Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê đi xuống, giá tiêu ổn định
Tuần qua (ngày 28/9 đến 3/10), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tương đương so với tuần trước, giá tiêu ở Tây Nguyên cũng giữ ổn định; trong khi đó, giá càphê lại đi xuống.
Chăm vườn càphê. (Ảnh: TTXVN phát)
Tuần qua (ngày 28/9 đến 3/10), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tương đương so với tuần trước.
Giá tiêu ở Tây Nguyên cũng giữ ổn định; trong khi đó, giá càphê lại đi xuống.
Thị trường nông sản trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.800-6.050 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.800-6.100 đồng/kg.
Các mặt hàng gạo tại thị trường An Giang không đổi so với tuần trước: gạo thường 10.000-11.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000-15.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.200 đồng/kg; gạo nàng hoa 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước đã thu hoạch được trên 1,6 triệu ha/1,9 triệu ha lúa Hè Thu gieo cấy, bằng 91,7% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha. Sản lượng toàn vụ ước đạt 10,83 triệu tấn.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng đạt trên 1,5 triệu ha, bằng 97,1%; năng suất ước đạt 56,2 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,57 triệu tấn.
Do ảnh hưởng của hạn hán, nhiễm mặn nên diện tích lúa Hè Thu giảm so với cùng kỳ, một số địa phương có diện tích giảm nhiều là: Tiền Giang giảm 16.700ha; Đồng Tháp giảm 6.800ha; Kiên Giang giảm 6.90ha…
Các địa phương đã xuống giống được 590,1 nghìn hecta lúa Thu Đông, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tiến độ sản xuất lúa Thu Đông thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng dây chuyền từ vụ Hè Thu sản xuất muộn.
Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn trổ đều và bắt đầu thu hoạch, sâu bệnh gây hại không đáng kể, phấn đấu đạt từ 800.000 đến 810.000ha, tăng khoảng từ 80.000 đến 90.000ha so với năm ngoái.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, sau khi hồi phục nhẹ vào tuần trước, tuần qua giá càphê lại quay đầu giảm giá. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 3/10 dao động trong khung 31.200-31.700 đồng/kg, giảm từ 500-700 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.423USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 90-110 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2021 tại London.
Vụ thu hoạch càphê 2020-2021 bắt đầu chính thức ở Việt Nam song các thương nhân cho biết cho đến giữa tháng 11 tới, lượng càphê thu hoạch mới được cung cấp cho thị trường.
Theo một thương nhân, các nông dân sẽ bắt đầu thu hoạch càphê vào cuối tháng 10 này và cho hay nguồn cung hiện vẫn không có sự biến động trong khi nhu cầu và hoạt động giao dịch vẫn thấp.
Về tiêu, theo Tin Tây Nguyên, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 48.500-51.000 đồng/kg, tương dương so với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã chạm mức 51.000 đồng/kg; Gia Lai chốt mức thấp nhất là 48.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Giá tiêu tại hầu hết các vùng nguyên liệu trong tháng 9 đã tăng 1.000 đồng/kg so với mức giá đầu tháng. Mức giá thấp nhất từ 47.500 đồng/kg đã lên 48.500 đồng/kg tại Gia Lai. Riêng Đồng Nai phiên cuối tháng chỉ giữ ở mức 48.000 đồng/kg, mặc dù trước đó, giá tại tỉnh này đã vọt lên 49.000 đồng/kg.
Giá cao nhất lên 51.000 đồng/kg tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong hai phiên giao dịch cuối tháng. Bình Phước là tỉnh tăng mạnh nhất 1.500 đồng/kg chốt ở 50.000 đồng/kg.
Năm 2020, theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hạt tiêu Việt Nam đạt khoảng 240.000 tấn, giảm 15% so với năm ngoái.
Sản lượng sụt giảm gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu tiêu, khiến ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu 280.000 tấn tiêu, với giá trị đạt 800 triệu USD trong năm 2020.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu giảm trong tuần này ở hầu hết quốc gia xuất khẩu gạo do nhu cầu yếu và nguồn cung mới được bổ sung cho thị trường gạo.
Giá gạo đồ 5% tấm của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ giảm xuống 376-382 USD/tấn trong tuần này, từ mức 379-385 USD/tấn trong tuần trước đó.
Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada ở bang Andhra Pradesh, giá gạo ở Ấn Độ đang giảm do sản lượng gạo dự kiến tăng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 472-477 USD/tấn trong tuần này, từ mức 475-495 USD/tấn trong tuần trước đó, chủ yếu do sự biến động của đồng baht của Thái Lan trong khi nhu cầu thấp.
Theo một thương nhân ở Thái Lan, thị trường gạo đang tiếp nhận nguồn cung mới một cách đều đặn và điều này có thể từng bước kéo giá gạo đi xuống trong một vài tuần tới.
Còn tại Việt Nam, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 460-480 USD/tấn, so với mức 470-475 USD/tấn trong tuần trước đó, khi hoạt động xuất khẩu trầm lắng với sự “vắng mặt” của các khách hàng đến từ Philippines.
Theo một thương nhân ở tỉnh An Giang, một số nhà xuất khẩu chỉ tập trung vào việc hoàn tất các hợp đồng cung cấp gạo đã ký với Cuba.
Vể thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 2/10 vừa qua, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương giảm còn giá lúa mỳ tăng.
Giá ngô giao tháng 12 tới giảm 3 xu Mỹ (tương đương 0,78%) xuống còn 3,7975 USD/bushel khi đóng cửa. Giá đậu tương giao tháng 11 tới chốt phiên với mức giảm 2,75 xu Mỹ (0,27%), xuống còn 10,2075 USD/ bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12 tới tăng 3 xu Mỹ (0,53%) lên 5,7325 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo công ty nghiên cứu AgResource, khối lượng nông sản giao dịch trên sàn CBOT khá thấp khi ít thương nhân chấp nhận rủi ro trước đợt thu hoạch diễn ra vào cuối tuần. Giá ngô vẫn sụt giảm trong khi giá lúa mỳ đi lên do tình hình thời tiết khô ráo ở khu vực Tây Nam nước Nga và nhu cầu nhập khẩu 180.000 tấn lúa mỳ của Pakistan.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo Trung Quốc đã đặt mua 264.000 tấn đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2020-2021.
Nông dân thu hoạch đỗ tương tại Scribber, Nebraska của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cũng theo AgResource, Bộ Nông nghiệp Nga sẽ có thể chấp thuận một hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ vào giữa tháng 10/2020 cho giai đoạn từ tháng 1-6/2021. Vụ thu hoạch lúa mỳ 2020 của Nga hiện đã hoàn tất 96% với năng suất tăng trung bình 7,4%, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Chính phủ Argentine đã tạm thời giảm thuế xuất khẩu đậu tương đi 3 điểm % xuống còn 30%. Tuy vậy, các nông dân Argentine cho rằng mức giảm trên là quá thấp và chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi của họ.
Thị trường càphê châu Á cho thấy các thương nhân ở Việt Nam hiện chào báo càphê robusta loại 2, 5% đen vỡ COFVN-G25-SAI với mức tiền cược 100-110 USD/tấn đối với hợp đồng mua bán càphê giao tháng 11 tới, so với mức tiền cược 100 USD một tuần trước đó.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu càphê từ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-9 vừa qua có thể giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,25 triệu tấn, tương đương với 20,83 triệu bao loại 60kg.
Trong khi đó, theo chính quyền địa phương, xuất khẩu càphê robusta Sumatra của tỉnh Lampung, Indonesia đạt 19.999,9 tấn trong tháng Cjins vừa qua.
Theo một thương nhân ở Lampung, mức tiền cược của càphê robusta Sumatra trong tuần này hiện vào khoảng 180-190 USD đối với hợp đồng giao tháng 11 tới, so với mức 190-200 USD trong tuần trước đó.
Mức tiền cược đối với các hợp đồng mua bán càphê vẫn ổn định khi các nông dân bắt đầu tích trữ càphê thay vì bán.
Theo một thương nhân, vụ thu hoạch bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc nên một số nông dân ngừng bán càphê.
Trong khi đó, một nông dân khác cho biết tiền cược cho hợp đồng mua bán càphê giao tháng 11 tới tăng lên 150 USD trong tuần này, từ mức 100 USD của tuần trước đó./.
Địa phương lơ là, doanh nghiệp gian lận, nông sản Việt ăn "quả đắng"
Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, thường xuyên có các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu, nguy cơ mất thị trường của nông sản Việt rất cao.
Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Ảnh: N.Hiền
Cấp gần 1.000 mã số vùng trồng
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm hiện tại, đối với các thị trường xuất khẩu nông sản "khó tính", Việt Nam đã cấp được 998 mã số vùng trồng.
Trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, có 47 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000 ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, trong thời gian qua, việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương được thực hiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 - chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý, trong đó nhiều nhất là Tiền Giang (có 15 mã số nhà đóng gói và vùng trồng), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).
"Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu là không lớn, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Địa phương lơ là, doanh nghiệp gian lận
Cục Bảo vệ thực vật nêu rõ, qua quá trình kiểm tra, rà soát, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Cụ thể như, việc quản lý mã số tại các một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã với các cơ quản lý ở địa phương, Trung ương để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu còn chưa được chặt chẽ.
Đáng chú ý rất nhiều địa phương chưa phân công cho một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc".
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số.
Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.
Thậm chí nguy cơ mất thị trường, không thể xuất khẩu được nữa là rất cao nếu thường xuyên có các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu.
Thời gian tới để quản lý tốt hơn vấn đề này, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.
Ở cấp địa phương, Bộ NN&PTNT nêu rõ cần phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đây chính là đơn vị để Bộ NN&PTNT triển khai các hoạt động kỹ thuật cụ thể có liên quan.
Đồng thời, tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số...
Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... và gần đây nhất là Trung Quốc.
Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê giảm nhẹ Tuần qua (ngày 7/9 đến 12/9), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng ổn định ở mức cao. Giá tiêu cũng tương đương so với tuần trước, tuy nhiên giá cà phê giảm nhẹ. Tuần qua, giá cà phê giảm nhẹ. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN Thị trường nông sản trong nước: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển...