Thị trường tiền tệ bất ổn trước nguy cơ chiến tranh thương mại
Tuyên bố cam kết áp thuế lên hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khiến đồng nội tệ của các nước này giảm giá so với đồng USD trong phiên 26/11.
Điều này làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại và tạo ra bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Đồng USD và NDT. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào cuối ngày 25/11, ông Trump đã cho biết ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông sẽ áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada. Về Trung Quốc, ông cho rằng nước này chưa hành động đủ mạnh để hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu được sử dụng trong ma túy bất hợp pháp, và đề xuất áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hoạt động giao dịch diễn ra trầm lắng trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn của Mỹ vào ngày 28/11, kéo dài sang ngày 29/11 khi nhiều nhà giao dịch nghỉ thêm một ngày.
Đồng USD đã tăng hơn 2,5% so với peso Mexico, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2022 tại New York vào chiều 26/11. Mức tăng này vượt mức “đỉnh” đạt được hôm 6/11 sau khi ông Trump, người ủng hộ thuế quan và đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico trong nhiệm kỳ đầu tiên, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Tỷ giá USD/peso Mexico hiện ở mức 20,685 peso đổi 1 USD.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 đã cảnh báo về hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với cả hai nước từ việc áp thuế và cho biết về khả năng trả đũa.
Đồng USD cũng đạt mức cao nhất trong 4 năm rưỡi so với đồng CAD, tăng hơn 1,5%, và sau đó tăng 0,61% lên mức 1,41 CAD đổi 1 USD. Đồng bạc xanh cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/7 so với đồng NDT và được giao dịch ở mức 7,2631 NDT đối 1 USD.
Ngoài ra, đồng USD có một phiên giao dịch trái chiều sau khi giảm giá liên quan đến việc ông Trump bổ nhiệm nhà quản lý quỹ đầu cơ Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, điều này đã hỗ trợ trái phiếu chính phủ và khiến lợi suất giảm.
Đồng USD đã giảm 0,57% so với đồng yen, giao dịch ở mức 153,33 yen đổi 1 USD, trong khi đồng euro, sau khi ổn định vào buổi sáng, đã giảm 0,33%, giao dịch ở mức 1,0459 USD đổi 1 euro.
Cả hai cặp tiền tệ này đều giảm nhẹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương Mỹ) công bố biên bản cuộc họp tháng 11, trong đó ngân hàng này đã hạ lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm phần trăm xuống 4,50% – 4,75%, cho thấy nhiều nhà hoạch định chính sách nhất trí rằng việc giảm dần chính sách kiềm chế là phù hợp.
Chỉ số đồng USD, đo lường đồng bạc xanh với sáu loại tiền tệ chính, trong đó có đồng euro và đồng yen, ở mức 107,15, tăng so với 106,86 vào cuối ngày 25/11.
Trên thị trường tiền điện tử, đồng bitcoin được giao dịch ở mức 91.738 USD, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 99.830 USD mà nó đạt được vào tuần trước. Bitcoin đã gặp áp lực chốt lời trước ngưỡng 100.000 USD, sau khi tăng hơn 40% kể từ cuộc bầu cử Mỹ với kỳ vọng ông Trump sẽ nới lỏng môi trường pháp lý đối với tiền điện tử.
Cảnh báo áp thuế Trung Quốc của ông Trump sẽ mở ra cuộc chiến thương mại mới?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 26/11 tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ Straitstimes nhận định động thái áp thuế hàng hóa Trung Quốc giống như một "quân bài mặc cả" và dường như là nước cờ chính trị của Tổng thống đắc cử Mỹ. Ông Trump giải thích rằng kế hoạch tăng thuế liên quan đến việc Trung Quốc không hành động đủ để ngăn chặn dòng chảy chất gây nghiện bất hợp pháp - cụ thể là fentanyl - tràn vào Mỹ.
Ông Stephen Olson, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, cho biết rất khó để chắc chắn về chiến lược của ông Trump.
Video đang HOT
"Nhưng đây rất có thể là một đòn mở màn", ông Olson lưu ý. Ông đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của ông Trump thông qua các hành động áp thuế này có thể là cắt giảm một số loại thỏa thuận thương mại, có thể bao gồm các cam kết của Trung Quốc về các vấn đề khác, chẳng hạn kiểm soát ma túy.
Các nhà quan sát, bao gồm các học giả Trung Quốc, đã cảnh báo về khả năng ông Trump sử dụng thuế quan theo phương thức giao dịch này. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2017 đến năm 2021, những động thái "ăn miếng trả miếng" này đã được thực hiện đối với các mặt hàng như tấm pin Mặt Trời và thép của Trung Quốc, đậu nành và máy bay của Mỹ.
Trong khi đó - đặc biệt là khi Tổng thống Joe Biden quyết định không dỡ bỏ các loại thuế nhập khẩu này - các nhà kinh doanh Trung Quốc đã đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu và họ vẫn có thể thu được 10% lợi nhuận.
Nhưng nỗi lo lớn hơn là đây chỉ là sự khởi đầu cho một loạt các hành động leo thang có thể dẫn đến một cuộc đối đầu kinh tế khác.
Cuộc chiến thương mại đầu tiên đã dẫn đến việc áp thuế đối với khoảng 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc chiến này đã kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại vào năm 2020, song cam kết của Trung Quốc về việc nhập khẩu 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ không bao giờ thành hiện thực.
Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 26/11, ông Trump cho biết ông đã có nhiều cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc gửi fentanyl đến Mỹ, nhưng không có kết quả.
Việc lạm dụng fentanyl - loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị giảm đau - đã gây ra hàng nghìn ca tử vong ở Mỹ mỗi năm. Chính phủ Mỹ cho biết hầu hết fentanyl bất hợp pháp được buôn bán từ Mexico đều sử dụng hóa chất từ Trung Quốc.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh có một trong những chính sách chống ma túy nghiêm ngặt nhất thế giới và đã hợp tác rộng rãi với Mỹ về vấn đề này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: "Về vấn đề thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, Bắc Kinh tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa 2 nước về bản chất là cùng có lợi. Không ai sẽ thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến thuế quan".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết áp thuế bổ sung 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Không rõ ông đã tính toán con số này như thế nào, nhưng các nhà quan sát lưu ý rằng con số này gần như bằng với mức thuế quan trung bình nếu Mỹ thu hồi quy chế thương mại ưu đãi nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc đã được cấp quy chế này vào năm 2000, khi chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Quy chế cho phép Bắc Kinh được hưởng các điều khoản thương mại giống như các đồng minh của Mỹ. Chỉ có 4 quốc gia hiện không được hưởng quy chế này - gồm Nga, Belarus, Triều Tiên và Cuba.
Trong báo cáo thường niên được công bố vào tuần trước, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung đã khuyến nghị thu hồi quy chế đối với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên cơ quan cố vấn lưỡng đảng của Mỹ kêu gọi động thái này một cách rõ ràng.
Ông Olson, nhà nghiên cứu về thương mại quốc tế, cho biết động thái thu hồi - nếu xảy ra - sẽ "gửi đi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng Mỹ đã kết luận rằng hội nhập kinh tế sâu rộng với Trung Quốc là một sai lầm và hiện cần phải được sửa chữa".
Phó giáo sư Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cảnh báo vẫn chưa có gì chắc chắn vì ông Trump vẫn chưa nhậm chức cho đến tháng 1.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Vậy động lực thúc đẩy động thái mới nhất này là gì?
Ông Ian cho rằng động thái này có lẽ để xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào khi ông Trump và đội ngũ của ông lên kế hoạch cho các chiến lược của mình.
Ông Trump vẫn có thể kiềm chế vì việc tăng thuế quan có thể gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ, trong khi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc.
Ông Nick Marro, nhà kinh tế trưởng của châu Á tại Economist Intelligence Unit, lưu ý các quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và việc áp thuế có nguy cơ làm bùng phát áp lực về giá.
"Điều đó vẫn rất khó xảy ra vào thời điểm này, nhưng chi phí kinh tế - và chính trị - của những mức thuế này có thể thúc đẩy đội ngũ của ông Trump phải cân nhắc lại vào tháng 1. Nhưng chúng ta đừng nín thở", ông Marro chia sẻ.
Vẫn còn câu hỏi quan trọng về các lựa chọn Nội các của ông Trump, với nhân vật tiềm năng cho chức Ngoại trưởng trong chính quyền mới như ông Marco Rubio. Ông Rubio được coi là người theo "chủ nghĩa diều hâu" với Trung Quốc. Nhưng những lựa chọn khác được coi là ôn hòa hơn, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế.
Giáo sư Chong nhận định những khác biệt này trong chính quyền sắp tới cũng có thể dẫn đến sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông lưu ý rằng ông Rubio có lập trường khác về Trung Quốc so với tỷ phú Elon Musk, người có khoản đầu tư đáng kể vào Trung Quốc và đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này nhiều lần.
"Những khác biệt này cần được giải quyết. Có thể có một số thay đổi trong chính sách khi việc bổ nhiệm diễn ra. Và những thay đổi kết quả có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc", ông Chong lập luận.
Ông Trump tuyên bố tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, Mexico và Canada Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố hôm 25/11 (giờ địa phương) rằng ông sẽ áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN Ông Trump khẳng định đây là động thái nhằm đối phó với...