Thiết quân luật chớp nhoáng, Tổng thống Hàn Quốc vào thế khó
Quyết định bất ngờ ban hành thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol gây rúng động chính trường Hàn Quốc đang đẩy ông vào nguy cơ mất chức.
Đến chiều qua, các phóng viên tại hiện trường cho hay không khí bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc đã yên bình, trái ngược với sự hỗn loạn trong đêm 3.12, khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật. Không khí căng thẳng đến từ bên trong, khi 191 nghị sĩ các đảng đối lập đã ký và đệ trình biên bản đề nghị luận tội ông Yoon. Sáu giờ sau khi ban hành lệnh, ông Yoon đã phải rút lại thiết quân luật khi quốc hội bỏ phiếu đề nghị.
Phe đối lập quyết luận tội tổng thống Hàn Quốc sau vụ ban bố thiết quân luật thất bại
Vị trí lung lay
Kế hoạch luận tội dự kiến được đưa ra tại phiên họp toàn thể vào hôm nay (5.12) và sẽ bỏ phiếu trong 1 – 2 ngày sau đó. Nếu có 200 trong số 300 nghị sĩ thông qua đề xuất luận tội, ông Yoon sẽ bị tạm ngưng chức vụ và quyền tổng thống sẽ thuộc về Thủ tướng Han Duck-soo, cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng. Nếu Tổng thống không từ chức và tòa vẫn giữ đề xuất trên, ông Yoon sẽ bị phế truất và Hàn Quốc có 60 ngày để bầu người kế nhiệm.
Giới quan sát nhận định đây rõ ràng là thất bại trong nỗ lực chính trị của ông Yoon và đang khiến ông đứng trước nguy cơ mất vị trí lãnh đạo Hàn Quốc. Dù trước đó đã xuất hiện một số tin đồn ông Yoon có thể ban bố thiết quân luật, việc Tổng thống Hàn Quốc thực sự làm điều này đã gây bất ngờ không chỉ cho phe đối lập mà đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền cũng bị động.
Truyền hình Hàn Quốc phát bản tin Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật ngày 3.12. ẢNH: AFP
Theo tạp chí Foreign Policy, thiết quân luật tại Hàn Quốc thường chỉ được xem là lá bài được cân nhắc dùng đến khi căng thẳng với CHDCND Triều Tiên leo thang nghiêm trọng. Song, ông Yoon chưa từng phải dùng đến nó trong thời gian qua, khi Bình Nhưỡng có nhiều động thái mà Seoul cho là gây hấn.
Ông Yoon Suk Yeol đối mặt với không ít sóng gió trong nửa đầu nhiệm kỳ, kể từ khi nhậm chức hồi năm 2022. Phu nhân Kim Keon Hee của ông Yoon hồi tháng 11.2023 vướng cáo buộc nhận túi hàng hiệu, buộc ông phải đứng ra xin lỗi công chúng, dù phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào. Vào tháng 4, đảng PPP cầm quyền chịu thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc, khi đảng Dân chủ (DP) đối lập giành được nhiều ghế nhất, qua đó phối hợp với những đảng đối lập nhỏ khác gây sức ép lên các chính sách của Tổng thống Yoon.
Khảo sát của Gallup cũng chỉ ra tỷ lệ ủng hộ ông Yoon thời gian qua ở mức dưới 20%. Tính đến tháng 1 năm nay, chỉ 29% dự luật do chính phủ ông Yoon đệ trình được thông qua tại quốc hội, theo báo Financial Times. Ngược lại, Tổng thống Hàn Quốc đã dùng quyền phủ quyết các dự luật từ phe đối lập nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào kể từ năm 1987.
Thế “dồn vào chân tường”
Giới chuyên gia cho rằng một lệnh thiết quân luật được đưa ra với lời giải thích không rõ ràng phần nào cho thấy ông Yoon đang dùng nước đi “được ăn cả, ngã về không”, và diễn biến đến nay đang nghiêng về vế sau. Đối mặt với một quốc hội khóa mới có đa số nghị sĩ từ phe đối lập, nhiệm kỳ của ông Yoon đến tháng 5.2027 được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại. Song chưa cần đến thời điểm đó, quốc hội Hàn Quốc đã rục rịch động thái luận tội các quan chức chủ chốt trong chính quyền đương nhiệm và yêu cầu cắt giảm 4.100 tỉ won (2,9 tỉ USD) ngân sách năm tới. Hai vấn đề trên đã được ông Yoon nêu ra khi ban hành thiết quân luật. Ông còn nêu thêm quyết định gây tranh cãi trên nhằm ngăn “mối đe dọa từ Triều Tiên và những thế lực thân Triều Tiên chống phá nhà nước”, dù không nêu bằng chứng cụ thể nào.
Bà Celeste Arrington, chuyên gia về chính trị Hàn Quốc từ Đại học George Washington (Mỹ), nhận định với AFP rằng động thái của ông Yoon cho thấy tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc đang bất mãn và cũng phần nào thể hiện sự thiếu kinh nghiệm chính trị, đề cập việc ông Yoon chưa từng làm vị trí dân cử nào trước khi nhậm chức.
Ngoài ra, ngay cả trong nội bộ đảng PPP cũng không có sự ủng hộ tuyệt đối cho ông chủ Nhà Xanh Yoon Suk Yeol, điển hình với việc ông Yoon và lãnh đạo PPP Han Dong-hoon từng nhiều lần tranh cãi về những bất đồng liên quan vụ hàng ngàn bác sĩ thực tập Hàn Quốc đình công.
Tờ The Korea Herald ngày 4.12 dẫn lời giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Park Won-ho (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc), cho rằng sự cô lập chính trị với ông Yoon đã được nhận thấy, song thiết quân luật sẽ còn khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Đồng quan điểm, giáo sư Park Chang-hwan từ Đại học Jangan (Hàn Quốc) phân tích: “Việc tổng thống ban bố thiết quân luật mà không tham khảo ý kiến của cố vấn rõ ràng cho thấy trạng thái tâm lý cô lập. Khi một người cảm thấy bị dồn vào chân tường, họ có xu hướng đưa ra những quyết định vô lý”. Sau vụ việc gây rúng động vừa qua, một số quan chức cấp cao chính quyền ông Yoon đã đề nghị từ chức, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun.
Bộ trưởng Quốc phòng nộp đơn từ chức
Yonhap ngày 4.12 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun vừa nộp đơn từ chức sau vụ Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật. “Tôi đã nộp đơn từ chức lên tổng thống và xin chịu trách nhiệm về mọi bất ổn do lệnh thiết quân luật khẩn cấp gây ra”, theo tuyên bố của ông Kim ngày 4.12.
Ông Kim khẳng định tất cả binh sĩ thực hiện nhiệm vụ tuân theo chỉ thị của ông và người đứng đầu cơ quan quốc phòng Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm. Trước đó, Chủ tịch đảng PPP cầm quyền Han Dong-hoon đã kêu gọi lập tức sa thải Bộ trưởng Kim Yong-hyun, người đã đề xuất ban bố thiết quân luật.
Gia tăng căng thẳng trên chính trường Hàn Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 4/12, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc đã kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi việc luận tội nếu nhà lãnh đạo này từ chối.
Trong cuộc họp nội các khẩn rạng sáng 4/12/2024 tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (ảnh) tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật ban bố tối 3/12. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Trong nghị quyết thông qua tại phiên họp khẩn cấp ở Quốc hội sáng cùng ngày, đảng DP nêu rõ: "Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vi phạm Hiến pháp" và "mọi yêu cầu cần thiết cho việc ban bố tình trạng thiết quân luật đều không được tuân thủ".
Cũng trong ngày 4/12, các hãng thông tấn Newsis và Yonhap đưa tin Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và các thư ký cấp cao đã xin từ chức.
Đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập làm tê liệt hoạt động của nhà nước. Sau đó, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu và thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Rạng sáng 4/12, sau khi Chính phủ phê chuẩn, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh này.
Trong diễn biến liên quan ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh quyết định hủy bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục hy vọng các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật.
Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho biết Chính phủ nước này ủng hộ việc Tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh thiết quân luật và tôn trọng yêu cầu của Quốc hội Hàn Quốc về việc chấm dứt tình trạng này.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul khuyến cáo công dân Mỹ ở Hàn Quốc nên tránh xa các khu vực đang diễn ra biểu tình.
Hàn Quốc trải qua một đêm 'hỗn loạn chính trị lớn nhất nhiều thập kỷ' Ngày 4/12, các nhà lập pháp tại Hàn Quốc kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông bất ngờ ban bố thiết quân luật mà không thông qua Quốc hội, do đó gây ra sự hỗn loạn chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Nhân viên làm việc...