Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp?
Năm 2013 hiển nhiên là một năm thị trường game online cũng như người chơi MMO Việt Nam mong chờ những tựa game online có chất lượng cập bến dải đất hình chữ S. Khi nói đến “chất lượng” ở đây, chúng ta phải tính đến tất cả những gì làm nên một sản phẩm giải trí tương tác được ưa chuộng: Đồ họa, cốt truyện, lối chơi,… Ở thời điểm hiện tại, việc các nhà phát hành đã có thể rất thoải mái chọn lựa những game online được phát triển ở nước ngoài với chất lượng đồ họa cao cấp, cử động nhân vật mượt mà nhờ vào việc game thủ Việt nay hầu như đã không còn “canh cánh nỗi lo” game nặng.
Trong khi đó, cốt truyện của game online là một thứ gì đó khó có thể đụng hàng theo kiểu y xì đúc. Vì vậy chủ đề bàn luận của chúng ta ngày hôm nay sẽ là về phong cách gameplay của những tựa game online. Sở dĩ chúng ta cần phải bàn luận về vấn đề này, đó là trong thời gian vừa qua GameK ghi nhận được một số lượng rất lớn những góp ý của người chơi Game online Việt gửi gắm tới các NPH, qua đó mong mỏi các nhà phát hành game Việt ngừng nhập những tựa game với lối chơi quá đỗi đơn giản cùng sự can thiệp có phần quá tay của hệ thống auto để game thủ có thể thoải mái thưởng thức một MMO theo ý của họ.
Tuy nhiên, một tựa game online với nền tảng phức tạp, hệ thống skill đa dạng, cộng với lối chơi có chiều sâu liệu có trở thành một cú hit lớn và là một thành công tài chính tại Việt Nam? Chúng ta hãy cùng bàn luận chủ đề này thông qua một vài tính năng cơ bản để một game online có thể được tạm gọi là “có chiều sâu” và đáng chơi: Hệ thống nhiệm vụ, loại bỏ hoàn toàn tính năng auto và Auction House, tạm gọi là nhà đấu giá vật phẩm trong game. Đây cũng chính là những đề tài đang được không ít các game thủ, thành viên các diễn đàn bàn luận.
Nhiệm vụ nhiều liệu có hay?
Cách nhanh nhất, đơn giản nhất và chính thống nhất để người chơi ở những cấp độ đầu tiên có thể nhận được điểm kinh nghiệm, vật phẩm chất lượng tốt và dĩ nhiên là… vàng trong mỗi tựa game chính là đi làm những nhiệm vụ mà NPC trong game đặt ra. Chưa dừng lại ở đó, hệ thống nhiệm vụ của một game online cũng là nơi nhà phát triển game gửi gắm tới người chơi những tinh hoa của cốt truyện mà họ đã dày công tạo ra.
Hoa mắt vì quest
Thế nhưng một danh sách dài dằng dặc những nhiệm vụ từ khi người chơi mới bắt đầu làm quen với game, cho đến khi nhân vật trong game đã lên đến cảnh giới cao thủ cũng chưa chắc đã được cộng đồng hưởng ứng. Đối với dân cày Việt, phần lớn thời gian đáng lẽ phải bỏ ra làm nhiệm vụ, họ hoàn toàn có thể bỏ mặc chúng, thay vào đó là đi cày cuốc đánh quái hoặc party với những người chơi cấp cao hơn để được “kéo, đơn giản vì lượng điểm kinh nghiệm cũng như tiền trong game có được khi thực hiện hai cách kể trên thường luôn nhiều hơn so với việc chạy loanh quanh bản đồ chỉ để hoàn thành những nhiệm vụ rối rắm.
Bỏ auto, chưa chắc game thủ đã chịu
Phần mềm auto tại Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản đầu tiên vẫn còn đang làm mưa làm gió tại thị trường trong nước. Thế rồi chức năng mà nhiều người đã từng nghĩ là “gian lận”, “lười biếng” hóa ra lại biến thành một trong những trào lưu không thể không có đối với mỗi game online mới ra mắt nào tại Việt Nam. Người chơi cũng vô tình bị auto tạo ra tư duy chơi game kiểu “lười”. Đi tìm nơi nhận, trả nhiệm vụ cũng auto, đánh quái cũng auto, vân vân…
Video đang HOT
“Auto vẫn tiện, tội gì bỏ?”
Sau vài năm chức năng gây khá nhiều tranh cãi này thống trị thị trường MMO Việt, ngay cả các nhà phát hành cũng trở nên khá e ngại nếu một tựa game lọt vào mắt xanh của họ, với những ưu điểm thấy rõ, mỗi tội… thiếu auto! Sau ngần ấy thời gian, việc game bắt người chơi tự đi tìm đường, tự thực hiện nhiệm vụ từ a đến z, tự đánh quái vật hay tự mình thao tác những chiêu thức trong game bỗng nhiên đã trở nên quá xa xỉ đối với thị trường game online tại Việt Nam.
Auction house: Trung tâm thương mại, hay Chùa bà Đanh?
Hầu hết những game online hiện đang được đánh giá cao trên thế giới, ví như Vindictus chẳng hạn, đều có hệ thống nhà bán đấu giá, nơi người chơi có thể “gửi gắm” những món đồ xịn mà họ kiếm được nhưng không có nhu cầu sử dụng để người chơi khác, đúng theo phong cách của những nhà đấu giá chuyên nghiệp. Người chơi nào trả giá cao nhất, hay thậm chí là trả bằng hạn mức cao nhất người bán đặt ra sẽ sở hữu món vật phẩm ảo đó.
Auction House của World of Warcraft
Thế nhưng, với tư duy “tiền trao cháo múc”, không ít game thủ Việt đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của họ về Auction House. Một số người cho rằng nếu món hàng ế ẩm, nhiều kẻ trục lợi chờ đến thời điểm cuối cùng mới bỏ một khoản tiền rất nhỏ so với giá trị vật phẩm ra để mua. Thậm chí cũng có thể, chính người bán tạo ra một account game khác, vào “kéo khống” giá hàng để người chơi mắc bẫy, nghĩ rằng đang có người chơi khác tranh giành món hàng với họ…
Rất giống một cái chợ theo nghĩa đen
Vì thế, tình trạng người chơi đứng kín bản đồ và treo biển mở shop, sau đó thương lượng giá cả vật phẩm ảo với người chơi khác trong game sẽ vẫn còn đó, và sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của các “thương gia ảo” của làng game online Việt Nam.
Theo GameK
Game câm lặng, thà đừng chơi còn hơn!
Quá trình nhìn nhận và đánh giá một tựa game của chúng ta thường dựa vào 4 đặc điểm chính là: lối chơi, đồ họa, cốt truyện, và âm thanh. Trong đó, phần "nghe" luôn bị thờ ơ nhất so với 3 anh em còn lại của nó. Tôi đã gặp không ít gamer sẵn sàng chơi game trong điều kiện hoàn toàn im lặng và đó quả là một sự lãng phí khủng khiếp thành quả mà nhà phát triển mang đến cho chúng ta.
Có lẽ tôi là một người khó tính, cũng có thể vì công việc đang làm là một DJ nên tôi đặc biệt chú trọng đến mảng âm thanh, đi đâu cũng vậy. Đối với tôi, headphone (nếu chơi game trên laptop) và một dàn loa khủng (nếu chơi trên Desktop) là 2 thứ nhất định không thể bỏ qua để có một thế giới cho riêng mình và cảm nhận được cái hồn của tựa game đó.
Nếu phải dựa vào 4 tiêu chí đã nói ở trên để đánh giá một tựa game, cá nhân tôi sẽ sắp xếp chúng như sau: đồ họa là thứ được đem ra ngắm nghía đầu tiên, lối chơi là để giữ chân gamer cho đến hết "cuộc vui", cốt truyện tuyệt vời là để chúng ta phải suy ngẫm và đem ra bàn luận, còn âm thanh tuyệt vời đơn giản là để người chơi đắm chìm vào thế giới của riêng họ.
Vì sao tôi lại nói về âm thanh như thế, có lẽ tôi sẽ giải thích "nghĩa đen" của câu nói đó trước. Không một dân nghiền FPS nào là chưa từng chơi qua Call of Duty và chắc bạn cũng hiểu thế mạnh của dòng game này. Đưa người chơi vào một trận chiến quyết liệt, khói lửa và khiến họ không thể dứt ra một phút nào cho tới khi "phá đảo". Vậy thì bạn sẽ cảm nhận sự dữ dội của cuộc chiến tranh thế nào nếu trong khi đang chơi, nhà hàng xóm "khuyến mãi" thêm phần âm nhạc bằng những bài hit "bất hủ": Cháu lên ba, Em đi nhà trẻ... Bạn sẽ chiến đấu thế nào khi chiếc điện thoại cứ không ngừng reo...
Có lẽ bạn đã hiểu "nghĩa đen" mà tôi muốn nói đến. Trang bị một headphone đủ tốt để có cả chức năng cách âm, bạn sẽ được tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tôi tất nhiên là không khuyến khích ai đó từ bỏ công việc chỉ để chơi game, nhưng nếu đã sắp xếp được thời gian, giải quyết hết đống công việc thì đã đến lúc bạn dành thời gian cho riêng mình. Đeo Headphone vào và mặc kệ cái thế giới bận rộn bên ngoài, ngồi trước màn hình và chỉ "còn ta với nồng nàn".
Tôi thật sự không thể hiểu tại sao một số người chơi lại có thể ngồi trong một "đống sắt biết di chuyển" hàng giờ đồng hồ. Họ được trang bị một siêu xe với mã lực cực lớn mà lại không muốn tận huởng "giọng nói" ngọt ngào của nó. Họ bỏ qua tiếng gầm đến rung cả căn phòng, tiếng vào số lách cách đơn giản mà lại là tác nhân gây nghiện của nhiều tay đua chính hiệu. Tôi dám đảm bảo rằng không một tay "Drift" điêu luyện nào lại không đem theo tiếng rít bánh xe đến thé tai vào trong giấc mơ của họ.
Thăng hoa nhờ sự cuồng nhiệt của khán giả.
Cũng giống như bạn tham gia trận El Clasico (siêu kinh điển) giữa Barca và Real trên PES trong một cầu trường im lặng, thiếu vắng tiếng hò reo, đôi khi là khích bác đối thủ của khán giả, tiếng thét đồng thanh đến vỡ òa cả sân vận động khi bạn biểu diễn một pha làm bàn tuyệt hảo. Đôi khi bạn cần một sự khích lệ tinh thần đến từ những bình luận viên lúc bỏ lỡ một pha bóng ngon ăn. Đáng tiếc, theo những gì mà tôi để ý thấy từ những người bạn quanh mình thì những game thủ PES hayFIFA đôi khi rất hay bỏ qua những chi tiết thú vị đến từ đôi tai.
Sự lãng phí âm thanh còn gây "hậu quả" đặc biệt nghiêm trọng nếu tựa game bạn đang chơi thuộc dòng game kinh dị. Hơn 50% cái hay của game đến từ những bước chân đơn độc trong bóng tối của bạn, tiếng ré lên bất ngờ của một sinh vật lai giữa chó và... cá sấu. Những tựa game thuộc dòng này thường không đòi hỏi bạn phải có một kỹ năng thần thánh gì, nó giống như một bộ phim, chỉ khác ở chỗ bạn là nhân vật chính. Và bạn thật sự muốn coi một bộ phim kinh dị với chỉ hình ảnh mà không cần âm thanh??
Silent Hill không im lặng như người ta vẫn tưởng.
Như vậy, phần "nghe" trong game có thể giúp bạn lánh xa khỏi những phiền muộn đời thường, mang đến đầy đủ những cảm nhận và giúp bạn "nhập vai" tốt hơn trong thế giới ảo. Vẫn chưa hết, đối với những gamer kỳ cựu hay game thủ chuyên nghiệp, âm thanh đóng vai trò khá quan trọng trong lối chơi và cũng không ít lần "cứu mạng" họ.
Nhờ những tiếng bước chân vang, các xạ thủ có thể phần nào xác định được vị trí của đối phương, tránh những trường hợp bị "tỉa" lén bởi những tên cơ hội. Đối với dòng game cần sự tập trung cao như đua xe, một phút lơ là liếc nhìn kính chiếu hậu có thể khiến bạn "khóc hận" khi tuột thẳng xuống hạng chót. Thay vào đó, tiếng gió rít cùng với âm thanh động cơ của chiếc xe sau có thể giúp họ áng được khoảng cách giữa 2 xe và cả hướng vượt lên của đối thủ để có những biện pháp phù hợp như ép xe...
Headphone - Vật dụng không thể thiếu với một game thủ chuyên nghiệp.
Với bản chất của dòng game chiến thuật yêu cầu rất nhiều sự điều chỉnh tinh vi của người chơi mới mong dành được thắng lợi. Do số lượng thông tin cần xử lý là khá nhiều nên chúng xuất hiện không chỉ trên màn hình mà còn thông qua những câu cánh báo của hệ thống. Nếu không có những câu cảnh báo đó, bạn có thể vẫn sẽ mãi mê push nhà đối phương trong khi họ đang "hành" đồng đội của mình ở bên kia chiến tuyến. Starcraft hay AoE có thể đem ra làm ví dụ cho những trường hợp như vậy.
Bạn thấy đấy, không phải tự nhiên mà âm thanh là một trong 4 tiêu chí quan trọng cho một tựa game. Nếu so sánh giá cả thì headphone thường có giá mềm hơn chuột lazer, bàn phím cơ rất nhiều và một bộ loa trung bình có lẻ sẽ rẻ hơn gấp 3 lần một màn hình 17"" và gấp... 30 lần một dàn máy khủng. Các cụ đã dạy: "đắt nhưng sắt ra miếng", hãy để trải nghiệm của bạn luôn được trọn vẹn với tựa game mình yêu thích.
Theo Game Thủ
Game hay của Nintendo xuất hiện trên iOS Một thông tin hết sức thú vị dành cho những người sử dụng iOS, vừa mới đây trò chơi Liberation Maiden (LM)đã lần đầu tiên xuất hiện trên các thiết bị di động dùng hệ điều hành iOS. Đối với đa số game thủ, LOM được biết đến là một phần của bộ sưu tập trò chơi Nintendo 3DS do NSX Guild01 phát...