Thị trường lao động Mỹ đang dần nới lỏng
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Lao động Mỹ ngày 20/4 công bố số liệu cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tiếp tục tăng vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động đang dần nới lỏng, một năm sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) thực hiện chiến dịch tăng lãi suất khiến nhu cầu giảm.
Thông báo tuyển nhân viên tại một cửa hàng ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được điều chỉnh theo mùa trong tuần tính đến ngày 15/4 đã tăng 5.000 đơn, lên mức 245.000 đơn. Số liệu của tuần trước đó cũng được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đơn so với báo cáo ban đầu. Tuy nhiên, tính theo chu kỳ 4 tuần, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống còn 239.750 đơn.
Số lượng đơn xin tiếp tục được trợ cấp sau một tuần thất nghiệp, chỉ số cho thấy mức độ dễ dàng tìm kiếm việc làm mới của người lao động, đã tăng 61.000 đơn, lên mức 1,865 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 8/4.
Nguyên nhân của sự gia tăng trên một phần là do các kỳ nghỉ mùa Xuân đã khiến nhân viên hỗ trợ tại một số trường học thất nghiệp, kết hợp với nhiều người lao động hết điều kiện được hưởng các gói trợ cấp thôi việc sau các đợt sa thải ồ ạt trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác của nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất.
Trong khi thị trường lao động đang hạ nhiệt, các số liệu mới đây cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Điều này sẽ cho phép FED tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới trước khi có thể tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Hồng Nguyên (TTXVN)
Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt
Ngày 4/4, Bộ Lao động Mỹ đã công bố Báo cáo Cơ hội việc làm và doanh thu lao động hàng tháng, hay còn gọi là báo cáo JOLTS, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu nới lỏng, giúp các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ ngừng chiến dịch tăng lãi suất.
Các ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển tại một hội chợ việc làm ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo JOLTS, tỷ lệ cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng Hai đã giảm xuống mức 1,67, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021, từ mức 1,9 trong tháng trước đó. Số cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 với 9,9 triệu cơ hội việc làm trong tháng Hai. Số liệu của tháng Một cũng được điều chỉnh xuống mức 10,6 triệu cơ hội việc làm thay vì con số 10,8 triệu được báo cáo trước đó. Tỷ lệ nghỉ việc, thước đo những người tự nguyện bỏ việc và được xem như một phần trong tổng số việc làm, cũng tăng lên mức 2,6% , tương đương với khoảng 4 triệu người Mỹ nghỉ việc trong tháng Hai.
Các ngành có số lượng vị trí tuyển dụng giảm nhiều nhất là dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội, vận tải, kho bãi và dịch vụ tiện ích. Trong khi đó, số cơ hội việc làm tăng trong các lĩnh vực xây dựng và giải trí.
Sau khi báo cáo JOLTS được công bố, các nhà đầu tư đã gia tăng tỷ lệ dự báo Fed sẽ không tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách ngày 2 - 3/5 tới lên 60%, tăng so với mức dự báo 43% được đưa ra trước đó. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sớm nhất vào tháng Bảy và cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức gần 4% vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế học Nick Bunker của Truth đánh giá thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt khi số cơ hội việc làm đã giảm khoảng 1,3 triệu trong vòng hai tháng. Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho rằng số lượng việc làm giảm mạnh trong tháng Hai cho thấy nhu cầu lao động đã hạ nhiệt ngay cả trước cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây và cung cấp một lý do khác để dự báo chính sách thắt chặt của Fed sắp kết thúc.
Trên 120.000 công nhân đình công tại Mỹ trong năm 2022 Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 22/2 cho thấy trong năm ngoái, tại nước này đã có hơn 120.000 công nhân đình công hoặc bãi công, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt nhất kể từ năm 1969. Nhân viên tại một cửa hàng thuộc chuỗi cà phê Starbucks tham...