Thị trường trái phiếu chính phủ tăng trưởng 12 lần sau 10 năm
Ngày 10-12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị “10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ”.
Sau 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có sự tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11-2019 bằng 25,1% GDP năm 2019 và gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009 bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.
Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường TPCP đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho ngân sách nhà nước (NSNN), gắn với tái cơ cấu nợ chính phủ theo hướng bền vững (trong những năm gần đây, kênh huy động vốn TPCP luôn chiếm 75 – 80% mỗi năm). Ngoài ra, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đã được kéo dài qua từng năm, đạt 13,6 năm vào cuối tháng 11-2019, cao so với giai đoạn 2009 – 2014, trong khi lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,58%/năm, thấp hơn 6,4 – 7,6%/năm so với giai đoạn 2009 – 2014.
Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, sản phẩm TPCP cũng phát triển ngày càng đa dạng, là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho mọi loại hình nhà đầu tư. Nếu như năm 2009, trên thị trường TPCP chỉ có các sản phẩm kỳ hạn từ dưới 1 năm cho đến 10 năm, thì đến nay trên thị trường TPCP có đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn đến hạn 20 năm, 30 năm. Ngoài ra, còn có các sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư là ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng 7-2019, sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP chính thức được triển khai, đem lại cho nhà đầu tư một công cụ phòng vệ rủi ro, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hỗ trợ phát triển thị trường TPCP cơ sở.
Video đang HOT
Hiện nay, trên thị trường TPCP cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới bên cạnh các ngân hàng thương mại như các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tham gia tích cực trên thị trường TPCP. Cơ sở hạ tầng của thị trường TPCP luôn được cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của thị trường sơ cấp, thứ cấp.
Nhận định về thị trường TPCP Việt Nam thời gian qua, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng Tài chính Ngân hàng Thế giới đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong việc hợp tác, thúc đẩy quan hệ, phát triển thị trường TPCP Việt Nam để tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, ông Alwaleed Alatabani cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện chính sách pháp luật để kích thích thị trường TPCP phát triển đang là đòi hỏi bắt buộc đối với Việt Nam.
“Tôi cho rằng sắp tới phía Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm chính để thúc đẩy thị trường TPCP phát triển. Thứ nhất, cần phải mở rộng thêm các nhà đầu tư nắm giữ TPCP. Hiện nay, sự chuyển hướng nhà đầu tư mới chỉ chủ yếu ở khu vực bảo hiểm xã hội, nhưng trong thời gian tới cần phải đa dạng hơn nữa. Thứ hai, cần phải củng cố danh mục TPCP. Thứ ba, Chính phủ nên cải thiện hạ tầng và xây dựng cơ chế của thị trường theo hướng ổn định, tin cậy hơn” – ông Alwaleed Alatabani nói.
Lưu Thủy
Theo saigondautu.com.vn
Trái phiếu Chính phủ: Sản phẩm tài chính an toàn, thanh khoản cho các nhà đầu tư
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế từ khâu công bố kế hoạch phát hành, sản phẩm hàng hóa, phương thức và quy trình phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng
Cụ thể, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường liên tục được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao khả năng huy động vốn cho NSNN và là sản phẩm tài chính an toàn, thanh khoản cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, thị trường TPCP đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho NSNN, công tác phát hành TPCP đã gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững
Trong giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho NSNN, bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm, kênh TPCPBL huy động được 385.151 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.014 tỷ đồng/năm; kênh TPCQĐP huy động được 36.924 tỷ đồng, bình quân khoảng 4.615 tỷ đồng/năm. Trong những năm gần đây, kênh huy động vốn TPCP chiếm 75% - 80% trong năm.
Công tác phát hành TPCP đã gắn kết với việc tái cơ cấu nợ Chính phủ, thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đã được kéo dài qua từng năm, đạt 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019, cao hơn 9 -10 năm so với giai đoạn 2009 - 2014, trong khi lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,58%/năm, thấp hơn 6,4% - 7,6%/năm so với giai đoạn 2009 - 2014. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.
Đặc biệt trên thị trường TPCP đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Đến cuối tháng 11 năm 2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55%(tăng 35% so với cuối năm 2009), của các NHTM giảm xuống mức khoảng 45%(giảm 35% so với cuối năm 2009). Đồng thời, TPCP đã trở thành công cụ hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn.
Với mục tiêu phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; TPCP trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các NHTM, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, theo đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cần tập trung một số giải pháp như: cải tiến mô hình tổ chức thị trường thứ cấp và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Phấn đấu đến năm 2020 tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết và năm 2030 là 2% dư nợ trái phiếu niêm yết như mục tiêu đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030...
Cùng với đó, tăng cường sự liên thông trong cơ chế chính sách và điều hành giữa thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thông qua các giải pháp cụ thể...
Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1%GDP năm 2019 gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên tăng 24 lần so với năm 2009 bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.
Minh Nhật
theo baovephapluat.vn
BVSC: Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong những năm tới. Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã chứng khoán: VCB). Theo đó,...