Thị trường vốn sẽ sớm có sân chơi cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Khái niệm “ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” đã được nêu trong Luật Chứng khoán từ năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010. Thế nhưng, chỉ đến khi soạn thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm nay, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được định nghĩa, kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới trên thị trường chứng khoán.
Dự kiến, nhà đầu tư (NĐT) trong đợt phát hành riêng lẻ phải là NĐT chiến lược, hoặc NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Giao dịch 2 tỷ đồng/tháng trở lên sẽ là nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới nhất, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm 3 trường hợp. Theo đó, nếu là tổ chức, doanh nghiệp được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải ở một trong hai nhóm sau.
Một là, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán.
Hai là, các công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm.
Với các nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật quy định, cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam, hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất, thì được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Định hình sân chơi mới
Bên cạnh định nghĩa khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp nghiệp vụ riêng, mà ở đó, chỉ dành riêng sân chơi cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, Khoản 17, Điều 4, Dự thảo Luật Chứng khoán định nghĩa về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư. Đối tượng tham gia đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Video đang HOT
Như vậy, nếu như ở quy định hiện hành, việc chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư được coi là chào bán chứng khoán riêng lẻ, thì ở quy định mới, dưới 100 nhà đầu tư còn phải thêm một điều kiện nữa: các nhà đầu tư này phải là nhà đầu tư chiến lược, hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Khoản 1, Điều 28, Dự thảo Luật (về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng) quy định, việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (không chuyển đổi) của công ty đại chúng, Khoản 2, Điều 28, Dự thảo Luật quy định, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho đến khi đáo hạn trái phiếu.
Như vậy, với dự thảo mới này, phát hành chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng sẽ là sân chơi riêng của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc các nhà đầu tư chiến lược. Và ưu điểm nổi bật của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp so với nhà đầu tư chiến lược là thời gian bị hạn chế chuyển nhượng sau phát hành chỉ từ 1 năm trở lên so với nhà đầu tư chiến lược; trong thời gian chờ hết hạn chế, được phép chuyển đổi giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau.
Có nên chốt cứng các thông số về nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán hạn chế đối tượng phát hành riêng lẻ là một quy định tốt cho thị trường.
“Đây là sẽ tiền đề giúp cơ quan quản lý nới các quy định về thủ tục phát hành riêng lẻ, đồng thời hạn chế việc doanh nghiệp lách chào bán chứng khoán ra công chúng bằng chào bán riêng lẻ”, ông Long nhận xét.
Ý kiến của ông Long cũng là quan điểm của nhiều bên trên thị trường chứng khoán, khi cho rằng, nên có sân chơi riêng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nơi mà việc vận hành và giám sát thị trường dựa trên tiêu chí về sự minh bạch, nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm, am hiểu về thị trường, chứ không dành cho số đông đại chúng, với các quy định và điều kiện quá khắt khe.
Quy định này cũng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp né quy định chào bán chứng khoán ra công chúng bằng hình thức phát hành riêng lẻ, như trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thị trường đặt vào vòng nghi vấn.
Tuy nhiên, xung quanh quy định trên vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh.
Trước hết là ở khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Với nhóm các công ty tài chính – ngân hàng, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư và công ty đầu tư chứng khoán, thì quy định này không có điều gì cần tranh cãi. Nhưng với 2 trường hợp còn lại, hệ lụy có thể sẽ không nhỏ.
Dự thảo hiện nay yêu cầu doanh nghiệp nếu không thuộc nhóm đối tượng trên, phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và 2 năm niêm yết.
“Vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thì có thể chấp nhận được, nhưng không nên kèm điều kiện 2 năm niêm yết, vì có nhiều tổ chức đầu tư lớn vẫn là công ty chưa đại chúng. Quy định như trên thì ngay cả SCIC cũng sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Nhà đầu tư tổ chức có cả bộ máy mà quy định vốn điều lệ cao quá, còn nhà đầu tư cá nhân thì tiêu chuẩn quá bé. Theo tôi, nên có thống kê thử xem có bao nhiêu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đáp ứng đủ yêu cầu này trước khi chốt con số”, ông Long nói.
Thống kê dữ liệu của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) với các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, hiện nay, trên hai Sở Giao dịch chứng khoán là HOSE và HNX chỉ có 125 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Nếu tính cả tiêu chí 2 năm niêm yết, số lượng doanh nghiệp được và muốn tham gia cuộc chơi cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể thấp hơn con số này.
Điểm thứ hai là dự thảo quy định hiện nay có thể sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp kẹt không thể huy động vốn, dù là chào bán chứng khoán hay phát hành riêng lẻ.
Theo dự thảo, doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng được nhiều quy định về kết quả kinh doanh, không có nợ xấu, không bị xử phạt vi phạm về quản trị… Thêm vào đó, thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp có thị giá không cao hơn nhiều mệnh giá, việc phát hành khó có thể thành công.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp không thể phát hành ra công chúng (điều kiện về giá hoặc do yếu tố thị trường), doanh nghiệp sẽ phải tìm đến việc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, lựa chọn được nhà đầu tư sẵn sàng muốn mua và đáp ứng được quy định về phát hành riêng lẻ như dự thảo quy định là điều không dễ dàng, đặc biệt với doanh nghiệp quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn về tài chính.
Khi đó, quy định chặt về điều kiện phát hành riêng lẻ có thể giúp chặn các trường hợp doanh nghiệp lách luật, nhưng vô tình khiến các doanh nghiệp nói chung có nguy cơ bị chặn cửa huy động vốn, nhất là các trường hợp doanh nghiệp cần tái cấu trúc và tìm được những nhà đầu tư đặc biệt.
Bùi Sưởng
Theo thitruongchungkhoan.vn
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ bị xử phạt tới 3 tỷ đồng
Luật chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), nếu được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Nguồn: Internet
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đăng tải Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trên cổng thông tin Điện tử UBCKNN (www.ssc.gov.vn) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến.
Dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát...
Theo các chuyên gia chứng khoán, để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, việc bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCKNN có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là cần thiết.
Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có các cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc có mối liên quan tới ban lãnh đạo. Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2018, UBCKNN đã xử phạt hành chính 231 tổ chức, cá nhân vi phạm (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), với tổng số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng (gần bằng 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động công bố thông tin cơ bản, nhưng có tác động không nhỏ tới giá cổ phiếu như giải trình kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, quyết định xử lý vi phạm của cơ quan thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tình trạng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin vẫn còn nhiều, là vì chế tài chưa đủ mạnh. Do đó, để khắc chế tình trạng này, cần trao quyền cho UBCKNN và các Sở giao dịch xử lý vi phạm nhanh hơn, mạnh hơn để giảm thiểu tình trạng vi phạm, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán.
Trước yêu cầu từ thực tiễn này, tại Dự thảoLuật Chứng khoán (sửa đổi), quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại Luật này. Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng trao quyền cho Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Đồng thời, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung thêm đối tượng phải công bố thông tin. Theo đó,bổ sung các đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Dự án Luật bổ sung đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; Nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng...
Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) với mức xử phạt mới khi được thông qua sẽ hỗ trợ hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi mang tính lạm dụng thị trường như hành vi thao túng, nội gián, góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Theo tapchitaichinh.vn
Chính sách mới sẽ thúc đẩy vốn ngoại vào Việt Nam Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng trên tinh thần chú trọng tạo dựng các chính sách nhằm đảm bảo cho thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường vốn hoạt động công khai, minh bạch và bền vững hơn, đồng thời tạo môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại...