Thị trường lớn nhất vật lộn với Covid-19, Vicostone sẽ chủ động thích ứng ra sao?
Doanh thu xuất khẩu chiếm gần 76% tổng doanh thu Vicostone. Công ty có chiến lược đến 2025 nâng tỷ trọng doanh thu nội địa lên 40%. Vicostone đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 tăng 20%.
Doanh thu xuất khẩu chủ yếu từ Mỹ và Canada
Vicostone ( HNX: VCS ) chuyên sản xuất các sản phẩm đá thạch anh và xuất khẩu chiếm gần 76% tổng doanh thu. Năm 2019, công ty thu về 5.563 tỷ đồng, tăng 23% so năm trước nhờ sự đóng góp đáng kể của mảng xuất khẩu (tăng 31%).
Đơn vị: tỷ đồng
Trong đó, các thị trường chủ lực như Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Australia, châu Âu chiếm 98% tổng doanh thu xuất khẩu.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2020 Vicostone
Trong 2 năm trở lại đây 2018-2019 là giai đoạn Mỹ có nhiều biến động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đến các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đá thạch anh xuất xứ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, Vicostone đã nắm bắt cơ hội đẩy mạnh thị trường Mỹ. Theo đó, năm vừa qua, cơ cấu doanh thu theo thị trường của doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch khá mạnh, doanh thu tập trung vào các khách hàng tại châu Mỹ và giảm dần ở Australia và châu Âu.
Video đang HOT
Việc tỷ trọng xuất khẩu tập trung vào một vài thị trường có thể gây ra rủi ro lớn khi thị trường đó xảy ra khủng hoảng hoặc giảm nhu cầu. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc hiện nay đã lan rộng ra khắp thế giới. Mỹ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh khi số ca mắc đã vượt 245.000 người, gấp 3 lần Trung Quốc. Hệ lụy của dịch bệnh có thể là nguy cơ suy thoái kinh tế, làm giảm nhu cầu cải tạo và tu sửa nhà, xây dựng khu dân cư mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng nói chung và ngành sản xuất đá thạch anh nói riêng.
Chủ động thích ứng thế nào?
Trong báo cáo thường niên 2019, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT gửi thông điệp năm 2020 sẽ là một năm đầy thử thách với công ty. Nền kinh tế thế giới dự báo chững lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, cuộc chiến giá dầu.
Do đó, đơn vị đưa ra phương châm “Chủ động thích ứng, đổi mới công nghệ để tạo sự khác biệt”. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số theo lộ trình và tiếp tục triển khai chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu nhằm nâng khả năng tự chủ trên 95% nguồn nguyên liệu đầu vào.
Với thị trường nội địa, 2 năm qua doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, xây dựng hệ thống văn phòng đại diện, trưng bày sản phẩm và hệ thống phân phối. Tính đến hết năm 2019, Vicostone có gần 1.000 đại lý, tập trung ở Hà Nội và TP HCM.
Thị trường nội địa chưa phải là thị trường có mức đóng góp doanh thu cao, nhưng vẫn liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2019, từ 557 tỷ lên 1.340 tỷ đồng.
Trong định hướng chiến lược đến 2025 và tầm nhìn 2030, công ty đề ra mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu nội địa lên 40% tổng doanh thu nhằm giảm rủi ro việc tập trung vào thị trường lớn.
Đơn vị: tỷ đồng
Ngoài ra, Vicostone cho biết ngoài thị trường trọng yếu thì từ năm 2019 cũng đã triển khai hoạt động kinh doanh ở một số thị trường tiềm năng như Brunei, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)… Vào tháng 11/2019, công ty đã giới thiệu gian hàng đầu tiên tại triễn lãm Middle East Stone (UAE), đây là tiền đề cho việc kinh doanh tại UAE và Trung Đông trong năm 2020.
Về hoạt động đầu tư, năm 2020, công ty tiếp tục triển khai dự án dây chuyền rung ép số 3, vốn 220 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý III. Sau khi hoàn thành đầu tư, doanh nghiệp sẽ có 3 dây chuyền nâng công suất từ 1 triệu m2/năm lên từ 1,5-1,8 triệu m2/năm. Dự kiến từ 2021 và 2024, doanh nghiệp hoàn thành đầu tư thêm ít nhất 2 dây chuyền sản xuất, nâng công suất lên 5 triệu m2/năm.
Chỉ tiêu kinh doanh năm nay của Vicostone gồm 6.654 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 19,6%; lợi nhuận trước thuế 1.980 tỷ đồng, tăng 19,8%. Hết quý I, công ty Vicostone ước doanh thu đạt 1.366 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 14,4% và lợi nhuận sau thuế là 303 tỷ đồng, tăng 16,7%.
Ngọc Điểm
Ngành ôtô nỗ lực giảm tổn thất vì Covid-19
Chưa khi nào ngành ôtô cần chính sách hỗ trợ nhanh chóng và mạnh mẽ như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Theo thông tin mới nhất từ Vingroup, dự kiến ngày 6-4, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast tạm dừng hoạt động tại nhà máy sản xuất ôtô để phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian dừng sản xuất, công ty tập trung vào phát triển sản phẩm mới và nghiên cứu mở rộng mạng lưới. Thời điểm hoạt động trở lại sẽ được công bố khi dịch được kiểm soát.
Vừa chống dịch vừa cầm cự
Không riêng VinFast, hàng loạt hãng ôtô gần đây cũng quyết định tạm đóng cửa nhà máy tại Việt Nam. Ford Việt Nam quyết định tạm thời ngưng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Hải Dương từ ngày 26-3. Honda Việt Nam tạm dừng các hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy tại Việt Nam từ ngày 1 đến 15-4. Ngoài việc tạm dừng sản xuất từ ngày 30-3, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam đóng cửa toàn bộ đại lý và chi nhánh Toyota tại Hà Nội từ ngày 28-3 đến 15-4.
Với doanh nghiệp (DN) nội, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam, cho biết dù việc cung ứng linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất tạm thời vẫn được duy trì nhưng DN có thể phải đối mặt với khó khăn ở khâu tiêu thụ. Thực tế, dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều DN thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải... tạm dừng hoặc giãn hoạt động, kéo theo sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Các đại lý ôtô, nhất là ở mảng xe thương mại như xe tải, xe khách, gần như không ký được hợp đồng mới, tồn kho bắt đầu tăng. Bởi vậy, phương án điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất đã được DN này tính đến.
Nhà máy Ford Việt Nam tại Hải Dương đang tạm ngưng sản xuất, lắp ráp Ảnh: NGUYỄN HẢI
Song song đó, DN cũng phải lo thêm việc phòng tránh dịch bệnh bởi không loại trừ nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến có thể bị cách ly cả công ty, đột ngột dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam đã phải lên một số phương án ứng phó, trong đó áp dụng các biện pháp hạn chế cao nhất việc cán bộ, nhân viên di chuyển, hội họp, làm việc trực tiếp; chia lực lượng thay phiên nhau làm việc tại nhà và công ty; bố trí địa điểm làm việc dự phòng trong tình huống có người mắc bệnh.
Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) cũng chung tình trạng sức tiêu thụ xe tải, xe khách không còn tốt như trước đây, dù cung ứng linh kiện và sản xuất vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Các đại lý thì phản ánh đang gặp khó bởi gánh nặng chi phí mặt bằng, nhân công rất lớn trong khi khách mua xe giảm. Lượng khách sửa chữa xe cũng giảm khoảng 30%-40%, dự báo mức giảm sẽ lên tới 60%-70% nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Xin gia hạn nộp thuế
Báo cáo về việc rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã dành nhiều nội dung cho ngành sản xuất ôtô. Theo báo cáo, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên - phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong đó, sản xuất ôtô là một trong những ngành chịu tác động lớn từ căng thẳng nguồn cung đầu vào.
Mặt khác, báo cáo cũng ghi nhận tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm, e ngại dịch bệnh còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng đã khiến hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thiết yếu như ôtô, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, xe máy sụt giảm mạnh về nhu cầu. Hệ quả là các ngành sản xuất ôtô, sản xuất kim loại có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất rất thấp và có chỉ số tồn kho rất cao so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương hôm 19-3 đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ cho DN công nghiệp trước tác động của dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất một số hỗ trợ đặc thù cho các DN trong các ngành sản xuất, lắp ráp ôtô; sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Với ngành ôtô, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế GTGT đến hết quý I/2021. Đồng thời, kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.
"Sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, khuyến khích gia tăng tỉ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ôtô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ôtô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất" - Bộ Công Thương nêu kiến nghị.
Khó khăn của ngành ôtô cũng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nêu trong một báo cáo được gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng mới đây. VAMA đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất thuế GTGT, giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô. Ngoài ra, kiến nghị giãn nộp thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 tới 9-2020 cho các DN; giãn nộp thuế thu nhập DN đến kỳ quyết toán 31-3-2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020. Đặc biệt, cho rằng người lao động có thể bị giảm công việc, giảm thu nhập, VAMA kiến nghị Chính phủ xem xét việc giảm thuế thu nhập cá nhân.
Linh kiện đầu vào không thiếu
Các DN sản xuất, lắp ráp trong nước cho biết trong bối cảnh phải tính đến giảm quy mô sản xuất như hiện nay, nguồn linh kiện, phụ kiện nhập kho từ cuối năm 2019 sẽ đủ sức đáp ứng hoạt động cho cả năm 2020. Các DN chủ yếu đang theo dõi tình hình dịch bệnh và phản ứng của thị trường để lên kế hoạch hoạt động tiếp theo.
Thùy Dương - Nguyễn Hải
VCCorp và Lotus ủng hộ 2,88 tỷ đồng hỗ trợ các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 Rất nhiều nhân viên của công ty cũng tự nguyện đóng góp mỗi người ít nhất một ngày thu nhập, cá biệt có một số người đóng góp tới 06 ngày, tương đương gần 25% tổng thu nhập, mang lại hơn 800 triệu đồng cùng công ty góp sức vào cuộc chiến với đại dịch. Với 3.000 bộ đồ bảo hộ y tế,...