Thiếu tá Mỹ kể khoảnh khắc ‘cận kề cái chết’ dưới tên lửa Iran
Alan Johnson và nhiều binh sĩ trú ẩn trong các lô cốt nhỏ bé với suy nghĩ rằng không ai có thể sống sót qua đòn tập kích tên lửa của Iran.
“Nó khiến tôi tắc thở, sau đó những đám bụi nồng nặc mùi ammoniac tràn vào lô cốt và bám đầy răng chúng tôi. Ngọn lửa trùm qua, cách nóc lô cốt chỉ khoảng 20 mét”, thiếu tá lục quân Mỹ Alan Johnson kể lại khoảnh khắc tên lửa đạn đạo Iran phát nổ gần nơi trú ẩn của ông tại căn cứ Al Asad ở Iraq ngày 8/1/2020.
Johnson là một trong 28 lính Mỹ được trao huân chương Trái tim Tím vì bị thương khi làm nhiệm vụ. Ông kể lại trải nghiệm “cận kề cái chết” trong chương trình 60 Minutes của kênh CBS News, được công bố hôm 1/3, cùng thời điểm quân đội Mỹ giải mật hình ảnh loạt tên lửa đạn đạo Iran đánh chính xác vào căn cứ Al Asad.
“Chúng tôi sẽ chết cháy nếu ở lại đó. Cả nhóm phải chạy khoảng 135 m để tới lô cốt khác, nhưng vừa chạy khoảng một phần ba quãng đường thì loa phóng thanh bắt đầu phát báo động ‘tên lửa tới, tìm chỗ nấp ngay’. Tôi còn phải chạy hơn 100 m và không biết bao giờ quả tên lửa tiếp theo sẽ đánh xuống”, Johnson nói.
Sĩ quan Mỹ hồi tưởng vụ tấn công tên lửa của Iran ngày 8/1/2020. Video: CBS News .
Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, tiết lộ Washington đã phát hiện từ trước nhiều dấu hiệu cho thấy Iran chuẩn bị tập kích căn cứ Al Asad, trong đó Tehran đã mua lượng lớn ảnh vệ tinh thương mại chụp căn cứ này. Các chỉ huy Mỹ chờ đến khi Iran ngừng tải ảnh vệ tinh rồi mới phát lệnh sơ tán sau đó một ngày, điều này dường như cũng hạn chế thiệt hại lực lượng khi đòn đánh diễn ra.
Quân đội Mỹ vẫn phải duy trì lực lượng đóng tại Al Asad, nhưng họ không có đủ lô cốt và các vị trí trú ẩn chỉ được thiết kế để đối phó đầu đạn nhỏ hơn 30 kg của pháo phản lực, thay vì đầu đạn hơn 500 kg của tên lửa đạn đạo Iran. Những công trình kiên cố nhất trong căn cứ Al Asad là lô cốt bê tông được xây từ thời cựu tổng thống Saddam Hussein.
Thiếu tá Johnson và binh sĩ dưới quyền chạy được đến một lô cốt khác an toàn. Tuy nhiên, họ phát hiện có khoảng 40 binh sĩ đang chen chúc trong lô cốt được thiết kế cho 10 người. “Tên lửa rơi xung quanh giống như các đoàn tàu hàng đang lao xuống. Cảm giác như không ai có thể sống sót qua điều này”, Johnson cho hay.
Các binh sĩ không quân Mỹ đóng tại Al Asad cũng kể về trải nghiệm tương tự khi hứng chịu đòn tên lửa Iran. “Tôi phải đánh cược mạng sống của cấp dưới với những thứ ngoài tầm kiểm soát của mình. Tôi phải quyết định ai sống và ai chết”, trung tá Staci Coleman, chỉ huy Phi đoàn viễn chinh đường không số 443, nhớ lại thời điểm bà quyết định những binh sĩ sẽ sơ tán khỏi căn cứ.
“Các vụ nổ cuối cùng cũng dừng lại, tôi cảm thấy tất cả những người trong lô cốt cùng thở hắt ra. Và đó là lúc những đợt tấn công tiếp theo diễn ra. Tôi không biết liệu có ai còn sống bên ngoài lô cốt này không”, đại úy Nate Brown, phụ trách kỹ thuật Phi đoàn 443, cho hay.
“Không ai biết quy mô của đòn tấn công mà chúng tôi đang đối mặt, nhưng mọi người đều ngầm hiểu đây có thể là dấu chấm hết, chúng tôi có thể sẽ không sống qua đêm đó”, đại úy Adella Ramos, sĩ quan phụ trách hoạt động sân bay của Phi đoàn 443, hồi tưởng.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng 8/1/2020 phóng 22 tên lửa nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Al Asad và Irbil để trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani.
Các quan chức Mỹ cho rằng Iran chủ động chọn hai căn cứ này để tấn công nhằm gây thiệt hại ở mức thấp nhất và tránh thương vong cho lực lượng Mỹ đồn trú, có thể để tránh đòn đáp trả dữ dội của Washington. Điều này cũng cho thấy IRGC rất tin tưởng vào uy lực và độ chính xác của tên lửa đạn đạo trong biên chế của họ.
Tổng cộng 16 tên lửa được Iran phóng về phía căn cứ Al Asad, trong đó 5 quả gặp trục trặc và rơi trên đường bay. Khoảng 110 binh sĩ Mỹ bị chấn động não và phải điều trị trong bệnh viện, nhưng không có ai thiệt mạng. Tướng McKenzie thừa nhận Mỹ có thể đã mất 100-150 binh sĩ và 20-30 máy bay nếu không kịp sơ tán lực lượng trước đòn tấn công của Iran.
Trump phá cam kết, tung video phỏng vấn trước ngày phát sóng
Hãng tin CBS News chỉ trích Nhà Trắng vi phạm thỏa thuận khi đăng video phỏng vấn Trump lên mạng trước ngày đài phát sóng.
"Quyết định chưa từng có của Nhà Trắng khi bất chấp thỏa thuận với CBS News và phát hành đoạn phỏng vấn của họ sẽ không ngăn cản chương trình '60 Minutes' cung cấp video đầy đủ, công bằng và mạch lạc về những gì các tổng thống đã tham gia suốt nhiều thập kỷ", CBS News thông báo hôm 22/10.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Lesley Stahl của CBS News hôm 20/10. Ảnh chụp màn hình: Facebook/Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng cuộc phỏng vấn dài 38 phút với CBS lên Facebook sau khi dành nhiều ngày đe dọa sẽ đăng video và đả kích phóng viên Lesley Stahl, người thực hiện cuộc phỏng vấn với Trump tại Nhà Trắng hôm 20/10. Sau đó, Trump cũng đăng video phỏng vấn của Stahl với Phó tổng thống Mike Pence.
CBS cho hay Nhà Trắng đã ghi hình cuộc phỏng vấn song song với nhà đài, nhưng đồng ý chỉ sử dụng cảnh quay vì mục đích lưu trữ. Nhà Trắng không lập tức trả lời yêu cầu bình luận về thỏa thuận với CBS.
Trong bài đăng trên Facebook, Trump tuyên bố video này tiết lộ đầy đủ "sự thiên vị, thù hằn và thô lỗ" mà Stahl thể hiện trong buổi phỏng vấn. Nhưng đoạn phim không cho thấy điều đó, chỉ thể hiện cảnh Stahl đặt câu hỏi sắc sảo về nCoV và những chủ đề khác.
CBS News lưu ý chương trình "60 Minutes" được "đón xem rộng rãi vì chứng tỏ được tính công bằng, nội dung sâu sắc và tin tức phong phú mang đến cho khán giả mỗi tuần".
"Rất ít nhà báo có kinh nghiệm phỏng vấn tổng thống mà Lesley Stahl đã trải qua nhiều thập kỷ với tư cách là một trong những phóng viên hàng đầu ở Mỹ. Chúng tôi mong muốn khán giả được xem những cuộc phỏng vấn thứ ba của bà với Tổng thống Trump và cuộc phỏng vấn tiếp theo với Phó tổng thống Pence vào cuối tuần này", CBS thông báo.
Cuộc phỏng vấn với Trump bắt đầu bằng việc Stahl hỏi Tổng thống đã "sẵn sàng trả lời những câu hỏi hóc búa hay chưa". Trump trả lời ông chỉ muốn bà thể hiện thái độ "công bằng".
"Nhưng ông có sẵn sàng trả lời một số câu hỏi hóc búa không?" Stahl hỏi lại.
"Không, tôi không", Trump nói.
Từ đó, Trump dành phần lớn thời gian để cáo buộc Stahl có thành kiến và đặt câu hỏi "tiêu cực". Cuối buổi phỏng vấn, Trump thậm chí còn tỏ ra thất vọng hơn, phàn nàn rằng ông bị hỏi khó hơn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Tổng thống cũng nói với Stahl rằng bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách hỏi ông đã sẵn sàng trả lời "những câu hỏi hóc búa chưa" khiến cuộc trò chuyện "đi vào ngõ cụt".
Gần cuối video, một người ngoài ống kính máy quay nói với Trump rằng Phó tổng thống Pence đã chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn chung với Tổng thống mà Stahl dự kiến sẽ thực hiện sau khi phỏng vấn riêng kết thúc.
"Tôi nghĩ tới đây là đủ rồi", Trump nói. "Tôi cho là chúng ta đã phỏng vấn đủ rồi. Đúng không? Thế là đủ rồi. Giờ thì đi đi".
Trump thể hiện thái độ không hài lòng một cách lập tức và công khai. Tổng thống hôm 20/10 cũng chế nhạo Stahl bằng cách đăng video cảnh nhà báo không đeo khẩu trang lên Twitter.
Một nguồn tin cho biết hình ảnh trong bài đăng Twitter cho thấy khi đó Stahl và đồng nghiệp vừa kết thúc phỏng vấn với Trump. Stahl vẫn chưa quay lại chỗ để đồ cá nhân để lấy khẩu trang. Bà có đeo khẩu trang khi bước vào Nhà Trắng và bỏ ra khi bắt đầu phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn với Trump và Pence sẽ phát sóng vào 25/10 trên chương trình "60 Minutes" cùng với các cuộc phỏng vấn với Biden và ứng viên phó tổng thống Kamala Harris. Đây là chương trình có truyền thống lịch sử phỏng vấn ứng viên trước bầu cử.
Biden đến thăm cựu nghị sĩ bị ung thư Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/2 tới thăm cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kansas Bob Dole, hai ngày sau khi ông thông báo mắc ung thư phổi. "Ông ấy vẫn ổn", Biden nói với các phóng viên sau khi dự lễ nhà thờ. Trước đó, Tổng thống Mỹ tới khu chung cư Watergate ở Washington, nơi cựu thượng nghị sĩ...