Thiên hà Tiên Nữ sắp “ăn ngấu nghiến” Dải Ngân hà?
Các nhà thiên văn học dự đoán trong 4 tỷ năm nữa, thiên hà Tiên Nữ – “người hàng xóm” gần nhất và lớn nhất sẽ va chạm với Dải Ngân hà của chúng ta.
Sự vận động của các thiên hà mang tính cạnh tranh hơn là sự hữu hảo. Thiên hà Tiên Nữ từng là một “kẻ phàm ăn” trong quá khứ để có thể trở thành một thiên hà lớn như ngày nay. Thiên hà này được bao quanh bởi những thiên hà nhỏ hơn và có thể nó đã “ăn” hàng trăm thiên hà trong số đó trong vài tỷ năm qua.
Hình ảnh minh họa cho thấy cuộc sáp nhập ngoạn mục giữa Dải Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ – “hàng xóm” của chúng ta. Ảnh: NASA
Thiên hà Tiên Nữ từng “ăn” M32p – đây từng là thiên hà lớn thứ 3 chỉ sau Tiên Nữ và Dải Ngân hà. Sự kiện này đã khiến thiên hà Tiên Nữ lớn hơn ít nhất 20 lần so với bất kỳ thiên hà nào từng sáp nhập với Dải Ngân hà.
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra những vệt sáng mờ của các thiên hà nhỏ hơn mà thiên hà Tiên Nữ từng sáp nhập cách đây 10 tỷ năm khi nó đang hình thành.
Video đang HOT
“Dải Ngân hà đang trong quá trình va chạm với thiên hà Tiên Nữ trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Vì thế, hiểu được thiên hà “quái vật” mà thiên hà chúng ta phải đối mặt sẽ hữu ích trong việc đoán biết được vận mệnh cuối cùng của Dải Ngân hà”, Dougal Mackey – nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết.
“Tiên Nữ là một thiên hà lớn hơn nhiều so với Dải Ngân hà nên điều đó cũng có nghĩa là nó sẽ tiếp tục “ăn” nhiều thiên hà nữa, có thể là những thiên hà lớn hơn cả thiên hà của chúng ta”, nhà khoa học Dougal Mackey nhận định.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng thiên hà Tiên Nữ sáp nhập các thiên hà khác theo những hướng khác nhau và điều này vẫn là một bí ẩn cần giải mã.
Nghiên cứu thiên hà Tiên Nữ có thể giúp chúng ta hiểu hơn về sự tiến hóa của Dải Ngân hà. Bởi chúng ta sống trong Dải Ngân hà nên sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nghiên cứu nó, tương tự như việc tìm hiểu về toàn bộ khu rừng khi chúng ta đang đứng ở trong đó vậy.
“Chúng tôi là các nhà khảo cổ học vũ trụ, nghiên cứu “hóa thạch” của các thiên hà đã chết trong một thời gian dài thay vì lịch sử con người”, Geraint Lewis giáo sư tại Viện Thiên văn học Sydney thuộc Trường Vật lý Đại học Sydney cho biết.
Tuy nhiên, cuộc đụng độ với thiên hà Tiên Nữ không phải là cuộc va chạm duy nhất mà Dải Ngân hà phải đối mặt. Thiên hà “Đám mây Magellan lớn” (Large Magellanic Cloud) sẽ có một cuộc va chạm ngoạn mục với Dải Ngân hà trong 2 tỷ năm nữa, một nghiên cứu trong Thông báo hàng tháng của Hội Thiên văn Hoàng gia cho biết hồi tháng 1/2019.
Thiên hà của chúng ta được bao quanh là những thiên hà vệ tinh nhỏ hơn với những chuyển động hầu như không bị xáo trộn gì trong hàng tỷ năm qua. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi và các thiên hà vệ tinh này có xu hướng chuyển động về phía Dải Ngân hà cho tới khi chúng tự sáp nhập hoặc bị thiên hà của chúng ta “nuốt chửng”.
Đám mây Magellan lớn là một thiên hà còn khá mới quay quanh Dải Ngân hà, được hình thành cách đây 1,5 tỷ năm. Đây là thiên hà vệ tinh sáng nhất mà chúng ta biết, cách Dải Ngân hà 163.000 năm ánh sáng. Trước đây, các nhà thiên văn học cho rằng thiên hà này hoạt động một cách im lặng và đang chuyển động xa dần trọng lực của Dải Ngân hà. Tuy nhiên, các số liệu mới đây cho thấy thiên hà vệ tinh nhỏ bé này có thể đang che giấu 1 bí mật lớn và nó có khối lượng lớn hơn nhiều chúng ta ước tính. Điều ấy tức là Đám mây Magellan lớn đang mất dần năng lượng và một ngày nào đó sẽ sáp nhập vào với Dải Ngân hà của chúng ta.
“Sự hủy diệt của Đám mây Magellan lớn khi bị Dải Ngân hà “ăn thịt” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thiên hà của chúng ta, đánh thức hố đen ở trung tâm thiên hà và biến Dải Ngân hà thành một “nhân thiên hà hoạt động” hoặc một chuẩn tinh”, chuyên gia Marius Cautun thuộc Viện Vũ trụ học thuộc Đại học Durham cho biết./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo vov.vn
NASA ghi lại cảnh tượng hố đen xé toạc một ngôi sao
Hôm 26/9 các nhà khoa học đã ghi lại toàn bộ cảnh tượng hố đen xé toạc và nuốt chửng một ngôi sao bởi lực hấp dẫn không ngừng của hố đen khổng lồ.
Phát hiện này có được nhờ vào kính viễn vọng săn tìm hành tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Hình ảnh lỗ đen. Ảnh: Express.co.uk.
Các nhà khoa học cho biết, đây là một sự kiện hiếm gặp trong không gian. Ngôi sao này cách trái đất 375 triệu năm ánh sáng và có kích thức tương đương với mặt trời. Trường hợp này được gọi tên là "sự gián đoạn thủy triều", khi một ngôi sao đến quá gần hố đen và chịu tác động của lực hấp dẫn mạnh.
Nhà khoa học Knicole Colon của NASA nói: "Đây chắc chắn là một thời điểm thú vị cho những người nghiên cứu về hố đen. Còn rất nhiều điều để tìm hiểu và, bạn biết đấy, trong trường hợp, sự gián đoạn thủy triều xảy ra khi một hố đen nuốt chửng một ngôi sao, điều đó chỉ xảy ra một lần trong mỗi 10.000 đến 100.000 năm ở thiên hà có kích thước như Dải Ngân hà của chúng ta. Cơ hội này tương đối hiếm gặp nên chúng ta cần phải nghiên cứu hiện tượng này bằng tất cả những công cụ có sẵn của chúng ta".
Các nhà khoa học cho biết, thông qua hình ảnh thu được, họ sẽ nắm được quy luật cũng nhưng hành vi của hố đen vũ trụ bí ẩn. Hiện sự gián đoạn thủy triều vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Giới thiên văn học không rõ tại sao hố đen trong lúc "nuốt" ngôi sao lại phun ra quá nhiều tia cực tím nhưng lại quá ít tia X./.
Vũ Anh Tuấn/VOV1 biên dịch
Theo Reuters
Giải mã sự im lặng đáng sợ của người ngoài hành tinh với trái đất Các nhà thiên văn học từ Đại học Rochester (Mỹ) đã đưa ra kết luận nhiều nền văn minh ngoài hành tinh có thể sinh sống Dải Ngân hà, đang khám phá thiên hà với tốc độ chậm, do đó họ chưa có thời gian tiếp xúc với loài người, theo bài viết trên Science Alert. Theo các nhà nghiên cứu, người ngoài...