Thiếu nữ tuổi ‘trăng tròn’ mất tích bí ẩn
Trước cám dỗ của đồng tiền, những phụ nữ, trẻ em gái ở xã Đôn Phục (Nghệ An) cứ đến tuổi “trăng tròn” lại đột nhiên mất tích, bỏ xứ ra đi một cách bí ẩn. Nhiều người bị bán sang Trung Quốc làm vợ ông lão 70.
Nằm nép mình dưới những tán rừng sâu ngút ngàn ở miền Tây xứ Nghệ – các thôn bản ở xã Đôn Phục (Con Cuông, Nghệ An) chỉ được biết đến với đói nghèo và nỗi ám ảnh từ cơn “bão” HIV. Trước cám dỗ của đồng tiền, những phụ nữ, trẻ em gái cứ đến tuổi “trăng tròn” lại đột nhiên mất tích, bỏ xứ ra đi một cách bí ẩn.
Trưởng Công an xã Vi Uy Tín cho biết, Đôn Phục là xã nghèo, có 3.722 nhân khẩu và trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông rất khó khăn, hễ trời mưa to là các bản bị chia cắt bởi các con suối. Trình độ dân trí thấp nên phụ nữ và các em gái hay bị những kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc.
Nhẩm tính trên từng ngón tay, Tín không khỏi lo lắng cho biết, từ năm ngoái đến nay, xã đã có 15 phụ nữ, trẻ em nghi bị lừa bán. Đầu năm 2012 có 8 nữ sinh nghỉ học mà theo người nhà thì các em đi làm ăn xa, nhưng không nói cụ thể ở đâu. Có nhiều em bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng cũng có một số tự nguyện đi, sau khi gia đình nhận một số tiền kha khá từ các cò mồi.
Trưởng công an xã Đôn Phục Vi Uy Tín đi qua suối vào bản Hồng Điện. Ảnh: CSTC.
Bản Hồng Điện chỉ các UBND xã chừng 5 km nhưng đường rất khó đi. Sau con đường ngoằn ngoèo là 5 con suối đầy đá cuội nước ngập cả bô xe máy. Qua con suối nào cũng bắt gặp rất đông người dân, nhiều nhất là các em nhỏ cùng cha mẹ đi mò cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đây là nơi có nạn nhân vừa được giải cứu trở về từ bên kia biên giới.
Thầy Trần Viết Nam, Hiệu phó THCS Đôn Phục cho biết, học sinh là người dân tộc thiểu số nên nhiều em bị cám dỗ của đồng tiền, lừa bán qua biên giới. Do đời sống khó khăn nên nhiều gia đình đành nhắm mắt để con em đi mà không tố cáo.
Hướng đôi mắt về phía cánh rừng sâu ngút ngàn, thầy Nam tiếp tục câu chuyện với giọng trầm buồn: “Các học sinh bỏ học nhiều nhất là học sinh nữ lớp 8, 9 vì ở tuổi này các em có thể lao động và bọn xấu chủ yếu lừa gạt những em còn trẻ để bán sang Trung Quốc. Năm 2011, trường có 9 em bỏ học, nhưng chỉ mới chưa đầy 5 tháng đầu năm học 2012 đã có tới 11 trường hợp bỏ học”.
Thầy cô đến từng gia đình thuyết phục cho các em quay lại trường, nhưng đều bị họ từ chối, quyết cho con cái đi làm ăn. Hỏi đi làm đâu thì họ đều nói không biết. Gần đây, em Vi Thị Thíu (15 tuổi, dân tộc Thái) đang học lớp 9 thì bỏ dở để “đi làm ăn xa”. Nhưng theo một sô người dân, gia đình Thíu đã nhận 40 triệu đồng để cho em sang Trung Quốc làm vợ của một ông già ngoài 70 tuổi.
Sau hơn một giờ đồng hồ vật vã với đường rừng, cuối cùng cũng đến được nhà em Ngân Thị Ứng. Vừa vào đến ngõ, rất đông bà con lối xóm và một số người dưới xuôi lên đã vây kín nhà em. Vẻ mặt đầy lo lắng, chị Vi Thị Đông, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Con Cuông cho hay, nghe tin em Ứng được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, Hội tổ chức lên thăm hỏi, nắm bắt tình hình và tuyên truyền, vận động để bà con cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu.
Ngân Thị Ứng sau khi được giải thoát. Ảnh: CSTC.
Trong gian nhà tranh dột nát, Ứng chưa hết sợ hãi khi nhắc lại những ngày làm vợ tủi nhục nơi đất khách quê người. Tháng 8/2011, bạn cùng xã là Lương Thị Việt đến rủ em xuống TP Vinh làm giúp việc, công việc đơn giản được trả tiền nhiều. Hai hôm sau, trời mưa rất to, bố mẹ em đi làm trên rẫy không về được, Ứng ở nhà một mình thì Việt đến rủ đi.
Khi lên nhà Việt thì đã có chị Lương Thị Nhung và chị Vi Thị Hà đợi sẵn ở đó. Em bảo đợi bố mệ đi làm về rồi nói một câu, nhưng hai người bảo nếu đợi thì không kịp vì xe sắp chạy rồi. Trước những lời dụ dỗ dồn dập của các “má mì”, Ứng lên xe rồi nghe lời uống thuốc chống say, sau đó ngủ không biết gì. Ba ngày sau xe dừng lại, Ứng mới biết mình đang ở Trung Quốc.
Ngay hôm đó, một người phụ nữ bảo với Ứng và Việt là “bọn tao đã bán chúng mày cho người ta lấy làm vợ rồi”. Hai em nói không đồng ý và đòi về nhà thì liền bị mấy người đàn ông xông vào đánh túi bụi và kề dao vào cổ dọa giết. “Sợ quá nên bọn em đành phải đồng ý”, Ứng kể và cho hay, đã gặp Moong Thị Oanh (15 tuổi, ở huyện Kỳ Sơn), một người tên Huyền và nhiều phụ nữ khác bị lừa bán sang đây.
Ứng bị bán làm vợ một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình, mặt rất ghê sợ và hung dữ. Ngày nào ông ta cũng đánh đập vì Ứng luôn cự tuyệt mỗi lúc bị bảo lên giường. Ứng phải làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya mới được nghỉ. Do không biết tiếng Trung nên sau hơn 7 tháng ở xứ người, Ứng cũng không biết tên ông ta là gì, đang ở đâu. Có những hôm công an vào kiểm tra, gia đình nhà chồng còn lôi Ứng vào rừng sâu trốn hai ba ngày liền mới đưa về nhà.
Video đang HOT
Điện thoại của Ứng chỉ nhận mà không thể gọi được. Một hôm có một cuộc điện thoại của một số máy lạ, em nghe máy thì có người bảo là nhà báo, hỏi thăm tình hình để giải cứu. Nghe đến đó Ứng rất mừng, khóc nức nở trong điện thoại. Phải nghe trộm nên điện thoại của Ứng có lúc phải ngắt giữa chừng. Sau đó không lâu, Ứng được giải cứu đưa về Việt Nam.
“Bữa nó đi nhằm vào ngày lũ lớn nên hai vợ chồng cứ tưởng nó bị nước lũ cuốn đi, sau đó hỏi Nhung và Hà (hai phụ nữ lừa bán Ứng) qua điện thoại thì được báo là Ứng bị họ bán sang Trung Quốc. Tham gia lừa bán Ứng còn có Vi Văn Sơn và Lang Thị Ngân. Ngay khi nghe chuyện, tôi liền báo ngay cho công an xã, huyện để tìm cách cứu con gái. Thật phúc cho nhà tôi, cháu nó đã trở về”, bố Ứng kể lại.
Vì đói nghèo, nhiều gia đình và trẻ em gái đã bị cuốn theo cám dỗ của đồng tiền. Để rồi, thêm một ngày, bản làng lại vắng đi một bóng hồng bạc phận, những ngôi làng nghèo càng trở nên não nề khi phải “mồ côi” phụ nữ. Và thế là cánh đàn ông, thanh niên lại tìm đến “nàng tiên nâu” để giải sầu.
Theo VNE
Gã Đông Joăng sa lưới vì tội lừa bán phụ nữ
Không nghề ngỗng, chỉ được cái tốt mã nên khi thấy xung quanh mình có bao cô gái đang khao khát có việc làm, hắn lân la làm quen, vờ tán tỉnh yêu đương rồi lừa bán sang Trung Quốc kiếm tiền tiêu xài cá nhân. Đã có hơn 12 cô gái là nạn nhân của hắn, thêm 4 đối tượng khác ở các huyện xa cũng bị hắn lôi kéo tạo nên đường dây buôn người cỡ bự. Chỉ đến khi một trong số các nạn nhân trốn thoát trở về làm đơn tố cáo, chân dung ông trùm này mới bị bóc mẽ.
Hắn tên là Phạm Văn Bình (SN 1983), trú tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Lợi dụng các cô gái mới lớn ở quê không có việc làm, hắn đã dùng tình cảm để thuyết phục, rủ rê lôi kéo đi làm ăn xa với mức lương hàng chục triệu đồng, nhưng kỳ thực là để bán sang Trung Quốc.
Những nạn nhân nào may mắn thì được mua về làm vợ, số còn lại phải phục dịch khổ sở tại các nhà thổ. Một trong những nạn nhân ấy là chị Hà Thị Vân (SN 1979), trú bản Khe Mọi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Vì không chịu nổi sự giày vò thân xác nơi xứ người, chị Vân đã lập mưu đào tẩu trở về đâm đơn tố cáo kẻ lòng lang dạ sói.
Lời tố từ những người trở về
Chị Hà Thị Vân là nạn nhân duy nhất dám trốn thoát để trở về sau khi bị đem bán. Cầm lá đơn đẫm nước mắt trên tay, chị cho biết, vào trung tuần tháng 3/2011, có một phụ nữ lạ và một nam thanh niên đến bản tuyển chị em phụ nữ đi làm công ty ở Hà Nội, với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng.
Ba thiếu nữ được giải cứu trở về.
Sẵn ngày nông tháng nhàn, chị Vân đã cùng với hai sơn nữ khác là Vi Thị Lùn và Lữ Văn Lý đã lên chuyến xe định mệnh cùng với hai người "tuyển dụng" là Lương Thị Nhung và Phạm Văn Bình rời bản.
Sau 3 ngày ngủ mệt vì uống thuốc chống say xe (thực chất là uống thuốc mê), 3 cô gái được đưa đến cửa khẩu Móng Cái rồi vượt sông qua bên kia biên giới. Lúc này, các cô mới biết mình bị lừa thì đã muộn.
Ngay sau đó, hai cô gái Lùn và Lý được hai người đàn ông trung niên mua về, còn chị Vân cũng được mua với giá 1 vạn nhân dân tệ (khoảng 47 triệu đồng tiền Việt Nam).
Sau hai tháng, vì không đủ tiêu chuẩn làm vợ nên chị Vân bị trả lại, và nhân cơ hội này, chị Vân lập mưu thuyết phục bọn chúng cho về quê để rủ rê thêm hai đứa em trẻ đẹp hơn đưa sang và được đồng ý. Ngay lập tức, chị đã viết đơn tố cáo khi vừa đặt chân đến quê nhà.
Từ thông tin ban đầu, Công an huyện Con Cuông đã lập chuyên án mang bí số 512P để truy xét, đấu tranh.
Chính trong thời gian này, thông tin từ gia đình 3 em gái khác là Ngân Thị Ứng (1996), ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông); em Moong Thị Oanh (SN 1996) ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) và em Ven Thị Huyền (SN 1996) con ông Ven Văn Đoàn trú tại bản Cha Lo, xã Mai Sơn (Tương Dương) cũng đã mất tích và nghi bị bán sang Trung Quốc từ 2 tháng nay đã được báo về.
Sau khi làm việc với gia đình các em, may mắn là 2 trong số 3 nạn nhân này đã bắt được liên lạc, qua câu chuyện đứt quãng vì các em phải nghe lén, các trinh sát được biết cả 3 đều bị bán sang Trung Quốc bởi một người thanh niên tên Bình, hiện các em đang sống cuộc sống khổ cực, bị bạc đãi. Riêng em Oanh đã bị bán qua tay hai lần, hiện đang phải làm vợ một người đàn ông tàn tật.
Từ những manh mối đó, Công an Nghệ An đã quyết định lên kế hoạch sang nước bạn giải cứu các em trở về. Giữ liên lạc bằng điện thoại, các trinh sát dự tính là sau khi có địa chỉ cụ thể sẽ phối hợp với Interpol và Công an Trung Quốc để giải cứu các em.
Thế nhưng, đất khách quê người, lại không biết tiếng bản địa nên các em không biết mình đang ở vùng nào. Vậy nên, cách duy nhất lúc này là nhờ vào điện thoại để hướng dẫn các em bỏ trốn.
Kế hoạch vạch ra là đến giờ chuẩn bị nấu ăn, các em sẽ được thả ra (bình thường nhốt trong buồng kín), lúc ấy cả 3 hẹn gặp nhau rồi cùng trốn đến đồn Công an gần nhất nhờ giúp đỡ.
Khi 3 cô gái đang chở nhau trên chiếc xe đạp điện mà Ven Thị Huyền lấy cắp được của nhà chồng thì bất ngờ xe bị hỏng, các em đã nhanh trí gọi điện cho trinh sát Công an Nghệ An và được hướng dẫn bán chiếc xe để lấy tiền đi taxi.
Khi tìm được đến đồn công an, các em đã được hướng dẫn đường về, công an nước bạn còn hỗ trợ mỗi em 200 nhân dân tệ để mua vé tàu.
Đối tượng Phạm Văn Bình.
16h ngày 27/4, 3 đồng chí thuộc Đội 4 Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An đã đưa xe ra tận Lạng Sơn đón nhận các em từ Đồn biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh trong niềm vỡ òa hạnh phúc.
Ngay khi vừa trở về, các em đã kể lại hành trình mình bị lừa bán cũng như thời gian phải sống tủi nhục nơi đất người. Em Ngân Thị Ứng cho biết, khoảng tháng 9/2011, ứng quen với Phạm Văn Bình, ở khối 5 thị trấn Con Cuông.
Sau vài lần tán tỉnh, khi thấy em đã xiêu xiêu lòng, tên này mới rủ em xuống thành phố Vinh làm việc với mức lương cao nên đã nhận lời. Thế nhưng, ngay khi vừa đến bến xe Vinh, em được hai người phụ nữ đón rồi đưa thẳng ra Quảng Ninh.
Khi xe dừng tại biên giới, có hai thanh niên lực lưỡng nói tiếng Trung Quốc đến nhận đưa em lên thuyền vượt biên. Sang bên kia biên giới, Ứng bị bán làm vợ cho một thanh niên chừng 20 tuổi với giá 5 vạn Nhân dân tệ.
Hàng ngày em bị giam trong nhà và bị theo dõi. Khi gia đình nhà chồng đi làm, bà cố mới lấy chìa khoá mở cửa cho cô ra ngoài đánh răng, rửa mặt và chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Ăn cơm xong cô lại bị nhốt lại.
Ven Thị Huyền và Moong Thị Oanh cũng là hai nạn nhân bị lừa bán như chiêu thức đã lừa em Ứng. Chỉ có điều, hai người phụ nữ đã rủ rê các em là hai chân rết trong hệ thống đường dây buôn người do Phan Văn Bình cầm đầu.
Trong cái họa có cái may, là bởi 3 em đều bị một đường dây lừa bán, nên đối tượng môi giới cũng chỉ giới thiệu các em cho một "cò" duy nhất, và đó là lý do giữa đất khách quê người, cả 3 được gặp nhau để cùng bán mưu tính kế trốn thoát.
Chân dung gã Đông Joăng tốt mã rẻ cùi
Từ những lời tố của các nạn nhân trở về từ bên kia biên giới, các điều tra viên trong ban chuyên án đã nhanh chóng dựng lên chân dung đối tượng cầm đầu đường dây buôn người quy mô lớn này.
Hắn chính là Phạm Văn Bình (SN 1983), trú bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông (Nghệ An) và lệnh bắt khẩn cấp tên này đã được thực hiện vào ngày 22/5.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu, tên này khai nhận đã trực tiếp lừa bán 5 sơn nữ trong xã sang Trung Quốc với tổng số tiền là gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, Bình còn có một hệ thống chân rết với 4 đối tượng khác ở Kỳ Sơn, Tương Dương, TP Vinh và Móng Cái.
Trong thời gian từ đầu năm 2011 đến nay, bọn chúng đã chia chác nhau hàng trăm triệu đồng từ việc lừa bán 12 cô gái trẻ để làm vợ hoặc "làm gái" nơi xứ người.
Qua tìm hiểu thân nhân tại địa phương của ông trùm buôn người Phạm Văn Bình chúng tôi được biết, hắn sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, có 5 người con. Tuy chỉ làm ruộng rẫy nhưng gia đình Bình thuộc diện có của ăn của để nhất bản.
Năm 2008, Phạm Văn Bình lấy vợ và hiện đã có hai đứa con. Cuộc sống vợ chồng hắn cũng bình lặng như bao gia đình khác. Thế nhưng, chuyện bắt đầu xáo trộn kể từ Tết nguyên đán năm 2011.
Lần ấy, hắn theo chúng bạn ra phố huyện Con Cuông chơi và gặp mấy nam nữ thanh niên sành điệu từ TP Vinh lên chơi. Qua một vài người bạn, hắn được giới thiệu nhập cuộc rồi được mấy người này gợi ý chuyện kiếm mấy cô gái trẻ cần việc làm về Vinh, hắn sẽ được trả công hậu hĩnh.
Sau này, mặc dù được một người khác rỉ tai nói thật, thực chất là lừa các cô gái bán sang Trung Quốc, sẽ được hàng chục triệu đồng. Biết là sai trái nhưng mờ mắt vì tiền, Phạm Văn Bình đã nhắm mắt đưa chân.
Trở về bản, thuyết phục mấy cô bé mới lớn nhưng không được bố mẹ các em chấp thuận, Phạm Văn Bình đã đến các bản xa hơn (tuy trong xã nhưng các bản nằm biệt lập, cách xa nhau cả mấy quả đồi) để tuyển người.
Vốn có chút hiểu biết, hắn đã âm thầm tiếp cận những cô gái trẻ, vờ chưa có vợ rồi buông lời tán tỉnh. Sau khi cá đã cắn câu, hắn tiếp tục đánh vào tâm lý đang cần việc làm của các cô gái này, sau đó bí mật đưa đi mà không cho gia đình biết.
Ngoại trừ chị Hà Thị Vân là hắn "ra mặt" tuyển lựa đàng hoàng, còn lại 4 cô gái Phạm Văn Bình trực tiếp mang bán đều bị hắn dụ dỗ theo chiêu bài này. Cũng chính bởi vậy mà khi thấy con gái mình bỗng dưng mất tích cùng chàng trai lạ, bố mẹ các em chỉ còn nước ngước mắt kêu trời trong nỗi đau mất con.
Đối với những đối tượng khác là chân rết của Bình, hắn cho biết hai "cơ sở" ở Tương Dương và Kỳ Sơn đều là người bà con của hắn, và được hắn trực tiếp nhờ vả.
Còn lại, các đối tượng khác hắn cũng chỉ quen theo tính chất bắc cầu, thậm chí có đối tượng hắn còn chưa biết mặt mà chỉ liên lạc qua điện thoại.
Với việc lừa bán 12 phụ nữ qua bên kia biên giới, đối tượng Phạm Văn Bình đã bị cơ quan CSĐT Công an Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi buôn bán người.
Hiện vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra, đấu tranh mở rộng và theo nhận định, có khả năng số nạn nhân còn nhiều hơn con số bọn chúng đã khai nhận.
Thông qua vụ án này, Công an Nghệ An cũng khuyến cáo tới tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là thiếu nữ miền biên, đừng vì nhẹ dạ cả tin mà sa chân vào chốn lầm lạc của khi bọn buôn người.
Bởi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 6 vụ buôn bán người, hơn 20 thiếu nữ được giải cứu trở về chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ mà cơ quan công an nắm được tính đến thời điểm này.
Theo Phunutoday
Bi kịch học đòi, sống gấp của "người đàn bà tuổi teen" Chán cảnh nhà, Hiền bỏ học rồi kết bạn với những kẻ lêu lổng. Học đòi theo lối sống gấp, cô thuê phòng trọ ở cùng người yêu và nhóm bạn rồi bị bắt khi lừa một nữ sinh ra nước ngoài bán. Vào trại, má mì 17 tuổi này mới ngỡ ngàng vì không biết ai là chủ nhân của cái thai...