Thị trường phim chiếu rạp: Khi luật chỉ vỗ béo “cá lớn”
Nhìn dưới góc độ cạnh tranh, chính sách xã hội hoá đã đưa hoạt động điện ảnh trở thành hoạt động kinh doanh đích thực. Thị trường điện ảnh đã hình thành và vận hành tích cực ở những nơi người bán thu được lợi nhuận. Nhưng đồng thời, những hệ luỵ cũng đã lộ diện với tất cả sự khắc nghiệt.
Hai hình ảnh trái ngược giữa hệ thống rạp lớn Galaxy (trên) và rạp chiếu độc lập Fafilm (dưới). Ảnh: Gia Tiến
Lỗ hổng pháp lý
Nếu như điện ảnh của nhiều quốc gia khác tách biệt các khâu sản xuất, phát hành và chiếu bóng, yêu cầu các nhà phát hành không được sở hữu rạp chiếu thì khoản 2, điều 30, luật Điện ảnh năm 2006 lại quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”. Luật này đã trói buộc một cách máy móc hoạt động phát hành phim vào hoạt động phổ biến phim, đưa các doanh nghiệp trên thị trường lao vào mối quan hệ vừa là đối tác vừa là đối thủ, vừa cộng sinh lại vừa đối đầu.
Với nguồn phim nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng thì nguồn phim để các rạp hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào phim nhập khẩu. 11 phim Việt ra mắt trong năm 2011 chỉ bằng một phần mười lượng phim nhập khẩu. Do vậy, chỉ cần nắm giữ phần lớn nguồn phim nhập khẩu, nhà phát hành hoàn toàn có thể khống chế hoạt động chiếu phim. Một hệ thống phát hành – chiếu bóng chiếm hơn phân nửa số màn ảnh ở Việt Nam như Megastar hay Galaxy có thể không quan tâm đến các rạp chiếu phim khác khi có thể tự tổ chức chiếu phim trong phạm vi hệ thống của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác không có nguồn phim để nhập nên hoàn toàn phụ thuộc nguồn phim của Megastar hay Galaxy. Khi nguồn cung cấp phim thuộc về số ít, chiến lược thâu tóm có thể được thực hiện dưới nhiều dạng thức.
Giăng mắc rào cản
Dạng thức dễ thấy nhất là từ chối chia sẻ thị trường với các đối thủ nhỏ hơn. Một khi đã có rạp chiếu, các hệ thống lớn sẽ viện nhiều lý do để không cung cấp phim, hoặc cung cấp phim với những điều kiện ngặt nghèo cho các rạp chiếu phim nhỏ hơn như định mức doanh thu, giá vé tối thiểu, giờ chiếu và ngày chiếu thuận lợi, đặt phim theo gói gồm cả “bom tấn” lẫn phim có tính thương mại thấp… Chính sách này có thể xem là sự dẫn dắt người xem phim chuyển hướng sang hệ thống rạp của họ. Với những vùng thị trường nhỏ như Đồng Nai, Hải Phòng… khả năng không chia sẻ thị trường xảy ra rất cao. Các trung tâm chiếu phim ở đây không còn nguồn phim để hoạt động và hậu quả là các rạp chiếu phim đã phải chuyển công năng hoạt động của rạp thành nhà sách hay trung tâm mua bán… Ở khía cạnh này, các hệ thống lớn thường cho rằng họ đã bỏ tiền đầu tư lớn cho phát hành và chiếu bóng, để có thể nhập được phim “bom tấn” về chiếu vòng đầu cùng thế giới cho khán giả Việt, nên có quyền yêu cầu nhiều điều kiện cho các rạp nhỏ hơn nếu muốn chiếu phim lớn. “Phải công bằng cho cả hai phía. Ví như thị trường trước đây chỉ có Toyota, nay có thêm Lexus. Vấn đề là người ta đang muốn mua Lexus với giá của Toyota”, ông Brian Hall, giám đốc hệ thống Megastar ví von với giới truyền thông. Doanh thu chiếu phim cũng là cơ sở để tạo lợi thế đàm phán với các nhà phát hành nước ngoài.
Dạng thức rào cản thứ hai từng được tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) chỉ ra trong một tài liệu được công bố rộng rãi, được sử dụng như biện pháp cô lập các rạp chiếu phim nhỏ: các hệ thống lớn từ chối chiếu phim của các nhà phát hành khác nếu họ cung cấp phim cho các rạp đối thủ.
Video đang HOT
Tất cả những hiện tượng trên đều có thể dẫn đến sự thâu tóm theo chiều dọc của những hệ thống lớn, bằng cách hỗ trợ tăng trưởng cho các rạp thuộc sở hữu của mình và làm suy yếu các rạp độc lập.
Những “vùng trắng” điện ảnh
Hơn mười năm vui mừng với những thành quả xã hội hoá trong lĩnh vực chiếu bóng và phát hành, điều ngạc nhiên nhất là người ta… bỏ quên luôn những khu vực mà xã hội hoá chưa bao giờ vươn tới. Trong lúc hoạt động điện ảnh sôi nổi và cạnh tranh gay gắt ở vài đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thì rạp chiếu của hơn 50 tỉnh, thành sống trong tình trạng “chết lâm sàng”, tạo thành những “vùng trắng” trong hưởng thụ điện ảnh. Nếu ở thành phố lớn, khán giả thường kháo nhau về những bom tấn chuẩn bị đổ bộ vào các rạp xịn nhất thì toàn bộ phần còn lại, người dân đang ngồi trên các mảnh đất trống chờ xem chiếu bóng lưu động, với danh mục phim xào xáo đến cũ mòn.
Mặt khác, xã hội hoá điện ảnh đã đẩy các doanh nghiệp nhà nước vốn được cưng chiều vào một đại dương bao la. Sự co cụm và tự chấp nhận số phận đang đè nặng lên tâm lý hoạt động của những nơi, những đơn vị không còn nguồn phim để hoạt động hoặc chấp nhận mọi điều kiện do các đại gia phát hành phim để tìm nguồn sống lay lắt. Hai hình ảnh cho thấy sự cách biệt quá lớn về mức độ hưởng thụ điện ảnh.
Câu hỏi đặt ra là các chính sách điện ảnh đang hướng đến phục vụ ai và đem lại hiệu quả gì cho đời sống văn hoá của dân tộc? Một khi cơ sở đánh giá hiệu quả của chính sách xã hội hoá là sự phát triển của một vài đại gia, một vài tập đoàn và một vài địa phương thì tất yếu nơi nào có cơ hội tăng trưởng, cơ hội thu lợi nhuận thì nơi đó có thị trường và phần còn lại bị lãng quên. Chúng ta không phủ nhận giá trị của chính sách xã hội hoá, chính sách kêu gọi đầu tư từ nước ngoài hoặc từ tư nhân, nhưng lẽ ra nhà quản lý phải dự liệu được các giải pháp hợp lý để khắc phục các khuyết tật của thị trường kinh doanh đặc biệt này. Điều có thể làm ngay là đánh giá một cách khách quan khả năng điều chỉnh và những tác động của luật Điện ảnh đối với thị trường, để có những quyết định sửa đổi nhằm bảo vệ nền điện ảnh nước nhà một cách cấp bách.
Theo SGTT
Phim kinh dị Việt: Thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả?
Trên thế giới, phim kinh dị vẫn được khán giả thích thú, theo dõi như một phương tiện giải trí kích thích nhất. Tuy vậy, khi đến Việt Nam, dòng phim này cũng có những biến thể, và hậu quả là khán giả đa phần hụt hẫng, lắc đầu với tâm lí xem "không đã".
Thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến sự lên ngôi của dòng phim mới, phim kinh dị. Sự ganh đua này một mặt góp phần "đổi món" cho nghệ thuật thứ Bảy của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng phơi bày những lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi, đề tài cũng như phương tiện biểu đạt nghệ thuật của các nhà làm phim nước nhà.
Poster bộ phim "Bóng ma học đường"
Bùng nổ phim... dọa ma
Thực tế, cho đến bây giờ, trong tất cả những phim kinh dị đã chiếu ở rạp, dường như chỉ có "Giao lộ định mệnh" là "xem được" hơn cả. Song, người xem lại tỏ ra thất vọng vì... "nó na ná giống phim của Hollywood".
Chỉ trong vòng vài năm qua Việt Nam đã có gần chục phim kinh dị đã, đang và sẽ đưa vào sản xuất. Đầu tiên phải kể đến "Khi yêu đừng quay đầu lại" và "Bóng ma học đường" (hãng Thiên Ngân), tiếp đó là "Giao lộ định mệnh" và "Giữa hai thế giới". Sắp ra rạp có phim "Bẫy cấp 3", nhưng được chờ đón nhất là "Lời nguyền huyết ngải" của Bùi Thạc Chuyên - đạo diễn có rất nhiều thành công trong dòng phim nghệ thuật, góp phần đưa tên tuổi điện ảnh Việt Nam ra với thế giới trong thời gian qua. Trong khi đó, phim "Con ma nhà họ Hứa" từng nổi tiếng ở thập kỉ 70 của thế kỉ trước cũng được hãng Phước Sang dự định bấm máy tái sản xuất vào năm 2012.
Lòng kiên nhẫn bị thử thách?
Đặc trưng của phim kinh dị là cuốn hút tâm trí người xem vào sâu trong thế giới không có thật của ma quỷ, máu me, chém giết để họ khám phá nỗi sợ hãi, trải nghiệm những cảm xúc cực mạnh của con người. Trên thế giới, phim kinh dị vẫn được khán giả thích thú, theo dõi như một phương tiện giải trí kích thích nhất. Tuy vậy, khi đến Việt Nam, dòng phim này cũng có những biến thể, và hậu quả là khán giả đa phần hụt hẫng, lắc đầu với tâm lí xem "không đã".
Một trong những nguyên nhân đó là do những kịch bản lỏng lẻo, thiếu những chi tiết ám ảnh, diễn xuất của diễn viên không lột tả được thần thái của nhân vật, nghệ thuật cắt dựng phim non tay, thiếu những điểm nhấn trọng tâm. Cái quan trọng là đạo diễn và biên kịch dường như không nghiên cứu, hiểu rõ yếu tố tâm lí của người xem nên không đánh trúng được thần kinh sợ hãi của khán giả. Các phim đều làm theo một mô típ giống nhau, khai thác mối tình giữa người và ma, bên cạnh đó là những oan hồn lởn vởn xung quanh đòi nợ máu. Bối cảnh thì được dàn dựng cũ kĩ với những ngọn nến leo lét, gió thổi hiu hiu, ánh trăng mờ ảo, không gian âm u, cô tịch, thi thoảng có vài tiếng la hét thất thanh. Việc hóa trang thì như diễn hề trên sân khấu, ma quỷ được tô mắt đậm, môi đỏ choét hoặc thâm xì, mặt trắng bệch, nhìn đã thấy... không thật... Dường như, kinh dị chỉ là cái mác để thu hút lượng khán giả mua vé đến rạp xem phim, còn nội dung thế nào thì tiền hậu bất nhất, quảng cáo một đằng, thực tế trong phim một nẻo.
Phim kinh dị Việt không thiếu những pha "cười ra nước mắt", bởi nhiều khi không phải cố tình mà là do những lỗi ngớ ngẩn. Điển hình là "Bóng ma học đường". Ra rạp với mác phim 3D đầu tiên của Việt Nam, khán giả cứ hi vọng cùng với hiệu ứng không gian ba chiều, phim sẽ gây những bất ngờ lớn, song, người ta chú ý đến những cảnh lột đồ, hở hang, bị đánh rất... vô duyên của diễn viên. Điều này khiến người ta nghĩ đến yếu tố câu khách nhiều hơn, vì cảnh Đinh Ngọc Diệp bị xé toạc áo, hở ngực đã được lan truyền từ khi phim mới bấm máy. Còn "Giữa hai thế giới", dù đạt doanh thu 6,5 tỉ đồng sau một tuần công chiếu, khán giả vẫn không khỏi cười ồ lên bởi sự "làm dáng" không phải lối khi một cô gái đi nhặt phế liệu (Tâm Tít đóng) lại mặc váy hoa ngắn cỡn rất điệu đà, người vợ (Đinh Ngọc Diệp đóng) bị chồng cầm dao truy sát điên cuồng vẫn phải quay lại bằng được để ôm chiếc va li to đùng (dù chiếc va li không cất giấu bảo bối để có thể... trừ ma, cũng chẳng tham gia vào những cảnh sau đó)...
Với tất cả những điều đó, khán giả ra rạp xem phim kinh dị "nội" dường như là bị thử thách lòng kiên nhẫn hơn là được trải nghiệm nỗi sợ hãi và chiêm nghiệm về nhân quả, về sự sống và cái chết, thậm chí chỉ để giải trí đơn thuần.
Lỗi tại... kiểm duyệt
Gần như thành thông lệ, hễ có sự phản ứng nào về nội dung của phim, đạo diễn và nhà sản xuất đều bật ra những lí do hết sức... bất khả kháng, đó là kinh phí và kiểm duyệt. Không có đủ kinh phí, đương nhiên không thể có bối cảnh, thời gian, hậu kì để phim được chăm chút kĩ lưỡng, song, với những phim diễn viên đóng nhạt nhẽo, kịch bản rời rạc, dọa ma mà chỉ gây hài, kĩ xảo cũ kĩ, không tạo nên hiệu ứng, âm thanh, ánh sáng đủ để người xem sợ thì có thể đổ lỗi cho kinh phí được chăng?
Dường như biết trước khán giả sẽ thất vọng, trước ngày "Giữa hai thế giới" ra rạp, nhà sản xuất Đỗ Minh Quang đã "dọn đường" dư luận bằng cách than thở là phim bị hội đồng kiểm duyệt cắt mất hơn 5 phút nên khi xem thấy sường sượng ở một số "mối nối". Song, 5 phút liệu có "đỡ" được cho tất cả những gì khán giả cảm nhận về bộ phim? Nhà sản xuất phim này cũng phải tiếp tục "xuống nước" đính chính rằng phim của mình không phải phim kinh dị mà đúng hơn là mang màu sắc hình sự huyền bí nhiều hơn là ma mị và không làm theo kiểu hù dọa để khán giả phải sợ.
Đạo diễn Lê Bảo Trung thẳng thắn bày tỏ: "Phim kinh dị mà xem chẳng kinh dị là thực trạng chung hiện nay. Nếu làm đúng thể loại này sẽ vi phạm Luật Điện ảnh: không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan". Anh cũng đồng ý với Bùi Thạc Chuyên về việc nên phân loại phim như các nước từng làm để tạo điều kiện thông thoáng cho những người làm phim hơn.
Theo Mai Thi (Đại đoàn kết)
Phi Thanh Vân đóng phim... 2 triệu đồng Cô nàng hóa thân thành "siêu bà 8", tung hứng với Khương Ngọc trong bộ phim ngắn, quay với thời gian và kinh phí ít kỷ lục. Khương Ngọc đóng vai thợ làm tóc của Phi Thanh Vân trong phim ngắn "Chạy" để tham gia cuộc thi 48h Super 8. Phim được nhiều khán giả bấm phim "Like" trên Youtube nhất sẽ được...