Thiếu khung pháp lý, nhà đầu tư “sập bẫy” tiền ảo
Kinhtedothi – Sau Modern Tech, iFan và bây giờ là Sky Mining, giới đầu tư tiền ảo bitcoin tại Việt Nam lại chao đảo khi hay tin ông Lê Minh Tâm (ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Tổng Giám đốc Sky Mining (hay còn gọi là HTX Bầu trời công nghệ, mạng lưới đầu tư máy đào tiền ảo “lớn nhất” Việt Nam)… biến mất.
Ảnh minh họa.
“Bánh vẽ” lãi suất khủng
Mặc dù ông Lê Minh Tâm đã đăng một đoạn video lên mạng giải thích lý do vắng mặt những ngày qua là đi chữa bệnh nhưng các nhà đầu tư (NĐT) vẫn rất nghi ngại về lời hứa sẽ quay lại sớm của ông này nhất là khi toàn bộ hệ thống máy cày tiền ảo đã biến mất sau một đêm.
Trước khi xảy ra vụ CEO của Sky Mining bỏ trốn, có Alos Coin và Công ty CP Modern Tech bị tố cáo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo iFan. Các vụ lừa đảo này đều có điểm chung là người chơi các loại tiền ảo này đều được hứa hẹn mức lãi suất cực khủng.
Sky Mining có website là www.skymining.world. Để gọi vốn, công ty này yêu cầu NĐT chọn gói từ 100 USD đến 5.000 USD để mua máy đào, không giới hạn số lượng gói có thể mua.
Sau 12 tháng, công ty sẽ trả lại vốn và lãi tới 300% so với gói đào ban đầu. Đóng tiền xong công ty sẽ xuất máy cho NĐT và họ ký gửi lại để đào tiền ảo (coin). Sau 15 – 18 tháng, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300% so với gói đào ban đầu, NĐT sẽ trả máy lại cho Sky Mining. Theo các chuyên gia công nghệ, mô hình Sky Mining là hình thức núp bóng lấy các máy đào ra để che đậy việc huy động vốn lãi suất cao, phát triển theo hình thức chi hoa hồng kim tự tháp.
Còn với iFan, công ty Modern Tech cam kết với NĐT khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống còn được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Cuối năm 2017, Alos Coin (viết tắt là AOC) mời chào mức lợi nhuận khi đầu tư vào tiền ảo AOC lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng, không ít người đã bán nhà bán cửa để đầu tư cho AOC. Tuy nhiên, khi những người đứng đầu hệ thống này biến mất, người dân mới khóc than, tá hỏa vì bị lừa.
Bao giờ có khung pháp lý?
Trong hơn 300 lá đơn mà người dân tố cáo Tổng Giám đốc Sky Mining “bỏ trốn và chiếm đoạt tài sản” có cả nhiều NĐT nước ngoài cũng lo lắng. Họ được mời đến dự các buổi hội thảo của Sky Mining và đầu tư vào Sky Mining vì nghĩ đây là công ty tài chính chuyên nghiệp.
Tất cả người dân bị hại tại sàn tiền ảo đều mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra truy nã ông Tâm, để những người dân khác không còn bị lừa bởi vòi bạch tuộc sàn tiền ảo này. “Chúng tôi biết mình bị lừa và cũng không mong lấy lại được số tiền đã bị lừa, chỉ mong công an vào cuộc điều tra”, nhóm các nhà đầu tư cho rằng, không chỉ riêng ông Lê Minh Tâm mà những người trong ban lãnh đạo và các chủ xưởng cũng phải chịu trách nhiệm…
Bên cạnh việc kích thích lòng tham của NĐT và trả hoa hồng cao thì việc các sàn tiền ảo vẫn còn đất sống còn có nguyên nhân là do quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo. Hiện nay, các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở cảnh báo người dân để người dân tự chủ động và cảnh giác. Việc phát hiện và xử lý những ông trùm tiền ảo lừa đảo vẫn chưa quyết liệt.
Video đang HOT
Đặc biệt, việc kiểm soát các sàn giao dịch, tổ chức những sự kiện quảng bá liên quan đến đầu tư tiền kỹ thuật số phải được đăng ký và được cơ quan chức năng xem xét kỹ nội dung mới được phép tổ chức. Những sự kiện không được phép tổ chức, người dân có quyền tố cáo và cơ quan an ninh có quyền xử lý.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo nhằm giảm rủi ro hệ lụy cho xã hội, bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính.
Theo nguồn tin báo chí, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an quận Phú Nhuận chuyển hồ sơ vụ việc Sky Mining cho PC46 thụ lý và hướng dẫn người dân đến PC46 tố cáo kèm chứng cứ. Phía PC46 cho biết, hầu hết trường hợp tố cáo mà PC46 tiếp nhận cần phải bổ sung thêm chứng cứ.
“Nhiều NĐT không có giấy tờ nộp bằng tiền mặt vào Sky đầu tư mua máy đào tiền ảo mà đưa tiền mặt quy đổi ra tiền ảo để đầu tư máy đào. Kể cả sau khi máy đào khai thác được tiền ảo, NĐT cũng nhận tiền ảo, sau đó rút tiền ảo mang đi bán lấy tiền mặt. Nghĩa là từ lúc đầu tư máy đào tiền ảo cho đến nhận tiền ảo đào được đều giao dịch bằng tiền ảo.
Theo quy định pháp luật của Việt Nam, tiền ảo không được công nhận” – một đại diện PC 46 phân tích.
Theo Laodong
Công an vào cuộc điều tra nghi án lừa đảo tiền "khủng" 900 tỷ đồng
Công an TP HCM vào cuộc điều tra nghi án lừa đảo 900 tỷ đồng liên quan ông Lê Minh Tâm - Chủ nhiệm Sky Mining.
Liên quan đến vụ việc ông Lê Minh Tâm (Chủ nhiệm Hợp tác xã Bầu trời công nghệ - Sky Mining, có trụ sở ở số 202B Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM) rời khỏi Việt Nam, sáng 31/7, nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn vào hợp tác xã này tiếp tục đến công an cầu cứu và trình báo về việc ông Tâm lừa đảo, ôm trọn số tiền lên đến 900 tỷ đồng.
Nghi vấn ông chủ máy đào tiền ảo Sky Mining đóng cửa công ty bỏ trốn cùng gần 900 tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng.
Trong số các nạn nhân, có nhiều người nước ngoài đang cư trú tại TPHCM đã đến công an trình báo về việc ông Lê Minh Tâm (48 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bầu trời công nghệ) có biệt danh ông chủ mỏ đào tiền ảo - Sky mining bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, lời kêu gọi tham gia đào tiền ảo lợi nhuận lên đến 300% đã khiến nhiều người nước ngoài tham gia, vay mượn tiền để đầu tư vì tin tưởng đây là công ty tài chính chuyên nghiệp. Trong đó, ông Chukwu Christan và ông Noarigat (người Nigeria) cho biết đã góp vào đây từ 10.000-24.000 USD, nay đứng trước nguy cơ tay trắng.
Nhiều người Việt từ các tỉnh thành như: Lâm Đồng, Đồng Nai... cũng chạy về trụ sở của Công ty Sky Mining tại TPHCM đòi tiền khi hay tin ông chủ mỏ đào tiền ảo cao chạy xa bay.
Tính đến sáng 31/7, đã có trên 300 nạn nhân gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo ông Lê Minh Tâm chiếm đoạt số tiền hơn 900 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, công ty Sky Mining hoàn toàn không được phép kinh doanh và nhận uỷ thác mua máy đào tiền điện tử, nhưng ông Tâm vẫn huy động vốn để mua máy về kinh doanh.
Được biết, nhà đầu tư chuyển tiền mặt nhưng Sky Mining lại giao dịch bằng tiền ảo, ngay cả khi máy có đào được tiền ảo, người đầu tư muốn lấy lại tiền phải bán tiền ảo đi để lấy tiền mặt. Anh N.T.M, 37 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM chia sẻ: "Nếu thực sự ông Tâm đã bỏ trốn khỏi Việt Nam thì rất có thể hàng trăm nhà đầu tư sẽ trắng tay vì luật Việt Nam không công nhận tiền ảo".
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo ông chủ vận hành hệ thống máy đào tiền ảo Sky Mining bỏ trốn, Công an TPHCM yêu cầu Công an quận Phú Nhuận chuyển hồ sơ chuyển Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) để khẩn trương điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, việc điều tra đang gặp khó khăn vì phải bổ sung thêm chứng cứ, do các nạn nhân không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền thật vào Sky Mining và khi giao dịch với ông Tâm đều bằng tiền ảo nên không có giá trị pháp lý. Về vấn đề này Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Ở Việt Nam, hành vi dùng tiền ảo để thanh toán được xem là vi phạm pháp luật. Vì pháp luật không bảo hộ nên khi xảy ra bất cứ rủi ro nào liên quan đến tiền ảo thì nhà đầu tư gần như bị mất trắng. Thời gian qua, không riêng Sky Mining mà giới đầu tư còn truyền tai nhau và đổ tiền vào nhiều hệ thống đào tiền ảo, huy động vốn khác như: Ifan, Vncoin, Thiên Rồng Việt...
Những đường dây lừa đảo đa cấp này vừa bị công an bắt giữ với số tiền bị chiếm dụng lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Do đó các nhà đầu tư nên coi đây là bài học đắt giá và nên tỉnh táo hơn, để bị tránh sập bẫy lừa tinh vi của các đối tượng lừa đảo./.
Theo Vinh Quang/ VOV- TPHCM
Mộng giàu nhanh từ tiền ảo lại vỡ Từ ngày 25/7, mạng xã hội và đặc biệt là các nhà đầu tư vào mạng lưới máy đào tiền ảo lớn Sky Mining rúng động vì thông tin tổng giám đốc mạng lưới đầu tư máy đào tiền ảo cực lớn tại Việt Nam bỗng dưng "mất tích" cùng với hàng chục triệu USD và dàn máy tính số lượng lớn. Với...