Thị trường mua bán nợ xấu cần nhiều hàng hóa “sạch”
Việt Nam hiện chưa có một thị trường mua bán nợ (xấu) nên đa phần nợ xấu sau khi được mua gom về Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) thường nằm “chất đống” ở đó vì khó bán được cho ai. Bởi vậy, chuyện xử lý nợ xấu chậm chạp và không hữu hiệu ở Việt Nam đã được mặc định là bởi sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ xấu tập trung.
Chứng khoán hóa nợ xấu có chất lượng cũng là một cách giúp các tổ chức tín dụng giải thoát được nợ xấu
Hồi tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra công luận lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam. Theo giải thích của NHNN, thị trường mua bán nợ tập trung này sẽ gồm các hoạt động: mua bán nợ; dịch vụ môi giới mua bán nợ; dịch vụ sàn giao dịch nợ; và dịch vụ tư vấn mua bán nợ.
Tuy nhiên, dự thảo nghị định trên quy định đối tượng, điều kiện được tham gia, và nguyên tắc và phương thức kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nói cách khác, dự thảo nghị định này mới chỉ đề cập đến các chủ thể trên thị trường mua bán nợ. Các vấn đề quan trọng khác đảm bảo cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ tập trung vẫn hầu như chưa được đề cập đến (một cách thỏa đáng) ở các văn bản luật và dự thảo hiện hành. Bài viết này tập trung vào khía cạnh hàng hóa, là các khoản nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD) được mang ra giao dịch trên thị trường mua bán nợ.
Phải có nhiều hàng hóa
Để thị trường mua bán nợ tập trung hình thành và phát triển thì trước hết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tức các món nợ xấu, không bị gián đoạn hoặc bị nghẽn mạch tại một thời điểm nào đó do một lý do chủ quan nào đó.
Cụ thể hơn, thị trường mua bán nợ sẽ phát triển lành mạnh khi có hàng hóa đa dạng, ở quy mô đủ lớn, rõ ràng về nguồn gốc cũng như minh bạch về nội dung, hấp dẫn người mua tiềm năng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa quy định về trích lập dự phòng nợ xấu để khuyến khích hoặc ép buộc các TCTD phải tích cực và nhanh chóng đưa nợ xấu ra xử lý, gồm bán trên thị trường mua bán nợ.
Thực tế ở Việt Nam đã và đang xảy ra điều ngược lại, khi các TCTD vẫn nhiều khi được phép áp dụng một số quy định nới lỏng về trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu nên quá trình xử lý nợ xấu đã diễn ra rất chậm chạp, không mấy tiến triển.
Video đang HOT
Có nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” nhưng vẫn được Chính phủ, cổ đông, hoặc bản thân ngân hàng chủ nợ giữ cho tồn tại trên sổ sách để che giấu nợ xấu hoặc vì một mục đích nào đó. Kết cục là một khối lượng nợ xấu vẫn được “giam” ở doanh nghiệp này, không thể giải phóng ra thị trường được. Nhiều khi, vì doanh nghiệp chưa phá sản nên việc xử lý nợ xấu giậm chân tại chỗ, vướng mắc đủ bề, cho dù các ngân hàng có chủ động, quyết tâm thanh lý các khoản nợ xấu này như thế nào chăng nữa.
Do đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt các quy định và tiêu chí để giúp ngân hàng xác định rõ đâu là doanh nghiệp có khả năng sống sót và trả được nợ, doanh nghiệp nào chắc chắn không thể phục hồi, và tiến hành thanh lý khoản nợ với doanh nghiệp này. Quy chế cũng cần cho phép các ngân hàng khấu trừ chi phí thanh lý nợ xấu này vào khoản thu từ thanh lý nợ xấu để khuyến khích ngân hàng giải phóng nợ xấu và mở rộng cho vay mới. Song song đó, cần cho phép hoặc nâng mức trần khấu trừ chi phí dự phòng rủi ro vào lợi nhuận trước thuế của các TCTD ngay trong cùng năm tài chính để khuyến khích họ tăng cường trích lập dự phòng nợ xấu, nhất là trong những thời điểm chững lại của nền kinh tế (và hoàn nhập trích lập dự phòng vào những thời điểm thuận lợi của nền kinh tế).
Các cơ quan quản lý nhà nước có các khoản nợ phải đòi với các doanh nghiệp con nợ mất khả năng thanh toán cũng cần phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ qua hoặc không qua tòa án với cương vị bình đẳng như với các chủ nợ phi nhà nước khác. Điều này sẽ khuyến khích tất cả các bên nỗ lực xử lý nợ xấu một cách có trật tự hơn.
Hàng hóa cần phải “sạch”
“Sạch” ở đây có nghĩa là không còn chịu rủi ro tranh chấp pháp lý giữa chủ nợ với con nợ, giữa các chủ nợ với nhau, giữa chủ nợ với một bên thứ ba nào đó, hoặc giữa tất cả các bên liên quan. Cái “sạch” này có thể là kết quả phán xét của hệ thống tòa án. Nhưng xử lý nợ xấu thông qua tòa án thường tốn kém và rất mất thời gian. Bởi vậy, để đảm bảo đưa ra thị trường mua bán nợ các sản phẩm “sạch” thì cần cải cách để giảm thiểu các rào cản cũng như thời gian tiến hành tố tụng dân sự, đưa ra quy trình giải quyết nhanh và thúc đẩy việc tự thương lượng không qua tòa án, tăng cường tính tin cậy của tòa án. Việc giảm thiểu gánh nặng lệ phí tố tụng và đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản cầm cố, thế chấp cũng là việc cần làm. Ví dụ, trong một số trường hợp nhất định có thể cho phép cơ quan chức năng tiến hành thanh lý tài sản mà không cần phải có phán quyết tòa án.
Để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tòa án, cần tăng cường sử dụng việc tái cơ cấu nợ không qua tòa án. Những hướng dẫn thích hợp về tái cơ cấu nợ của cơ quan chức năng sẽ khuyến khích các ngân hàng hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu không qua tòa án. Chính phủ cũng cần thiết lập một cơ chế làm việc để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các chủ nợ, ví dụ vấn đề chủ nợ bất hợp tác. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể yêu cầu các ngân hàng ký vào thỏa thuận hợp tác và thiện chí giải quyết những bất đồng hay thiết lập hội đồng chủ nợ có vị thế pháp lý.
Chứng khoán hóa nợ xấu
Chứng khoán hóa nợ xấu có chất lượng (tức có khả năng thu hồi cao hơn các món nợ xấu khác) cũng là một cách giúp các TCTD giải thoát được nợ xấu. Tuy nhiên, để việc chứng khoán hóa thành công thì cần buộc các công ty quản lý tài sản (AMC) hoặc các tổ chức xử lý nợ xấu thu thập và công bố dữ liệu về từng khoản nợ xấu hợp thành trong “rổ” nợ xấu được chứng khoán hóa để nhà đầu tư có thể tiếp cận bất cứ lúc nào, từ đó có thể định giá được chính xác và, nhờ đó, đưa ra được quyết định đầu tư kịp thời.
Theo Thơi bao kinh tê Sai Gon
Mua theo giá thị trường có xử lý được nợ xấu?
Thống đốc NHNN thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng bằng việc phê duyệt và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường.
Tính tới cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã giảm về dưới 3%, còn 2,5%. Song, trên thực tế, quá trình xử lý nợ xấu còn khá chậm chạp. Chính vì vậy, vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng thông qua việc phê duyệt và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường. Đây được cho là động thái gỡ khó cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Thống đốc NHNN thể hiện quyết tâm giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ.
Đến hết năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,5%, hoàn thành mục tiêu đề ra giảm nợ xấu về dưới 3%. Mặc dù diễn biến nợ xấu đang trong xu hướng giảm tích cực, nhưng về bản chất, VAMC trở thành "nhà kho" để lưu giữ các khoản nợ này. Số nợ chỉ chuyển từ sổ sách của các tổ chức tín dụng sang sổ sách của VAMC.
Trong giai đoạn 2013-2015, VAMC đã "thu gom" được 245 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ hơn 40 tổ chức tín dụng. Và đến nay, mới có hơn 22,78 nghìn tỷ đồng trong "tổng kho" nợ xấu "hồi sinh", còn hơn 90% các khoản nợ vẫn đang yên vị trong "kho nợ xấu" của VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC cho biết, mua nợ xấu theo giá thị trường thì Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung đã cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của VAMC trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, để triển khai mua nợ xấu ra thị trường còn rất nhiều những vấn đề kèm theo liên quan đến tính pháp lý, xử lý như thế nào những khoản nợ xấu dưới giá ra làm sao và bên cạnh đó phải có thị trường mua bán nợ. Hiện nay trên thị trường chỉ có mỗi DATC, VAMC và các tổ chức tín dụng, như vậy người tham gia vào mua bán nợ cũng không có nhiều ngoài các tổ chức tín dụng, vì vậy nên việc xử lý, bán lại các khoản nợ đó rất khó khăn.
Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 618 về việc xây dựng và triển khai hương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường, được các chuyên gia ngân hàng đánh giá là có khả năng tạo nên đột phá trong tiến trình xử lý nợ xấu so với cách mua bán nợ cũ.
Theo ông Trương Thanh Đức, Ban Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng, điểm mấu chốt để thực hiện được điều này là khả năng thu hồi nợ từ việc thanh lý tài sản. VAMC sẽ phải thẩm định giá tài sản đảm bảo, từ đó, đàm phán với ngân hàng một giá mua thỏa thuận. Với cách mua bán này, ngân hàng sẽ bán đứt món nợ cho VAMC, sau đó, VAMC có thể thanh lý tài sản để thu hồi số tiền đã bỏ ra hay tiếp tục bán món nợ này cho nhà đầu tư mới. VAMC cũng có thể giúp con nợ phục hồi khả năng tài chính qua việc chuyển đổi món nợ này thành cổ phần hay tái cơ cấu.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng: "Nếu thực hiện được việc này thì sẽ giải quyết được thực chất khoản nào mua được bao nhiêu, khoản nào bán được bao nhiêu thì mới xử lý được thật. Quan trọng nhất là phải tạo ra được thị trường, phải tạo điều kiện thông thoáng để cho tất cả các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư sẵn sàng tích cực tham gia vào. Còn theo dự thảo bây giờ đưa ra vốn pháp định, các tiêu chuẩn rất cao như là 10 tỷ, 100 tỷ, 1000 tỷ mới được tham gia việc mua bán nợ thì tôi nghĩ rằng gần như không ai dám làm việc đấy ngoài cơ quan mua bán nợ chuyên trách của nhà nước."
Quyết định 618 cho phép VAMC được phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm định giá, xử lý các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà với điểm "đột phá" này hay không lại là chuyện khác, nếu họ vẫn thấy chưa có thị trường mua bán nợ minh bạch và hiệu quả ở Việt Nam để cho các khoản nợ mua về có thể bán ra dễ dàng và có lãi.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, với cơ chế mới, thỏa thuận mua bán nợ xấu có thể sẽ nhiều hơn, nhưng với mức giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn, mua bán theo thị trường hơn thì cũng có thể sẽ nhiều ngân hàng không muốn bán, trong khi người mua không muốn mua do rủi ro phải bỏ ra vốn thật.
Về lý thuyết, ông Độ phân tích: "Khi cho mua nợ xấu theo cơ chế thị trường sẽ giúp cho tăng khả năng mua bán nợ xấu, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vật cản, thứ nhất là vấn đề pháp lý, có rất nhiều tài sản rất khó có thể thanh lý, chuyển đổi sở hữu. Một điểm nữa là việc xác định giá cả của khoản nợ xấu đó cũng không dễ dàng, bởi vì nếu mua bán theo giá thị trường thì về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp mua với giá tương đối cao nhưng sau đó lại không bán được với giá như thế."
Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy xử lý nợ xấu luôn là công việc không dễ dàng. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển, có thị trường tài chính năng động, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch việc xử lý nợ xấu cũng rất khó khăn. Đối với Việt Nam, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ khó khăn hơn khi mọi điều kiện cơ bản để xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế.
Do đó, dù việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam khá hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các chuyên gia cho rằng, sẽ cần một bước tiến dài trong hành lang pháp lý để thực sự xây dựng được một sàn giao dịch cho phép mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ, để hướng tới một thị trường mua bán nợ xấu công khai và minh bạch.
Theo VOV
Hiệu quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ngày 24/7 vừa qua. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá VAMC từ khi thành lập tới nay đã rất cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao về xử nợ xấu...