Thị trường ít thông tin, thiếu chính xác: Điểm yếu của thị trường bất động sản Việt
Các kênh thu thập thông tin qua báo cáo với Nhà nước, với Hiệp hội mặc dù đã được quy định rất rõ nhưng trên thực tế còn triển khai rất kém…
“Thông tin rất ít và thiếu chính xác là một trong những điểm yếu của thị trường bất động sản Việt Nam. Các kênh thu thập thông tin qua báo cáo với Nhà nước, với Hiệp hội mặc dù đã được quy định rất rõ trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhưng trên thực tế còn triển khai rất kém”.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam tại buổi gặp gỡ mới đây với đại diện Ngân hàng Thế giới.
Theo ông Nam, hiện nay vẫn có báo cáo thị trường của các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài nhưng những báo cáo này mang tính cục bộ và hướng về lợi ích của doanh nghiệp, không khách quan, toàn diện. Do đó, việc điều hành, phản ứng của Chính phủ với thị trường, chiến lược của doanh nghiệp, quyết định mua bán của người dân rất cảm tính và đôi khi theo tin đồn.
Nguyên nhân của tình trạng sốt giá ảo
Đề cập đến vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai, nhà ở… và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thị trường bất động sản đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; đặc biệt, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch…
Thiếu thông tin minh bạch về dự án cũng là thủ phạm chính gây nên sốt ảo giá đất và những diễn biến phức tạp trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM nhận định: giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng để đẩy giá lên cao.
Nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án bất động sản đã được phê duyệt.
Các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.
Sẽ cung cấp thông tin chính xác
Video đang HOT
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đang tích cực phối hợp với Hiệp hội bất động sản Việt Nam thực hiện dự án thống kê số liệu nền đầu ra của thị trường bất động sản tại 6 tỉnh, thành phố thí điểm bao gồm Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ. Mặc dù số lượng chỉ có 6 tỉnh, thành phố nhưng đang chiếm đến 80 – 90% lượng giao dịch trên cả nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ cung cấp thông tin về số dự án được cấp phép, quy hoạch để có thể dự báo về nguồn cung cầu trong ngắn hạn để công bố hàng quý.
Hai bên kỳ vọng kết quả thống kê đó sẽ trở thành kênh thông tin chính thức đáp ứng yêu cầu của chính quyền trong công tác quản lý, giúp ích cho doanh nghiệp trong việc định hình chiến lược cũng như hướng dẫn người dân có quyết định mua bán chính xác. Đặc biệt là cung cấp cho báo chí để truyền tải chính xác nhất thông tin tới người dân nhằm ổn định thị trường.
“Dự án này dự kiến thực hiện trong năm 2019, mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một kênh thông tin chính thức cho thị trường bất động sản. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng giúp Bộ Xây dựng, có thể đưa ra một kênh thông tin chính thức cho thị trường.
Thông tin càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì càng làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững bấy nhiêu. Hiệp hội cũng xác định đây là một vấn đề khó bởi bản thân Nhà nước cũng đang còn loay hoay.
Do đó, việc này cần phải có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý với các tổ chức phi chính phủ và Hiệp hội thì mới có thể thực hiện sớm và thành công”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo Phan Nam
Vneconomy
Giá đất vùng ven TP.Buôn Ma Thuột tăng nóng, bẫy giăng "vợt" người mua
Nhiều đơn vị kinh doanh BĐS "đầu quân" về xã Cư Suê (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) đã tự ý đổ đường bê tông, san ủi đất nông nghiệp với ý đồ phân lô, bán nền. Nếu người dân về đây mua đất mà không tìm hiểu kĩ thông tin, quy định thì sẽ rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
"Loạn" thị trường bất động sản
Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và một số vùng lân cận đã xảy ra tình trạng "sốt" giá đất. Nhận thấy thị trường đất đai đang sôi động, hàng loạt công ty kinh doanh bất động sản (BĐS) được thành lập, nhiều người cũng tham gia "cò" đất để kiếm "hoa hồng".
Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tình trạng "sốt" đất tại TP.Buôn Ma Thuột đã lan sang xã Cư Suê (huyện Cư Mgar), một xã có ranh giới tiếp giáp với phường Tân Lợi (TP.Buôn Ma Thuột). Do đó, các công ty, cá nhân trong lĩnh vực BĐS đã đổ bộ về địa bàn xã này để mở mang thị trường.
Một dự án BĐS đang triển khai tại xã Cư Suê
Tại đây, nhiều đơn vị kinh doanh BĐS đã bỏ vốn, mua vài sào đất, thậm chí cả ha đất rẫy của người dân để làm dự án phân lô, bán nền nhằm kiếm lời. Hiện nay, thị trường BĐS tại xã vùng ven này cũng "sốt" chẳng kém gì TP. Buôn Ma Thuột, từ đầu đến cuối xã, đâu đâu cũng thấy biển treo bán đất.
Trong các dự án BĐS tại xã Cư Suê, có một số diện tích đất đủ điều kiện xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, cũng có nhiều diện tích vẫn đang là đất rẫy, chưa được chuyển đổi mục đích. Đặc biệt, một số chủ đầu tư BĐS vẫn phớt lờ quy định, làm đường bê tông trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, bán nền dự án của mình.
Theo tìm hiểu của PV, hiện giá đất thổ cư dọc tỉnh lộ 8 và tuyến đường chính vào UBND xã Cư Suê giao động từ 120-150 triệu đồng/m chiều ngang. Đất nông nghiệp đa số được bán theo sào (500m2), với giá mỗi sào giao động từ 450-500 triệu đồng, tùy theo từng vị trí đất.
Theo ông Đặng Văn Hoan-Chủ tịch UBND xã Cư Suê, hiện thị trường BĐS ở địa phương đang rất "nóng". Trước tình hình có nhiều hộ dân trong địa phương bán đất, phía UBND xã đã thông tin trên loa, đài truyền thanh, khuyên bà con nên thận trọng trong việc mua bán đất, nhất là khâu giao dịch như sang nhượng giấy tờ, trả tiền, nhận tiền để tránh xảy ra tình trạng tranh chấp, kiện tụng...
Một dự án BĐS khác đã được bán cho người dân xây dựng nhà
Cũng theo ông Hoan, phía xã cũng khuyên bà con đã bán đất thì nên mua lại miếng khác ở xa hơn, giá cả hợp lý hơn để sau này còn có đất sản xuất. "Việc mua-bán đất thì chúng tôi không cấm được, cũng không thống kê được vì đa số mọi giao dịch đều thông qua các phòng công chứng tư nhân", ông Hoan trao đổi.
Cấm chuyển đổi mục đích
Theo tìm hiểu của PV, đầu tháng 5/2019, UBND huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) đã có Công văn số 1014, gửi UBND xã Cư Suê về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã này.
Nội dung Công văn nói trên thể hiện, UBND xã Cư Suê đã không thực hiện việc rà soát quy hoạch xây dựng, không có tổng hợp, báo cáo về UBND huyện Cư Mgar để huyện trình lên UBND tỉnh Đắk Lắk. Do đó, trong danh mục kế hoạch lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, không có danh mục lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư của UBND xã Cư Suê.
Nhiều con đường bê tông được chủ đầu tư mở ra
Từ những phân tích trên, lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar cho rằng, phía huyện không đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư ở những vùng nằm ngoài khu dân cư tại xã Cư Suê.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch huyện Cư Mgar, phụ trách lĩnh vực đất đai trao đổi: "Chúng tôi chỉ đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở những điểm đã có khu dân cư ổn định. Ngoài ra, những khu vực chưa có dân cư, chưa có đất thổ cư thì tạm thời dừng chuyển đổi. Chúng tôi phải làm nghiêm để địa phương phát triển theo định hướng cụ thể. Không thể để các doanh nghiệp BĐS đầu cơ, chuyển đổi mục đích loạn cả lên, phá vỡ quy hoạch".
Một con đường khác được doanh nghiệp BĐS nâng cấp
Cũng theo vị lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar, tại xã Cư Suê có khoảng 20 trang trại chăn nuôi đã được quy hoạch nằm cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, mới đây có một số đơn vị vào đầu tư, mua đất, san ủi và tự ý đổ đường bê tông nhằm phân lô bán nền. Phía UBND huyện không đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở khu vực này vì gần khu trang trại, sẽ lại phát sinh kiện tụng.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp BĐS tự ý đổ đường bê tông trên đất nông nghiệp, vị lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar cho hay, phía huyện đang cử bộ phận chuyên môn làm việc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại UBND xã Cư Suê để xử lý theo quy định. Ngoài ra, UBND huyện Cư Mgar kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của những cá nhân trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung về kinh tế-hạ tầng của huyện.
Người mua dễ rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" khi mua đất mà không tìm hiểu kỹ thông tin
Thực tế, UBND huyện Cư Mgar đã có lệnh cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư tại xã Cư Suê, ở những vị trí không phù hợp. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số cá nhân kinh doanh BĐS vẫn đăng tải thông tin bán đất nông nghiệp tại xã này với lời hứa chắc như đinh đóng cột: "chuyển lên được thổ cư".
Rõ ràng, với tình hình trên, nếu người dân không tìm hiểu kĩ thông tin, mua phải những vị trí đất cấm chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang thổ cư tại xã Cư Suê thì sẽ rơi vào cảnh "tiền mất tật mang", không thể xây dựng nhà ở.
Trần Nhân
Theo Infonet
Giá đất khắp nơi tăng cao, vậy đâu là nguyên nhân đang "đốt nóng" thị trường? Thị trường nhà đất tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, tính từ Ninh Thuận trở vào đến Đồng Nai, Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Vũng Tàu và Cần Thơ đang tăng nóng từng ngày. Nhiều người cho rằng chính mạng lưới hạ tầng giao thông được "kéo" dài đến đâu thì đất ở đó sẽ tăng giá. Vậy...