Thịt lợn biến thành đặc sản… rắn Lệ Mật
Đã từ lâu, làng Lệ Mật (thuộc quận Long Biên, Hà Nội) đã nức tiếng cả nước với đặc sản rắn. Tuy nhiên, các thượng đế “thịnh” rắn không hề biết rằng mình đã “ăn quả lừa” bởi những độc chiêu “hô biến” thịt lợn thành… đặc sản rắn vô cùng tinh vi…
Lãi trăm triệu đồng/ngày nhờ kinh doanh rắn
Trong một cuộc “trà dư, tửu hậu”, anh L.V.P. (quê ở Bắc Giang) đảm trách công đoạn sơ chế (giết mổ, làm thịt rắn) lâu năm tại một nhà hàng chuyên về ẩm thực rắn có tiếng ở làng Lệ Mật (thuộc quận Long Biên, Hà Nội) đã “bật mí” những “thủ thuật” của các chủ nhà hàng nơi đây để rút tiền từ hầu bao của các thực khách mê đặc sản rắn.
Anh L.V.P. cho biết anh đã làm việc này được hơn hai năm. Hàng ngày, việc chính của anh là nhập rắn cho chủ nhà hàng và phân loại rắn. Anh P. kể: “Hầu hết các loại rắn đều được nhập từ các mối hàng lâu năm ở các tỉnh khác. Hàng nhập thường có hai loại là rắn “xịn” và rắn thường. Rắn “xịn” là các loại rắn quý hiếm, có giá trị cao. Rắn thường là những loại rắn rẻ tiền hoặc rắn chết. Giá trị hai loại rắn này chênh lệch nhau rất lớn. Theo anh P., số lượng rắn được sử dụng trong các nhà hàng rất nhiều, thường dao động ở mức 80%. Rắn “xịn” như hổ mang, rắn ráo, rắn ráo rừng, rắn ráo thùng, cạp nong, cạp nia, có giá từ 100 – 250 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá rắn thường chỉ từ 5.000 – 15.000 đồng/kg, tùy loại. Trong quá trình chế biến, các chủ nhà hàng sẽ tiến hành pha trộn hai loại này với nhau nhằm thu được lãi cao nhất.
Tùy theo giá trị của đơn hàng, rắn “xịn” và rắn thường sẽ được chế biến theo những công thức và tỉ lệ khác nhau. Thông thường, các nhà hàng chế biến rắn cả con, khi khách hàng có nhu cầu ăn rắn thì sẽ có khoảng 10 món được chế biến như: Súp, cháo, xôi, xào, nướng, chả, nem, da, xương, xay. Nhờ thực đơn “phong phú”, chủ nhà hàng vừa có cơ hội “tống tiễn” được nhiều hàng tồn kho vừa được dịp “hốt tiền” từ mác rắn “xịn”. Tùy từng loại rắn, giá của thực đơn gồm 10 món nói trên sẽ dao động từ 1,5 triệu đồng đến gần chục triệu đồng!
Khách hàng nào gọi riêng từng món, chủ nhà hàng càng có cơ hội để “chém” giá cao. Giá các món gọi riêng thường từ 100 – 150 nghìn đồng. Nhưng như anh L.V.P. cho biết, số tiền lãi này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hóa đơn đặt nguyên con. Thông thường ở các nhà hàng tại Lệ Mật, số hóa đơn đặt riêng món là rất ít bởi thực khách đến đây chủ yếu là đi theo nhóm hoặc cơ quan và họ hay gọi món theo từng loại rắn.
Các món ăn thường có trong thực đơn của các nhà hàng chuyên kinh doanh đặc sản thịt rắn
Đặc biệt là với khách mua rắn còn sống, chủ nhà hàng lại càng “đẩy” giá lên cao hơn nữa. Theo anh L.V.P., làng Lệ Mật có truyền thống nuôi rắn từ lâu đời nhưng đến nay số lượng hộ nuôi rắn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Họ nuôi theo hình thức trang trại nên chỉ bán buôn cho nhà hàng chứ không bán lẻ. Vì vậy, nếu có nhu cầu mua rắn còn sống, khách hàng chỉ có thể đến hỏi các nhà hàng. Vì nguồn cung hạn hẹp như vậy, các nhà hàng tha hồ “hét” giá cao hơn giá nhập từ 2 – 4 lần.
Video đang HOT
Theo thường lệ thì cách 1, 2 ngày, anh L.V.P. phải nhập rắn cho nhà hàng một lần. Mỗi lần dao động từ 60 – 70 con trong đó có từ 40 – 50 con là rắn thường và rắn chết. Những ngày lễ tết thì số lượng rắn nhập về có thể tăng lên gấp rưỡi. Do vậy, nếu muốn lấy nhiều, chủ nhà hàng phải đặt số lượng trước cả tháng với các đầu mối.
Có cơ hội tiếp xúc với H.H., một đầu bếp chuyên chế biến món về rắn cho các nhà hàng, chúng tôi được anh cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi phải chế biến từ 20 – 40 con rắn, sau khi trừ các chi phí như gia vị, đồ nấu, chủ nhà hàng có thể lãi từ 500 – 3 triệu đồng/con. Như vậy, ngoài tiền công phải trả cho nhân viên, số lãi trong ngày lễ tết phải lên tới gần trăm triệu đồng/ngày”.
Theo khảo sát của PV, mức lương trung bình của nhân viên ở các nhà hàng này tương đối thấp, chỉ dao động từ 2 triệu đồng/tháng cho nhân viên lễ tân và chạy bàn, 3-4 triệu đồng/tháng cho nhân viên sơ chế. Lương dành cho người đứng bếp cũng chỉ từ 4 – 7 triệu đồng. Trung bình, mỗi nhà hàng thường có từ 20 – 40 nhân viên (đối với nhà hàng lớn…).
“Thủ thuật”… móc hầu bao thực khách
Theo tìm hiểu của PV, đầu bếp ở đây không chỉ giỏi chế biến mà phải nắm vững tỉ lệ chế biến giữa thịt rắn “xịn” và thịt rắn thường và… thịt lợn. Những loại rắn quý chỉ được dùng ở mức… hạn chế và người đầu bếp phải căn chỉnh thích hợp để “làm giả mà y như thật” được đúng món rắn khách hàng yêu cầu. Anh H.H. chia sẻ: “Người đầu bếp phải rất rành nghề thì mới có thể vừa làm hài lòng chủ vừa làm hài lòng khách hàng. Với thực đơn làm cả con thì chủ nhà hàng sẽ là người đo tỉ lệ pha chế. Theo đó, đầu bếp không được tính toán, phải thực hiện đúng tỉ lệ thịt của chủ nhà hàng đưa ra mà vẫn đảm bảo được mùi vị món ăn theo đúng yêu cầu của cả khách và chủ.
Công thức chung được sử dụng ở hầu hết các nhà hàng tại làng Lệ Mật là 50% thịt rắn “xịn” cộng với 50% thịt rắn thường. Đối với các món súp, cháo, nem, da thì lượng rắn thường, rắn chết có thể lên tới… 100%. Với một số món có giá trị, đầu bếp sẽ điều chế lượng thịt rắn giả lẫn với rắn “xịn”, khi lên món, khách hàng dù sành ăn đến mấy cũng khó nhận ra được điều này. Điển hình là với món lòng rắn hổ mang xào dứa thì lòng rắn được dùng lại là rắn ráo (rắn ráo có giá 300.000 đồng/kg, trong khi đó rắn hổ mang có giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg). Món bánh xương rắn (xương rắn xay nhừ và chiên vàng ăn với bánh đa) là món dễ bị làm giả nhiều nhất. Người đầu bếp có thể dễ dàng chế biến bằng xương rắn nước (có giá 5.000-7.000 đồng/kg) thay cho tất cả các loại rắn quý có trong thực đơn của nhà hàng. Công thức cho món này là 1kg rắn nước cộng thêm 4 lạng thịt lợn nạc sẽ chế được hàng “chuẩn của chuẩn”.
Đặc biệt là với món nem rắn, người đầu bếp có thể dùng thịt lợn nạc và các gia vị để đánh lừa vị giác của thực khách. Anh H.H. cho hay: “Trong món nem rắn thì chỉ cần có hành củ là đã thành công một nửa. Hành củ có tác dụng át hết các mùi vị khác nên người ăn sẽ khó có thể nhận biết đó thịt rắn thật hay thịt con gì…”.
Da rắn vốn rất là món “khoái khẩu” đối với nhiều thực khách nhưng nếu không tinh, thực khách dễ “xơi phải quả lừa”. Có tới hai loại công thức để chế biến món da rắn. Đối với khách vãng lai thì đầu bếp sẽ làm toàn bộ bằng da rắn nước, còn với khách “ruột” sẽ được “hậu đãi” với công thức làm là 50% da rắn sống và 50% da rắn chết. Da rắn khi được sơ chế và ướp gia vị ứng với từng loại rắn nên có mùi vị đặc trưng của từng loại. Do vậy, dù là người sành ăn thịt rắn cũng khó nhận biết được.
Một món ăn từ rắn được coi là bài thuốc chữa bệnh và được nhiều người săn lùng thường xuyên ở nhà hàng là mật rắn hổ mang cũng bị các chủ nhà hàng đánh tráo. Các chủ nhà hàng thường thu thập mật rắn ráo có kích thước và hình dạng gần giống với mật rắn hổ mang bán cho khách. Phần mật rắn hổ mang thật được họ giữ lại để bán cho các đại gia khi tới nhà hàng với giá gấp đôi so với giá thị trường. (Giá thị trường của mật rắn hổ mang là 150 nghìn đồng).
Anh H.H. cũng cho biết thêm: “Ngay cả đối với những khách hàng kỹ tính nhất muốn tận mắt được nhìn khâu giết mổ nhưng cuối cùng, vẫn phải ăn thịt rắn chết. Bởi tuy khách hàng đã tận mắt nhìn thấy nhân viên giết mổ xong con rắn nhưng đến lúc chế biến, phần thịt tươi sống vừa được làm sẽ được… đưa vào tủ lạnh bảo quản và lượng thịt rắn chết được ủ trong tủ lạnh hàng tháng sẽ được đưa ra thay thế. Lượng thịt tươi chỉ mang tính chất “tô điểm” hương sắc cho mùi vị món ăn thêm hấp dẫn mà thôi”.
Theo 24h
Một lần thử đi chợ rắn
Đã từ lâu nghe nói về chợ Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều loại thủy sản đặc trưng vùng sông nước Cửu Long, nhưng vẫn chưa thể hình dung ra sự quy mô của nó nếu không một lần mục sở thị.
Được Hai Cẩn, một người bạn nhà ở Tam Nông (Đồng Tháp), mời về quê anh chơi, chúng tôi rất tò mò muốn biết về cái xứ Tràm Chim ra sao. Hơn nửa ngày đường lặn lội từ TP.HCM, tới Tam Nông cũng đã xế chiều, trong đó mệt nhất là đoạn đường gồ ghề gần 40km từ thành phố Cao Lãnh về thị trấn Tràm Chim. Gặp nhau, Hai Cẩn hồ hởi bảo: "Xế chiều rồi, mấy ông vào rửa mặt, rửa tay cho mát, nghỉ ngơi chút. Tui biểu vợ tui mần mấy con rắn ri cá bọn mình lai rai. Sáng sớm mai tui dẫn mấy ông đi xem chợ rắn".
6 giờ sáng, Hai Cẩn dẫn chúng tôi thăm "chợ rắn" ngay trung tâm thị trấn Tràm Chim. Tên đầy đủ là chợ thực phẩm Tam Nông, nhưng nổi tiếng về rắn. Ngoài ra, chợ còn bán các loại chim trời, cá nước, toàn loài hiếm thấy ở các vùng khác như chích cồ, cúm núm, vạc... và cả rùa, chuột đồng nhung nhúc trong lồng sắt.
Khi chúng tôi tới, chợ rắn nhộn nhịp người mua, kẻ bán nhưng Hai Cẩn cho biết: "Mình đến giờ này là hơi muộn rồi. Khoảng 5 giờ sáng là mấy thương lái đã đến đây mua rắn, chim, rùa để giao cho các mối hàng ở xa". Anh dắt chúng tôi đến vựa rắn của bà Tám, một người có thâm niên chục năm buôn bán rắn ở chợ này, nên có biệt danh Tám "rắn".
Ở vựa rắn của bà Tám, phía trước là một dãy bể kính với rất nhiều rắn sống đủ kích cỡ, từ loại rắn chỉ to bằng ngón tay. Bể kính có chiều dài gần 3m, cao khoảng 50cm và được chia thành 3 ngăn. Hỏi chuyện, bà Tám, cho biết bà chỉ mua bán chủ yếu các loại rắn như: ri cá, ri voi, bông súng... Mỗi ngăn để các con rắn có cùng kích thước chứ không phân loại rắn gì. Xung quanh thấy rất nhiều thùng bằng tôn hoa được đậy kín.
Chỉ vào một thùng, bà Tám cho biết đây là các thùng đựng rắn ri voi có trọng lượng trên 1kg/con. Loại rắn này bán chậm tại đây, nhưng các thương lái từ TP.HCM rất thích, nên bà phải gom hàng từ khắp nơi mới đáp ứng được nhu cầu. Mỗi ngày bà bán được vài trăm ký rắn các loại, trong khi cái chợ này có cả chục hộ kinh doanh rắn như thế. Rắn ri voi thì có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/kg tùy theo trọng lượng. Còn mấy loại rắn nước khác có giá từ 100.000 - 400.000 đồng/kg.
Lột da rắn
Theo nhiều hộ kinh doanh rắn tại đây, nguồn rắn được đưa từ Campuchia qua cũng nhiều và từ người dân đi săn bắt quanh khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim cũng có. Cứ vào khoảng 4 - 5 giờ sáng, những chủ vựa rắn bắt đầu thu mua tấp nập và bán ngay sau đó cho các thương lái.
Về đồng bằng sông Cửu Long mà không biết đến những món khô nổi tiếng như: khô cá lóc, cá sặt, mắm cá trèn, mắm cá linh... thì coi như chưa biết đến vùng đất chín rồng. Tuy nhiên, ở Tam Nông lại có một món khô "độc nhất vô nhị" đó là món khô... rắn.
Anh Trần Văn C., con bà Tám "rắn" cho biết: một ngày vựa anh thu mua hàng trăm ký rắn từ khắp nơi đổ về, kể cả từ Campuchia qua, nên cũng có một phần rắn bị thương, bị ngộp không thể bán tươi được. Cách duy nhất để gỡ vốn đó là chế bến thành khô rắn. Để có được một ký khô rắn, phải cần đến 10 ký rắn tươi.
Phía sau nhà anh C., là một thùng đựng rắn vừa mới chết gần 50kg, đang chờ hai thợ chế biến lột da lấy thịt và xương đem ướp muối. Sau đó phơi nắng và công đoạn cuối cùng là tẩm ướp gia vị, sấy khô. Còn phần da rắn sẽ bán lại cho các cơ sở sản xuất phân bón và làm thức ăn cho cá. Hiện nay, món khô rắn với thương hiệu Tám "rắn" được bán tại chợ Tam Nông với giá từ 350.000 đồng/kg khô thịt và 100.000 đồng/kg khô xương. Anh C. cười nói: "Khô rắn nhà tui nổi tiếng nhất huyện Tam Nông. Số lượng khô rắn làm ra không nhiều. Tính sơ sơ mỗi tuần chỉ làm được 50 - 60kg khô nên có bao nhiêu là bán hết luôn".
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi được anh C. khoản đãi món lẩu rắn bông súng, rắn ri cá và cả món khô rắn "chính hiệu". Anh cho biết khách phương xa biết tiếng thịt khô rắn ngọt, vừa dai, vừa mềm nên đến tìm mua nhưng toàn là mua phải khô rắn làm giả từ thịt trăn.
Ở Tam Nông, mùa nước nổi, nhà nông trồng lúa phải "trông đứng, trông ngồi" vì sợ ruộng đồng ngập úng, mất mùa. Nhưng thiên nhiên lại "ban tặng" cho người dân nơi đây những sản vật như: rắn, rùa, lươn, ếch, cá, chim... Mùa nước nổi, người dân đi săn bắt rắn, rùa một đêm, có người kiếm được gần 2 triệu đồng là chuyện bình thường. "Bây giờ, đêm nào cũng có khoảng 20 thợ vào Vườn quốc gia Tràm Chim để bắt rắn, rùa và các loài chim nước để bán cho thương lái trong vùng. Loài nào có giá trị, có nguồn tiêu thụ, là bắt hết. Bởi vậy, mấy ông thích ăn các loại chim trời, rắn, rùa cỡ to, cỡ nhỏ gì ở đây cũng có". - anh C. nói.
Anh C. bước vào trong nhà và đem ra mấy quả trứng chỉ bằng nửa quả trứng gà khoe với chúng tôi. Đây là trứng rắn hổ mang quý hiếm, các ông là khách quý nên tôi mời mấy ông ăn thử. Theo anh C., "chỉ gia đình nào kinh doanh rắn thì mới có trứng rắn ăn thôi. Món "độc" này đi tìm mua chẳng có đâu".
Nhìn số lượng rắn, rùa và nhiều loại động vật khác thu mua về chợ Tam Nông rồi phân phối đi khắp các nơi hàng ngày, giật mình không biết cảnh "chim trời cá nước" liệu còn kéo dài được tới bao giờ? Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang làm đề án về phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Đó mới là phương cách hay nhất để giải quyết được vấn nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã ở đây. Bởi chỉ có phát triển du lịch để giải quyết việc làm cho người dân, thì mới giữ được hàng trăm loài động vật hoang dã quý hiếm đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long này". Theo ông Hùng, đề án này có thể được UBND tỉnh Đồng Tháp trình Bộ NN&PTNT phê duyệt trong năm 2013, lúc đó chúng tôi mới có kinh phí để triển khai.
Rất hy vọng một ngày không xa, khi trở lại Tràm Chim chúng tôi sẽ không còn phải chứng kiến cảnh mua bán tấp nập động vật hoang dã ở chợ huyện như thế này nữa.
Theo 24h
Thịt rắn bổ âm hay bổ dương? Trong nhiều bài thuốc Đông y, cổ phương đã dùng rắn điều trị một số bệnh với nhiều loại chế phẩm khác nhau. Thịt rắn thường gọi là xà nhục Thịt rắn ngon và lành hơn thịt gà, có vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính âm, có tác dụng khu phong, giảm đau, trừ thâp, được dùng dưới dạng món ăn - bài...