Thị trường lao dốc, giới đầu tư bỏ chạy
Phố Wall có phiên lao dốc không phanh ngày thứ Tư (23/9) khiến tháng 9 đang ngày càng tồi tệ.
Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, tốc độ phục hồi hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 9, các nhà máy trở lại với sản xuất song các doanh nghiệp ngành dịch vụ lại đi lùi, nền kinh tế lớn nhất thế giới mất đi động lực khi đại dịch Covid-19 kéo dài.
Giới phân tích nhận định, nền kinh tế Mỹ đang chững lại ở mức phục hồi được khoảng 80% hoạt động trước khi đóng cửa do dịch bệnh và sẽ không trở lại mức bình thường cho đến khi có vắc xin.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) Jerome Powell cho biết hôm thứ Tư rằng, Fed không lên kế hoạch cho bất kỳ thay đổi “lớn” nào đối với chương trình cho vay trong chính sách chính của mình, đồng thời tuyên bố, không chỉ Fed mà cả Quốc hội cũng cần phải “kiên trì” trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, tâm lý thị trường càng trở nên tiêu cực hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ kết thúc tại Tòa án Tối cao Mỹ và quan trọng nhất là cần đủ 9 thành viên tại đây.
Sự ra đi vào tuần trước của Thẩm phán Tối cao Ruth Bader Ginsburg, một nhà công lý tự do, khiến Tòa án Tối cao hiện chỉ còn 8 thành viên và những cuộc bỏ phiếu ràng buộc về các phán quyết có thể xảy ra.
Quá trình tìm người thay thế bà Ginsburg có thể sẽ làm Thượng viện Mỹ rối loạn và tắc nghẽn, khiến các thảo luận về gọi kích thích kinh tế cần cho thị trường lúc này trở nên khó khăn hơn.
Tổng thống Trump trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư cũng đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu ông thua cử trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Có thể thấy, một cuộc bầu cử đầy sóng gió và biến động đang chờ đợi thị trường.
Đóng cửa phiên giữa tuần, cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều giảm. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường Mỹ thời gian gần đây tiếp tục lại bị bán tháo mạnh, sau khi mới manh nha phục hồi đôi chút phiên trước đó.
Video đang HOT
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 525,95 điểm (-1,92%), xuống 26.763,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,65 điểm (-2,37%) xuống 3.236,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 330,65 điểm (-3,02%), xuống 10.632,99 điểm.
Chứng khoán châu Âu phục hồi trong phiên ngày thứ Tư, dù dữ liệu dữ liệu kinh tế đang vẽ nên một bức tranh kinh tế ảm đạm và không đồng đều ở lục địa.
Cuộc khảo sát về hoạt động của khu vực tư nhân được IHS Markit công bố hôm qua cho thấy, nền tảng tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng euro đã ngừng lại vào tháng 9, trong tình cảnh các biện pháp hạn chế mới được thiết lập để dập tắt làn sóng lây nhiễm thứ hai đã đẩy ngành dịch vụ vào thế lùi sâu, xoá nhoà mức tăng trưởng mà lĩnh vực sản xuất đạt được.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư tin tưởng vào những chính sách kích thích hơn nữa từ các ngân hàng trung ương và chính phủ để đối đầu với suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 69,80 điểm ( 1,20%), lên 5.899,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 48,58 điểm ( 0,39%), lên 12.642,97điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 29,42 điểm ( 0,62%), lên 4.802,26 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á có phiên giao dịch giữa tuần biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản giảm do tâm lý thị trường bị đè nặng bởi lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu gia tăng và sự chậm trễ trong về gói kích thích tài chính của Mỹ.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, sau khi nước này cho biết sẽ tăng tốc phát triển vắc-xin Covid-19.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 13,81 điểm (-0,06%), xuống 23.346,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,41 điểm ( 0,17%), lên 3.279,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 25,66 điểm ( 0,11%), lên 23.742,51 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,65 điểm ( 0,03%), lên 2.333,24 điểm.
Giá vàng giả mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chạm mức thấp nhất trong vòng hai tháng khi chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 7. Kim loại trú ẩn an toàn vẫn không thể đi lên dù thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo. Có vẻ vô lý nhưng tình cảnh đã này đã không còn xa lạ trong vài tháng qua.
Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay giảm 37,10 USD (-1,95%), xuống 1.863,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 40,10 USD (-2,11%), xuống 1.859,20 USD/ounce.
Giá dầu tăng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và cơn bão nhiệt đới ở vịnh Mexico suy yếu.
Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (0,33%), lên 39,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD ( 0,12%), lên 41,77 USD/thùng.
Vượt qua nỗi sợ hãi, giới đầu tư nhộn nhịp xuống tiền
Phố Wall khởi sắc vào phiên ngày thứ Ba (22/9) sau chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp của bộ ba chỉ số chính, với lực đẩy đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục trở lại.
Sau ngày thứ Hai đầu tuần ảm đạm, chứng khoán Mỹ bất ngờ hồi phục bất chấp gói kích thích tài chính mới vẫn bị trì hoãn bởi sự chia rẽ tại Quốc hội, số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng làm giảm hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn.
Đầu ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed Jerome) Powell nêu rõ quan điểm tại phiên điều trần trước Uỷ ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện rằng, dù nền kinh tế đã cho thấy "sự cải thiện rõ rệt" kể từ khi bị đại dịch đẩy vào suy thoái, song con đường phía trước vẫn chưa chắc chắn và Fed sẽ làm nhiều điều hơn nếu cần.
Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans cũng cảnh báo, nền kinh tế có nguy cơ phục hồi lâu hơn, chậm hơn hoặc tệ hơn là rơi vào một cuộc suy thoái khác, nếu Quốc hội không thông qua thêm các biện pháp kích thích.
Cùng ngày, một tờ báo Trung Quốc được chính phủ nước này hậu thuẫn đưa tin, Bắc Kinh không có khả năng chấp thuận một thỏa thuận mua bán TikTok được Oracle và Walmart cho ByteDance.
Không được trợ lực bởi thông tin tích cực nào nhưng cả 3 chỉ số chính của Phố Wall quay đầu tăng điểm phiên hôm qua dù giảm mạnh ở đầu phiên.
Giới quan sát cho rằng, thị trường đang tìm kiếm sự ổn định và các nhà đầu tư hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một thời kỳ biến động kéo dài của thị trường trước sự bất ổn chính trị ngày càng tăng ở Washington, có thể nhìn thấy rõ nét từ sau sự ra đi của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg vào tuần trước.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones tăng 140,48 điểm ( 0,52%), lên 27.288,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,51 điểm ( 1,05%), lên 3.315,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 184,84 điểm ( 1,71%), lên 10.963,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua sau đợt bán tháo do thị trường lo ngại về việc nền kinh tế sắp đóng cửa thêm lần nữa khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trên khắp lục địa trong thời gian gần đây. Dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu dầu khí và thuốc lá.
Theo dữ liệu do Uỷ ban EC công bố, niềm tin của người tiêu dùng khu vực đồng euro đã tăng lên -13,9 trong tháng 9, từ mức -14,7 vào tháng 8. Trong khi đó, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cải thiện dự báo của mình đối với Đức. GDP của Đức dự kiến sẽ giảm 5,2% trong năm nay, thay vì giảm 6,7% như dự báo trước đó.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,17 điểm ( 0,43%), lên 5.829,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,95 điểm ( 0,41%), lên 12.594,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 19,20 điểm (-0,40%), xuống 4.772,84 điểm.
Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á phiên hôm qua. Chứng khoán Trung Quốc giảm do chịu áp lực bởi đà đi xuống của nhóm cổ phiếu vật liệu và vận tải, bên cạnh lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh khi giới đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro bởi các ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng lại châu Âu, dấy lên lo ngại về việc một số nước sẽ tái đóng cửa, giãn cách xã hội gây thêm áp lực cho nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông giảm theo các thị trường châu Á khác. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Thu phân.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,63 điểm (-1,29%), xuống 3.274,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 233,84 điểm (-0,98%), xuống 23.716,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 56,80 điểm (-2,38%), xuống 2.332,59 điểm.
Giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp khi đồng USD leo lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua và các nhà đầu tư theo dõi sát sao những bình luận của Fed. Tất cả những biến động địa chính trị bấp bênh khiến các nhà giao dịch trên thị trường có tâm trạng ảm đạm ngay giữa thời điểm trong năm mà lịch sử cho thấy, thị trường có thể rất chao đảo.
Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay giảm 22,30 USD (-0,64%), xuống 1.900.10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 10,20 USD (-0,53%), xuống 1.899,30 USD/ounce.
Giá dầu thế giới hồi phục trước thông tin các nhà máy lọc dầu ở Texas vẫn mở cửa khi dự kiến cơn bão nhiệt đới Beta sẽ tiếp tục suy yếu, làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu nguyên liệu dầu của nhà máy lọc dầu tại Mỹ. Ngoài ra, dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ trong tuần trước giảm.
Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,29 USD (0,73%), lên 39,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,28 USD ( 0,67%), lên 41,72 USD/thùng.
Giới đầu tư đánh mất niềm tin, chứng khoán tiếp tục tụt dốc Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên cuối tuần (18/9), đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp của cả 3 chỉ số chính. Cuối tuần trước, giới đầu tư tiếp tục tìm kiếm tiến triển trong các cuộc thảo luận về chính sách tài khóa ở Washington, được coi là rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế sau đại...