Thích “độ mặn” của phim Thái xuyên không “Nhân Duyên Tiền Định”: Thử luôn 4 tác phẩm châu Á này một thể!
“Nhân Duyên Tiền Định” là một bộ phim có tính hài hước cực kỳ cao, đem lại nhiều phút giây thư giãn sảng khoái. Thế nhưng khi mà tập cuối của phim đã khép lại, nếu bạn vẫn còn đang trong cơn say của dòng phim xuyên không, hãy xem tiếp các phim châu Á hứa hẹn cũng “mặn mòi” không kém đâu nhé.
Những ngày này, cư dân của các ốc đảo mê phim, đặc biệt là phim Thái, đang trong cơn ngây ngất với phim hot BuppeSanNivas (Nhân Duyên Tiền Định/ Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh). Phim kể về một cô nữ sinh ở thời hiện đại được xuyên không trở về thế kỷ thứ 17, gia nhập cuộc sống quý tộc Thái Lan và tìm được cho mình một ý trung nhân hoàn hảo.
Tận dụng lợi thế của bối cảnh đảo lộn thời gian – không gian, khi mà tất cả suy nghĩ cho đến cách hành xử dù là bình thường nhất của nhân vật chính đều trở nên lạc quẻ trong thế giới mới, phim dễ dàng đem đến những tràng cười sảng khoái. Có thể nói, nhiều mọt phim khi xem Nhân Duyên Tiền Định chính là để tìm lấy những phút giây thư giãn thả ga như thế đấy.
Nhân Duyên Tiền Định và những pha gây cười của nàng quận chúa xuyên không
Tuy nhiên, hiện tại sau 15 tập chính thức và các tập đặc biệt “khui” thêm cảnh hậu trường, nguồn tài nguyên của Nhân Duyên Tiền Định đã cạn kiệt. Phim chính thức chào tạm biệt khán giả vào tối 11/4. Thế nhưng bạn có biết, các nước châu Á đều có các đại diện phim ảnh lấy chủ đề xuyên không vô cùng đặc sắc, không kém độ “mặn mà”.
Nếu bạn là fan cứng của thể loại phim hài tình cảm châu Á, đồng thời muốn tìm một bộ phim khác cũng lấy chủ đề vượt thời gian, thì nhớ ghé qua danh sách các phim đã được kiểm chứng là “mặn hơn cả nước biển” dưới đây nhé.
1. Go Princess Go (Thái Tử Phi Thăng Chức Ký)
Trong danh sách này, Thái Tử Phi Thăng Chức Ký có nội dung gần giống nhất với Nhân Duyên Tiền Định. Cũng là một thanh niên thời hiện đại với tính cách trẻ trung, năng động, bỗng một ngày kém đẹp trời nọ thức dậy trong thân xác của mỹ nữ sắp tiến cung, nhân vật chính Trương Bằng (Trương Lâm Hoán đóng) không khỏi ngỡ ngàng.
Đố bạn biết điều gì còn đáng sợ hơn cả xuyên không nhầm thời đại? Đó chính là xuyên không vào một thân xác có giới tính hoàn toàn khác.
Từ đó, Trương Bằng, trong bộ dạng của Trương Bồng Bồng (Trương Thiên Ái đóng) bắt đầu chuyến chu du có một không hai, mỗi ngày đều rơi vào các tình huống ngàn đời không bao giờ muốn gặp, đến cuối cùng lại ngã vào vòng tay của một thái tử đĩnh đạc hơn người. Thái Tử Phi Thăng Chức Ký là webdrama đình đám nhất năm 2015 tại Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á, bạn tất nhiên không còn phải nghi ngờ về độ “lầy” và gây nghiện của bộ phim này.
2. Rooftop Prince ( Hoàng Tử Gác Mái)
Hoàng Tử Gác Mái xứng đáng là đại diện của dòng phim xuyên không Hàn Quốc, khi lập nên cơn sốt toàn châu Á với hợp đồng bản quyền phát sóng ở 12 nước tại thời điểm ra mắt.
Trái với quy luật người hiện đại xuyên không về quá khứ, Hoàng Tử Gác Mái là hành trình thái tử Lee Gak (Park Yoo Chun) và ba cận thần nhảy một bước đã thấy mình ở tương lai. Họ đi lạc vào nhà một cô gái lao động nghèo có nghị lực phi thường. Mỗi người được sắm cho một bộ đồ thể thao và từ thân phận hoàng gia cao quý, đám người Lee Gak trải qua vô số tình huống dở khóc dở cười ở thời hiện đại.
3. A Chip Off The Old Block (Bản Sao)
Tuy không phải là phim tình cảm yêu đương, nhưng Bản Sao là một phim xuyên không không thể không nhắc tới của đài TVB. Phim dung hòa được các yếu tố gây hài và đả kích xã hội, giúp bạn có những phút giây thư giãn nhưng cũng được trải lòng về mâu thuẫn thế hệ trong cuộc sống hiện đại.
Trong Bản Sao, có hai bố con nhà nọ luôn bất đồng quan điểm. Nguyên nhân được cho là vì họ thuộc hai thế hệ khác nhau, cách suy nghĩ không thể nào phù hợp được. Một ngày kia, người con vô tình quay ngược thời gian, một mình trở về thời điểm mà bố cậu chỉ là một thanh niên bồng bột. Ở đó, tình phụ tử bỗng nhiên trở thành tình huynh đệ, người bố ở thời niên thiếu cưu mang con mình, cùng sinh cùng tử, để cùng thấu hiểu và hóa giải các bất hòa mà cuộc sống hiện đại không bao giờ có thể thỏa hiệp được.
4. Cô Ba Sài Gòn (The Tailor)
Không còn nghi ngờ gì nữa, Cô Ba Sài Gòn chính xác là đại diện đáng nói nhất của dòng phim xuyên không Việt Nam trong vòng năm năm trở lại.
Phim mở đầu ở cột mốc năm 1969, nhà may Thanh Nữ nổi danh khắp chốn Sài Gòn về tay nghề may đo áo dài được kế thừa qua 9 thế hệ. Tuy nhiên, đến lượt Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc đóng), cô nàng lại đỏng đảnh đua đòi học may Âu phục, chê bai chiếc áo dài lạc hậu, lỗi thời. Sự bất cần của Như Ý khiến cho mẹ cô và các thành viên của nhà may Thanh Nữ vô cùng buồn phiền.
Một đêm nọ, trong lúc mặc thử chiếc áo dài gia truyền, Như Ý chạm vào viên ngọc quý và xuyên không đến Sài Gòn của năm 2017. Một thế giới lạ lẫm, xa hoa và quá nhiều đổi khác. Như Ý làm quen với Tuấn (S.T đóng) và bắt đầu hành trình làm quen với cuộc sống ở Sài Gòn thế hệ mới, đồng thời ra sức gìn giữ và tìm lại bản sắc dân tộc đáng trân quý ở chiếc áo dài.
Bạn đã tìm được bộ phim xuyên không hợp ý để tiếp tục “cày” trong thời gian tới chưa? Hay là bạn đã tìm được tựa phim nào khác thú vị hơn? Hãy cùng chia sẻ với cộng đồng các mọt phim cùng sở thích nhé.
Theo Trí Thức Trẻ
'Hút' khán giả ra rạp, liệu các tác phẩm này có thắng giải Cánh diều Vàng 2017?
Những bộ phim gây chú ý tại các phòng vé, có doanh thu khả quan giành không ít cơ hội thắng giải Cánh Diều Vàng 2017. Bởi lẽ, khi đời sống tinh thần phát triển, tiêu chí chọn phim của khán giả ngày càng gần hơn với điều kiện ở giải thưởng Cánh Diều: sự sáng tạo, bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn!
Giải thưởng Hội điện ảnh Việt Nam, có tên gọi là Cánh diều Vàng (tiếng Anh: Golden Kites Awards) là một giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngày 05/04/2018, buổi họp báo Cánh diều Vàng 2017 chính thức diễn ra tại Hà Nội, nhằm công bố quy chế lựa chọn giải thưởng năm nay, cũng như danh sách các tác phẩm tham dự. Theo đó, tiêu chí Cánh diều Vàng "đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".
Trong đó, có 13 tác phẩm điện ảnh Việt Nam tham dự khiến khán giả khó lòng dự đoán kết quả. Đó là những bộ phim được đánh giá "ngang cơ" trên màn ảnh rộng năm nay. Đặc biệt, người xem dành sự chú ý cho một số dự án từng có vị trí cao ở "cuộc đua phòng vé". Đã chinh phục người hâm mộ Việt Nam tại rạp chiếu, liệu các tác phẩm này có thắng giải thưởng Cánh Diều danh giá?
Em chưa 18
Em chưa 18 là bộ phim điện ảnh tình cảm - hài do đạo diễn Lê Thanh Sơn hợp tác cùng Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương thực hiện. Phim xoay quanh chuyện tình dở khóc dở cười giữa Hoàng ( Kiều Minh Tuấn) và cô gái chưa đủ 18 tuổi Linh Đan ( Kaity Nguyễn). Đặc biệt, tác phẩm xuất sắc giành giải thưởng danh giá Bông Sen Vàng, đem về giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhấtcho Kaity Nguyễn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX.
Tại "cuộc chiến phòng vé", Em chưa 18 thành công ngoài mong đợi, trở thành phim Việt có doanh thu chiếu sớm cao nhất lịch sử phòng vé: 13,2 tỷ đồng sau ba ngày ra rạp; tự tin đối đầu với hai tác phẩm Hollywood ra mắt cùng thời điểm là Vệ binh dải Ngân Hà 2 và Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí. Bộ phim đánh đổ những kỉ lục trước đó, đạt nhiều thành tích như: Phim Việt có doanh thu một ngày cao nhất lịch sử điện ảnh Việt (15,6 tỷ đồng/ngày); Phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất (sau 7 ngày công chiếu chính thức); Phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử (đạt 107 tỷ đồng sau 8 ngày công chiếu chính thức); Phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (đạt 169 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu chính thức).
Trailer "Em chưa 18".
Có thể nói, Em chưa 18 trở thành một hiện tượng năm 2017, phù hợp với thị hiếu người xem, dễ dàng đáp ứng nhu cầu ra rạp để giải trí của khán giả. Đồng thời, tác phẩm khẳng định sức nặng của doanh thu khi giành về giải thưởng Bông Sen Vàng. Tuy nhiên, đặt trong tiêu chí Cánh diều Vàng, phim có thật chiếm ưu thế? Em chưa 18 chưa thực sự là một dấu ấn sáng tạo nổi bật, đồng thời, không nhấn mạnh giá trị nhân văn. Thậm chí, một số ý kiến tiêu cực cho rằng phim làm xấu đi hình ảnh học sinh Việt Nam: đi bar, tình một đêm... Dù vậy, không ít người hâm mộ vẫn bày tỏ mong muốn Em chưa 18 lập cú "hattrick": kỷ lục doanh thu - Bông Sen Vàng - Cánh diều Vàng.
Cô gái đến từ hôm qua
Cô gái đến từ hôm qua là phim điện ảnh - hài lãng mạn do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn. Phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sức hút của Cô gái đến từ hôm qua được khẳng định qua những con số: trong 4 ngày chiếu sớm, tác phẩm thu hút gần 1900.000 lượt khán giả ra rạp, thu về 14 tỷ đồng; có tổng doanh thu là 65 tỷ đồng với một triệu lượt xem sau ba tuần công chiếu.
Đan xen giữa hai câu chuyện quá khứ - hiện tại của cậu học trò tên Thư ( Ngô Kiến Huy) và Việt An ( Miu Lê) - cô bạn xinh nhất lớp mà anh say mê thuở nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua mang tiếng cười và cả những giận hờn vu vơ thuở nhỏ. Lấy bối cảnh năm 1997, phim gợi nhắc người xem về một miền kí ức đã qua, nơi có bản nhạc phát trên radio, sổ tay chép lời bài hát, tà áo dài tinh khôi hay giọng phát thanh văng vẳng trên loa phường...
Trailer "Cô gái đến từ hôm qua".
Việc chuyển thể truyện thành phim ít nhiều gây bất lợi cho Cô gái đến từ hôm quavề tính sáng tạo. Tuy nhiên, không dễ dàng để bộ phim làm sống dậy những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, để câu chuyện giữa các nhân vật trở nên đầy cảm xúc trên màn ảnh rộng. Chính lời nhận xét của tác giả nguyên tác phần nào khiến người hâm mộ an tâm về giá trị nhân văn và hiệu quả xã hội mà phim mang đến: "Tôi thích phim này. Phan Gia Nhật Linh đã làm tốt hơn tôi tưởng nhiều", "Đạo diễn đã xử lý rất thông minh, anh không sa vào cái hài hình thể hay dung tục như tôi lo lắng. Xem phim này, không ít lần tôi phải phì cười vì những tình huống bất ngờ duyên dáng".
Cô Ba Sài Gòn
Là một trong các bộ phim gây tiếng vang lớn nhất màn ảnh rộng năm 2017, Cô Ba Sài Gòn của "đả nữ" Ngô Thanh Vân được xem là ứng cử viên "nặng ký" cho giải thưởng Cánh Diều Vàng năm nay. Tác phẩm đáp ứng đủ yêu cầu về giá trị nhân văn và hiệu quả xã hội. Đặc biệt, Cô Ba Sài Gòn mang đậm màu sắc dân tộc, tôn vinh tà áo dài truyền thống và đề cao những điều thuộc về nguồn cội, bản sắc.
Trailer "Cô Ba Sài Gòn".
Nhờ câu chuyện vừa hài hước, vừa lấy nước mắt người xem giữa Như Ý ( Ninh Dương Lan Ngọc) và mẹ Thanh Mai ( Ngô Thanh Vân) - chủ tiệm may Thanh Nữ, Cô Ba Sài Gòn cũng nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía khán giả trong nước, với số lượng vé bán ra gấp đôi dự án phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trước đó là Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Ngô Thanh Vân trong "Cô Ba Sài Gòn".
Tuy nhiên, Cô Ba Sài Gòn vướng phải bất lợi khi có nhiều điểm tương đồng với "tượng đài" phim thời trang The Devil Wear Prada (Yêu nữ thích đồ hiệu) ở tạo hình nhân vật Helen ( Diễm My 9x), và một số trang phục. Đại diện BTC Cánh Diều Vàng cho hay: "Hội đồng ban giám khảo sẽ xem xét thật kỹ, tìm ra những cảnh sao chép giữa các bộ phim. Nếu điều này là thật thì phim đã vi phạm quy chế đề cao sự sáng tạo, ảnh hưởng đến kết quả chấm điểm cuối cùng của bộ phim". Dù vậy, người hâm mộ vẫn dành nhiều hi vọng cho tác phẩm.
Ngày mai Mai cưới
Một bộ phim gây ấn tượng tại phòng vé năm 2017 có thể kể đến là Ngày mai Mai cưới. Phim quy tụ dàn diễn viên như Trung Dân, Cát Phượng, Diệu Nhi, FAP TV, Minh Beta. Tác phẩm kể về những người trẻ là Mai (Diệu Nhi), Mành, Gừng, Bền đều sinh ra và lớn lên ở vùng biển quanh năm nắng gió. Mang tính cách khác nhau, nhưng họ cùng chung chí hướng thoát khỏi gia đình, theo đuổi ước mơ.
Trailer "Ngày mai mai cưới"
Nói về tính sáng tạo, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước vẫn là một tác phẩm giải trí - hài truyền thống. Tuy nhiên, phim thổi hơi thở mới lạ khi sử dụng bối cảnh là làng chài ven biển Gò Công Đông, dải đất của miền Tây sông nước. Khó có thể tưởng tượng, bờ biển cùng những bãi nghêu trải dài tít tắp lại trở thành cái nền cho câu chuyện mang màu sắc hiện đại như Ngày mai Mai cưới.
Đồng thời, phim còn đan cài hài hòa những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình gia đình. Do vậy, bộ phim là ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng danh giá Cánh Diều Vàng.
Mẹ chồng
Ra rạp vào những ngày cuối năm 2017, Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng bỏ lỡ giải thưởng Bông Sen Vàng năm 2017. Do đó, không ít người hâm mộ hi vọng bộ phim quy tụ hàng loạt mỹ nhân như Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu, Ngọc Quyên... sẽ được xướng tên tại lễ trao giải Cánh Diều danh giá.
Mẹ chồng được xem là phim điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam lấy sự tranh đấu giữa những người đàn bà đẹp trong một gia đình làm đề tài khai thác. Để rồi, chính các nhân vật ấy lại tự giày vò, làm khổ, giẫm đạp lên cuộc đời nhau. Đây là một tác phẩm duy mỹ, khiến người xem mãn nhãn qua bối cảnh nên thơ, tạo hình nhân vật chỉn chu, được trau chuốt tỉ mỉ. Bỏ qua một vài vấn đề về kịch bản, khán giả vẫn nhận ra bài học nhân văn, tình mẹ con ở bộ phim này.
Trailer "Mẹ chồng".
Có thể nói, những bộ phim gây chú ý tại các phòng vé, có doanh thu khả quan và giành không ít cơ hội thắng giải Cánh Diều Vàng 2017. Bởi lẽ, khi đời sống tinh thần phát triển, tiêu chí chọn phim của khán giả ngày càng gần hơn với điều kiện ở giải thưởng Cánh Diều: dấu ấn sáng tạo, bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn!
Theo Saostar
Cánh diều Vàng 2017 nói không với phim Việt hóa Các bộ phim Việt hóa kịch bản sẽ không được xét trao tặng giải Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc và Bằng khen, mà chỉ trao giải cho các cá nhân diễn viên đóng góp cho bộ phim. Bộ phim "Em chưa 18" hứa hẹn sẽ làm nên chuyện tại Cánh diều vàng 2017 Sáng 5.4, buổi họp báo thông tin giải Cánh...