Thiếu hụt năng lượng, khí đốt sẽ trở nên xa xỉ tại Đức?
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông để giảm tác động từ nguồn cung của Nga, nước Đức có khả năng phải tiết kiệm nhiều hơn.
Thành phố Hanover đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: DW
Theo tờ DW, nhiều người dân Đức đã bắt đầu nhận được những hóa đơn điện cao ngất, khi các công ty dịch vụ tiện ích đẩy giá khí đốt tăng lên cho khách hàng. Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hơn một nửa hộ gia đình sử dụng hệ thống sưởi bằng khí đốt nên nhiều người phải vật lộn với chi phí nhiên liệu tăng.
Giá khí đốt tăng gấp đôi kể từ cuối năm ngoái, lên 0,13 USD/kilowatt giờ. Một số nhà cung cấp còn tăng giá mạnh hơn. Gã khổng lồ năng lượng Vattenfall thậm chí đang tính phí khách hàng mới tại Berlin ở mức 0,25 USD/kilowatt giờ.
Từ đầu tháng 10, chi phí nhiên liệu sẽ lại tăng lên. Khách hàng sử dụng khí đốt sẽ phải trả một khoản “phí liên đới” 0,05 USD/kilowatt giờ. Khoản phí này nhằm mục đích hỗ trợ các nhà nhập khẩu khí đốt bị ảnh hưởng do Nga cắt giảm nguồn cung và phải mua khí đốt đắt hơn ở nguồn cung khác.
Tại Đức, mỗi hộ gia đình 4 người sống trong căn hộ rộng 100 m2 trung bình sẽ sử dụng khoảng 18.000 kilowatt giờ/năm. Đối với mức tiêu thụ này, họ sẽ phải trả 1.099 USD theo mức giá vào năm ngoái. Còn đối với mức giá hiện tại, lượng tiêu thụ này sẽ phải trả 3.315 USD – tương đương với thu nhập trung bình 1 tháng.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh các biện pháp bổ sung sẽ hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp không rơi vào mức nghèo dù thuế tăng thêm.
Video đang HOT
Sưởi ấm bằng điện
Những người thuê nhà bắt đầu nhận ra rằng những tháng khó khăn có thể sẽ ở phía trước khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước sang mùa đông. Tuy nhiên, giới chức đang thiếu giải pháp thay thế hệ thống sưởi bằng khí đốt.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu dường như không thể lên lịch bảo trì hệ thống sưởi hoặc lắp đặt các hệ thống hiệu quả hơn. Nhân viên kỹ thuật đều đã được đặt lịch trước, nhiều vật liệu – chẳng hạn máy bơm nhiệt chạy bằng điện – đang trong tình trạng thiếu hụt. Củi, lò sưởi di động và lò sưởi điện đã cháy hàng. Các kỹ thuật viên cảnh báo rằng nguồn điện không được thiết kế cho nhu cầu cao từ các thiết bị này và mạng lưới điện cục bộ có thể bị quá tải vào những ngày lạnh giá.
Lò sưởi điện cháy hàng. Ảnh: DW
Kế hoạch tiết kiệm của Hanover
Trong nhiều tháng qua, Bộ trưởng Habeck liên tục kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Mặc dù hơn 40% sản lượng điện là từ năng lượng gió và Mặt Trời, 14% lượng điện ở Đức vẫn được tạo ra từ khí đốt. Berlin đã quyết định tắt đèn tại 200 điểm du lịch. Ở nhiều thành phố, nhiệt độ nước trong các bể bơi đã được hạ xuống, và không có nước nóng để tắm.
Hanover, thủ phủ của bang Lower Saxony, là một trong những khu vực đầu tiên ở Đức đưa ra kế hoạch tiết kiệm toàn diện. Trong giai đoạn tiếp theo, giới chức cho biết sẽ yêu cầu các tòa nhà trong thành phố đặt nhiệt độ phòng tối đa là 20 độ C, trong khi các phòng kỹ thuật và kho từ 10 – 15 độ C . Các tòa nhà nổi tiếng sẽ không còn được chiếu sáng, tất cả các đài phun nước công cộng, nước nóng trong vòi hoa sen của các bể bơi và phòng tập thể dục cũng sẽ bị ngắt
Khó kiểm soát mức tiêu thụ của người tiêu dùng
Các hộ gia đình tư nhân chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức. Theo giới chuyên gia, việc bắt buộc người dân giảm lượng tiêu thụ khí đốt sẽ là rất khó vì cư dân luôn được pháp luật bảo vệ.
Dù đã khuyến nghị người dân tắm nước lạnh hơn, nhanh hơn, giảm nhiệt độ phòng trong gia đình, cấm làm nóng các bể bơi tư nhân, Bộ trưởng Habeck thừa nhận rằng điều đó sẽ khó thực thi. Ông nói:”Tôi không nghĩ rằng cảnh sát sẽ đến kiểm tra các hồ bơi để xem nước trong hồ có ấm không”.
Tượng đài Siegessule ở Berlin chìm trong bóng tối để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: DW
Trong khi đó, các nhà kinh tế không nghĩ nhiều đến ý tưởng giới hạn giá khí đốt hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính ngoài khoản trợ cấp năng lượng 306 USD/đợt. Trong một bức thư, ban cố vấn khoa học gồm 41 nhà kinh tế cảnh báo ông Habeck rằng giá khí đốt cao là động lực hiệu quả nhất để hạn chế lượng tiêu thụ. Nếu các công ty hoặc hộ gia đình tư nhân biết rằng họ sẽ được cung cấp khí đốt với mức giá cố định, thì bất kể thế nào, họ sẽ không có động lực để tiết kiệm mức tiêu thụ khí đốt.
Thay vào đó, ban cố vấn đề xuất điều tiết thị trường khí đốt theo cách tính giá lũy tiến. Theo đó, các hộ tiêu thụ nhiều hơn sẽ phải trả một mức giá cao hơn đáng kể, điều này có thể khuyến khích họ suy nghĩ lại và giảm mức tiêu thụ
Làm việc tại nhà để tiết kiệm
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 dự kiến sẽ gia tăng vào mùa thu tới, nhiều công ty có thể khuyến khích nhân viên của họ làm việc tại nhà trở lại. Theo các nghiên cứu, việc ngừng hoạt đông hệ thống sưởi trong các tòa nhà văn phòng có có thể tiết kiệm 5% năng lượng. Họ gợi ý các công ty nên chuyển lại khoản tiền tiết kiệm cho nhân viên vì họ phải trả nhiều tiền hơn để sử dụng điện và sưởi ấm khi làm việc tại nhà.
Song vẫn còn rất nhiều vấn đề không chắc chắn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình ARD, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội có thể xảy ra nếu hóa đơn sưởi ấm mùa đông tăng đột biến, đồng thời cho biết chính phủ đang nỗ lực hết sức có thể để đảm bảo nguồn cung. Nhưng nếu trong những tuần tới, ngày càng có nhiều khách hàng nhận được hóa đơn điện cao và không thể thanh toán, làn sóng phản đối có thể sẽ bùng lên nghiêm trọng.
Đức đang đứng bên bờ cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng
Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, biên tập viên cấp cao của tờ Die Welt, một trong những tờ báo có ảnh hưởng nhất đất nước, cảnh báo.
"Không chỉ giá khí đốt ở gần mức cao kỷ lục, giá điện cũng đang báo hiệu tình trạng căng thẳng", ông Holger Zschaepitz, biên tập viên cấp cao về kinh tế và tài chính của nhật báo Die Welt, nhận định trên mạng xã hội Twitter.
Trong bài viết đăng kèm một biểu đồ, ông Zschaepitz chỉ ra rằng giá điện đã lên tới gần 400 euro/megawatt giờ trên sàn giao dịch năng lượng, tương đương 0,40 euro/ kilowatt giờ. Ông nhận định nếu giá tiêu dùng chịu tác động của giá thị trường, người Đức sẽ phải trả khoảng 0,80 euro/kilowatt giờ, cao hơn mức 0,30 euro hiện tại, bao gồm thuế và phí.
Giá điện ở Đức chịu ảnh hưởng bởi giá khí đốt tự nhiên - chiếm tới 15% nguồn cung điện năng của đất nước, theo thống kê chính thức. Giá khí đốt đã tăng gần gấp 4 lần trong năm nay, chủ yếu do Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, đã cắt giảm đáng kể nguồn cung.
Cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng đã khiến Đức phải quốc hữu hóa một phần công ty cung cấp năng lượng lớn nhất đất nước. Tuần trước, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ mua lại 30% cổ phần của Uniper sau khi công ty này đề nghị chính phủ tung gói cứu trợ, với lý do "áp lực tài chính vô cùng lớn" do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên. Uniper gần đây đã buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá cao hơn nhiều để bù đắp tình trạng thiếu hụt.
Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg, các công ty năng lượng châu Âu đang nợ chồng nợ để trang trải chi phí tăng cao, khoản nợ phải trả của họ đã lên tới trên 1,7 nghìn tỷ USD.
Kế hoạch khẩn cấp khí đốt của Đức khiến EU lo ngại Theo phóng viên TTXVN tại Đức, việc Đức tuyên bố báo động cấp hai về khủng hoảng năng lượng trong kế hoạch khẩn cấp của nước này đang khiến các nước châu Âu lo ngại về nguy cơ kinh tế Đức có thể gặp bất ổn do thiếu khí đốt và kéo theo nhiều hệ lụy cho các nước láng giềng. Hệ thống...