Thiên nhiên kì thú: Xem nhím biển lộn ngược từ trong ra ngoài để… tái sinh
Bên cạnh hình dạng kì cục, cách sinh sản và phát triển của loài nhím biển cũng hết sức đặc biệt, bởi chúng sở hữu tuyệt kĩ “lộn ngược từ trong ra ngoài để tái sinh”.
Nhím biển là một lớp sinh vật thuộc ngành Động vật đa gai, có mặt ở hầu hết các đại dương trên toàn thế giới. Về ngoại hình, nhím biển ở giai đoạn trưởng thành có đường kính nằm trong khoảng 3-10 cm, dày khoảng 3-4 cm. Đúng như tên gọi, toàn bộ bề mặt của sinh vật này được bao bọc bởi các gai nhọn, khi sinh vật nào chẳng may bị đâm bởi lớp phòng thủ này, thì ngay lập tức sẽ bị đau nhức ở vùng da tổn thương. Tuy nhiên, vết thương này thường không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe.
Có thể ví nhím biển như một quả cầu gai rỗng, bởi khối lượng thịt bên trong rất ít so với tổng thể khối vỏ của chúng. Các thớ thịt này có màu vàng hoặc cam, bám dọc theo vỏ và có kết cấu theo dạng hình sao 5-8 cạnh.
Bên cạnh hình dạng kì cục, cách sinh sản và phát triển của loài động vật này cũng hết sức đặc biệt, bởi chúng sở hữu tuyệt kĩ “lộn ngược từ trong ra ngoài để tái sinh”.
Cụ thể, vào mùa sinh sản (mùa Xuân), nhím biển đực sẽ giải phóng một lượng tinh trùng khổng lồ vào đại dương, trong lúc này, nhím biển cái cũng thực hiện hành động tương tự với trứng. Dẫu vậy, chỉ một phần nhỏ số trứng và tinh trùng này có thể gặp được nhau để thụ tinh giữa lòng biển bao la.
Sau khi trứng được thụ tinh, chúng sẽ phát triển và nở ra phôi nhím biển. Từ lúc mới nở, phôi nhím biển đã có thể bơi, lớn thêm một chút phôi nhím trở thành dạng ấu trùng, có hình dáng tương tự như một chiếc ô. Điều thú vị là ấu trùng nhím hoàn toàn bị mù và điếc, dẫu vậy chúng vẫn tiếp tục bơi hàng tuần, hàng tháng liền trong trạng thái này và tồn tại bằng cách ăn tảo.
Trong thời gian chu du khắp đại dương, một thể nhím biển trưởng thành, lúc này đang ở kích thước hiển vi, dần dần hình thành và phát triển ngay bên trong ấu trùng. Đến một thời điểm nhất định, ấu trùng buộc phải tìm một bề mặt để đáp xuống, trước khi nhím biển trưởng thành bên trong trở nên quá lớn. Khi thời điểm gần chín muồi, dòng hải lưu sẽ đưa ấu trùng đến sát bờ biển, ngay tại nơi các khu vực sóng đánh tung bọt trắng xóa. Nhiễu loạn do sóng này kết hợp cùng mùi vị thơm ngon của tảo bẹ khiến ấu trùng biết rằng thời khắc đã đến.
Ngay lúc này, ấu trùng sẽ ngừng bơi và thả rơi tự do xuống đáy biển. Diễn biến tiếp theo mới thực sự là điều lạ lùng nhất trong toàn bộ quá trình phát triển này. Theo đó, từ bên trong ấu trùng, những chiếc chân ống bắt đầu nhô ra. Những chiếc chân tiên phong này sẽ thực hiện nhiệm vụ kéo toàn bộ phần nhím biển trưởng thành bên trong ra ngoài, y như cách chúng ta lộn một chiếc tất. Lúc này, nhím biển đã chính thức chuyển sang hình thái trưởng thành.
Cùng khám phá cách sinh sản và sinh trưởng độc đáo của nhím biển trong video dưới đây:
Thiên nhiên kì thú: Xem nhím biển lộn ngược từ trong ra ngoài để… tái sinh
Minh Nhật
Theo dantri.com.vn/DL
Người đàn ông lái xe đụng trúng thiên thạch, cơ duyên may mắn...
Sau khi giám định, các chuyên gia cho biết, viên đá lạ lùng va chạm với xe của ông Vấn là một thiên thạch. Thiên thạch này nặng 3,7gram, có mật độ phân tử là 3,601, độ cứng 6,5, từ tính trung bình.
Theo thông tin đăng tải, sự việc hy hữu xảy ra ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ngày hôm đó, một người đàn ông họ Vấn, ở quận Trần Thương, thị Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây lái xe đến bệnh viện địa phương để đón cháu gái mới sinh về nhà.
Chẳng ngờ, lúc về, khi đi qua vùng phụ cận gần đại lộ Trần Thương, xe của ông Vấn đột nhiên va chạm với vật gì đó từ trên trời rơi xuống. Nhìn qua thấy va chạm không nghiêm trọng, ông Vấn tiếp tục lái xe về nhà.
Tới nhà, ông Vấn kiểm tra kỹ hơn, mới phát hiện, nóc xe dính một viên đá đen, kích thước bằng đầu ngón tay cái, màu đen, có từ tính.
Cảm thấy viên đá này có chút lạ kỳ, ông Vấn quyết định giữ lại để nghiên cứu kỹ hơn. Sau đó, ông quyết định gửi viên đá đến Cục Khí tượng để giám định chuyên nghiệp.
Không ngờ, sau khi giám định, các chuyên gia cho biết, viên đá lạ lùng va chạm với xe của ông Vấn là một thiên thạch.
Thiên thạch này nặng 3,7gram, có mật độ phân tử là 3,601, độ cứng 6,5, từ tính trung bình. Các chuyên gia cũng cho biết, thiên thạch trùng hợp rơi trúng ô tô, lại không rơi xuống mà bám chặt lấy bề mặt xe, thực sự là hiếm thấy.
Biết được viên đá va chạm với xe mình là thiên thạch, ông Vấn tỏ ra rất vui mừng. Ông cho biết, ông sẽ trân trọng viên đá này và coi nó như một cơ duyên may mắn gắn liền với cô cháu gái mới sinh.
Kiều Dụ
Theo CNT
Xem bạch tuộc hóa trang tài tình thành con sò để lừa bắt cua Cùng xem cách bạch tuộc dừa - sinh vật không xương sống thông minh bậc nhất - ngụy trang thành con sò để lừa bắt cua một cách tài tình. Bạch tuộc dừa là một trong những loài động vật không xương sống thông minh nhất trên hành tinh. Một trong những kỹ năng thể hiện IQ đáng kinh ngạc của sinh vật...