Thị trường nhà trọ cho thuê sôi động cùng năm học mới
Năm học mới đã bắt đầu đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng khiến nhu cầu tìm thuê nhà trọ tại nhiều đô thị tăng cao.
Khu nhà trọ ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 16/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1. Nhiều gia đình đã sớm tìm hiểu thông tin về tiêu chuẩn đăng ký ở các ký túc xá của trường cùng với tình hình, giá cả thuê nhà ở gần khu vực các trường học, khiến thị trường nhà trọ cho thuê thời điểm này thêm sôi động.
Một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản nhận định, nhu cầu tìm kiếm chỗ ở của học sinh, sinh viên dịp đầu năm học là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là thị trường nhà trọ cho thuê tăng cả về cung và cầu. Với đặc thù mức giá đa dạng, nhu cầu khá dồi dào, không “kén” khách như đối với phân khúc cho thuê văn phòng, mặt bằng thương mại, hoạt động cho thuê nhà trọ hồi phục khá nhanh, sôi động và đem lại lợi nhuận ổn định cho người kinh doanh.
Chị Mai Thị Lê, chủ hai dãy nhà trọ gồm hơn 10 phòng cho thuê ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm này, đối tượng thuê nhà là người đi làm khá ít do hầu hết đã ổn định chỗ ở, người đi tìm thuê nhà chủ yếu là sinh viên hoặc người thân, bạn bè đi khảo sát để tìm chỗ thuê cho con, em chuẩn bị nhập học.
Về giá cả, dù nhu cầu thuê nhà trọ đang tăng do vừa bắt đầu năm học mới, nhiều tân sinh viên cũng chuẩn bị nhập học, song chị Lê và một số chủ nhà trọ ở khu vực này không tăng giá phòng cho thuê. Mỗi phòng trọ diện tích khoảng gần 20 m2 có giá thuê từ 1,2 triệu đến 1,6 triệu đồng/tháng.
Những phòng diện tích lớn hơn, có thể ở ghép 2 – 3 người, có gắn điều hòa nhiệt độ, giá thuê từ trên 2 triệu đồng trở lên mỗi tháng tùy vị trí, diện tích và một sô tiện ích kèm theo.
Video đang HOT
Theo chị Lê, gia đình chị đang hoàn thiện tiếp 5 phòng trọ tại phường Linh Trung ( thành phố Thủ Đức) để kịp cho thuê vào đầu tháng 10- nhiều sinh viên mới trúng tuyển sẽ đến thành phố nhập học.
Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nhà trọ cho thuê tại một số đô thị lớn có nhiều trường đại học, cao đẳng hoặc các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai cũng khá sôi động với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vị trí, diện tích căn hộ cùng các yếu tố thuận lợi về kết nối giao thông, gần trường học, chỗ làm việc hay bệnh viện, bến xe…
Theo chị Nguyễn Xuân Phượng, chủ của 8 phòng trọ cho thuê ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhờ vị trí thuận lợi, phù hợp với người đi học, đi làm ở Bình Dương hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, phòng có diện tích vừa phải, khoảng 25 m2 mỗi phòng, mức giá cho thuê 2 triệu đồng/phòng mỗi tháng.
Hiện tại, 5/8 phòng trong dãy nhà trọ đã có người thuê ổn định từ đầu năm đến nay. 3 phòng còn lại cũng đã có người “đặt cọc” cho người nhà là sinh viên đến nhập học vào tháng 10.
Em Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên năm thứ hai, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm học trước em thuộc diện được ở trong ký túc xá của trường. Nhưng năm học này em quyết định tìm thuê nhà trọ để tiện hơn cho việc đi làm thêm và học thêm ngoại ngữ ở trung tâm. Hà đang đi tìm phòng trọ nhỏ, giá dao động từ 1,2 – 2 triệu đồng ở khu vực thành phố Thủ Đức hoặc quận Gò Vấp.
Nếu không tìm được phòng trọ đơn với mức giá phù hợp, Hà sẽ tính đến việc tìm nhà trọ có mức giá cao hơn và chấp nhận ở ghép với 1 hoặc 2 người.
Thực tế cho thấy hiện nay hầu hết các trường đại học, nhất là các trường đại học công lập đều có ký túc xá dành cho sinh viên. Song, các ký túc xá không thể đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho 100% sinh viên hoặc nhiều sinh viên để thuận tiện cho việc đi học thêm, đi làm thêm, muốn có chỗ ở độc lập nên phải đi tìm thuê nhà trọ.
Tuy nhiên, theo một số sinh viên đã có kinh nghiệm đi tìm thuê chỗ ở ngoài ký túc xá: để tránh gặp phải rủi ro khi đi thuê nhà trọ, các sinh viên nhất là tân sinh viên từ các địa phương mới đến nhập học, nên thông qua các kênh giới thiệu, hỗ trợ có uy tín như Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên, Hội sinh viên, Đoàn Thanh niên các trưởng hoặc tìm hiểu thông tin từ các trang website dịch vụ có uy tín.
Khi đi tìm nhà trọ, người thuê cần tìm hiểu kỹ các yếu tố an ninh, trật tự, kết nối giao thông liên quan đến khu vực thuê trọ. Đồng thời cần trao đổi rõ, thỏa thuận với người cho thuê nhà đầy đủ các nội dung như thời gian đóng- mở cửa hàng ngày của dãy nhà, chỗ để xe, các công trình sử dụng chung và có thể cả về cam kết giữ mức giá cho thuê ổn định trong thời gian nhất định hoặc lộ trình tăng giá.
Vụ 'Chủ nhà trọ không trả tiền cọc, hàng chục SV cầu cứu': ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ SV
Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM sẽ hỗ trợ tiền cọc nhà trọ cho những sinh viên (SV) bị "quỵt" tiền cọc thuê trọ (tính đến thời điểm SV phản ánh với Thanh Niên vào chiều 3.6).
Tối 3.6, fanpage chính thức của ĐHQG TP.HCM thông báo SV thuộc các trường thành viên sẽ được hỗ trợ tiền cọc thuê nhà trọ.
Khu trọ SV thuê ở của bà Hương trước khi bị giải tỏa. Ảnh TRẦN DUY KHÁNH
Theo đó, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của SV, ĐHQG TP.HCM sẽ hỗ trợ tiền cọc nhà trọ cho SV thuộc các trường thành viên trong vụ bị chủ trọ "quỵt" tiền cọc (tính đến thời điểm SV phản ánh với Thanh Niên vào chiều 3.6), ông Trần Anh Cường, Phó trưởng ban Công tác SV ĐHQG TP.HCM cho biết các SV cần chụp hợp đồng thuê trọ gửi về phòng công tác SV trường mình đang học, để ĐHQG TP.HCM thống kê danh sách SV nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, những SV gặp khó khăn về chỗ ở sẽ được Ký túc xá ĐHQG TP.HCM hỗ trợ chỗ ở.
M.H (SV trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TP.HCM) cho hay: "Tối nay (3.6), em đã được nhà trường gọi hỏi thăm tình hình hiện tại. Em có hỏi về số tiền được hỗ trợ nhưng hiện chưa có thông tin cụ thể".
Trước đó, từ ngày 18 - 31.5, ĐHQG TP.HCM đã phối hợp cùng các Trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc và các cơ sở đào tạo ngoài ĐHQG thực hiện vận động SV di dời khỏi khu đất dự kiến thu hồi, cưỡng chế trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM của ông Phạm Văn Nghệ và bà Nguyễn Thị Hương.
Như Thanh Niên đã thông tin, để có chỗ trọ, những SV này đã làm hợp đồng thuê phòng trọ của bà Nguyễn Thị Hương. Bà Hương yêu cầu đặt cọc 3 tháng; trung bình mỗi SV đóng từ 3 - 4,5 triệu đồng.
Sáng 31.5, khu nhà trọ của bà Hương bị UBND TP.Dĩ An (Bình Dương) cưỡng chế, thu hồi do nằm trong quy hoạch xây dựng ĐHQG TP.HCM. Nhiều SV bất ngờ phải dọn đồ ra khỏi phòng trọ; nhiều SV trong số đó rơi vào cảnh không có chỗ ở.
Chiều 31.5, bà Hương nhắn tin vào nhóm Zalo chung của dãy trọ với nội dung: "Cô rất xin lỗi các con, giờ cô cháu mình tạm biệt, chúc các cháu nhiều sức khỏe và học giỏi. Tình hình bắt buộc cô cũng rất đau lòng, nằm ngoài dự kiến của cô, thông cảm cho cô nhé. Tiền đặt cọc xin lỗi các con vì đây không phải lỗi của cô".
Sau đó, điện thoại của chủ nhà trọ không liên lạc được. Nhiều SV đi tìm bà Hương để lấy lại tiền cọc nhưng bất thành.
Vĩnh Long khẩn trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định hỗ trợ cho gần 15.200 lượt lao động tại 31 doanh nghiệp trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Hiện đã...