Thị trường tăng điểm, quản lý quỹ ngậm ngùi báo lỗ
Trong khi các chỉ số của thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong quý III/2019 thì các “tay chơi” có nghề như nhóm công ty quản lý quỹ lại ngậm ngùi báo lỗ.
Thị trường tăng điểm nhóm quản lý quỹ lại gặp khó
Theo Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, toàn thị trường có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động và 4 công ty thuộc dạng tái cấu trúc. Tại thời điểm 30/9/2019, vốn chủ sở hữu của 45 công ty là gần 4.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản quản lý hơn 301.000 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cuối năm 2018.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 là một bức tranh đa chiều, Vn- Index ghi nhận trạng thái vận động khác nhau theo từng quý. Trong quý III, chỉ số Vn-Index tăng 46,62 điểm (tăng 4,91% so với quý II); chỉ số VN30 tăng gần 7% và chỉ số HNX-Index tăng 1,54 điểm (tăng 1,49% so với quý II).
Lợi nhuận suy giảm, chìm trong thua lỗ
Tuy nhiên, vận hành ngược chiều với các chỉ số của thị trường là hầu hết các công ty quản lý quỹ đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm, hoặc là tiếp tục chìm trong thua lỗ. Thậm chí, có những công ty còn ghi nhận số lỗ vượt quá 50% vốn chủ sở hữu.
Có thể kể đến CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực ghi nhận khoản lỗ 1,3 tỷ đồng trong quý III/2019, nâng mức lỗ lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/9/2019 lên 65,8 tỷ đồng, vượt qua mức vốn chủ sở hữu 34,1 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý III/2019, CTCP Quản lý quỹ Amber ghi nhận mức doanh thu “hẻo” 297 triệu đồng, lỗ 2,1 tỷ đồng, trong khi các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm trước lần lượt là 2,8 tỷ đồng và 789 triệu đồng. Khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý III/2019 của công ty tăng lên hơn 27 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 22,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý II/2019 là thời điểm thị trường chứng khoán giảm, Quản lý quỹ Amber lại báo lãi. Cũng báo lãi trong quý II nhưng lỗ trong quý III còn có CTCP Quản lý quỹ Hùng Việt, Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Bông Sen.
Video đang HOT
Cụ thể, quý III/2019, Quản lý quỹ Hùng Việt chỉ đạt 92 triệu đồng doanh thu, lỗ 584 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty đạt 401 triệu đồng, lỗ 1,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 623 triệu đồng doanh thu và 503 triệu đồng lợi nhuận.
Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Bông Sen cũng báo lỗ 603 triệu đồng trong quý III/2019, nhưng do các quý trước kinh doanh có hiệu quả, lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận khoản lãi 15,3 tỷ đồng.
Những tên tuổi lớn trong ngành quản lý quỹ khác như CTCP Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long, Quản lý quỹ Thái Bình Dương, Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Đông cũng có hoạt động kinh doanh không mấy khả quan với những khoản lỗ trong quý III và 9 tháng năm 2019.
Thậm chí, không chỉ thua lỗ trong quý III mà CTCP Quản lý quỹ AIC, Quản lý quỹ Việt Cát còn trượt dài trong thua lỗ từ các quý trước. Hết quý III/2019, Quản lý quỹ AIC có lỗ lũy kế 4,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 23,3 tỷ đồng.
Thực tế, chỉ số Vn-Index đã ghi nhận mức tăng gần 5% trong quý III và tăng gần 12% kể từ đầu năm, trở thành chỉ số dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng của thị trường đến từ việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao bất chấp các dấu hiệu tăng trưởng suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. GDP Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng năm 2019, cao nhất trong 9 năm qua.
Tương lai mù mịt
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những mảng màu xám như dòng tiền “èo uột”, thanh khoản trong 9 tháng qua đã sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Diễn biến này của thị trường khiến ngay cả các “tay chơi” có nghề, dài vốn, dày dạn kinh nghiệm, đồng thời có được sự hậu thuẫn của các ngân hàng mẹ, cổ đông ngoại cũng đối mặt với suy giảm lợi nhuận, thua lỗ.
Do đó, nhóm các công ty quản lý quỹ hoạt động lay lắt tiếp tục chìm trong thua lỗ không có gì là khó hiểu. Kinh doanh thua lỗ đã khiến một số chủ công ty quản lý quỹ quyết định thoái vốn.
Có thể kể đến động thái mới đây của Quản lý quỹ Amber, nhiều cổ đông cũ của công ty bao gồm cả pháp nhân lẫn cá nhân như công ty TNHH Amino Finance Group, công ty TNHH I Capital, CTCP Ampire, ông Nguyễn Trung Kiên, ông Lê Hồng Quang đã chuyển nhượng toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ, tổng cộng 49,5% vốn điều lệ, cho nhà đầu tư Lê Mạnh Linh.
Sau giao dịch này, ông Linh nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Quản lý quỹ Amber từ 19,8% lên 69,3%.
Hay như Quản lý quỹ AIC đã thông qua miễn nhiệm toàn bộ 4 thành viên HĐQT cũ nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm Lã Giang Trung (Chủ tịch HĐQT), Trần Phương Dung, Chu Minh Ngọc và Nguyễn Thị Tuyết, đồng thời bầu 3 nhân sự mới là Nguyễn Quốc Việt, Đoàn Minh Đức và Nguyễn Hải Long.
Trong đó, ông Việt lên nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thay ông Trung. Công ty cũng quyết định đổi tên thành CTCP Quản lý quỹ Genesis.
Một công ty khác có động thái đổi chủ là Quản lý quỹ Hùng Việt. Ngày 7/11 tới, công ty sẽ triệu tập họp _HĐCĐ bất thường năm 2019 để sửa đổi điều lệ công ty, mở “room” sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, với tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên cùng với thông tin hoạt động còn nhiều điểm kém minh bạch, nguồn lực hạn chế, khả năng huy động vốn được là rất thấp.
Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn
ESOP sao cho lợi đôi đàng?
Không còn là câu chuyện nội bộ, nhà đầu tư ngày càng ưu tư đến phát hành cổ phiếu ESOP ở doanh nghiệp.
Theo diễn biến trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BVH của Bảo Việt đã giảm giá nhiều phiên, tính từ ngày 24.4. Nguyên nhân được giới phân tích xác định, do lượng cổ phiếu ESOP giá rẻ, Bảo Việt phát hành cho cán bộ công nhân viên từ năm ngoái, nay đã được đưa vào giao dịch một phần (60%). Điều này khiến cổ phiếu BVH bị bán mạnh và cổ đông bị ảnh hưởng.
Ảnh: TL
Thực tế, so sánh giá phát hành cổ phiếu ESOP và giá thị trường thì những cán bộ công nhân viên của Bảo Việt, mua vào cổ phiếu ESOP ở thời điểm năm ngoái đến nay đã có thể kiếm lời hơn 150%. Với mức lời hấp dẫn ấy, không có lý do gì mà người mua cổ phiếu ESOP lại không bán ra. Chính điều này khiến cổ đông ấm ức. Thị trường đã phản ứng tiêu cực bằng những phiên rớt sàn liên tục, bất chấp tình hình kinh doanh quý I/2019 của Bảo Việt khả quan, với lợi nhuận tăng 19% so với cùng kỳ.
Không riêng gì Bảo Việt, nhiều công ty cũng đã tỏ ra ưu ái khi phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên. Mức giá mà các doanh nghiệp này đưa ra thường bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) hoặc chiết khấu lớn so với giá thị trường. Chẳng hạn, PNJ quyết định phát hành cổ phiếu ESOP với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/5 so với giá thị trường. Hay Masan Consumer (MCH) dự tính phát hành cổ phiếu ESOP theo giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá MSC xấp xỉ 90.000 đồng/cổ phiếu.
Các cổ đông thường hiểu mục đích này của Công ty. Bằng chứng là phần lớn các kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP đều được đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, khi cổ đông ngày càng chịu nhiều rủi ro từ biến động thị trường và khó kiếm lời trong đầu tư chứng khoán, thì họ dễ bất bình trước việc cán bộ công nhân viên công ty được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ cổ phiếu ESOP, với giá mua vào thấp, lại sớm được phép tự do chuyển nhượng cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp như Coteccons (CTD) cũng muốn thông qua phát hành cổ phiếu ESOP để giảm sức chi phối từ các cổ đông lớn. Ý định này được cổ đông lớn nhìn thấy và căng thẳng giữa đôi bên là khó tránh khỏi. Kết cục là trong đại hội cổ đông vừa qua, Coteccons cũng gác lại dự tính phát hành cổ phiếu ESOP.
Điều này đặt ra những áp lực mới, buộc các công ty phải suy nghĩ đến giải pháp hướng đến cân bằng quyền lợi các bên.Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hiện là doanh nghiệp đầu tiên nghĩ đến phương cách phát hành cổ phiếu ESOP khác biệt. Cụ thể, MWG dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP năm 2019 theo cách cho phép quyền chọn mua hoặc không. Điểm khác biệt nữa là cổ phiếu ESOP sẽ phát hành theo giá thị trường chứ không ưu đãi giá.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, cho rằng, nếu thử nghiệm thành công, trong vòng 3 năm tới, MWG sẽ phát hành cổ phiếu ESOP dạng này và sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Vì còn trong giai đoạn thử nghiệm, MWG chỉ định phát hành với số lượng không đáng kể, khoảng 50.000 quyền chọn mua, tương ứng 50.000 cổ phiếu. Lâu dài, MWG vẫn định hướng không chế số lượng cổ phiếu ESOP, tối đa chỉ phát hành 3% lượng cổ phiếu lưu hành. Ngoài ra, MWG cũng dựa trên tăng trưởng lợi nhuận ròng và tăng trưởng giá cổ phiếu MWG để tính toán số lượng cổ phiếu ESOP phát hành.
Đây là cách phát hành cổ phiếu ESOP đang được giới tư vấn khuyến khích. Bởi cách này giảm được nhiều mâu thuẫn giữa cổ đông và nội bộ công ty. Khi số lượng phát hành cổ phiếu ESOP không nhiều so với tổng cổ phiếu lưu hành thì giao dịch cổ phiếu ESOP sẽ không tác động đáng kể lên thị trường. Phương án phát hành cổ phiếu ESOP dựa trên kết quả kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu cũng trở nên thuyết phục hơn. Đặc biệt, khi chào bán cổ phiếu ESOP theo giá thị trường, cổ đông sẽ rất yên tâm.
Vấn đề là để làm được cách này, cổ phiếu của doanh nghiệp phải thật hấp dẫn, đủ khiến cán bộ công nhân viên ham muốn sở hữu, còn nhà đầu tư không muốn bán đi. Khi đó, nhà đầu tư sẽ săn lùng cổ phiếu. Điển hình cổ phiếu VNM của Vinamilk, VJA của Vietjet từng rất thu hút giới đầu tư. Nhưng thực tế, không nhiều doanh nghiệp tự tin như vậy. Bởi ngoài câu chuyện kinh doanh, giá cổ phiếu còn tùy thuộc biến động thị trường và các yếu tố khác. Ví dụ, trong quý I/2019, nhiều cổ phiếu như SRA của Sara, LHG của Long Hậu, APG của Chứng khoán An Phát... vẫn giảm giá, trái ngược với kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp.
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc, cho biết, doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu ESOP nên đưa ra các điều kiện ràng buộc chặt chẽ về sự gắn bó của các nhà quản lý và nhân viên được quyền mua ESOP, gắn hiệu quả hoạt động trong dài hạn của họ với quyền mua cổ phiếu từ gói ESOP. Riêng cổ đông công ty cần trang bị kiến thức về ESOP để có thể đưa ra các quyết định phù hợp khi công ty đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP.
Theo nhipcaudautu.vn
Lạ lùng giao dịch "ngầm" gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu công ty bầu Đức! Theo như đăng ký của Thaco thì doanh nghiệp này muốn mua vào 69,7 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico trong khoảng thời gian từ 23/4-22/5. Tuy nhiên đã có hai đợt giao dịch lô cổ phiếu này vào ngày 22/4 và 13/5 đặt ra khả năng đã có ít nhất một bên thứ ba đứng ra mua đi bán lại cổ...