Thi tuyển cán bộ – công chức: Còn gửi gắm còn mất niềm tin
Để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi tuyển cán bộ – công chức, đưa con cháu vào bộ máy hay “chạy việc”, “ gửi gắm” là điều đáng lo ngại.
Đổi mới hình thức thi tuyển công chức, thi tuyển lãnh đạo không chỉ là chuyện nâng cao chất lượng “đầu vào”, mà mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Nhưng trên thực tế, không phải Bộ, ngành hay địa phương nào cũng tổ chức được các cuộc thi công khai, minh bạch, công bằng.
“Không tin, vì thi chỉ là hình thức”
Thiếu niềm tin vào các kỳ thi tuyển công chức lâu nay đã trở thành tâm lý phổ biến trong xã hội, mặc dù các kỳ thi vẫn diễn ra công khai, theo đúng quy trình. Công khai nhưng chưa chắc đã minh bạch. Và những sinh viên giỏi sau khi ra trường vẫn rất ít hy vọng nếu họ không có quan hệ quen biết hay “ con ông cháu cha”.
Một số ý kiến PV ghi nhận:
- “Tôi thấy tình trạng thi tuyển công chức lộn xộn diễn ra nhiều năm rồi. Như bản thân tôi, ra trường có khả năng thực sự nhiều khi nản không muốn thi vào vì thi cũng biết chắc không đỗ, nên mất thời gian và chi phí”.
- “ Thi công chức theo tôi hiểu hơi thiển cận, đó là sự sắp đặt từ trước, kể cả những người có bằng cấp giỏi, nộp hồ sơ vào cơ quan A nhưng chắc không được gọi thi”.
- “Bây giờ mỗi khi nghe tin ở đâu thi tuyển công chức, viên chức thì tôi không còn tin vào việc thi tuyển đó. Các cơ quan tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, thực ra, đó chỉ là hình thức. Còn kết quả thì đã được ngắm sẵn rồi”.
Nhiều người không tin tưởng vào những kỳ thi công chức (Ảnh minh họa)
Để xảy ra tình trạng tiêu cực trong thi cử, đưa con cháu vào bộ máy hay “chạy việc” là điều đáng lo ngại.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tình trạng trên sẽ khiến cho bộ máy không trong sạch, giảm đi tính hiệu quả và những người đã “chạy” khi vào bộ máy rồi rất dễ tạo nhũng nhiễu, tiêu cực, tiếp tục chạy chức, chạy quyền. Hơn thế, hiện tượng “con cháu”, hiện tượng “chạy việc”… có thể gây ra tình trạng bất bình đẳng, gây âu lo, thiệt thòi cho con em nhiều gia đình không có mối quan hệ hay dư dả tiền bạc.
GS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị – Quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì hiện tượng chảy máu chất xám là tất yếu. Người giỏi sẽ chạy sang khu vực tư nhân vì ở đó cần người tài thực sự. Chúng ta nhớ một câu phát biểu gần đây được xã hội rất quan tâm của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo là: chỉ có cơ quan nhà nước mới có sự lựa chọn nhầm về bằng cấp; còn cơ quan tư nhân không có chuyện đó. Theo tôi, đó chính là lỗi của cơ chế vận hành, ở sự không minh bạch, rõ ràng, còn có kẽ hở, để lọt lưới những chuyện lợi dụng cá nhân các mối quan hệ, đưa những người người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy nhà nước”.
Không ai phủ nhận về sự cần thiết của các kỳ thi tuyển công chức, viên chức nhưng làm thế nào để các kỳ thi đó thật sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội cho người thực tài, đó mới là vấn đề đáng quan tâm.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội Hà Nội thì phải bắt đầu ngay từ người tuyển dụng – từ ông thủ trưởng đơn vị ấy. Người ta có cần lấy người tốt, người làm được việc không?
Video đang HOT
“Khi tôi làm quản lý, cũng có người gửi gắm. Con em các đồng chí cán bộ có thể có ưu tiên hoặc quan tâm, nhưng phải theo đúng quy định. Chỉ ưu tiên khi họ sàn sàn nhau. Đây là tuyển dụng công chức chứ không phải tuyển con em cán bộ để phục vụ bộ máy. Muốn vậy thì phải tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, đề bạt người đứng đầu vì họ có chuẩn thì họ mới tuyển đúng. Thậm chí có hội đồng, có tiêu chuẩn mà họ không thực sự công tâm thì sẽ không đạt được người tài đâu” – bà Bùi Thị An nói.
Khó phát hiện tiêu cực trong thi tuyển công chức
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Thi tuyển công chức, viên chức là tuân theo quy định của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. Nên nếu ở nơi nào đó không tuân thủ, không thực hiện đúng quy định đó là vi phạm pháp luật.
Ông Đinh Xuân Thảo nhớ lại câu chuyện khi giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản (cũ), là người trực tiếp quản lý đề thi đến phút chót kết quả thi cho thấy, những người trình độ rất bình thường nhưng lại đỗ với số điểm cao. Qua tìm hiểu, ông Thảo mới vỡ lẽ, những người ra đề đã tổ chức ôn luyện và trong quá trình ôn, cũng có “chuyện” giữa thầy và trò.
Theo ông Đinh Xuân Thảo: “Việc phát hiện tiêu cực trong thi cử là điều rất cần thiết nhưng cũng không phải dễ dàng. Có khi về mặt hình thức các khâu, các bước người ta làm đầy đủ, tuân thủ hết. Nhưng có thể có một sơ hở trong một khâu nào đó thì đúng là khó phát hiện. Sai sót trong lĩnh vực này cũng có nguyên nhân là gắn với hành vi tham nhũng. Ví dụ như tìm mọi cách để chạy điểm, đạt điểm cao thì tìm cách biết được đề, hoặc khi thi được bố trí ngồi cạnh 1 người giỏi, rồi qua được mặt giám thị, giám thị lơ đi cho họ để họ chép bài chẳng hạn. Đúng là để phát hiện được việc này là không đơn giản”.
Làm sao để thi tuyển công khai, minh bạch?
Đem câu chuyện thi tuyển cán bộ, công chức hỏi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, ông Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình thực hiện cũng có chỗ này chỗ khác cần phải rút kinh nghiệm. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi tổ chức tuyển dụng công chức phải thực hiện việc tổ chức thi trên máy tính. Bộ Chính trị cũng đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng với nhiều điểm mới.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Các giải pháp cụ thể phải có sự hướng dẫn đầy đủ, chu đáo của các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện tuyển dụng cần có các giải pháp để đảm bảo tính công khai minh bạch, có sự giám sát của cơ quan cấp trên trong quá trình triển khai các công đoạn của khâu tuyển dụng. Khi có dư luận phản ánh về thiếu sót, sai phạm phải tiến hành ngay các hoạt động thanh tra kiểm tra để kịp thời xử lý các sai phạm, đảm bảo công tác tuyển dụng đi vào đúng quy định, bảo đảm được sự hài lòng của người dân. Đặc biệt là sự đồng tình của người tham gia dự tuyển, vì họ thấy rằng là đỗ hay trượt mọi người đều cảm thấy thoải mái vì các cơ quan đó đã làm việc một cách công tâm, khách quan”.
Thi tuyển công chức, tuyển chọn lãnh đạo là việc làm hoàn toàn đúng và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của dư luận xã hội. Nhưng làm thế nào để các cuộc thi được tiến hành một cách công khai, minh bạch, dân chủ, để thực sự lựa chọn được những người có tài, có năng lực thật sự phù hợp với vị trí công việc?
Chừng nào chưa khắc phục được các cuộc thi “hình thức” thì chừng ấy, niềm tin của xã hội còn bỏ ngỏ.
Theo Lê Thơm – Nguyễn Hiền
Vov.vn
Thi công chức: Cửa vào hé rất nhỏ!
"Thi công chức mà không chọn được người tài, người có năng lực thực sự thì nhất định sẽ rớt vào 3 trường hợp: Thứ nhất là con ông cháu cha, thứ hai là nhóm lợi ích, thứ ba là tiêu cực" - Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.
Trao đổi với PV Dân trí về việc gần 50% thạc sĩ, cử nhân loại giỏi ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc trong nước trượt kỳ thi sát hạch công chức vừa qua ở Hà Nội, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:
"Thạc sĩ, cử nhân ở nước ngoài tham gia sát hạch công chức ở Việt Nam trượt là có vấn đề. Thứ nhất, những câu hỏi sát hạch dành cho người đi học nước ngoài về họ đã được học chưa?; thứ hai,phong cách tác phong làm việc ở nước ngoài khác trong nước, lề lối làm việc cũng khác, kỹ năng cũng khác. Người ở nước ngoài làm việc bám theo quy định của pháp luật để họ làm. Còn ở Việt Nam, trong khi làm phải vận dụng, sáng tạo. Những câu hỏi đặt ra không trúng vào những câu hỏi mà họ đã từng học?...
Cho nên cách sát hạch như thế với những người học ở nước ngoài về sẽ là không bình thường. Nếu hỏi những người học ở nước ngoài về thì phải hỏi những kiến thức mà họ đã học. Như vậy mới có ý tuyển dụng những người đi học nước ngoài.
Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Với cách sát hạch máy móc như vậy sẽ khó có những người tài được vào phục vụ trong bộ máy hành chính nhà nước, thưa ông?
Định nghĩa chữ "Tài" tùy thuộc vào mỗi nước có quan điểm khác nhau. Tài ở nước ngoài là giỏi về chuyên môn, giỏi về kỹ thuật, giỏi về ngoại ngữ, giỏi về vi tính... còn ở mình tài còn kèm theo đó là lý lịch. Nhiều người tài học ở nước ngoài về họ chưa được cọ xát nên đưa vào bộ máy sẽ bị bật ra thôi.
Tôi quan niệm, người tài phải là người giao việc gì làm tốt và hoàn thành xuất sắc công việc đó chứ không phải người tài là người có bằng cấp cao. Bởi, bằng cấp cao nhưng khi vào làm việc, điều hành công việc nó lại khác.
Do đó, khi tuyển dụng cần có thời gian thử thách 6 tháng, 1 hay 2 năm để xem người đó làm việc như thế nào.
Cuộc thi thực tế chỉ là giấy vào cửa thôi, nó như giấy lên sân khấu hát, hát tốt thì không sao nhưng đang hát mà đứt giọng thì sao. Do vậy, bằng cấp và thi tuyển chỉ là cửa thử thách ban đầu.
Thi công chức, nhiều người cho rằng là kỳ thi tiêu cực nhất hiện nay, nếu không có tiền là không đỗ, ông nghĩ sao?
Việc tiêu cực trong thi tuyển công chức nói từ lâu rồi. Thi gì cũng tiêu cực, tiêu cực từ lộ đề thi trước, đánh dấu trong những bài chấm, thậm chí người thi còn được đưa đề giải trước mang vào phòng thi chỉ việc chép vào bài... việc này cũng nói nhiều rồi.
Cho nên, bộ máy ở trên đã không trong sạch thì làm sao mà có sự trong sạch từ dưới được. Nếu người ở trên không muốn tuyển dụng người tài và tuyển dụng với lý do lợi ích khác thì sẽ tạo nên lợi ích liền sau khi thi.
Ngày trước ở Hà Nội, cũng đã có phản ánh về việc chạy hàng trăm triệu để vào công chức. Sau đó, Hà Nội vào cuộc xác minh thông tin, kiểm tra lại không có.
Thi công chức mà không chọn được người tài, người có năng lực thực sự thì nhất định sẽ rớt vào mấy trường hợp thứ nhất là con ông cháu cha, thứ hai là nhóm lợi ích, thứ ba là tiêu cực. Nhìn thấy kết quả thì suy ngược lại.
Một cảnh chen chúc thi tuyển công chức vào Chi cục Thuế Hà Nội năm 2014.
Thưa ông, đây có phải là vấn đề nhức nhối trong xã hội mà khó giải quyết không?
Quá nhức nhối ý chứ vì cửa vào hé rất nhỏ. Những người vào là những người đã được chuẩn bị sẵn rồi. Mặc dù thi công khai nhưng còn vấn đề lý lịch nữa.
Cũng về ý công khai như ông nói, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thi công chức luôn tổ chức công khai (công khai về chỉ tiêu, tiêu chí, điểm số...) nhưng dưới sự công khai này là ẩn chứa sự sắp đặt hết?
Những công khai này là nội hàm nên những vấn đề công khai lộ ra họ sẽ che vào ngay. Công khai những tiêu chí đó mang tính rất cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng.
Vậy theo ông, biện pháp nào để khắc phục tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức hiện nay?
Quan trọng là người đứng đầu có quyết tâm chọn người tài hay không. Nếu muốn vậy thì phải có cách chọn khác nhau. Ví dụ: người học nước ngoài về, trước khi thi thì tập huấn cho họ một lượt về phần kỹ thuật như sử dụng ngoại ngữ thế nào, chuyên môn thế nào?, thi lý luận thế nào? có làm việc được không? ... sau đó kiểm tra lại độ thông minh, độ nhớ của họ có tốt không.
Theo tôi, nên đưa giáo trình trước thi cho họ đọc. Qua cách đó, những người tài thi vào phần đã học, đã được thử thách, đã được thông qua rồi. Như vậy, mình chỉ việc kiểm tra lại may ra mới chọn ra được người tài.
Ngày xưa, những người thi đậu trạng nguyên được vua trực tiếp gặp nhưng bây giờ nhiều ông vua con lắm, nhiều ông trời con lắm.
Thi tuyển công chức "khó khăn" như hiện nay, ông có lời khuyên gì với giới trẻ ?
Thứ nhất, phải xác định nơi làm việc có phù hợp với khả năng không, chứ vào làm không đúng chỗ sẽ làm thui chột tài năng, chuyên môn của mình đi.
Thứ hai, chỗ muốn vào làm phải thu nhập phải cao, phải đảm bảo cuộc sống lo cho bản thân, lo cho gia đình. Bên cạnh đó, phải xem nội bộ cơ quan đó có ổn định không, có đối xử tốt không.
Trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Thanh Hóa thí điểm thi tuyển công chức cấp xã Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan yêu cầu tạm dừng tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã, phường để tuyển dụng theo hình thức thi tuyển. Thanh Hóa sẽ thí điểm thi tuyển công chức cấp xã - Ảnh minh họa: Tân Phú Nghiêm cấm tổ...