Thiếu nữ bầu 7 tháng ngã tử vong khi trèo tường biên giới Mỹ – Mexico
Một cô gái mang thai 19 tuổi đến từ Guatemala vừa thiệt mạng sau khi ngã xuống trong lúc trèo qua tường biên giới gần El Paso, bang Texas, theo AP.
Guatemala xác định nạn nhân là Mirian Stephany Girón Luna, 19 tuổi và đang mang thai 7 tháng. Girón đã rơi hơn 6 mét từ trên cao khi đang cố gắng trèo qua bức tường ngăn biên giới Mexico – Mỹ.
Người phụ nữ bị xuất huyết não, gãy xương chậu và rách gan, thận. Nạn nhân không qua khỏi dù được can thiệp tích cực bằng phẫu thuật. Các nhân viên y tế cũng cố gắng cứu sống em bé nhưng không thành công, chính phủ hai bên cùng cho biết.
Bạn trai nạn nhân, người được cho là cha của bé đã đi tìm các đặc vụ biên phòng để nhờ gọi xe cứu thương.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cáo buộc những kẻ buôn người chịu trách nhiệm cho cái chết của Girón khi bảo cô trèo tường.
Một bé trai và bố từ Honduras bị các nhân viên Tuần tra Biên giới Mỹ bắt giữ gần Biên giới Mỹ – Mexico vào ngày 12/6/2018. Ảnh: Getty Images.
Trong một tuyên bố, Gloria Chavez, người đứng đầu cơ quan Biên phòng Biên giới hạt El Paso cho biết chính quyền sẽ làm việc với Mexico để tìm những người đã đẩy các nạn nhân vào tình thế đường cùng.
Theo người phát ngôn CBP Mark Morgan, những kẻ buôn lậu đã đưa nạn nhân và bạn trai đến biên giới và bỏ mặc họ trong bóng tối. Họ đã cố gắng leo bức tường biên giới. Các nhân viên Biên phòng đã đưa gọi điện cho các quan chức y tế và đưa nạn nhân tới bệnh viện, tuy nhiên “người mẹ và đứa trẻ trong bụng đã chết bi thảm sau khi bị thương nặng sau khi rơi xuống”.
Girón đến từ San Marcos, Guatemala, gần biên giới với Mexico. CBP cho biết nạn nhân chưa từng cố gắng xin vào Mỹ thông qua các cửa nhập cảnh chính thức hay nằm danh mục “ở lại Mexico”, trong đó hàng chục nghìn người di cư buộc phải quay lại Mexico đợi tới khi hồ sơ nhập cư của họ được thông qua.
Video đang HOT
Tekandi Paniagua Flores, lãnh sự quán Guatemala tại Del Rio, Texas đã tiếp cận bạn trai nạn nhân, hiện đang bị lực lượng Biên phòng Mỹ tạm giam. “Anh ta nói rằng nếu biết rủi ro cao như vậy, anh ta đã không làm điều đó”, Pan Panua nói.
Ông Paniagua nhắc lại ít nhất bảy trường hợp người di cư từ Guatemala bị thương khi cố gắng trèo tường biên giới Mỹ trong năm nay. Theo Paniagua, những trường hợp tương tự đang gia tăng vì ngày càng nhiều người di cư từ Guatemala và các quốc gia Trung Mỹ bị bạo lực và nghèo đói dồn ép và không còn chấp nhận chờ đợi hàng dài trước trạm biên phòng.
Mới đây, trả lời một bài viết cho rằng những bức tường biên giới có thể ngăn chặn virus corona, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter: “Chúng ta cần những bức tường hơn bao giờ hết!”
Mỹ đã xây dựng hoặc thay thế khoảng 220 km rào biên giới với Mexico. Phần lớn biên giới trong và xung quanh El Paso, đối diện thành phố Ciudad Juarez, Mexico, đã có tường chắn.
Theo news.zing.vn
'Sói đồng cỏ' kiếm hàng nghìn USD từ mỗi người nhập cư vào Mỹ
Ngày càng nhiều người di cư bất hợp pháp thiệt mạng khi vượt biên sang Mỹ. Chỉ có bọn buôn người là kiếm bộn tiền bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo Bloomberg, thống kê của dự án Missing Migrants (Người di cư mất tích) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy 170 người di cư từ Trung Mỹ đã thiệt mạng và mất tích khi tìm cách vượt biên giới Mỹ - Mexico. Trong số đó có 19 trẻ em và 44 phụ nữ. Họ chết theo nhiều cách: đuối nước, kiệt sức, bệnh tật...
Bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, biên giới Mỹ - Mexico dài 3.200 km vẫn chưa bao giờ yên tĩnh. Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ (USBP) cho biết tính đến tháng 5, đã có 132.887 người di cư bất hợp pháp bị bắt giữ ở biên giới, bao gồm 11.507 trẻ em không có cha mẹ đi cùng.
Nhiều gia đình Trung Mỹ quyết định di cư vì đã quá ngán ngẩm tình trạng tội phạm tràn lan tại các nước này. Nền kinh tế Trung Mỹ cũng đang lao đao khi giá cà phê sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang phát triển ổn định, nhu cầu lao động gia tăng.
Biên giới giữa Ciudad Juarez (Mexico) và El Paso, Texas (Mỹ). Ảnh: Bloomberg.
Luôn có cách vượt biên
Roberto, 65 tuổi, sống ở Ciudad Juarez (Mexico) là một con "sói đồng cỏ" (kẻ tổ chức đưa người di cư vượt biên vào Mỹ) có thâm niên hàng chục năm. "Luôn có cách vượt biên, cho dù Tổng thống Trump có cố ngăn chặn đến mức nào đi nữa", Bloomberg dẫn lời Roberto khẳng định. Và những con "sói đồng cỏ" như Roberto luôn biết cách qua mặt an ninh biên giới Mexico và Mỹ.
Ví dụ, hàng rào biên giới Mexico - Mỹ thường có những lỗ hổng mà người di cư có thể dễ dàng chui qua. Nhiều chủ trang trại Mỹ ở khu vực dọc biên giới nhận tiền hoa hồng hậu hĩnh từ các băng đảng buôn người, sẵn sàng đón dân di cư. Với những địa điểm USBP thường xuyên tuần tra, Roberto chỉ cần thuê thêm người giám sát và xóa dấu vết người di cư để lại trên mặt đất.
Roberto kể hồi tháng 7, nhiều gia đình có trẻ em nhờ lão ta đưa qua biên giới vào Mỹ. Lão thăm dò các nhóm "sói đồng cỏ" khác và phát hiện ngày càng nhiều gia đình cùng nhau vượt biên. Đây là điều đáng ngạc nhiên bởi hồi tháng 1, chính quyền Tổng thống Trump xiết chặt các quy định chống nhập cư bất hợp pháp.
Tháng 6, ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa Mexico nếu tình trạng nhập cư bất hợp pháp tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đồng ý triển khai 26.000 vệ binh cộng hòa tới biên giới để tuần tra. Chiến dịch trấn áp này chủ yếu nhắn vào người di cư từ các nước nghèo thuộc Trung Mỹ như El Salvador và Honduras.
Người di cư trèo qua tường biên giới ở Tijuana (Mexico) để vào Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Trước đây, họ thường vượt biên sang Mỹ, ra đầu thú rồi nộp đơn xin tị nạn và chờ tại Mỹ cho đến ngày hầu tòa. Nhưng theo chính sách mới, họ sẽ bị đưa trở lại Mexico, phải sống vất vưởng ở các thị trấn biên giới trước khi chờ ngày ra tòa để đơn xin tị nạn được xem xét. Nhiều người phải chờ hàng tháng trong vô vọng.
Hàng nghìn gia đình buộc phải tìm cách khác. Bloomberg dẫn lời ông Juan Fierro - quản lý một trại tị nạn cho người di cư ở Ciudad Juarez - cho biết khoảng 10% gia đình tại đây quyết định trở về nhà. Ở Tijuana, quản lý một trại tị nạn khác tiết lộ 30% gia đình vượt núi để vào Mỹ một lần nữa.
7.500 USD cho mỗi đứa trẻ
Gia đình tìm đến Roberto ở Ciudad Juarez chọn một con đường an toàn hơn. Đó là vượt biên để vào El Paso (Texas). Lão cho biết đám đàn em có thể chèo thuyền đưa người di cư vượt sông Rio Grande để vào Mỹ. Băng đảng "sói đồng cỏ" này lắp đặt máy quay trên cầu bắc qua sông để quan sát mọi cử động của an ninh biên giới.
Giá mà Roberto đòi rất cao. Chi phí để đưa mỗi đứa trẻ vượt biên lên đến 7.500 USD, còn người lớn là 8.500 USD. "Họ sẵn sàng chi đậm để đưa con cái vượt biên vào Mỹ. Sao họ không dùng số tiền đó để mở cửa hàng hay làm gì khác nhỉ?", Roberto đặt câu hỏi với phóng viên Bloomberg.
Với gia đình muốn vào El Paso, Roberto cho biết đã kiếm được từ họ tới 35.000 USD. Ngay sau đó, một gia đình khác có 3 con cũng đến xin vượt biên. "Họ đều muốn vào Mỹ. Không ai có thể ngăn chặn được mong muốn đó", gã "sói đồng cỏ" 65 tuổi nhấn mạnh.
Một gia đình có trẻ nhỏ vượt biên vào Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Nhưng có hàng trăm nghìn người di cư tốn hàng chục nghìn USD mà vẫn bị chặn ở biên giới. Enrique Garcia là một người như thế. Người đàn ông 36 tuổi đến từ Suchitepequez tại Guatemala kể anh chỉ kiếm được 150 USD/tháng với nghề quét dọn nên không thể nuôi 3 con. Do đó, anh quyết định nhượng mảnh đất gia đình giá 17.000 USD cho một con "sói đồng cỏ" để sang Mỹ.
Garcia và một cậu con trai vào Mexico hồi tháng 8 và đã vượt biên tới Mỹ, đầu thú với hi vọng sẽ được ở lại. Nhưng họ bị đưa trở về Mexico. Trong suốt 5 tháng, Garcia sống trong tuyệt vọng trước khi nối lại liên lạc với nhóm buôn người. Anh chi 250 USD để đưa con trai trở lại Guatemala và quyết định vượt biên một lần nữa.
Roberto nói lão ta cảm thấy buồn vì nhiều trẻ em thiệt mạng trên đường vượt biên sang Mỹ. Lão tự tin khẳng định sẽ tiếp tục kiếm bộn tiền từ nghề này cho dù Washington có cố ngăn chặn làn sóng di cư đến mức nào đi nữa.
"Tôi nghe đồn ông Trump muốn thả cá sấu xuống dòng sông ở biên giới. Điều gì sẽ xảy ra? Chúng tôi sẽ ăn thịt lũ cá sấu đó luôn. Da của chúng rất đắt. Chúng tôi sẽ mở công ty kinh doanh, sản xuất ví, giày và thắt lưng. Chúng tôi sẽ kiếm bộn tiền", lão nói đùa.
Minh Phụng
Theo Zing.vn
Cuộc sống của tôi đảo lộn sau khi Mỹ 'cấm cửa châu Âu' Tôi vẫn sống bình thường giữa dịch Covid-19 tại Mỹ cho đến khi ông Trump tuyên bố "cấm các chuyến bay từ châu Âu" hôm qua. Lúc 18h hôm qua, tôi đang coi một trận bóng trên TV thì Tổng thống Mỹ ra tuyên bố cấm các chuyến đi từ châu Âu đến Mỹ. Sau khi tuyên bố được đưa ra thì mấy...