Thiếu nước giữa mùa mưa
Ngay giữa mùa mưa nhưng nước sinh hoạt cấp cho đô thị Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải dè sẻn do nguồn cung từ nước ngầm cạn kiệt bất thường.
Nước mạch lộ cạn kiệt ở trạm bơm Ea Kôtam – Ảnh: Ngọc Quyền
Mạch lộ, giếng khoan đều tụt giảm
Giữa tháng 8, bể thu nước mạch xuất lộ của trạm bơm Ea Kôtam thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk (ở xã Hòa Đông, H.Krông Pắk) vẫn khô khốc, nước trong đường cống gom chảy khá yếu.
Ông Đoàn Văn Ba, công nhân vận hành trạm bơm, cho biết thường vào các tháng 7, 8 là cao điểm mùa mưa, nước ngầm từ mạch lộ chảy ra ở mức cao nhất trong năm, thậm chí nước dâng lên khỏi cống gom, tràn ra ngoài, cá đồng theo dòng nước bơi ngược vào bể thu. Nhưng theo ông Ba, năm nay lại khác, mực nước giảm còn khoảng một nửa.
Video đang HOT
Ông Lê Nguyễn Anh Tú, trưởng trạm bơm Ea Kôtam, mở sổ theo dõi cho thấy vào tháng 8 hàng năm, lượng nước khai thác bình quân 13.000 m3/ngày đêm; như tháng 8.2014 có ngày đạt đến 13.733 m3. Thế nhưng trong tháng 8 năm nay, trạm khai thác chỉ khoảng 6.000 – 6.500 m3/ngày đêm. “Trạm có 4 máy bơm công suất bơm đến 14.000 m3/ngày đêm nhưng hiện chúng tôi chỉ dùng 2 máy cũng đã hút hết nước ở bể trung chuyển vì không đủ lượng nước ngầm chảy về”, ông Tú cho hay.
Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk là đơn vị cung cấp toàn bộ nước sinh hoạt cho TP.Buôn Ma Thuột với nguồn cung chủ yếu từ nước ngầm khai thác ở 3 mạch lộ: Ea Kôtam, Ea Msen, Cư Pun cùng 30 giếng khoan. Ông Nguyễn Khắc Dần, Phó giám đốc công ty, cho biết tương tự mạch Ea Kôtam, mức khai thác ở mạch lộ Ea Msen cũng thấp, hiện khoảng 4.500 m3/ngày đêm (so với công suất thiết kế 8.000 m3); mạch Cư Pun có khá hơn, đạt khoảng 90% so với công suất 9.000 m3/ngày đêm. Theo ông Dần, hiện 1 giếng khoan bị đứt mạch, không thể khai thác, 29 giếng còn lại chỉ khai thác ở mức 70-80%; vì vậy ngay giữa mùa mưa nhưng việc cấp nước cho TP.Buôn Ma Thuột vẫn hạn chế.
Lo thiếu nước như… ngồi trên lửa
Ông Dần cho rằng nguyên nhân mực nước các mạch lộ, giếng khoan giảm do hạn hán khốc liệt trong mùa khô vừa qua còn ảnh hưởng đến giữa mùa mưa này. Hiện nước ngầm các vùng khai thác vẫn chưa hồi phục do lượng mưa những tháng qua thấp so với trung bình nhiều năm.
“Xung quanh Buôn Ma Thuột hầu như không còn rừng tự nhiên, trong khi người dân lại khai thác nước giếng khoan tràn lan phục vụ tưới cà phê khiến mực nước ngầm trong khu vực ngày càng giảm”, ông Dần nhận định.
Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk, cho biết do mực nước ngầm xuống sâu nên khai thác tốn kém điện năng nhiều hơn; 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ hơn 1 tỉ đồng do tiền điện tăng. Theo doanh nghiệp này, trước đây để sản xuất 1 m3 nước sinh hoạt, bình quân tiêu thụ 0,25 kW điện năng, nhưng giờ đây do nước xuống sâu, phải tốn tới 0,36 – 0,37 kW.
Buôn Ma Thuột có tốc độ đô thị hóa nhanh, theo đó nhu cầu nước sinh hoạt mỗi năm một tăng, hiện cần tới 65.000 m3/ngày đêm, trong khi khối lượng nước khai thác chỉ đạt 40.000 – 45.000 m3/ngày đêm.
“Thiếu nguồn nước khai thác đang trở thành nỗi lo thường trực của chúng tôi; nhiều thời điểm doanh nghiệp như ngồi trên lửa do không đủ nước cung ứng, phải chịu nhiều phàn nàn của người dân”, ông Thiện giãi bày.
Nhằm bổ sung nguồn nước cho TP.Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk đang triển khai dự án lấy nước từ sông Sêrêpốk công suất 35.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư hơn 30 triệu USD; trong đó vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 24 triệu USD. Theo ông Thiện, nếu các thủ tục đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi thì cuối năm nay dự án khởi công và sớm nhất đến năm 2017 mới đưa vào vận hành.
Ngọc Quyền
Theo Thanhnien
Mua từng can nước về dùng
T ừ tháng 5 đến nay, dù mùa nắng nóng mới bắt đầu nhưng người dân H.Phù Mỹ (Bình Định) đã phải quay quắt chống hạn.
Người dân xã Mỹ Chánh đạp xe qua xã Mỹ Thọ mua từng can nước sạch về dùng - Ảnh: Văn Lưu
Theo Phòng NN-PTNT, toàn huyện có hơn 1.100 ha lúa, 1.000 ha cây trồng cạn bị thiếu nước, khả năng giảm năng suất từ 70% trở lên và nhiều xã thiếu nước sinh hoạt như Mỹ Chánh (1.500 hộ), Mỹ Chánh Tây (300 hộ), Mỹ Phong (500 hộ)... Người dân xã Mỹ Chánh phải sang các xã lân cận để mua nước sạch về dùng, do nắng nóng, 70% giếng nước trong xã bị nhiễm mặn và nước ngầm trên sông La Tinh cạn kiệt nên Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh chỉ hoạt động cầm chừng, không cấp đủ nước cho người dân. Nước khan hiếm, giá nước tăng khiến cuộc sống của nhiều gia đình nông dân gặp khó khăn. "Hằng ngày, gia đình tôi phải mua 1.000 đồng/can 20 lít để dùng cho việc nấu cơm, nước uống, còn nước tắm, giặt mua 500 đồng/can 20 lít. Việc gì cần thiết lắm mới dùng nước ngọt, không thì dùng nước nhiễm mặn! Dẫu vậy, mỗi ngày ít nhất cũng hết 11 can", ông Dương Công Mót (57 tuổi, ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh) kể.
Người dân xã Mỹ Tài (H.Phù Mỹ) cũng đang gồng mình chống hạn, đào vét khắp nơi để tìm nguồn nước ngầm cứu lúa, mong tránh một vụ mùa trắng tay. Thậm chí, nhiều người dù biết đang đối mặt với nguy cơ thiếu ăn nhưng đành phải cắt bỏ lúa cho trâu bò ăn vì không còn nước tưới.
Đến nay, Sở NN-PTNT Bình Định thống kê trên địa bàn có 7.682 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 4.628 ha lúa hè thu ảnh hưởng nắng hạn... "Nếu xảy ra nắng hạn, không chỉ có H.Phù Mỹ mà toàn tỉnh Bình Định sẽ có gần 10.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt", ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, lo lắng.
Hoàng Trọng
Theo Thanhnien
Nơi đầu tiên ở Việt Nam ban bố tình trạng thiên tai hạn hán Hôm nay, 9.6, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành quyết định công bố tình trạng thiên tai do hạn hán xảy ra từ ngày 1.1.2015 trên địa bàn tỉnh. Nhiều hồ nước đã khô cạn - Ảnh: Thiện Nhân Theo quyết định, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino từ vụ hè thu năm 2014 đến nay lượng mưa trên địa...