh học còn cho chất lượng thịt rất tốt, giảm chất thải ra môi trường. "Trong khi chờ vaccine thì người chăn nuôi có thể áp dụng mô hình An toàn dịch bệnh an toàn sinh học chế phẩm vi sinh. Tuy nhiên phải làm căn cơ bài bản mới có hiệu quả" - ông Dương khẳng định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đang có kết quả bước đầu về vaccine nhưng không được chủ quan. Cần tiếp cận nghiên cứu theo hướng sáng tạo nhất, và mở thêm các hướng nghiên cứu khác. Phải nghiên cứu theo hướng những cá thể tồn tại có thể thích ứng được với virus hay không? Như trường hợp con gà rù, virus bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể con gà nhưng không chết, vẫn sinh trưởng bình thường...
Theo Danviet
Tìm sinh kế mới cho nông hộ trắng tay sau dịch tả lợn châu Phi Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tái cơ cấu đàn lợn thì chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ cũng là một giải pháp. Chúng ta đang tìm sinh kế mới cho người nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công. Tuy...