Thiếu hụt chip – Yếu tố đang “hãm phanh” đà phục hồi ngành ôtô
“Đại gia” sản xuất xe hạng sang của Vương quốc Anh Jaguar Land Rover mới đây đã cảnh báo tình trạng thiếu chip có thể làm giảm một nửa sản lượng trong quý 3/2021 của hãng.
Công nhân làm việc tại một nhà máy của Hyundai. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chip điện tử, khiến hoạt động sản xuất chậm lại và tình trạng này dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng.
Các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp đã ghi nhận kết quả kinh doanh mạnh mẽ, vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang có nguy cơ khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Chip vi mạch là cấu phần rất cần thiết đối với hệ thống điện tử của những chiếc ôtô hiện đại và đã ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ cuối năm ngoái.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc các nhà sản xuất ôtô đã tiến hành cắt giảm đơn đặt hàng khi đại dịch xảy ra.
Điều này buộc các hãng sản xuất chip điện tử phải chuyển sang kênh phân phối dành cho các lĩnh vực như điện tử tiêu dùng, vốn đã chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu do người dân ưu tiên mua sắm những thiết bị phục vụ làm việc từ xa và giải trí tại nhà.
Hậu quả là, các nhà sản xuất ôtô rơi vào tình trạng khan hàng khi nhu cầu sản xuất quay trở lại. Nhiều nhà máy buộc phải sản xuất chậm lại hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất.
Trước đó, các chuyên gia phân tích ban đầu cho rằng các tác động sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hạn chế, nhưng giờ đây, thực tế đang cho thấy điều ngược lại.
Video đang HOT
“Đại gia” sản xuất xe hạng sang của Vương quốc Anh Jaguar Land Rover mới đây đã cảnh báo tình trạng thiếu chip có thể làm giảm một nửa sản lượng trong quý 3/2021 của hãng.
Trong khi đó, Tập đoàn Volkswagen (VW) cũng cho rằng các tác động có thể sẽ “rõ rệt hơn” trong quý 3, khi họ hạ dự báo sản lượng hàng năm thêm khoảng 450.000 xe, tương đương với 5% mức sản lượng của năm 2020 và 1/3 mức tăng sản lượng mà hãng xe Đức dự kiến hồi đầu năm.
Nhà sản xuất ôtô này cảnh báo: “Nguy cơ tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung của linh kiện chất bán dẫn đang ngày càng gia tăng trong toàn ngành.”
Trong bối cảnh đó, một trong những cách để VW đối phó với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn là ưu tiên sản xuất các loại xe cao cấp để mang về nguồn thu lớn hơn.
Tương tự, nhà sản xuất ôtô Mỹ Ford cũng cho rằng việc nguồn cung trên thị trường ôtô bị hạn chế cũng là điều kiện để các nhà sản xuất đưa ra ít chính sách khuyến mãi hơn, đồng thời tập trung vào việc sản xuất những mẫu xe sinh lời nhất.
Ford cho biết giá bán xe trung bình của hãng đã tăng 14% so với năm ngoái. Ford đã khiến các chuyên gia phân tích ngạc nhiên với mức lợi nhuận trong quý 2/2021 lên đến 1,1 tỷ USD.
Tại Nhật Bản, Nissan cũng đã buộc phải đẩy lùi kế hoạch ra mắt chiếc crossover chạy điện hoàn toàn mới của mình là Ariya do tình trạng thiếu chip.
Công nhân làm việc tại nhà máy Naka của Hãng sản xuất chip Renesas Electronics ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Ferdinand Dudenhoeffer, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu ôtô của Đức, “đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng có thể đã diễn ra.”
Theo chuyên gia này, tình hình có thể sẽ sớm được cải thiện khi các cơ sở sản xuất mới được đưa vào hoạt động. Mặc dù vậy, sự thiếu hụt sẽ không thể chấm dứt trước cuối năm 2021 và có thể sẽ kéo dài đến năm 2023.
Ông Dudenhoeffer dự báo sự thiếu hụt sẽ khiến sản lượng toàn cầu giảm đến 5,2 triệu xe trong năm nay và người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sự chậm trễ, đi cùng với môi trường giá cao hơn.
Trong khi đó, giá ôtô đã qua sử dụng cũng sẽ tăng do nhu cầu mua ôtô mới không được đáp ứng.
Các nhà sản xuất ôtô trong nhiều năm qua đã cắt giảm lượng hàng tồn kho họ nắm giữ để tăng hiệu quả tài chính.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này dường như đang buộc các nhà sản xuất phải đánh giá lại cách tiếp cận có tên gọi “Just In Time” (đúng sản phẩm-đúng số lượng-đúng nơi-đúng thời điểm cần thiết).
“Các nhà cung cấp và nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đang đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và đang cố gắng kiểm soát nhiều hơn việc tìm kiến nguồn cung từ các kênh khác nhau và bằng cách đa dạng hóa nếu có thể,” chuyên gia Nils Poel đến từ Hiệp hội các nhà cung cấp ôtô châu Âu cho biết.
Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất ôtô khắc phục được tình trạng thiếu hụt chip, một vấn đề khác đang chờ đợi, chuyên gia Dudenhoeffer cảnh báo.
Theo chuyên gia này, với việc các nhà sản xuất ôtô muốn tăng cường sản xuất xe điện, các công ty sản xuất pin sẽ lại gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu và tình trạng thiếu hụt có thể bắt đầu xuất hiện từ năm 2023./.
Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt kỷ lục nhờ chip điện tử và ô tô
Thông tấn Yonhap đưa tin ngày 31/7/2021, xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 7 đạt 55,4 tỷ USD, nhờ doanh số bán ô tô và chip tăng mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục, tăng tháng thứ chín liên tiếp khi nền kinh tế toàn cầu duy trì sự phục hồi.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, các lô hàng xuất đi đạt giá trị 55,4 tỷ USD vào tháng 7 nhờ doanh số bán ô tô và chip tăng mạnh.
Samsung và Hyundai của Hàn Quốc là 2 nhà sản xuất chip nhớ và ô tô hàng đầu thế giới, đóng góp lớn vào xuất khẩu của đất nước
Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 358,7 tỷ USD, cũng là một mức cao mới.
Nhập khẩu tăng 38,2% lên 53,6 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại là 1,76 USD.
Đây là tháng thứ 15 liên tiếp nước này xuất siêu, với kim ngạch thặng dư khoảng 1,6 tỷ USD mỗi tháng.
Doanh số xuất khẩu chip điện tử, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế số 4 châu Á, tăng 39,6% trong giai đoạn này, đạt 11 tỷ USD nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ các trung tâm dữ liệu cũng như nhu cầu trong các ngành ô tô, thiết bị điện tử tăng vọt.
Xuất khẩu ô tô cũng tăng trưởng ổn định, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,1 tỷ USD. Doanh số của các mẫu xe cao cấp như SUV và xe điện cũng được cải thiện.
Số liệu cho thấy chip chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu hàng tháng, trong đó ô tô chiếm 7,4%.
Mercedes-Benz tăng tốc trong cuộc đua xe điện Daimler, công ty chủ quản thương hiệu Mercedes-Benz, sẽ đầu tư hơn 47 tỉ USD đến năm 2030 để sẵn sàng cạnh tranh với Tesla. Mercedes-Benz tăng tốc trong cuộc đua xe điện Daimler, công ty chủ quản thương hiệu Mercedes-Benz, sẽ đầu tư hơn 47 tỷ USD đến năm 2030 để sẵn sàng cạnh tranh với Tesla trong thị trường ô tô...