Thiên nhiên “lơ lửng” trong ngôi nhà ống giữa phố thị Sài Gòn
Đối mặt với hạn chế về diện tích xây dựng, ngôi nhà mang tên Floating Nest vẫn nổi bật nhờ không gian xanh hiếm có và sự kết hợp giữa truyền thống – hiện đại trong thiết kế.
Giống như nhiều ngôi nhà ống khác ở Sài Gòn, ngôi nhà mang tên Floating Nest nằm trên một lô đất hẹp (4×12m) trong khu dân cư đông đúc, bị các công trình lân cận chắn 3 mặt, chỉ có một mặt tiền hướng tây.
Nữ gia chủ là người đam mê làm vườn. Cô mong muốn sở hữu một không gian sống thoáng đãng, thư thái sau một ngày làm việc mệt mỏi, với thật nhiều mảng xanh hiện diện ở mọi nơi trong nhà để thỏa mãn sở thích cá nhân.
Để giải quyết những hạn chế trên và đáp ứng nhu cầu của gia chủ, đồng thời tăng cường chiếu sáng và thông gió tự nhiên, nhóm kiến trúc sư quyết định lược bỏ tường ngăn trong nhà, thay vào đó, sử dụng cây xanh và khoảng trống để phân tách các không gian chức năng.
Có ba khoảng trống lớn: vườn trước và vườn sau, trải rộng trên cả 3 tầng, ngăn cách đường phố bên ngoài và trong nhà; giếng trời trung tâm xuyên suốt 2 tầng trên, ngăn cách không gian riêng tư với khu vực làm việc, sân vườn và nơi thờ tự.
Những khu vườn nhỏ được sử dụng tương tự để ngăn cách nội thất và ngoại thất; nhà vệ sinh và phòng ngủ hoặc nhà bếp; các phòng ngủ và cầu thang. Cách bố trí này tạo ra sự chuyển đổi liền mạch trong không gian, trong khi vẫn đảm bảo tất cả các khu vực chức năng đều tiếp xúc với thiên nhiên.
Video đang HOT
Vật liệu được sử dụng là sự kết hợp giữa yếu tố đương đại và truyền thống, gợi nhớ đến không gian làng quê Việt Nam, với tre, gỗ, kết hợp kính và sắt.
Tre là nguyên liệu tự nhiên rất dồi dào tại địa phương, vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm chi phí. Những bức bình phong tre được bố trí chạy dọc theo chiều dài của mặt tiền, giống như “bức tường mây” trong kiến trúc truyền thống ở nông thôn Việt Nam, bảo vệ toàn bộ ngôi nhà khỏi nắng hướng tây gay gắt, đồng thời đảm bảo sự riêng tư cần thiết. Ngoài ra, hệ thống nan tre cũng giúp thông gió tự nhiên hiệu quả.
Vách ngăn bằng sắt với họa tiết hình chiếc lá, một phiên bản cách điệu của tấm bình phong truyền thống, có chức năng như một thiết bị đối lưu ánh sáng và không khí. Sắt còn được dùng làm lam che nắng ban công và cổng ra vào, tạo cảm giác ngôi nhà như một tổng thể mở, liên kết chặt chẽ với nhau.
Trần tre ở giếng trời sân sau, ngay cầu thang, được làm bằng những thanh tre thẳng đứng. Điều này giúp tạo nên sự kết nối trực quan với mặt tiền, đồng thời đóng vai trò che nắng. Nó cũng cho phép ánh sáng xuyên qua, không chỉ gây ấn tượng với hiệu ứng bóng râm độc đáo mà còn cả những âm thanh vui tai như chuông gió treo trong vườn.
Những tấm sắt mỏng được sử dụng thay thế cho các chi tiết thường được xây bằng bê tông như cầu thang, chậu cây, ban công, vừa giúp che nắng, vừa làm giảm trọng lượng kết cấu. Hơn nữa, chúng được thiết kế để trông giống như được treo tự do trên không trung. Vật liệu này cũng được sử dụng làm nền cho khu vực thờ cúng – không gian quan trọng nhất trong nhà, mở rộng xuống tầng dưới và trở thành không gian thiền định.
Những giải pháp thiết kế khác biệt khiến toàn bộ ngôi nhà có cảm giác nhẹ nhàng, như đang lơ lửng trong không gian xanh rộng lớn và ngập tràn ánh sáng.
Vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời lặn, ánh sáng từ trong nhà chiếu qua những khe hở giữa những “lũy tre” và những họa tiết trên vách sắt khiến ngôi nhà trông giống như một chiếc đèn lồng tỏa sáng rực rỡ giữa khu phố.
Nhà 39 m2 trong hẻm ở Sài Gòn như rộng ra gấp đôi nhờ độc chiêu thiết kế
Tiny House là tên ngôi nhà có diện tích vỏn vẹn 39 m2 nằm tại một con hẻm hẹp ở quận 4, TPHCM.
Tiny House vốn là tổ ấm của gia đình 3 thế hệ trong suốt 3 thập kỷ nhưng theo thời gian, ngôi nhà dần xuống cấp, ẩm thấp và không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Công trình gặp rất nhiều bất lợi trong thiết kế và thi công do diện tích hẹp và vị trí khu đất không thuận lợi.
Theo đó, ngôi nhà nằm lọt thỏm trong 1 con hẻm nhỏ, với mặt tiền đi vào nhà rộng chỉ 1,8m.
Bốn phía nhà bị bao vây bởi các công trình khác nên ánh sáng không thể len lỏi vào nhà. Sau 30 năm "sống trong bóng tối", ngôi nhà ẩm mốc, bí bách và chật chội vì lượng đồ đạc quá tải.
Bên cạnh đó, các KTS phải tính toán và bố trí không gian sống thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cho 6 thành viên trong gia đình 3 thế hệ.
Dù Tiny House bị bao vây bởi những công trình kiên cố, cao tầng ở cả 4 phía nhưng các KTS đã phát hiện ra các khoảng hở nhỏ giữa Tiny House và các công trình đó. Đây chính là điều may mắn và cũng là mấu chốt để họ triển khai ý tưởng thiết kế của mình.
Khoảng hở đầu tiên là khoảng hành lang ngoài trời rộng 1,8m2 dẫn vào nhà. Dù ngôi nhà có diện tích khiêm tốn, nhưng việc mạnh dạn bớt lại khoảng đất hẹp để làm hành lang ngoài trời đã giúp lấy sáng hiệu quả và tạo ra không gian thư giãn cho gia đình.
Tận dụng khoảng trống phía trước nhà vốn là hành lang thừa của ngôi nhà kế bên, KTS đặt cầu thang cùng các cửa sổ lấy sáng xuyên suốt 3 tầng lầu. Đây chính là khoảng hở thứ 2 được tận dụng triệt để.
Khoảng hở thứ 3 vốn là 1 khoảng trống nhỏ xíu tiếp xúc với căn nhà cấp 4 liền kề xây chắp vá. KTS thiết kế những khung cửa dài để lấy sáng, đồng thời chừa lại 1 khoảng không gian hẹp để làm giếng trời thông suốt 4 tầng nhà.
Gia chủ vốn là những người bận rộn với công việc kinh doanh nên họ mong muốn ngôi nhà thật nhẹ nhàng, giản dị và bình yên. Do đó, KTS đã lựa chọn phong cách thiết kế tối giản cho Tiny House. Ngôi nhà có 3 phòng ngủ phân bố trên lầu 2 và 3.
Nội thất tối giản với tông màu trắng - đen - nâu vừa hiện đại lại gợi nét ấm cúng.
Không gian phòng khách với tông màu trắng chủ đạo cùng những điểm nhấn của đồ nội thất màu đen.
Để tiết kiệm diện tích và tạo thẩm mỹ, phòng vệ sinh được ẩn khéo léo dưới gầm cầu thang.
Diện tích các phòng ngủ không lớn nên nội thất đa năng được sử dụng tối đa để vừa tiết kiệm diện tích vừa đáp ứng được công năng.
Lối dẫn vào nhà nhỏ hẹp bỗng trở nên độc đáo khi nền gạch hoa văn nổi bật giữa hai bức tường sơn trắng, không trát vữa.
Chiêm ngưỡng căn nhà với lối thiết kế đương đại độc đáo tại Tp.HCM Căn nhà ẩn giấu bên trong là một bầu không khí đương đại, gợi nỗi nhớ tinh tế về kiến trúc hiện đại Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước. "Mài" là một căn hộ hiện đại, được thiết kế theo lối kiến trúc đương đại. Căn hộ này có diện tích 200 m2, nằm tại Tp.HCM. Chủ nhân của căn hộ này...