‘Thịt kho tàu má nấu là món tết vô địch của tôi’
Tôi chưa thấy có công thức nào “chuẩn” cho món thịt kho tàu. Nhưng món thịt kho tàu má làm luôn là món ngon nhất, vô địch với tôi.
Thịt kho tàu với ước thịt màu vàng óng như mật ong, trứng vịt màu đỏ au
Có lẽ ngoài mùi vị tuyệt vời của nó, món này còn chứa đựng bao tình thương của má tôi dành cho cả nhà.
Nếu có ai hỏi món ăn nào ngày tết tôi cảm thấy ngon nhất, chắc chắn câu trả lời là: thịt kho tàu do chính tay má nấu, dù má tôi mất đã rất lâu. Tôi luôn nhớ mãi ngày xưa (và nay cũng vậy) vào dịp tết đến, xuân về, các món ăn như bánh tét, dưa món, củ kiệu… là những thứ không thể thiếu trong gia đình tôi.
Chừng như thành thông lệ cứ đến cận tết, bất kể chuyện gì xảy ra, nhất định má lại làm món thịt kho tàu. Cái tên “thịt kho tàu” dễ khiến nhiều người chúng ta cho là món ăn bắt nguồn từ bên…Tàu, nhưng sự thật không phải vì đa số người Tàu không “hảo” món này.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc giải thích: chữ “tàu” trong thịt kho tàu nói theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt”, ví dụ sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy, thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Tàu, mà đơn giản là món thịt kho lạt.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng từng nói: “Món thịt kho “tàu” hóa ra lại là “ta” hoàn toàn, món Việt trăm phần trăm!”.
Thịt kho tàu thường được nấu như món ăn dùng lưu trữ dài ngày dịp Tết. Làm món này không khó, nhưng để nấu ngon cũng không dễ. Phải làm sao cho miếng thịt mềm nhừ mà không nát, không bị quắt, màu thịt ánh lên màu cánh gián, trứng vịt thấm đẫm nước thịt mà không đen, nước thịt vàng trong, không quá nhiều nước nhưng cũng không quá cạn làm khô miếng thịt. Mỗi khi ăn có thể mang ra đun lại, càng nhiều lần thịt càng rục, càng ngon…
Má tôi kể về làm của bà: Muốn món thịt kho tàu thật ngon, phải chọn được phần thịt heo ngon là thịt nách, rõ 3 chỉ, không nhiều mỡ, không quá nạc, màu tươi hồng, ngửi miếng thịt sống nghe thơm.
Thịt rửa qua với nước, xắt miếng vừa ăn, ngang cỡ hai đốt ngón tay, ướp sơ hành, tỏi, ớt, muối chút đường.
Trứng vịt tuyệt đối không mua trứng ung, thối. Trứng mang luộc chín, để vào nước lạnh sẽ dễ dàng bóc vỏ và không bị nứt. Bóc vỏ trứng, lấy cây tăm đâm vào trứng rồi đem đi chiên sơ qua dầu cho có màu vàng đẹp.
Video đang HOT
Bắc nồi lên bếp, để lửa to, cho thịt đã ướp vào đảo đều, chờ thịt bắt mùi thơm và ra mỡ. Khi thấy thịt ra đều mỡ và chuyển màu thì cho chút nước mắm, tiếp tục đảo cho thịt ngấm. Sau đó tạm nhắc nồi xuống để một bên.
Tiếp theo là chưng nước hàng: muốn thịt kho tàu đẹp mắt, không dùng nước hàng bán sẵn ở chợ mà nên tự làm. Đặt chảo nóng trên bếp, cho chút đường cát vào đảo đều, chờ chuyển dần màu. Chuẩn bị sẵn chén nước, khi thấy nước hàng chuyển sang màu cánh gián, nhanh tay đổ nước vào, vẫn đảo đều để đường không vón cục.
Nước hàng đun sôi xong rồi chắt vào nồi thịt, đảo đều. Tiếp đó đổ nước dừa xiêm ngang mặt thịt, lưu ý để nhỏ lửa. Cuối cùng cho trứng vịt đã chiên vào khi nước sôi, và nấu sôi thêm 2-3 dạo. Nêm nếm thử thấy vừa ăn.
Món thịt kho tàu sau khi nấu chín thì toàn bộ trứng phải nổi lên mặt nước. Nước thịt màu vàng óng như mật ong. Trứng vịt màu đỏ au. Món ăn phải vừa miệng, không quá mặn hoặc quá nhạt.
Má tôi hay dặn những khi múc thịt ra dùng, chỉ nên múc một bên và múc xong thì đậy ngay nắp lại để tránh “hôi gió”, không bị thiu. Mỗi lần hâm lại thịt cần vớt sạch bọt. Nếu thấy nước cạn, cho thêm chút nước lã vào rồi nếm lại cho vừa ăn. Như vậy sẽ bảo quản tốt món thịt kho tàu và mỗi lần thưởng thức, hương vị không giảm đi.
Thưởng thức món thịt kho tàu có nhiều cách. Có người thích kiểu ăn thịt kho tàu với bánh tráng như một món ăn chơi. Chiếc bánh tráng gạo mỏng nhúng sơ qua nước, gói cùng ít rau thơm, đồ chua, kèm thịt và trứng đã cắt nhỏ, chấm một ít nước thịt ăn khá hấp dẫn.
Phổ biến nhất là dùng với cơm. Bới một tô cơm nóng, chan ít nước thịt, cắt trứng ra, bỏ thịt và trứng vào và dùng chung với dưa giá, củ kiệu hay dưa cải chua sẽ thưởng thức trọn vẹn hương vị của món thịt kho tàu không gì sánh bằng.
Tôi nhớ mãi cứ mỗi lần làm món thịt kho tàu, má tôi vẫn hay làm nhiều thịt và nhiều nước, để sáng hôm sau mấy cha con chúng tôi cùng điểm tâm với bánh mì nữa…
Thịt kho tàu là món ăn hiếm hoi xuất hiện trong cả thực đơn hàng ngày lẫn mâm cỗ tết. Với thịt, trứng, vị đậm đà, màu sắc bắt mát, món ăn này mang đến sự ấm cúng, sum vầy. Sự hòa hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui.
Theo Tuoitre
Những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung, nhắc thôi đã thấy nhớ quê nhà
Mâm cỗ ngày Tết của 3 miền đều mang những nét đặc trưng riêng của từng vùng miền, không hề giống nhau. Vậy hãy cùng khám phá xem những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết của người dân xứ Trung có gì đặc biệt?
Khác hẳn với miền Nam và miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết miền Trung mang đậm hương vị của một miền đất cằn cỗi với khí hậu khắc nghiệt và thể hiện được sự chăm chỉ, cần cù chịu thương chịu khó của người dân miền Trung. Dẫu quanh năm gặp nhiều khó khăn từ thiên tai bão lũ nhưng mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây vẫn luôn được bày biện đủ đầy với mong muốn có một cái Tết sung túc để cầu cho một năm mới "mưa thuận gió hòa". Vậy thì trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung sẽ có những món ăn gì?
Bánh tét
Bánh tét thì miền Nam cũng có, thế nhưng nếu có dịp ghé, bạn sẽ thấy món ăn ngày Tết không thể thiếu này ở miền Trung lại bình dị đến mức khó tưởng. Không quan trọng nhiều màu sắc, đôi khi cũng chẳng cần có nhân, bánh Tét miền Trung chỉ cần đôi ba lon nếp, một ít lá chuối xanh, ít muối, ít tiêu cũng đủ làm nên hương vị Tết.
Nguyên liệu càng đơn giản, không có nhân thì bánh sẽ càng giữ được lâu. Chẳng thế mà, mỗi gia đình miền Trung chỉ làm dăm ba đòn bánh Tét có nhân, còn lại để không, ra năm chiên giòn rụm ăn kèm vài lát dưa món, chẳng mấy chốc mà hết cả đòn...
Thịt ngâm nước mắm
Sau bánh tét thì mâm cỗ miền Trung còn có món thịt heo ngâm nước mắm được cắt lát mỏng ăn kèm. Thịt heo ngâm nước mắm thơm ngon đậm đà, tốn khoảng 3 ngày để làm, vì vậy người dân miền Trung thường làm chuẩn bị trước cho thịt heo ngấm đậm gia vị. Được chế biến từ thịt heo luộc trong nước mắm pha đường, sau đó cho thịt luộc vào trong hũ thủy tinh, đổ nước mắm vào cho ngập thịt, thêm vài củ hành nướng sơ qua vào cho thơm, để 3 ngày là ăn được.
Món ăn giản dị này chắc chắn chỉ có thể ở trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung mà thôi. Đặc biệt, vị mặn của món thịt heo kết hợp với dưa món, hay cùng bánh tráng thì càng hấp dẫn hơn. Đây cũng là một trong những món ăn mà những người con của dải đất miền Trung cực kì yêu thích mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Chả bò/Giò bò
Tiếp theo một món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung chính là chả bò tiêu sọ, những khoanh chả bò nâu đỏ, xen lẫn là những hạt tiêu sọ đen. Món ăn có mùi thơm đặc trưng này "sở hữu" tất tần tật các vị mặn, ngọt, giòn, dai hòa quyện với mùi cay nồng đặc trưng của tiêu đen, để lại dư vị không thể nào quên nếu đã từng được nếm thử. Chả bò tiêu sọ có thể ăn kèm với hành tươi, rau thơm hoặc ăn cùng với bánh mì đều rất ngon.
Nem chua
Nem chua được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn với bì, gia vị, tỏi thái lát, lá đinh lăng hoặc lá ổi rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Nem chua có vị chua thanh, giòn cay khiến cho thực khách ăn một rồi lại muốn ăn nhiều thêm nữa. Khi khách đến nhà chơi thăm hỏi vào dịp Tết, người miền Trung thường mời khách vài ly rượu nhâm nhi cùng nem chua là không gì bằng.
Dưa món
Dưa món gần như là món ăn quốc dân trong ngày Tết đâu đâu cũng có. Thế nhưng phải chăng dưới cái nắng gay gắt của miền Trung mà nguyên liệu làm dưa món giòn dai và cay nồng hơn bất cứ đâu, hay chăng đó là sự ưu ái riêng cho mảnh đất đầy nắng gió này. Đúng là món này ở đâu cũng có, ở đâu cũng làm được nhưng cái vị riêng biệt của dưa món miền Trung chắc chẳng đâu sánh được.
Dưa món được làm từ đu đủ xanh, cà rốt, hành kiệu, ớt, tỏi... ngâm với nước mắm ngon được ăn kèm với bánh tét, nhất là bánh tét chiên giòn rụm.
Các món bánh
Trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung không thể thiếu các loại bánh đặc trưng của từng vùng như bánh tổ (Quảng Nam), bánh in (Bình Định, Quảng Ngãi), bánh phu thê (Huế)... Một trong số đó phải kể đến bánh tổ, đây là một món bánh khá đặc biệt, là sự kết hợp hòa quyện của gạo nếp, đường đen và mè. Bánh tổ thường được làm nhiều một lúc để sử dụng dần, và nó chỉ xuất hiện vào những ngày cận kề Tết. Khi ăn thì có người thích cắt ra từng miếng, ăn ngay, còn có người nướng trên bếp than cho mềm hoặc chiên cùng với dầu cho ngon.
Theo Khampha
Bí quyết để mâm cơm Tết ngon miệng, không lo ngán Bữa cơm ngày đầu năm với đầy đủ các món ăn dinh dưỡng, thơm ngon và lạ miệng sẽ mang đến một khởi đầu may mắn cho cả gia đình. Sau một năm cũ bận rộn với công việc riêng, những ngày đầu tiên của năm là thời điểm bạn trở về, quây quần bên gia đình. Khởi động năm mới bằng một...