Thị trường loạn nhịp
Hiếm có khi nào giá vàng, dầu lửa và giá trị đồng USD lại ở vào thời điểm loạn nhịp đến vậy, khiến thị trường toàn cầu biến động khó lường.
Giá vàng và USD đang có biến động trái chiều nhau
Chốt phiên giao dịch ngày 14-10, giá vàng trong các hợp đồng giao sau trên sàn COMEX tại thị trường New York (Mỹ) đã tăng 8,4 USD (tương đương 0,66%), đóng cửa ở mức 1.276,6 USD/ounce. Trái lại, “Đồng bạc xanh” và giá dầu lại có xu hướng đi xuống. Trong khi đồng USD mất giá với các đồng tiền khác, thì tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 24 cent, đóng cửa ở mức 111,04 USD/thùng.
Mới tuần trước, giá vàng còn ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, khiến có nhà kinh tế bi quan dự đoán rằng mức giá này sẽ còn đi xuống dưới 1.000USD/ounce. Khi đó, người ta giải thích điều này là do Quỹ tín thác (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ra 1,85 tấn vàng, giảm mức nắm giữ còn hơn 889 tấn. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, mọi chuyện đã đổi chiều khiến nhiều người không kịp trở tay. Sự trồi sụt của đồng USD và giá dầu lửa cũng diễn ra từng ngày.
Xem ra, vụ khủng hoảng trần nợ công ở Mỹ đang làm thị trường thế giới rối loạn. Chỉ còn một ngày nữa là đến thời điểm nợ công của Mỹ sẽ chạm trần 16.700 tỷ USD. Nếu như quốc hội nước này không thỏa thuận được về quyết định việc nâng trần nợ công, chính phủ của Tổng thống B. Obama sẽ mất quyền huy động thêm tiền để trang trải nợ nần, nước Mỹ sẽ rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Hôm 12-10 vừa qua, bất chấp nỗ lực của ông B. Obama, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chi phối vẫn chỉ đồng ý cho phép kéo dài thời hạn vay nợ của chính phủ thêm 6 tuần.
Chính vì thế, lời giải thích được cho là thích hợp nhất trong thời điểm này mà nhiều nhà kinh tế đưa ra là vì lo ngại chính phủ Mỹ tiếp tục bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ công, làm tăng nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn, khiến giá vàng đổi chiều. Ông B. Sin, Trưởng bộ phận Giao dịch kim loại và tiền tệ của Hãng tinh luyện vàng MKS của Thụy Sĩ nhận định: “Chúng ta đang nhìn thấy lực mua vàng vật chất khá tốt ở thời điểm này. Nhưng Mỹ vẫn là câu chuyện chính, tập trung những vấn đề xung quanh việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Giá sẽ còn tiếp tục biến động mạnh”.
Đối với đồng USD, tác động sẽ ngược lại. Nếu như không tránh được vụ vỡ nợ về mặt kỹ thuật, nước Mỹ và thế giới sẽ phải đối mặt với hậu quả to lớn. Trước hết, quy mô tác động của thảm họa này sẽ lớn và khốc liệt chưa từng thấy bởi chưa bao giờ tổng những khoản nợ và những khoản nợ đến hạn phải trả của Mỹ lại quá lớn như hiện nay. Theo các số liệu thống kê, hiện Trung Quốc sở hữu 1.277 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản sở hữu ít hơn một chút là 1.135 tỷ USD
Một khi Mỹ vỡ nợ, không riêng gì các công dân Mỹ mua trái phiếu Chính phủ mà rất nhiều người và nhiều quốc gia khác cũng phải liên đới, kinh tế thế giới chắc chắn rối loạn. Từ đó sẽ dẫn tới khủng hoảng niềm tin đối với Mỹ, các nhà đầu tư lớn sẽ tìm sự an toàn bằng cách thay những công cụ thanh toán của mình bằng đồng tiền khác. Lúc đó, các đồng tiền như franc Thụy Sĩ, bảng Anh và euro sẽ tăng giá trị, trong khi đồng USD xuống giá, khiến uy thế của đồng USD và vị thế của Mỹ giảm theo.
Tất cả đều trong tâm lý chờ đợi thời điểm ngày 17-10 và quyết định cuối cùng được đưa ra trên Đồi Capital, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ. Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ thì giá vàng, dầu lửa và đồng USD sẽ còn tiếp tục loạn nhịp.
HOÀNG SƠN
Theo ANTD