Thiếu minh bạch ở Petrolimex
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex, HoSE: PLX) đã phát hành lại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2019 sau khi có ý kiến ngoại trừ của Công ty Kiểm toán KPMG.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu minh bạch trong quản trị tài chính của Petrolimex.
Do Petrolimex bị KPMG đưa ra ý kiến ngoại trừ tại BCTC bán niên 2019, nên cổ phiếu PLX của doanh nghiệp này đã bị Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đưa vào danh sách những mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2019.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Petrolimex
Lập lờ báo cáo hàng tồn kho
Báo cáo kiểm toán soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Petrolimex do Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam phát hành mới đây, đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc một công ty con của Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 135 tỷ đồng dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho đến cuối năm 2019. Đại diện KPMG cho rằng, việc ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho này của Petrolimex chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Petrolimex lý giải rằng, công ty trích lập dựa trên ước tính về sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho đến cuối năm 2019 theo nguyên tắc thận trọng. Theo thống kê của Petrolimex, nhu cầu về sản lượng của các hãng hàng không tăng cao vào những tháng cuối quý 2 và quý 3 nên CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex đã nhập lượng hàng dự trữ để đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu này. Tuy nhiên, do nhiều khách hàng lớn giảm sản lượng mua trong 6 tháng đầu năm, dẫn tới tồn kho tăng cao. Sau đó, giá xăng dầu tăng nhưng giảm lại, dẫn tới kết quả công ty con của Petrolimex bị tồn kho.
Đại diện các Hiệp hội nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đều cho rằng, giải thích nói trên của Petrolimex không hợp lý, tập đoàn này đã không trung thực trong báo cáo tài chính, khiến các nhà đầu tư bị thiệt hại nặng vì biến động giá cổ phiếu PLX.
Video đang HOT
Thiệt hại nặng cho nhà đầu tư
Để cứu vãn tình thế, Petrolimex đã phát hành lại báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, Petrolimex đã quyết định điều chỉnh giảm khoản dự phòng hàng tồn kho theo quy định của chuẩn mức kế toán Việt Nam cùng các ảnh hưởng có liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp này đã đề nghị KPMG phát hành lại Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019 và báo cáo lên UBCK Nhà nước và sàn HOSE.
Dù trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm mới được Petrolimex phát hành lại, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán KPMG cũng đã được loại bỏ, nhưng nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng từ sự cố nói trên, khi giá cổ phiếu PLX đã giảm mạnh trong thời gian qua, có thời điểm giảm xuống mức 56.000đ/cp.
2.635
tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Petrolimex, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Là “ông lớn” DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán và đứng đầu ngành xăng dầu, đáng lẽ Petrolimex phải đi đầu trong công tác minh bạch quản trị tài chính, nhưng “ông lớn” này đã có hành vi không trung thực trong báo cáo tài chính, khiến đơn vị kiểm toán phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính 6 tháng công bố lần đầu.
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu có phải Petrolimex đã trục lợi từ chính cổ phiếu của mình?. Được biết khi cổ phiếu PLX thiết lập đỉnh, Tập đoàn này đã nhiều lần bán ra một lượng lớn cổ phiếu quỹ, trong đó vào cuối tháng 6 vừa qua, Petrolimex đã bán 20 triệu cổ phiếu quỹ.
Trước tình hình này, nhiều Công ty chứng khoán đã tỉnh đòn, cơ quan kiểm toán và UBCK Nhà nước đã kịp thời can thiệp, nếu không, rất nhiều nhà đầu tư mất tiền và đặc biệt mất niềm tin khi đầu tư vào cổ phiếu PLX.
Điều đáng nói là, khi doanh nghiệp cố tình gian dối thông tin nhìn từ trường hợp Petrolimex, phía thanh tra UBCK Nhà nước rất khó phát hiện vi phạm để xử lý. Do vậy, ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, để siết chặt các vi phạm này, UBCK Nhà nước chỉ cấp phép cho 10 Công ty Kiểm toán trong Top Big 4 để rà soát hoạt động của các “ông lớn” trên sàn. Điều này sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào mỗi cổ phiếu.
Cần tăng chế tài xử phạt vi phạm
Ông Hoàng Hùng- Phó Tổng Giám đốc PWC cho rằng, bản chất của quản trị công ty là nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên có lợi ích liên quan như nhà đầu tư, người lao động, nhà cung ứng, khách hàng, cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý, cũng như bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp.
Việc công bố thông tin về quản trị công ty sẽ giúp tăng cường sự minh bạch và niềm tin của các bên liên quan, giúp khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Minh bạch quản trị sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được khả năng quản lý, tiếp cận các đối tác kinh doanh, nguồn vốn mới, thu hút được nhân tài, qua đó, giá trị doanh nghiệp sẽ tự tăng lên trên thị trường vốn.
Do vậy, giải pháp tối ưu nhất giúp các nhà quản lý và các nhà đầu tư đánh giá được đúng và đủ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp là thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong việc triển khai các nguyên tắc quản trị công ty, cũng như trong báo cáo và công bố thông tin về quản trị công ty, đặc biệt trên sàn niêm yết.
Được biết, Bộ Tài chính, UBCK đã siết chặt công tác xử phạt vi phạm báo cáo tài chính từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng với các hành vi vi phạm: Không lập báo cáo tài chính; Báo cáo tài chính không khớp với sổ kế toán và chứng từ kế toán; Báo cáo tài chính không phù hợp với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán… Tuy nhiên, việc vi phạm những nội dung nói trên vẫn còn khá phổ biến.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trong việc minh bạch quản trị doanh nghiệp, cần tăng cường chế tài xử phạt, giám sát để các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là những quy tắc về chuẩn mực kế toán của Việt Nam.
Hà Phương
Theo Enternews.vn
Petrolimex phát hành lại BCTC hợp nhất 6 tháng không còn ý kiến ngoại trừ
Ngoài việc không còn ý kiến ngoại trừ, báo cáo cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, so với con số 2.635,9 tỷ đồng công bố trước đó.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) vừa công bố phát hành lại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất nửa đầu 2019, ghi nhận mức tăng lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, so với con số 2.635,9 tỷ đồng công bố trước đó. Trong BCTC mới được phát hành lại này, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán KPMG cũng đã được loại bỏ.
Theo giải trình từ đợt công bố BCTC lại lần này của Petrolimex, để đảm bảo tính tuân thủ, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu PLX cũng như hạn chế ảnh hưởng đến tình hình thị trường, tập đoàn quyết định điều chỉnh giảm khoản dự phòng hàng tồn kho theo quy định của chuẩn mức kế toán Việt Nam cùng các ảnh hưởng có liên quan. Tập đoàn đã đề nghị KPMG phát hành lại BCTC hợp nhất cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019, đồng thời gửi văn bản báo cáo lên UBCKNN và HoSE.
Trước đó, trong báo cáo kiểm toán giữa niên độ 2019 của Petrolimex, KPMG đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc một công ty con của tập đoàn trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 135 tỷ đồng dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019.
Việc ghi nhận khoản dự phòng này, theo đơn vị kiểm toán, là chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam về hàng tồn kho. Cụ thể, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần được lập dựa trên ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kỳ kế toán.
Sau khi kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu PLX vào diện không được giao dịch ký quỹ trong quý IV.
Phản ứng tiêu cực với thông tin này, trong phiên 4/10 vừa qua, cổ phiếu PLX đã giảm tới 3,3%, vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 2.300 tỷ đồng với giao dịch tăng đột biến, gấp 5 lần trung bình 10 phiên gần nhất.
Sáng nay (14/10), sau thông tin BCTC phát hành lại, cổ phiếu PLX có thời điểm đã tăng lên mức 59.200 đồng/cổ phiếu.
BẢO VY
Theo Bizlive.vn
Cổ phiếu bị cắt margin, Petrolimex 'bay hơi' 2.300 tỷ, HAG 'nhẹ nhàng' hơn Phản ứng trước thông tin không được giao dịch ký quỹ, ngay trong phiên giao dịch 4/10, cổ phiếu PLX và HAG vốn rất được nhà đầu tư quan tâm, đã giảm sâu. Ngày 4/10, Sở Giao dịch chứng khoán TpHCM (HoSE) công bố danh sách 59 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý 4/2019 với hàng...