Thị trường hết sóng, nhà đầu tư rút vốn đột ngột, người trót cọc tiền lao đao khó thoát hàng
Một số thị trường bất động sản ghi nhận tình trạng sau cơn sóng lên là hiện tượng nhà đầu tư “tay to” rút vốn còn môi giới hay nhà đầu tư tay ngang lỡ trót cọc nhưng không thể thoát hàng.
Hết sóng bất động sản, người mua lao đao khó thoát hàng
Mới 2 năm trước, giới đầu tư nhắc đến Bắc Giang như một thị trường đang rất sôi động. Giá đất nền tăng vèo vèo. Khi ấy có rất nhiều dự án “mọc lên”. Thị trường bất động sản Bắc Giang nhộn nhịp và hấp dẫn nhờ hút lượng nhà đầu tư từ các tỉnh khác đổ về xuống tiền. Một số nhà đầu tư còn sẵn sàng mua cọc ngoại giao thông qua sàn bất động sản.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, hệ luỵ của cơn sốt đất đi qua, đó là giá bất động sản một số dự án đất nền như tại huyện Việt Yên, Yên Dũng cắt lỗ nhẹ. Còn có nhà đầu tư rơi vào cảnh mất trắng cọc khi văn phòng môi giới đất tháo biển rời đi. Những khu đô thị hoang hoá đã hiện hữu.
Một dự án tại Thanh Hoá. (Ảnh: V.H).
Tương tự ở thị trường bất động sản Thanh Hoá, đầu năm 2022, giá đất khu vực TP. Thanh Hoá, TP. Sầm Sơn tăng đột biến. Đất vùng nông thôn cũng ghi nhận tình trạng tăng giá chóng mặt. Theo một môi giới ở Sầm Sơn, giá đất một số khu vực Thanh Hoá tăng khoảng 50-60% so với cuối năm 2021. Những dự án chưa hoàn thiện hạ tầng hay ngay cả lô đất thổ cư nằm trong ngõ nhỏ cũng được săn tìm khiến giá đất tăng đột biến. Thế nên có câu chuyện môi giới kể lại rằng, sốt đất tới nỗi, đất rao lúc sáng thì chiều đã có khách cọc, chốt lời tới 200 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chia sẻ của lãnh đạo công ty bất động sản ở Thanh Hoá cho biết, thị trường hạ nhiệt, nhà đầu rút dần khỏi thị trường khiến cò đất, môi giới, nhà đầu tư lướt hàng đặt cọc không thể ra hàng. Song, giá đất cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều lô đất dù có rao bán với giá thấp hơn so với mặt bằng chung cũng khó giao dịch. Nhà đầu tư tay ngang, hay cò đất vay tiền xuống cọc đều rơi vào nguy cơ mất cọc.
Video đang HOT
Sốt đất đi qua khu đô thị hoang hoá hiện hữu
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, những năm trở lại đây, dòng tiền có xu hướng chuyển sang bất động sản ven đô rồi chuyển dần sang bất động sản các tỉnh.
“Sau đợt dịch vừa rồi vì sao bất động sản tỉnh lại tăng mạnh đến như vậy?” – ông Quốc Anh đặt câu hỏi. Người ta thường tìm nhà có vườn tược rộng rãi ở tỉnh, không gian xanh hơn, rộng hơn và ưu tiên cả các khu vực gần bệnh viện. Nhưng sau một khoảng thời gian, mặt bằng giá đất ở tỉnh được đẩy lên cao.
Khi mặt bằng giá được đẩy mạnh lên như thế, một yếu tố nữa tác động đó là việc đầu tư công của Chính phủ bắt đầu triển khai từ tháng 01/2022. Dòng tiền dịch chuyển về miền Trung vì nhiều công trình hạ tầng được triển khai, trong khi miền Bắc, nhà đầu tư đã “khai thác” rất nhiều.
Ông Quốc Anh thẳng thắn cho rằng, đa phần những người tìm kiếm đất tỉnh đến từ Hà Nội và TP.HCM. Họ có mục đích rõ ràng là đầu tư. Còn họ sẽ ở hay sinh sống ở đó thì tôi chưa nhìn thấy mà đa phần họ đi theo các dòng tiền lớn là dòng tiền nhìn thấy các cơ hội liên quan đến việc phát triển. Họ sẽ là dòng tiền đi sớm đầu tiên tạo ra các mặt bằng giao dịch cũng như mặt bằng về giá và làm sôi động thị trường. Bình thường nguyên tắc là đi theo dòng tiền lớn và dòng tiền lớn ấy đa phần đến từ Hà Nội.
Theo các chuyên gia, đất tỉnh là những thị trường nhiều nhà đầu cơ, ít người mua ở thực. Thế nên, sốt đất mới dễ hình thành. Và hệ luỵ của cơn sốt đất đi qua chính là tình cảnh mất cọc của những nhà đầu tư tay ngang, hay môi giới muốn “đổi đời” mạnh dạn xuống tiền kiếm lời. Người xác định phải mất cọc vì khó bán lại cọc. Người chấp nhận đã bỏ bạc tỷ mua đất nhưng sẽ phải đợi 5-10 năm mới có thể thanh khoản.
Theo lãnh đạo công ty phát triển khu đô thị tại các tỉnh thành, sau cơn sốt đất thường xảy ra khu đô thị hoang hoá. Bản chất là bởi đó là khu vực mà môi giới, nhà đầu tư quan tâm tới việc ra hàng, làm sóng, đẩy thị trường. Họ không quan tâm có bao nhiêu nhà đầu cơ và có bao nhiêu người tiêu dùng thật. Họ cũng không có một concept sản ph ẩm thực thụ hướng đến giá trị sử dụng, hướng đến khách hàng tiêu dùng cuối cùng. Vị này cho rằng, các dự án đó thiếu các tiện ích dành cho cuộc sống, đa phần nằm ở các vị trí không thuận lợi, không có kết nối vùng tốt với cơ sở hạ tầng trường, trạm trên địa bàn.
Đáng chú ý, những dự án đó đa phần là nhà đầu cơ vào. Một số dự án có quá nhiều nhà đầu cơ dẫn đến giá bị đẩy lên cao, thị trường sau đó bị down, ít khách hàng thật mua khiến dự án bán hết mà không có một ai xây. Một số dự án vì nhà đầu cơ vào đợt đầu ồ ạt nhưng sau không vào thêm tiền, chủ đầu tư không thu được tiền để thực hiện dự án…
Thị trường bất động sản đang bất ổn?
Thị trường bất động sản đang có các dấu hiệu bất ổn, tiềm ẩn sự rủi ro như tình trạng mất cân bằng, lệch pha cung cầu, phân lô bán nền tràn lan, sốt giá...
Thời gian qua, nghịch lý đã xuất hiện trên thị trường bất động sản, nhiều phân khúc có giá tăng mạnh trong khi đó thanh khoản chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản... là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng. Với phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.
Theo vị chuyên gia, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhấn mạnh, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Chính vì vậy, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao của Savills cũng nhấn mạnh khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nhà ở DKRA Vietnam, nguyên nhân khiến giá sơ cấp tăng là quỹ đất phát triển các dự án như nội thành TP.HCM khá khan hiếm, những nút thắt pháp lý gần như không tháo gỡ nhiều, thời gian triển khai kéo dài và ảnh hưởng nguồn cung, vấn đề cung - cầu thị trường khi 2 năm vừa qua nguồn cung giảm rất mạnh, chi phí đầu vào, chi phí vật liệu, nhân công đều tăng rất cao....Ngoài ra, những cơn sốt sốt đất bền vững nhưng xác lập mặt bằng giá khu vực.
Ngoài ra, siết tín dụng vào bất động sản của ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây. Chính những yếu tố này theo các chuyên gia đang tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tác động đến thị trường này. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án. Tiếp đó, sự lệch pha cung - cầu, hiện tại thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, nhưng lại thừa nhà giá cao. Trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thời gian qua đã có một số dấu hiệu biến động trên thị trường bất động sản như tình trạng mất cân bằng cung - cầu, lệch pha phân khúc, phân lô bán nền tràn lan, sốt ảo giá, lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, lợi dụng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán... Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy tiềm ẩn sự bất ổn của thị trường bất động sản và an sinh xã hội về nhà ở.
HoREA phân tích, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu của đa số người dân trong xã hội, người có thu nhập trung bình, thấp bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư.
Thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Ngoài mất cung cầu, thị trường còn mất cân đối khi tình trạng lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong hai năm gần đây. Tại TP. HCM, loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%.
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản cũng chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện rất rõ qua nguồn thu tiền sử dụng đất tại TP. HCM. Trong giai đoạn 2016 - 2021, nguồn thu này là 82.932 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,9% tổng thu ngân sách, trong khi tiềm năng có thể đạt gần 10%.
Theo HoREA, các bất cập trên đây bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu như vướng mắc, bất cập từ một số quy định của văn bản luật hoặc văn bản dưới luật hoặc còn thiếu quy định phù hợp. Ngoài ra còn do việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, đầy đủ, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp và lực lượng "phi chính thức" trên thị trường như đầu nậu, cò đất cò nhà...
Nói về vấn đề lành mạnh hóa thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, HoREA kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 163/2018 và Nghị định 81/2020 để chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhà đầu tư và khách hàng, áp dụng kể từ ngày 1/1/2023.
Đặc biệt là đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; về các tiêu chí đánh giá đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu; về bảo lãnh phát hành trái phiếu; về việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích.
"Sốt" đất có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhà đầu tư "nằm im, thở khẽ" Đất nền được giới đầu tư đánh giá là kênh đầu tư "vua" khi bảo toàn giá trị và sinh lời tốt. Thế nhưng, ngay khi thị trường bất động sản xuất hiện biến cố, phân khúc này lập tức có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, chờ đợi để xem thị trường như thế nào....