Thiếu phụ ung thư vú sống ‘như con voi trên rừng’
ĐIỆN BIÊN – Mắc ung thư vú, trải qua 6 đợt truyền hóa chất và 30 mũi xạ, chị Lò Thị Trang sống khỏe như người lành, 6 tháng đi kiểm tra một lần.
Năm 20 tuổi, chị Trang kết hôn với một chàng trai cùng bản và sinh hai con, một trai một gái. Đầu năm 2014, chị khó chịu trong người, đau ở ngực chủ yếu là ở vú. Chị khám tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên phát hiện có một khối u ở vú bên trái, chuyển tuyến đến Bệnh viện K, Hà Nội.
“ Sao lại là tôi?”, người phụ nữ dân tộc Thái lúc đó 28 tuổi thốt lên khi nghe bác sĩ kết luận bị ung thư vú. Thời điểm đó chị suy sụp nhiều, sau chấp nhận sự thật, tiếp nhận phác đồ điều trị.
Cuộc sống yên bình bỗng xáo trộn. Chị gửi 2 đứa con nhỏ ở nhà rồi cùng chồng xuống Hà Nội đến Bệnh viện K điều trị. Ngày mới truyền hóa chất, chị mệt nhiều, mái tóc đen dày thưa dần. Trong suốt quá trình điều trị 6 đợt chuyền hóa chất và 30 mũi xạ, cơ thể mệt mỏi song chị vẫn lạc quan, động viên chồng “em không sao hết, em còn phải nuôi các con đến khi lớn khôn mà”.
Cuối năm 2014, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá tình hình sức khỏe của chị ổn định, cho ra viện. Từ đó đến nay, chị Trang chỉ đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không phát hiện điều gì bất thường.
“Em vẫn sống như con voi trên rừng”, Trang nói.
Chị Trang sống khỏe sau 5 năm mắc ung thư vú. Ảnh: H.K
Video đang HOT
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ: “‘Tôi còn sống được bao lâu nữa?’ là câu hỏi khó trả lời nhất cho bác sĩ chữa ung thư”. Để dự đoán một người bệnh còn sống được bao lâu, bác sĩ phải xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố như loại ung thư, độ ác tính, thể mô bệnh học, đặc điểm sinh học khối u, giai đoạn bệnh, các biến chứng của bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng, thể trạng người bệnh, tình trạng chức năng các cơ quan, các xét nghiệm, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và nhiều yếu tố khác.
Mỗi người bệnh là một trường hợp khác nhau. Một số bệnh nhân sống lâu hơn thời gian mà bác sĩ dự đoán, số khác lại ngắn hơn. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân ung thư, trong đó có bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị theo phác đồ vẫn sống khỏe thêm mấy chục năm.
“Ung thư biết sớm trị lành”, ông Thuấn nói.
Ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt. Ước tính cả nước có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú. Hơn một nửa số này được phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, chi phí cao. Độ tuổi mắc ung thư vú đang ngày càng trẻ, có những bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở tuổi thanh thiếu niên.
Phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Chất lượng điều trị do đó hiện được cải thiện đáng kế. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao.
Đặc biệt, người bệnh nên tin tưởng và thực hiện theo phác đồ của bác sĩ, tránh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị.
Lê Nga
Theo VNE
Sống khỏe sau 8 năm chiến đấu với ung thư vú
Nhận được tin bị ung thư, bà Hà khóc giữa Bệnh viện K Hà Nội, rồi nghĩ đến hai đứa con sinh đôi để bắt đầu gượng dậy.
Vẻ ngoài, bà Hoàng Thu Hà nhìn trẻ trung hơn tuổi 57. Mái tóc đen ngắn, làn da hồng hào, sức khỏe dẻo dai, không ai nghĩ bà đã chiến đấu với ung thư vú 8 năm qua. Sau khi bác sĩ kết luận hết ung thư, 6 tháng bà tái khám một lần, đến nay vẫn sống khỏe mạnh.
Bà Hà làm nghiên cứu trong ngành dệt may, có hai con sinh đôi. Tháng 2/2011, bà nhói đau ở ngực trái, kết quả sinh thiết tại Bệnh viện K ung thư vú. Nghe bác sĩ báo tin, bà Hà gục ngã, khóc ở giữa viện.
"Khi biết ung thư vú, điều đầu tiên tôi nghĩ đến không phải cái chết mà là hai đứa con nhỏ khi ấy mới gần 10 tuổi", bà Hà nhớ lại.
Bà Hoàng Thu Hà sau 8 năm chống chọi ung thư vú. Ảnh: Hà Trần.
Sau những phút yếu lòng, bà Hà nghĩ đến các con và lấy lại được bình tĩnh. Bà bước vào cuộc chiến với ung thư, bắt đầu bằng ca phẫu thuật cắt u, sau đó liên tiếp là 25 mũi xạ và 8 đợt truyền hóa chất. May mắn, bà Hà gặp ít tác dụng phụ khi truyền thuốc, vẫn đọc sách, dịch tài liệu trong suốt quá trình điều trị.
Để chữa bệnh, bà tìm đọc rất nhiều sách và tài liệu về ung thư vú. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và tự tìm hiểu qua sách báo, bà ăn uống và sinh hoạt rất điều độ, đi bộ, tập thể dục để có thêm sức khỏe cho đợt điều trị tiếp theo. Nhờ vậy, sức khỏe bà ngày một tốt hơn, được bác sĩ cho ra viện sau 9 tháng điều trị. Ban đầu, bác sĩ chỉ định tái khám 3 tháng một lần. Nay, sức khỏe của bà đã ổn định nên 6 tháng mới tái khám.
Điều trị thành công ung thư vú, bà Hà làm việc trở lại và chăm sóc gia đình bình thường. Hiện, bà là chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường dành cho bệnh nhân ung thư vú cả nước. Câu lạc bộ có trên 700 thành viên. Sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thành viên được các bác sĩ truyền đạt những kiến thức về bệnh và phương thức điều trị, giải đáp thắc mắc về dinh dưỡng và luyện tập để hồi phục sức khỏe.
"Trải qua 8 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư nên tôi hiểu hết cảm giác cô đơn, mất phương hướng của những người bệnh như mình. Câu lạc bộ phụ nữ kiên cường đồng hành cùng người bệnh để họ không cảm thấy cô đơn trong suốt chặng đường chữa trị", bà Hà nói.
Thẻ ra viện của bà Hà năm 2011. Ảnh: Hà Trần.
Theo giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú phổ biến ở phụ nữ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng ung thư vú 1,2 triệu ca. Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, riêng ung thư vú 15.000 ca mới mắc và mất đi 6.000 người.
Ung thư vú hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu mỗi người có thói quen tự kiểm tra vú và khám sàng lọc. Khi phát hiện bệnh, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tâm lý vững vàng để vượt qua ung thư.
Lê Nga
Theo VNE
'Đóa hoa vô thường', hồi ký chiến đấu với ung thư của người phụ nữ Bảy năm chiến đấu với ung thư vú của Cẩm Bào (45 tuổi) được tác giả Diệu Thuần, là người ung thư máu, ghi lại thành hồi ký. Trần Thị Cẩm Bào phát hiện bị ung thư vú từ năm 2012 và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực. Trong 6 đợt truyền hóa chất lần đầu, chị phải vào...