Thi tuyển hiệu trưởng sẽ hết tư tưởng “ông trời con”
Khi nguồn giáo viên khá dồi dào, đa dạng thì việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ chọn được người có trình độ và năng lực.
Trong bất kỳ công cuộc cải cách hay đổi mới nào con người luôn đóng vai trò là nhân tố then chốt và quyết định, với lĩnh vực giáo dục – nơi ươm mầm tài năng và cung cấp nguồn nhân lực cho quốc gia thì nó đặc biệt càng quan trọng hơn.
Nhìn nhận câu chuyện vừa qua Tuyên Quang khai mạc kỳ thi thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Kháng Nhật, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, việc chọn hiệu trưởng qua thi tuyển mà Tuyên Quang triển khai là một hướng đi sáng tạo, có tính đột phá góp phần thúc đẩy và thực thi thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Với việc bổ nhiệm hiệu trưởng theo cách làm cũ thông qua quy hoạch cán bộ mà chúng ta đã và đang thực hiện làm hạn chế cơ hội tuyển dụng những cá nhân có phẩm chất và năng lực quản lý khác.
“Việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ giúp phá bỏ những hạn chế này, tạo cơ hội cho những người thật sự có tâm, có tài được tuyển chọn. Một vấn đề không kém quan trọng là việc thi tuyển hiệu trưởng sẽ giúp các trường trung học phổ thông chọn cho mình được cá nhân lãnh đạo có những tiêu chí phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu mà trường đó hướng tới”, ông Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sóng Hiền – thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)
Cũng theo vị này, việc thi tuyển sẽ giúp xoá bỏ tư tưởng “ông trời con” của các vị hiệu trưởng khi vị trí này không còn là đặc quyền chỉ cho một vài cá nhân được bế lên ngồi nhờ một quy trình khép kín.
Chưa kể, thi tuyển còn giúp đội ngũ giáo viên và học sinh, phụ huynh có cơ hội để hiểu rõ hơn về năng lực của vị thuyền trưởng sẽ chèo lái tương lai của mình từ đó họ thêm tin tưởng, đồng hành.
Video đang HOT
Cuối cùng một việc mà nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền cho rằng hết sức quan trọng đó chính là hướng tới cơ chế tự chủ trong lãnh đạo và quản lý đối với bậc trung học phổ thông nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Theo ông, một điều không thể phủ nhận là mô hình trường học tự chủ sẽ là xu thế tất yếu trong thế kỷ 21 vì vậy hệ thống giáo dục cần phải tuyển chọn cho được những cá nhân có những tố chất, phẩm chất và năng lực có thể đáp ứng được những thách thức và yêu cầu của xu thế đó.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, thi tuyển hiệu trưởng là hình thức đổi mới trong công tác tuyển chọn cán bộ, tuy nhiên cần phải làm đúng phương pháp khoa học, đảm bảo độ công bằng, chính xác, tin cậy nếu không dễ hỏng việc.
“Thi tuyển là việc làm có ý nghĩa, mang lại niềm tin cho những người làm công tác quản lý giáo dục; tạo cơ hội cho những nhà giáo tâm huyết thể hiện, khẳng định bản thân và nỗ lực cố gắng đạt được kết quả tốt nhất. Nếu tuyển đúng thì sẽ chọn được người tài” Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, thường người ta nhìn góc độ hiệu trưởng như một nhà quản lý nhưng thực ra hiệu trưởng trước hết phải là nhà sư phạm. Nếu hiệu trưởng không phải là nhà sư phạm thì làm sao quản lý được giáo dục?
Để “nguồn cung” hiệu trưởng phong phú đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, trước mắt, cần cho giáo viên được bồi dưỡng bài bản, bởi lẽ hiệu trưởng vốn được đào tạo trong các trường sư phạm và sau đó phải được bồi dưỡng ở những trường đào tạo cán bộ hành chính. Như vậy công sức đổ ra để đào tạo hiệu trưởng gấp đôi so với đào tạo giáo viên.
Giáo viên chỉ đào tạo về mặt chuyên môn, đứng lớp giảng dạy nhưng hiệu trưởng không chỉ là giáo viên mà còn là cương vị người quản lý.
Cũng theo Giáo sư Dong, trong công tác bồi dưỡng sẽ thấy không phải cứ giáo viên dạy giỏi thì có thể làm hiệu trưởng giỏi. Bởi nhiệm vụ của hiệu trưởng quản lý sẽ không giống như quản lý một doanh nghiệp vì môi trường nhà trường là giáo dục, đào tạo con người.
Công tác của hiệu trưởng cũng không chỉ quản lý về mặt hành chính mà phải quản lý theo công nghệ giáo dục.
Trong đó, môi trường nhà trường là môi trường đạo đức chứ không phải môi trường xã hội đơn thuần. Chính vì thế, một hiệu trưởng phải là nhà giáo giỏi và nhà quản lý giáo dục giỏi. “Nếu hiệu trưởng yếu kém dễ sinh ra tiêu cực, khơi mào cho thi cử không nghiêm, nâng điểm hạ điểm….” Giáo sư Dong nhấn mạnh.
Do đó, vị Giáo sư này đề xuất, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể rà soát tìm nguồn nhân tố mới là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và những giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, tạo điều kiện cho giáo viên nguồn tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, các lớp quản lý. Khi nguồn giáo viên khá dồi dào, đa dạng thì việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức.
Hiệu trưởng trường tư: Làm sao hài hòa lợi ích?
Quản lý giáo dục khác quản lý doanh nghiệp. Nếu xem nhẹ đặc thù này, hiệu trưởng khó hành nghề tốt. Vậy, để làm tốt vai trò của mình, hiệu trưởng cần hài hòa yếu tố nào?
Làm giáo dục cần một quá trình chứ không thể "một sớm, một chiều". Ảnh: TG
Không đánh đồng khái niệm
GS.TS Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng Trường Quản lý và Công nghệ Hải Phòng cho biết: Sau hơn 20 năm thành lập, nhà trường luôn đặt mục tiêu chất lượng đào tạo lên hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận. "Nhiều người xem trường đại học ngoài công lập như một doanh nghiệp nhưng rõ ràng cách quản lý giáo dục khác hẳn với quản lý doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, sản phẩm đầu ra là vật chất cụ thể nhưng với giáo dục, từ đầu vào cho đến đầu ra đều là con người. Nói cách khác, sản phẩm của giáo dục là con người. Vì thế, nếu yêu cầu hiệu trưởng làm việc như một giám đốc doanh nghiệp sẽ rất khó để họ làm tròn vai của một nhà quản lý giáo dục" - GS.TS Trần Hữu Nghị chia sẻ.
GS.TS Trần Hữu Nghị phân tích: Đứng ở góc độ doanh nghiệp, sản phẩm ra ngoài thị trường sẽ được người tiêu dùng sử dụng, sau đó phản hồi lại với nhà sản xuất về chất lượng, giá cả... Nhưng với các trường đại học, mỗi một lứa sinh viên tốt nghiệp, kiến thức, năng lực làm việc của các em chính là kết quả, phản ánh về quá trình đào tạo của nhà trường.
"Chúng ta có thể vận dụng linh hoạt phương thức quản trị của mô hình doanh nghiệp nhưng mục tiêu, chiến lược phát triển phải được cân nhắc kỹ càng. Không đánh đồng khái niệm quản lý giáo dục với quản lý doanh nghiệp. Nếu muốn làm giáo dục, càng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu, bởi sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp với sản phẩm đầu ra của một trường đại học hoàn toàn khác nhau" - GS.TS Trần Hữu Nghị nói.
Hiệu trưởng các trường ĐH ngoài công lập thường bị áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh: TG
Đánh giá hiệu trưởng cần dựa vào quá trình
Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (Đoàn Khánh Hòa), thực tế hiện nay, áp lực lớn nhất của hiệu trưởng các trường ngoài công lập (từ phổ thông đến đại học) là định mức về tuyển sinh. Do đó, Hội đồng quản trị thường kỳ vọng, thậm chí là giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng có giải pháp đột phá để cải thiện tình trạng tuyển sinh (năm sau phải cao hơn hơn năm trước và phải đạt được chỉ tiêu đề ra). Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay, câu chuyện tuyển sinh đang là bài toán khó với hầu hết trường đại học, nhất là trường ngoài công lập.
Theo đại biểu Quốc hội đoàn Khánh Hòa, trường công lập và trường ngoài công lập có sự khác nhau về điều hành, quản lý. Vì vậy, không nên áp đặt quản lý giáo dục giống như quản lý doanh nghiệp. Cần xác định, làm giáo dục chứ không phải kinh doanh giáo dục. Vì thế, không nên đặt áp lực quá lớn về doanh thu, chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu tuyển sinh cho hiệu trưởng. Làm giáo dục cần một quá trình chứ không thể "một sớm, một chiều", do vậy, không nên đánh đổi bằng lợi ích kinh tế. "Nên chăng hài hòa giữa chỉ tiêu tuyển sinh với quản lý chuyên môn, nghiên cứu khoa học" - đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học. Đã đến lúc, cần bình đẳng giữa các loại hình công lập, dân lập, trường ngoài công lập phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng cần có cam kết rõ ràng để các trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững. Nếu xem trường đại học như một doanh nghiệp sẽ "làm khó" cho hiệu trưởng trong việc bảo đảm mục tiêu về chất lượng GD-ĐT, bởi khi đó, có thể hiệu trưởng sẽ bị chi phối bởi yếu tố khác, trong đó có vấn đề lợi nhuận kinh tế mà Hội đồng quản trị đề ra.
TS Lê Viết Khuyến đề xuất: Khi tuyển dụng hiệu trưởng, các trường cần có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, ít nhất là phải có năng lực quản lý giáo dục. Năng lực này khác với năng lực của nhà khoa học và cũng khác với năng lực của một Giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Vì thế, cần thành lập hội đồng tuyển dụng để khách quan và lựa chọn được đúng người đúng việc. Khi đã tuyển dụng được hiệu trưởng rồi, cần giao quyền tự chủ để họ phát huy năng lực trong quá trình điều hành, quản lý. Không đánh đồng giữa lợi ích giáo dục với lợi ích kinh tế.
Ngoài ra, khi đánh giá hiệu trưởng cần dựa vào cam kết giữa hai bên và nên đánh giá theo quá trình công tác, cống hiến; không nên tập trung vào chỉ tiêu tuyển sinh hay các tiêu chí kinh tế nào đó. Sau một quá trình, chẳng hạn như: Hết nửa nhiệm kỳ hoặc sau một nhiệm kỳ 5 năm mới tính đến yếu tố sa thải (nếu như hiệu trưởng không đạt được các chỉ tiêu như cam kết).
Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ, khi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyết định thành lập trường, dù là phổ thông hay đại học, họ đều mong muốn có lợi nhuận. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta quản lý trường học giống như quản lý doanh nghiệp. Hiệu trưởng trường tư cũng như trường công, yếu tố đầu tiên phải được tự chủ về chuyên môn, không nên đặt quá nhiều áp lực cho họ về các chỉ tiêu kinh tế, trong đó có vấn đề tuyển sinh.
Luân chuyển giáo viên: Tín hiệu vui Nhằm cân đối nhân lực toàn ngành, từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Quảng Bình thực hiện việc sắp xếp, tạo điều kiện cho cán bộ, GV ổn định cuộc sống lâu dài trên cơ sở biên chế được giao và nguyện vọng Giáo viên luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Đây là...