Thiếu thị trường, nông dân không mặn mà với sản xuất hữu cơ
Tuy giá trị sản phẩm cao hơn nhưng năng suất kém, thời gian đầu phải bù lỗ nên nhiều nông dân không muốn làm sản phẩm hữu cơ.
“Khi chúng tôi đến đặt hàng hợp tác xã cung cấp nguyên liệu hữu cơ, họ muốn công ty cam kết tiêu thụ hết nông sản bên cạnh vấn đề giá cả. Bởi nếu không bán hết cho chúng tôi, họ không biết bán cho ai” – ông Trần Hoàng Ý, Giám đốc Công ty xuất khẩu điều Việt Hàn, có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước chia sẻ tại hội thảo Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM sáng 21/9.
Chia sẻ của ông Ý cũng là ý kiến được nhiều người tham dự hội thảo đồng tình. Một cán bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên cho biết bà con nông dân địa phương nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ nhưng không làm được vì lo lắng về đầu ra, không biết bán cho ai, không có thị trường.
Chị kể một người bạn của chị ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rất tâm huyết với cà phê hữu cơ, đã mất 4 năm đầu tư vào đây nhưng sản lượng giảm đi một nửa so với trồng thông thường. Giá cà phê hữu cơ được chị bán tăng gấp ba lần, nhưng chủ yếu chỉ có thể bán lẻ, cho người quen. Thực tế vẫn có lãi hơn nhưng rất manh mún.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San.
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, hiện nay 85% sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ qua kênh bán lẻ và người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ Việt Nam chủ yếu sống tại Hà Nội và TP.HCM. Mỗi năm người tiêu dùng cả nước chi khoảng 500 tỷ đồng cho sản phẩm hữu cơ, riêng hai thành phố lớn này đã là 400 tỷ đồng (80%). Vì sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn hẳn sản phẩm trồng trọt chăn nuôi thông thường, khoảng 1,5 – 2 lần, nên kén chọn người tiêu dùng. Hiện chỉ có 15% chợ, 30% trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc kinh doanh sản phẩm hữu cơ.
Với nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ, thị trường đầu ra chủ yếu là nước ngoài chứ không phải trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San tại Đồng Nai – một doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều sản phẩm hữu cơ ra nước ngoài (hồ tiêu đi châu Âu, ca cao đi Nhật…) cho rằng, các nông dân của ông hoàn toàn có thể cung cấp sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng trong nước, nhưng vấn đề là người tiêu dùng trong nước có sẵn sàng trả gấp đôi tiền để mua một sản phẩm chất lượng tốt hơn nhưng mẫu mã không đẹp bằng? Hay như bưởi da xanh hữu cơ, hương vị không khác bưởi bình thường, vậy ai sẽ trả thêm 50% chi phí đầu vào cho sản xuất hữu cơ, ai sẽ trả tiền cho môi trường?
Việt Nam có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… đến các thị trường Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Hong Kong.
Tuy nhiên, mỗi thị trường lại đòi hỏi một chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau, và cũng không chấp nhận giấy chứng nhận của Việt Nam vốn dành cho thị trường trong nước. Đó cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi muốn xuất khẩu và phát triển sản phẩm hữu cơ.
Video đang HOT
Đầu ra cho các sản phẩm hữu cơ còn hạn chế. Ảnh: I.T
Đầu ra hạn chế, vốn đầu tư nhiều, gồm đầu tư cải tạo đất (vì qua một quá trình phát triển công nghiệp hóa đô thị hóa, đất đã bị nhiễm nhiều hóa chất thuốc bảo vệ thực vật), đầu tư cho tư vấn và xét nghiệm các mẫu đầu vào để có được giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ, nên nhiều doanh nghiệp và người nông dân không mặn mà với sản xuất hữu cơ.
Mặc dù 40 tỉnh thành trồng trọt hữu cơ, nhưng tổng diện tích sản xuất hữu cơ chỉ chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước. Chỉ có 24 tỉnh có chăn nuôi hữu cơ, thậm chí chỉ có 4 tỉnh nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Lợi ích của sản xuất xuất hữu cơ (với các sản phẩm phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen, không sử dụng thuốc diệt cỏ) là không thể phủ nhận: không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn đảm bảo môi trường phát triển bền vững.
Để nông dân thực sự tâm huyết với sản xuất hữu cơ, ông Luân cho rằng cần có thị trường, đầu ra sản phẩm phải được đảm bảo. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của nông dân về môi trường cũng như nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ.
Ông Luân cho rằng người tiêu dùng thông minh phải phân biệt được các loại sản phẩm, không nên cứng nhắc lúc nào cũng đòi giấy chứng nhận, đương nhiên cà chua rẻ tiền thì không thể là cà chua hữu cơ nhưng những sản phẩm lá giang, bắp chuối phát triển dễ dàng thì không cần thiết phải đòi giấy chứng nhận hữu cơ.
Cũng theo vị giám đốc hợp tác xã ở Đồng Nai, người sản xuất và tiêu dùng thông minh phải biết mình muốn gì. Ví dụ ở các nước phương Tây, nông nghiệp hữu cơ không phát triển cho người tiêu dùng, mà vì môi trường. Sau đó người tiêu dùng nhận thức được ý nghĩa của sản xuất hữu cơ với môi trường và sức khỏe của họ nên đã bắt đầu mua và sẵn sàng trả nhiều tiền.
Theo Danviet
Việt Nam vào top 15 nước phát triển nông nghiệp hữu cơ: Có khả thi?
Tại dự thảo đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030, Bộ NNPTNT đề ra tham vọng đưa Việt Nam đứng vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới. Nhưng rõ ràng mục tiêu này không hề đơn giản khi hành lang pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu, thực tế sản xuất còn yếu kém...
Khó đủ đường
Đã có nhiều năm tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đã có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chuỗi cung ứng sản phẩm riêng nhưng ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành (Hà Nội) vẫn thừa nhận, phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ thật sự khó như "hái sao trên trời" vì vướng phải vô vàn các điều kiện, thủ tục. Hiện, Nam Thành liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ.
Kiểm tra chất lượng lúa hữu cơ tại HTX Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: T.L
"Đầu tiên, muốn phát triển chăn nuôi hữu cơ phải có nguyên liệu hữu cơ. Nhưng để có thể chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất, 2 năm liền không gieo cấy gì. Điều này là cực khó. Dù thời điểm này, các loại nguyên liệu chúng tôi sử dụng đều đảm bảo được trồng theo quy trình an toàn, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, nhưng tôi chỉ dám xác nhận sản phẩm của mình là theo hướng hữu cơ vì hiện nay để đạt được chứng nhận hữu cơ không đơn giản" - ông Chữ nói.
Đó là chưa kể, hành lang pháp lý cho NNHC phát triển gần như chưa có, ngay cả việc xin được giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cũng phải trải qua một "rừng" thủ tục nên dễ khiến doanh nghiệp nản.
Nhưng theo ông Chữ, những yếu tố đầu vào cho sản xuất hữu cơ vốn đã khó thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gian nan hơn: "Tôi đã phải đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng 100 chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm, đồng thời tổ chức các buổi tham quan, giới thiệu sản phẩm miễn phí. Nói thật, nếu không có số vốn trong 15 năm sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì tôi không thể bám trụ được với con đường kinh doanh thực phẩm hữu cơ".
Ông Phùng Văn Thu ở phường 12, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), người có 5.000m2 trồng rau theo hướng hữu cơ, cho biết, muốn sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt "6 không" (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quả), trong khi lượng rau thu hoạch ít hơn so với canh tác bình thường. Đây chính là lý do khiến những mô hình sản xuất hữu cơ như của ông Thu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không nhiều. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ năm 2017, đơn vị đã triển khai một số mô hình sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ, tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 2ha diện tích trồng theo phương pháp này.
Trong khi đó, ông Lê Tranh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phù Bài (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cho biết, khó nhất trong sản xuất NNHC chính là làm sao thay đổi được thói quen sản xuất của nông dân từ nhiều đời nay, bởi làm hữu cơ đòi hỏi phải áp dụng những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe.
Không nên làm ồ ạt
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện có khoảng 76.666ha sản xuất NNHC, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khối ASEAN.
Bến Tre là tỉnh có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất, với hơn 3.050ha (chủ yếu là dừa). Một số mô hình khá hiệu quả như nuôi cá tra hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ với diện tích khoảng 10.000ha, xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với gần 1.200ha lúa, 90ha rau, hơn 284ha nho và 79ha táo.
Tuy vậy, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp 26,8 triệu ha thì diện tích sản xuất NNHC của cả nước còn khiêm tốn...
Việt Nam đã có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ cho một số sản phẩm như: Gạo, chè, sữa; nhưng chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu...; chưa có danh mục vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... được phép sử dụng trong sản xuất NNHC.
Theo bà Trần Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp), khó khăn, bất cập trong sản xuất NNHC hiện nay của Việt Nam là quy mô sản xuất mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, chưa có vùng tập trung, sản phẩm ở dạng đơn lẻ...
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc sản xuất NNHC, vì vậy, phát triển lĩnh vực này là cần thiết nhưng không cần nóng vội và nhảy vọt. Nguyên nhân là vì sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt, sản phẩm hữu cơ có giá thành cao nên giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn sản xuất theo VietGAP hay GlobalGAP. Một người thu nhập trung bình hay thấp khó có điều kiện để mua. Không phải nơi nào cũng có thể sản xuất vì điều kiện đất đai, nguồn nước phải đảm bảo, phải được quản lý, kiểm soát và phải tách biệt với vùng sản xuất truyền thống để tránh vấy nhiễm.
Vì vậy, chỉ nên sản xuất NNHC khi có đơn đặt hàng, có sự kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, NNHC cần có bước đi phù hợp, không phát triển tràn lan.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm
Qua khảo sát của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy, tiềm năng phát triển NNHC của Việt Nam tương đối lớn, hiện đã có 40 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất NNHC trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, để có thể thực hiện tốt đề án phát triển NNHCgiai đoạn 2020 - 2030, các địa phương cần sớm quy hoạch vùng có thể sản xuất hữu cơ vì những đòi hỏi về đất, nước, môi trường của tiêu chuẩn này rất cao.
Trong các giải pháp để triển khai hiệu quả đề án, chúng tôi sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển NNHC. Cùng với đó là xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ có giải pháp quản lý chặt các tổ chức cấp giấy chứng nhận để đảm bảo sự minh bạch.
Khảo sát cho thấy, thị trường của các sản phẩm hữu cơ đang rất rộng mở, chỉ tính riêng châu Âu, mỗi năm nhập khẩu tới 10 tỷ USD sản phẩm hữu cơ. Nếu xác định được đúng sản phẩm lợi thế, chú trọng liên kết sản xuất hữu cơ, chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ chinh phục được những thị trường khó tính này.
Ông Olivier Catrou - Viện Quốc gia về xuất xứ và chất lượng (Bộ Nông nghiệp Pháp): Cần sớm ban hành quy trình sản xuất
Muốn mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, Việt Nam cần có quy trình sản xuất NNHC để nông dân có thể sản xuất với số lượng lớn. Người nông dân có thể sản xuất đúng quy trình nhưng nếu chưa được chứng nhận thì cũng rất khó bán ra thị trường. Vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, hệ thống cấp, quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Tiềm năng Việt Nam xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu rất lớn vì các sản phẩm hai bên bổ sung cho nhau. Thị trường nông sản hữu cơ ở châu Âu rất lớn nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để có thể xuất khẩu vào châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực này cho cả hai bên. Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào.
Khánh Nguyên (ghi)
Theo Danviet
Đầu nguồn An Giang: Xả lũ vào đồng lút gốc rạ, dồi dào phù sa Vụ thu đông năm nay là mốc thí điểm huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) thực hiện xả lũ 50% diện tích trên địa bàn và sản xuất theo quy trình "2 năm, 5 vụ". Chủ trương này được người dân ủng hộ và bày tỏ phấn khởi dù giá nếp cuối vụ hè thu khá hấp dẫn. Nhiều năm duy trì việc...