“Thiên đường” biến mất
Mười một giờ đêm, mẹ vẫn chưa về, bố quyết định viết thư tuyệt mệnh.
Những dòng viết cho mẹ, bố đã cố gạt đi những hình ảnh lạnh nhạt, những lời lẽ cộc cằn gần đây của mẹ để nhớ về lá thư tình đầu tiên, nụ hôn đầu tiên… Những ngọt ngào và say đắm!
Một ngày đẹp giời, nhà vệ sinh tầng hai bị hỏng.
Em gái hớt hải chạy đi gọi anh trai. Anh trai vào xem, mặt mày cau có đi về phòng lấy điện thoại nhắn tin cho mẹ. Mẹ đọc tin nhắn, không trả lời, có thể đang bận đi công tác nên mẹ quên. Thế còn bố? À, bố còn sống, nhưng bố được mặc định là bỏ qua ở nhà này.
Cứ thế, đã một tuần, cả nhà không ai bảo ai dùng chung nhà vệ sinh tầng một!
Nhà vệ sinh tầng một thì sạch lắm (được bố quan tâm suốt ngày lau dọn), lại ở một góc cuối cùng của căn nhà, cách biệt với phòng khách bởi phòng ngủ của bố mẹ, phòng để đồ và phòng bếp. Đây là thiên đường mộng mơ của bố. Ngày hai mươi tư tiếng thì bố dành đến sáu tiếng đồng hồ để tận hưởng vẻ yên tĩnh tuyệt đối trong thiên đường ấy.
Không biết bố thường làm gì trong đó nhỉ?
Mẹ biết đấy! Mẹ bảo: “Làm gì không quan trọng, quan trọng là bị tâm thần”. Hai đứa con đồng ý luôn. Bởi mẹ rất giỏi, biết ba thứ tiếng, làm trợ lí Giám đốc, lương tháng vài nghìn đô, nuôi cả nhà này. Mẹ nói gì chúng cũng coi như là chân lí.
Bố cũng từng có chân lí, vì bố có bằng tiến sĩ, từng là nhà khoa học hàng đầu hẳn hoi. Nhưng từ khi gắn thêm chữ “tâm thần”, giá trị con người bố đi xuống hẳn. Duy nhất một người hiểu bố, tôn trọng bố, người này là thành viên không chính thức trong gia đình, đó là bà giúp việc.
Trước hôm nhà vệ sinh tầng hai bị hỏng một ngày, bà giúp việc báo con dâu và con lợn nái ở quê cùng đẻ trong đêm nên sáng phải về quê gấp. “Chuyện đẻ đái quan trọng, tôi phải về gấp. Anh chị và các cháu thông cảm! Chuyên nấu nướng, tôi có bẩu với bà Hoa bán thức ăn ở đầu ngõ rồi, tầm mười một rưỡi trưa và tầm sáu giờ chiều bà đấy mang cơm và thức ăn đến. Tôi cũng bẩu bà ấy làm mấy món mọi người thích ăn rồi… Anh chị và các cháu cứ yên tâm, việc ở quê ổn ổn tôi lại ra mà!”.
Thế là chẳng còn ai hiểu bố ở nhà này!
Một ngày trong tuần.
Năm giờ sáng, bố bắt đầu kì cọ, đánh bóng lại “Thiên đường”. Những sợi tóc rụng, vết ố, vết son, gỉ mũi… hoàn toàn không phải của bố có thể xuất hiện bất cứ ngóc ngách nào ở “thiên đường” đều khiến các nơ ron thần kinh của bố căng ra, trước khi được xoa dịu bởi lòng vị tha mát lành được nhen lên từ tâm hồn. Mất ba mươi phút lau dọn để tạm hài lòng về “thiên đường”, bố ngồi thư giãn trên bồn cầu, mắt nhắm nghiền, tưởng tượng đang nghe bản nhạc quen thuộc của Chopin. Bố cảm giác đang ngồi trên một tảng đá giữa khu rừng nguyên sinh, có tiếng u u vọng từ vách núi, tiếng lá cây rì rào, tiếng dòng suối róc rách chảy…
Và như mọi lần, bố lại nhìn thấy hàng vạn con đom đóm lập lòe bay vòng tròn trên không trung tạo ra một vòng xoáy ánh sáng khổng lồ. Thứ năng lượng mà vòng xoáy ánh sáng tạo ra khiến cả khu rừng nguyên sinh bừng tỉnh.
Cảnh tượng tuyệt diệu ấy (mỗi con đom đóm là một phân tử X, vòng xoáy khổng lồ là xung năng lượng mà phân tử X tạo ra tác động lên khu rừng nguyên sinh tương ứng với bộ não của con người) là đề tài khoa học bị cho là viển vông, bị đình chỉ; và bố, người đàn ông đang ngồi trên bồn cầu ra sức khẳng định đề tài khoa học của mình là có căn cứ bị cho là tâm thần. Được thôi, bố chẳng cần quái gì phải làm ở viện nghiên cứu chậm tiến bộ và bảo thủ ấy nữa. Bố trở về nhà, dành mười sáu tiếng mỗi ngày để đọc sách, viết hồi kí và… tưởng tượng trong nhà vệ sinh, thiên đường riêng của bố.
Minh họa: Hà Trí Hiếu.
“Bố nhanh lên! Con sắp muộn học rồi”. Tiếng em gái lanh lảnh ngoài cửa khiến bố giật mình. Sự khó chịu nhanh chóng biến mất trên khuôn mặt nhợt nhạt của bố khi mở cửa, để em gái cầm quần áo và điện thoại xông vào “thiên đường”.
Video đang HOT
“Ck mua đồ ăn sáng cho Vk nhé!”. Em gái ngồi trên bồn cầu nhắn tin cho bạn trai là một anh chàng học lớp mười hai cùng trường, tên facebook là Long Đẹp Trai. Tin nhắn trả lời “Ok, Vk yêu” khiến em gái vừa xé giấy vệ sinh vừa cười tủm tỉm. Sắp muộn học, em gái mất mười phút để ngồi nhắn tin trên bồn cầu, năm phút để chải tóc, mười lăm phút để tô son đánh phấn, rồi đủng đỉnh chỉnh áo nịt ngực đến khi có cuộc gọi đến từ Long Đẹp Trai, mới vội vội vàng vàng biến khỏi “thiên đường”.
Mười giờ sáng, sau khi đọc hết một cuốn sách về bí ẩn của vũ trụ, bố trở lại “thiên đường”. Vừa đến cửa bố đã nghe thấy tiếng rên rỉ á ớ vọng ra. Bí ẩn của “thiên đường” là đôi nam nữ ngoại quốc đang quằn quại quấn lấy nhau trong một bộ phim đen mà anh trai đang xem. Biết nói gì nữa! Bố lủi thủi đi về phòng, lôi mấy cuốn sách về thiền định ra đọc.
Tại “thiên đường”, anh trai mặt đỏ như gấc, rú lên một tiếng tràn trề tuổi hai mươi ba. Sướng thật! Mới tốt nghiệp đại học, với tấm bằng xếp loại trung bình, tương lai anh trai vẫn sáng ngời với sự soi đường chỉ lối của mẹ. “Chờ! Chờ đi! Tay Trưởng phòng Tài chính công ty mẹ sắp nghỉ rồi. Tay Phó phòng sẽ lên. Tay này trước mẹ xin việc giúp nên cũng dễ bảo. Con sẽ là Phó phòng tài chính! Nghe mẹ, đừng ra ngoài xin việc linh tinh. Hư người!”. Những lời mẹ nói luôn là chân lí. Trong khi lũ bạn vừa rời đít khỏi giảng đường đã phải lao đầu vào kiếm tiền, thì đứa con ngoan ở nhà cắm mặt vào game và thủ dâm ở “thiên đường”.
Mười giờ tối, bố vừa bước ra từ “thiên đường” thì gặp mẹ. Mẹ đi công tác về, đang vắt nước cam trong bếp. Mùi nước hoa sực nức của mẹ khiến những nơ ron thần kinh của bố lại căng ra. Bố lầm lũi đi qua mẹ. Mẹ không nói gì! Với tóc quấn lọn, son môi đỏ thẫm, áo trễ ngực hững hờ, mẹ bình thản uống hết cốc nước cam rồi thủng thẳng bước vào “thiên đường”.
Cuối tuần! Đầy đủ ban bệ trong gia đình ngồi ăn cơm. Luật của mẹ đặt ra “đúng mười hai giờ ăn cơm, đứa nào không ăn thì nhịn” được anh trai và em gái thực hiện tốt. Hôm nay mẹ dậy sớm tập thể dục, thể dục toàn diện từ năm giờ sáng đến mười một rưỡi trưa, căn giờ về ăn cơm cũng chuẩn! Còn bố về mặt giờ giấc thì khỏi phải nói, nhà khoa học tính độ chính xác bằng giây chứ không tính bằng phút.
Mâm cơm toàn món bà Hoa ở đầu ngõ nấu, tạm gọi là ăn được. Hôm nay lại có món chả lá lốt mà em gái thích ăn. Đang ăn, anh trai đặt vấn đề về món chả lá lốt với em gái: “Ăn ít món này thôi. Không thì lại cứng như bê tông… tắc cả bồn cầu”. Pha khơi mào mang tính hủy hoại bữa cơm gia đình! Em gái đặt bát cơm xuống, giãy đành đạch: “Mẹ! Mẹ thấy khốn nạn chưa? Đang ăn cơm… Con không ăn nữa đâu!”. Mẹ cũng không nuốt được nữa, đặt bát cơm xuống, xả một tràng: “Chúng mày thôi đi! Trời đánh tránh miếng ăn! Cái gì tắc thì thông… Nhà này có ai trẻ con nữa đâu mà cái gì cũng đến tay mẹ! Bọn hút bể phốt nó dán quảng cáo đầy đường kia kìa. Không chịu được thì gọi bọn nó vào mà xử lí!”. Những lời quyền lực của mẹ khiến em gái im re. Anh trai cũng chịu, nhưng đầy hậm hực: “Được rồi, con sẽ xử lí! Coi như con làm tắc! Được chưa?”.
Trong không khí căng thẳng và toàn những câu nói bốc mùi ấy, bố vẫn tiếp tục ăn, một cách điềm đạm. Hôm nay có món canh rau ngót thịt băm mà bố thích. Bố ăn hết một bát cơm rồi chan canh đầy bát. Bố gắp một miếng chả lá lốt đưa lên miệng, nhẹ nhàng cắn làm đôi, rồi húp nước canh. Những phân tử rau ngót, phân tử thịt và phân tử lá lốt đang hòa tan trong miệng theo chuỗi phản ứng hóa học mà bố có thể hình dung được. Bố nghĩ phản ứng hóa học này chẳng liên quan đến việc tắc bồn cầu. Nhưng bố sẽ không giải thích vấn đề đó ở đây, bởi mỗi lần giải thích cho những người tầm hiểu biết hạn hẹp hoặc cố tình không chịu hiểu rất mất thời gian, đa số là phản tác dụng, thậm chí còn bị coi là tâm thần!
Ăn xong, bố đứng dậy trước, đi thẳng vào “thiên đường” và đóng cửa lại. Ba mẹ con chuyển sang nói chuyện tiền nong. Em gái xin tiền mẹ mua quần áo vì thời trang trên facebook đang chuyển sang Trend (xu hướng) mới trông Style (phong cách) lắm. Còn anh trai đang muốn vay tiền mẹ để đổi sang con Iphone đời mới, vay đến khi nào đi làm được tiền thì trả, chứ không có xin…
Bữa cơm gia đình kéo dài đến một giờ chiều thì giải tán.
Sau khi đọc hết bảy cuốn sách về thiền định, bố đạt đến cảnh giới ngủ ngồi chứ không cần ngủ nằm! Tạp niệm, vẫn còn rất nhiều tạp niệm. Chúng được hình thành qua những giấc mơ chớp nhoáng hoặc dai dẳng khi bố ngồi thiền trên bồn cầu.
Có giấc mơ vui vui về ba thằng trai trẻ ngồi chụm đầu vào chậu mì tôm ở kí túc xá. Một thằng kính cận gầy trơ xương. Một thằng tóc bổ đôi lãng tử. Còn một thằng mắt xếch, mặt đỏ như vang. Cả ba thằng vừa ăn vừa tranh luận về phản ứng hóa học của một nụ hôn có mùi mắm tôm rồi cười phớ lớ!
Có giấc mơ buồn kinh khủng: Thằng tóc bổ đôi nằm trong quan tài, mặt còn nguyên vết lốp xe, thủ thỉ kể chuyện về phân tử X, về chuyện tại sao không lấy vợ và ước mơ đi du lịch vòng quanh thế giới của nó.
Có giấc mơ đầy uất hận: Thằng mắt xếch, với tư cách là Viện phó đã chỉ thằng tay vào mặt thằng kính cận bảo sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng điên rồ về phân tử X.
Những giấc mơ buồn nhiều hơn những giấc mơ vui. Đôi lúc tỉnh giấc bố lại khóc! Khóc trong bộ dạng của thằng kính cận năm mươi mốt tuổi, tóc bạc gần hết, bị người đời cho là tâm thần. Khóc vì cảm thấy quá cô đơn. Khóc vì phân tử X, những con đom đóm bay cao rồi biến mất trong màn đêm u tối…
Mẹ, anh trai và em gái đều không biết bố đã và đang khóc ở “thiên đường!”.
Tuần mới, nhà vệ sinh tầng hai vẫn chưa khắc phục được. Đội hút bể phốt gọi lại báo đang trục trặc nên cuối tuần mới qua được. Đội này không biết có phải đội lên báo hôm qua không, vụ xe bồn hút bể phốt phát nổ khiến năm mươi hộ dân ở dọc một khu phố “ăn đủ”.
Đành vậy, cả nhà dùng chung nhà vệ sinh tầng một đến hết tuần.
Em gái vẫn nhắn tin và gọi video với Long Đẹp Trai hàng ngày. Lúc vui thì uốn éo bĩu môi, đỏ mặt cười khúc khích trên bồn cầu. Lúc buồn thì khóc lóc, xé vụn giấy vệ sinh thay xé thư tình.
Anh trai thì mấy hôm nay không ru rú ở nhà nữa mà ra ngoài để tham gia giải đấu game. Đam mê game đã nâng tầm chuyên nghiệp. Tấm bằng đại học và “xi vi” xin việc đang có xu hướng vứt xó. Tương lai thế nào không rõ, chỉ biết hiện tại game thủ chuyên nghiệp vẫn duy trì thói quen thủ dâm ở “thiên đường”.
Mẹ vẫn hơn mười giờ tối mới về, thường không ăn cơm, vào “thiên đường” tắm xong mới đi ngủ. Mẹ tắm để thư giãn, tắm để gột rửa mùi của Giám đốc, mùi của tay Phó phòng trẻ tuổi ra khỏi cơ thể, và tắm để làm mới mình.
Bố thì đang loanh quanh ở cảnh giới ngủ nhiều hơn thiền. Những con đom đóm nhiều lúc bay ra tận ngoài sa mạc trống rỗng rồi biến mất theo cách bố không thể nào hiểu được. Bố nghĩ là do thuốc thần kinh bác sĩ mới kê đơn khiến đầu óc bố càng ngày càng trở nên mụ mị. Từ bây giờ bố chỉ uống thuốc ngủ mua ngoài hiệu, còn thuốc thần kinh bố sẽ đổ hết xuống bồn cầu.
Thuốc ngủ ngoài hiệu không có tác dụng với bố cho lắm. Cơn mất ngủ triền miên, nỗi bất an thường trực, những ám ảnh quay cuồng xuất hiện trở lại, khiến bố tiều tụy đi trông thấy sau hai ngày.
Bố luôn nghĩ đến cái chết, nói toàn chuyện bi thảm với với bóng ma thằng bạn lãng tử, rồi tưởng tượng ra mình chính là con đom đóm cô đơn đang chao đảo trên không trung trước khi cạn kiệt năng lượng rơi tự do xuống… bồn cầu. Bố khóc nhiều hơn khi lau dọn “thiên đường”, khi soi gương, khi úp mặt vào gối trong căn phòng ngủ lạnh lẽo đã từ lâu thiếu hơi ấm vợ chồng.
Mười một giờ đêm, mẹ vẫn chưa về, bố quyết định viết thư tuyệt mệnh. Những dòng viết cho mẹ, bố đã cố gạt đi những hình ảnh lạnh nhạt, những lời lẽ cộc cằn gần đây của mẹ để nhớ về lá thư tình đầu tiên, nụ hôn đầu tiên… Những ngọt ngào và say đắm!
Trong một cuốn sách về tâm linh bố từng đọc có viết: “Khi con người ta muốn từ bỏ cõi đời này, họ thường để lại những lời yêu thương để người ở lại không oán trách và thù hận, như vậy sẽ siêu thoát một cách nhẹ nhàng hơn”.
Thế là bố bắt đầu: “Viết cho em, vợ của anh! Đầu tiên anh nghĩ những gì đang xảy ra với chúng ta thật đáng buồn. Nhưng, cho dù thế nào em vẫn là người anh yêu, là vợ anh, là mẹ của các con anh…”. Tiếp theo lá thư là những trăn trở, gửi gắm đi vào lòng người cho đến khi kết thúc.
“Em và các con ở lại sống tốt nhé!”.
Bố viết đến những chữ cuối cùng của trang thư tuyệt mệnh thì mẹ về. Mười hai giờ đêm. Cơn say mèm của mẹ, cách mẹ rũ rượi nôn mửa ra “thiên đường”, vừa cào cấu vào da thịt bố vừa mê dại gọi tên người tình khiến bố choáng váng. Bố đã nghĩ đến việc hất mẹ xuống sàn, chạy về xé trang thư tuyệt mệnh ấy đi, tự tử luôn một cách nhanh gọn hơn và không khoan nhượng.
Nhưng thường bố không làm được như bố nghĩ. Bố vật lộn lôi mẹ lên giường, cởi đám quần áo bốc mùi trên người mẹ, rồi quay lại “thiên đường” lau dọn. Bố cứ lau đi lau lại cả trăm lần những chỗ nôn mửa ấy cho đến khi vỡ mạch máu não, đổ gục giữa “thiên đường…”.
Hồi kí, trang một trăm hai mươi bảy, bố viết về cái chết:
“Đi qua khói bụi ở thành phố chật chội này, tôi trở về nhà với bộ dạng xác chết. Còn gì thê thảm hơn khi bị chính thằng bạn thân vùi dập. Tôi đốt đề tài khoa học của mình bằng cồn chín mươi độ. Ethanol cháy ngọn lửa màu xanh nhạt. Mọi thứ còn lại của cuộc đời tôi đều hoá thành tàn tro dưới ngọn lửa ấy…”.
“Tôi là một thằng sợ chết. Năm mười tuổi, một lần tôi bị bố đánh vì điểm kém. Bố tôi, người giáo viên mẫu mực đã trút cả sự kì vọng lẫn bế tắc của cuộc sống vào những nhát roi. Tôi chạy ra nghĩa trang nằm khóc cạnh mộ mẹ. Tôi thề sẽ nằm đó đến chết để được gặp mẹ. Đêm hôm đó trời có giông, sấm chớp đùng đoàng. Tôi sợ đái ra quần, cắm đầu chạy một mạch về nhà. Bố vẫn ngồi chờ tôi trước cửa. Ông nói: Mày chết được thì mày giỏi hơn bố rồi”.
“Nhảy cầu, treo cổ, đâm đầu vào ô tô… xem ra có vẻ khó khăn hơn uống thuốc ngủ. Thuốc độc cũng được! Tôi biết một số loại thuốc độc chỉ cần một miligam thôi cũng đảm bảo cho một cái chết chắc chắn. Tôi còn biết có một chất độc từ thời cổ đại khiến người uống vào chết trong vẻ mặt vui cười. Nếu có chất độc ấy ở đây, tôi sẽ uống thử. Đàng nào cũng chết, hãy chết như đang cười…”.
Bố chết vào hồi bốn giờ ba mươi phút sáng, tại “thiên đường”. Hưởng dương năm mươi mốt tuổi. Có nên buồn không khi chưa kịp tự tử bố đã chết rồi. Nguyên nhân chết thì như WHO (tổ chức y tế thế giới) từng cảnh báo, lạm dụng thuốc ngủ hàng ngày có nguy cơ bị đột tử.
Bố chết, “thiên đường” của bố sẽ không còn là “thiên đường” nữa. Nhưng có những sự thật ở câu chuyện này, không biết người đọc hàng nghìn cuốn sách như bố có tưởng tượng ra không, là xung quanh bố còn có những “thiên đường” khác, đã và đang bắt đầu.
Sự thật về mẹ: Ngươi mẹ giỏi giang đã bị đuổi việc! Cảnh sát kinh tế còn tìm đến tận nhà để điều tra vì mẹ có liên quan đến vụ biển thủ tài sản công ty của tay Phó phòng Tài chính – người mà mẹ gọi tên trong cơn say lúc mười hai giờ đêm.
Sự thật về anh trai: Anh trai phải đi cấp cứu trong một lần thủ dâm ở”thiên đường”. Sau khi tiếp mười hai chai nước, bác sĩ bảo chưa chết được, nhưng phải nằm viện một thời gian để điều trị bệnh suy thận cấp. Để lâu là hỏng thận, là toi!
Sự thật về em gái: Em gái đã chặn facebook của Long Đẹp Trai để từ sáng tới tối than thở trên facebook của mình về những yêu thương vụn vỡ, sự dối trá của đàn ông, nỗi cô đơn tuyệt vọng.
Sự thật về bồn cầu: Đội hút bể phốt chuyên nghiệp (không phải đội lên báo vì nổ xe bồn) đã chứng minh được nguyên nhân tắc bồn cầu tầng hai không phải do món chả lá lốt, mà là do một cái que thử thai của em gái.
Truyện ngắn củaTrần Thái Hưng
Theo vnca.cand.com.vn
3 việc kẻ bất hiếu thường làm như dao sắc cứa vào tim cha mẹ
Trong muôn ngàn tội, bất hiếu là tội nặng nhất. 3 việc kẻ nghịch tử thường làm, như dao sắc cứa vào tim cha mẹ, đau thấu tận tâm can.
1. Tỏ thái độ khi "cằn nhằn"
Tài sản quý giá nhất của cha mẹ già chính là con cái. Nên lúc nào cũng "đắm đuối" vì con, thường "cằn nhằn nhiều chuyện": "Con đừng ăn nhiều đồ bên ngoài, không tốt cho sức khỏe đâu"; "Ngoài trời lạnh lắm, con mặc phong phanh thế này chịu sao nổi?", "Nói bao lần rồi, sao con vẫn cố chấp không chịu nghe"...
Thẻ nhưng thay vì thấy biết ơn cha mẹ, kẻ nghịch tử lại cảm thấy đó là những lời dư thừa, tỏ vẻ khó chịu, buông lời quát mắng, thậm chí còn "đụng chân đụng tay". Con cái nên nhớ rằng, người cằn nhằn với bạn nhiều nhất, là người thương yêu và lo lắng cho bạn nhất. Bằng không, khi thấy bạn làm điều sai trái, họ chắc chắn sẽ bỏ mặc, để bạn sai ngày càng thêm sai, tự sinh tự diệt.
2. Than thở cha mẹ chậm chạp
Chuyện kể, một người con trai giàu có, là giám đốc của một công ty lớn, mua một căn nhà ở thành phố, đón mẹ từ quê lên để phụng dưỡng. Thế nhưng, đằng sau lớp vỏ bọc hiếu thuận, lại là lòng dạ lang sói. Người mẹ nghiễm nhiên trở thành "ô sin", mọi việc lớn nhỏ, cực nhọc trong nhà, không gì không đến tay. Thế nhưng, con dâu, thậm chí là con trai chẳng những không biết ơn, mà còn trách móc mẹ quá chậm chạp, vụng về.
Trên đời không ít những kẻ nghịch tử bất hiếu, vô cảm, xem ơn nghĩa của cha mẹ dành cho mình là đương nhiên, không có trách nhiệm phải bồi đáp. Thậm chí, họ còn vong ơn phụ nghĩa, ăn quả "ném rác" vào người trồng cây. Đáng buồn thay, khi con mới tập đi bước được bước ngã cha mẹ không chê trách. Vây mà giờ đây khi cha mẹ đã già, mắt mờ chân chậm, con lại chê bai đủ điều.
3. Oán trách cha mẹ hay đau ốm
Kẻ bất hiếu hãy nhớ rằng, con người dù giàu có thế nào, vạn năng ra sao không ai tránh được quy luật tự nhiên: sinh lão bệnh tử. Cha mẹ không thể mãi khỏe mạnh, cuối cùng sẽ có ngày sinh lực như ngọn đèn trước gió. Khi cha mẹ ốm, con cái chẳng những không phụng dưỡng, thậm chí còn nhiếc móc, sẽ không bao giờ nhận được phúc khí, thậm chí còn bị quả báo nặng nề. Phận làm con nên nhớ, lúc bị bệnh tật dày vò, là lúc cha mẹ cần ta nhất. Hãy toàn tâm chăm sóc, đừng oán trách than phiền.
Xuân Quỳnh
Theo Khỏe & Đẹp
Chồng về nhà thấy tôi nấu cơm còn em chồng ngồi nghịch điện thoại, anh phẫn nộ đuổi thẳng cổ em gái rồi nói với mẹ chồng 3 câu khiến bà im bặt Mẹ chồng gặp tôi khóc lóc, mắng mỏ, oán trách một hồi. Tôi khó xử quá, bảo chồng bình tĩnh lại, đừng đuổi em chồng đi nhưng anh ấy không nghe. Tuần trước, em gái chồng xách đồ đạc đến ở cùng vợ chồng chúng tôi. Em ấy học xong cấp 3 không thi đỗ trường nào, ở quê một dạo rồi quyết...