Thị trường vàng trang sức trong nghịch lý cung – cầu
Nhu cầu về vàng trang sức của người tiêu dùng tăng dần khi cuộc sống ngày càng được cải thiện. Vậy nhưng, nghịch lý là thị trường vàng trang sức nội địa vẫn khó khăn trăm bề, khiến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững.
Đời sống ngày càng cao, sức cầu vàng nữ trang theo đó cũng tăng theo
Kiểm soát không dễ
Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đã phần nào hạn chế giao dịch vàng miếng. Tuy nhiên, không vì hạn chế điểm bán vàng miếng, mà người dân không còn giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Đáng chú ý, thị trường đã xuất hiện vàng SJC giả hiệu để đáp ứng lỗ hổng thiếu vàng SJC. Điều này cũng là tất yếu, đúng quy luật hàng hóa thay thế trên thị trường. Người dân cũng sẽ chịu rủi ro khi mua các loại vàng nguyên liệu, vàng nữ trang không thương hiệu và chất lượng không được kiểm soát.
Để kiểm soát chất lượng vàng nữ trang, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng nữ trang chưa áp dụng chuẩn vàng theo Thông tư 22.
Trong khi đó, thói quen của người Việt Nam lâu nay trong mua vàng là “mua đâu, bán đó” và đến nay, họ vẫn tin tưởng vào cách mua bán này. Đây là lý do giải thích vì sao vẫn có phản ánh cho thấy, quy định ghi tuổi vàng không thay đổi được tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, tức người tiêu dùng vẫn phải “mua đâu, bán đó”, nếu không muốn bị thiệt.
Thực tế, việc kiểm soát chất lượng vàng không phải gần đây các cơ quan quản lý mới đưa ra quy định, mà lâu nay, lực lượng quản lý thị trường đã làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, so với thị trường rộng lớn, thì lực lượng chức năng kiểm tra cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng liệu đã đáp ứng được hay chưa chính là vấn đề cần phải bàn đến. Bởi có tình trạng nhiều cửa hàng vẫn bán vàng miếng, cho dù họ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia kinh doanh mặt hàng này.
Đáng chú ý, việc kiểm soát chất lượng nữ trang vàng ngoại nhập cũng gặp thách thức, trong khi mẫu mã, thậm chí là giá lại khá cạnh tranh so với nữ trang của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là mặt hàng vàng trắng của Trung Quốc. Đó là chưa nói đến việc kiểm soát chất lượng liệu có đảm bảo cho người tiêu dùng khi có nhu cầu về nữ trang vàng. Trong khi đó, với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, khi chọn nữ trang, trang sức để mua thường chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, giá phù hợp.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Khó khăn trăm bề
Nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nữ trang vàng hiện nay đang gặp khó khăn khi không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nghị định 24/2012/NĐ-CP có nội dung, cho các xí nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu nguyên liệu, nhưng đến nay, quy định này chưa được thực hiện.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nữ trang vàng hiện cũng không được vay vốn ngân hàng để hoạt động. Nguồn vốn tín dụng đã bị thắt chặt theo quy định tại Thông tư 33/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Thông tư 33 quy định, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, doanh nghiệp nữ trang vàng vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu.
Việc Ngân hàng Nhà nước không cấp quota cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nữ trang vàng được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nữ trang khiến hoạt động kinh doanh vàng trang sức gặp nhiều khó khăn, khi nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp trong nước khoảng trên 10 tấn/năm.
Không chỉ các gia đình châu Á mà nhiều ngân hàng trung ương cũng có “truyền thống” tích trữ vàng
Với việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều đơn vị thiếu vốn và nguyên liệu để sản xuất – kinh doanh. Vì thế, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất 2 phương án nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu vàng cho các doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, thực hiện quy định hiện hành, Nhà nước quản lý nguồn nguyên liệu và cấp quota cho một số doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp có những hợp đồng xuất khẩu, nhưng phải kiểm soát gắt gao.
Thứ hai, cho đấu giá nguồn nguyên liệu, với sự tham gia không chỉ những doanh nghiệp lớn, mà cả doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, với doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép sản xuất – kinh doanh vàng trang sức, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cấp phép cho doanh nghiệp được mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất mặt hàng nữ trang.
Thực tế cho thấy, ngành nữ trang Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với 25 năm trước – thời đó chủ yếu chế tác theo thủ công truyền thống. Còn hiện nay, phần lớn các cơ sở đã tổ chức sản xuất theo mô hình công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại để làm ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về vàng vẫn luôn có và thậm chí còn ở mức cao khi kinh tế dần được cải thiện. Doanh số mua bán nữ trang của các doanh nghiệp lớn tăng hàng năm.
Điển hình, trong ngày Thần Tài đầu năm, người dân đổ xô đi mua vàng và nhiều doanh nghiệp cho biết cạn hàng. Doanh nghiệp thông báo hết hàng, song cũng có một thực tế là nguồn cung không thiếu, bởi nếu doanh nghiệp bán được nhiều vàng miếng thì có thể sẽ bị “soi”, bởi không có quota nhập khẩu vàng thì làm sao có nhiều vàng để bán ra? Vì theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng chỉ được bán vàng miếng nhãn hiệu của SJC, thay vì được bán nhiều nhãn hiệu vàng miếng như trước đây.
Thị trường vàng thời gian qua đã bị thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp không được kinh doanh vàng miếng; SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước; giá vàng giảm sâu đã khiến nhiều người muốn chuyển đổi sang tiền đồng để hưởng lãi suất ở mức phù hợp… Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn có và được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là lạm phát.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vàng miếng bị hạn chế, cần thiết mở rộng thị trường nữ trang vàng. Chẳng hạn, cho xuất, nhập vàng nguyên liệu và xuất hàng nữ trang vàng có kiểm soát. Bởi hiện các doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu là thu gom nguyên liệu trên thị trường, không có quota nhập khẩu và cũng rất khó vay vốn.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nguyên Thống đốc NHNN: Cẩn trọng khi vay 500 tấn vàng của dân!
"Chúng ta phải rất cẩn trọng. Khi có đầy đủ các cơ chế quản lý rõ ràng, chúng ta mới huy động được lượng lớn vàng đang nằm trong dân để đầu tư phát triển kinh tế".
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Cao Sĩ Kiêm đã nói như vậy khi Dân Việt tiếp tục đề cập đến kiến nghị đáng chú ý của Hiệp hội vàng Việt Nam tới Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.
Ông Kiêm nói: "Huy động vốn trong dân nhằm phát triển kinh tế đất nước là chủ trương chung của chúng ta. Huy động vàng rồi biến nó thành vốn phục vụ trở lại nền kinh tế là ý tưởng rất tốt. Nếu huy động vàng trong dân, Nhà nước-thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động. Với biến động của giá vàng lên-xuống hàng ngày, Nhà nước có các cơ chế, chính sách để bảo đảm được rủi ro cho vàng đã huy động của người dân cũng như rủi ro cho chính mình.
Theo ông Kiêm, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia, Nhà nước có quản lý được không?. "Đúng là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, Nhà nước phải có năng lực quản lý thực sự với thị trường vàng mới có thể ra đời Sở giao dịch này, nhất là thông qua Sở giao dịch này huy động vàng của dân. Sở giao dịch này muốn huy động được vàng trong dân nhất thiết phải có sự chỉ đạo, điều hành, giám sát, quản lý và can thiệp chặt chẽ của Nhà nước để không tạo ra sự lũng đoạn trên thị trường vàng, tới giá vàng, làm ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và nền kinh tế", ông Kiêm nói.
Muốn thành lập Sở giao dịch vàng, Nhà nước phải xây dựng được các quy chế quản lý nó, đặc biệt phải có các chính sách ứng phó với các biến động, rủi ro phát sinh. "Chúng ta huy động vàng của dân chính là người dân gửi gắm tài sản của họ cho chúng ta. Chắc chắn, người dân phải thấy an toàn, có lợi họ mới đưa vàng cho Nhà nước vay thông qua mua trái phiếu, chứng chỉ vàng" - ông Kiêm Phân tích.
Do vậy, "huy động vàng của người dân rồi chúng ta phải có các cơ chế, chế tài đi kèm để quản lý từ đầu vào tới đầu ra. Ví dụ như vàng huy động sẽ được đầu tư vào đâu, như thế nào trong nền kinh tế đem lại hiệu quả. Những rủi ro người dân gặp phải khi dùng vàng mua trái phiếu, chứng chỉ vàng sẽ được xử lý, bảo hiểm ra sao?... Vàng là mặt hàng luôn có sự biến động đi kèm với hoạt động đầu cơ trên thị trường thế giới, nếu chúng ta không có khả năng ứng phó, xử lý các rủi ro tốt ở trong nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và tài sản là vàng của người dân"-ông Kiêm nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, ông Kiêm cho biết, chúng ta đã ngừng huy động tiết kiệm vàng. Vàng chỉ đang được nhận giữ hộ. Vàng đó cũng chỉ được giữ chứ không được chuyển thành vốn đưa ra đầu tư vào nền kinh tế. Do đó, nếu được huy động tiết kiệm bằng vàng thì chúng ta có thể cho vay, đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh. Việc không sử dụng được nguồn vốn bằng vàng trong dân để đầu tư phát triển nền kinh tế là rất lãng phí, đặc biệt khi lượng vàng trong dân hiện lên tới 500 tấn, giá trị ước tính hàng chục tỷ USD (theo tính toán của Hiệp hội vàng Việt Nam).
Muốn biến khối vàng trong dân trở thành vốn để đầu tư phát triển nền kinh tế, vấn đề còn lại là Nhà nước cần phải cho thấy khả năng của mình trong việc đứng ra huy động vàng của dân. Nhà nước có cân đối được vay-trả vàng cho người dân khi huy động không? Nếu Nhà nước không xử lý được rủi ro về biến động giá vàng thì khó có thể huy động vàng của dân.
"Kinh nghiệm huy động cho vay bằng vàng trong quá khứ đã cho thấy những tổn thất, rủi ro rất lớn. Chúng ta đã từng huy động cho vay bằng vàng. Giá vàng lúc huy động chỉ khoảng 24 triệu đồng/lượng nhưng sau đó, giá vàng vọt lên - có lúc tới gần 50 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp không thanh toán được cho dân số vàng đã huy động theo giá biến động. Người dân khăng khăng đòi vàng huy động của họ phải được tính theo giá chênh lệch này, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã không thể đáp ứng nổi"-ông Kiêm ví dụ.
Từ bài học này - ông Kiêm cho rằng, Nhà nước cần phải nghiên cứu kỹ khi muốn xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập ra Sở Giao dịch vàng quốc gia. "Chúng ta phải có cách xử lý với những tình huống tương tự như trong quá khứ; phải rất chú ý, cẩn trọng để tránh "vết xe đổ". Bởi việc "không xử lý nổi" rất có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường vàng, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, kinh doanh chụp giật, thậm chí là lừa đảo trên thị trường vàng, rất nguy hiểm"-ông Kiêm nói.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Lượng vàng đang được giữ trong dân rất lớn, ước khoảng 500 tấn, có giá trị hàng chục tỷ USD. Nếu huy động được đây sẽ là nguồn lực rất lớn cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. "Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước..." - ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhấn mạnh. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, hiệp hội này đề xuất NHNN xem xét cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ước tính nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hằng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong thời gian trước mắt, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước thì NHNN chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo BizLive/DV
Có nên vào cuộc chơi "đỏ đen" với vàng? Im ắng suốt 4 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đẩy "virus vàng" ra khỏi hệ thống ngân hàng để lành mạnh hóa hoạt động thì tuần qua, "huy động vàng trong dân" tiếp tục được xới xáo bởi một kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Một...