Thị trường gặp khó, nhóm cổ phiếu đầu cơ “dậy sóng”
Bất chấp thị trường chung diễn biến xấu nhưng nhiều cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ (penny) lại giao dịch rất tích cực. Các cổ phiếu như DLG, HQC, HAR… bất ngờ bứt phá mạnh trong những phiên gần đây với thanh khoản tăng vọt.
Bất chấp thị trường chung diễn biến xấu nhưng nhiều cổ phiếu đầu cơ vốn hóa nhỏ (penny) lại giao dịch rất tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tháng đầy khó khăn khi mất hơn 70 điểm, tương ứng hơn 7% so với đỉnh năm 2019 thiết lập đầu tháng 11. Cùng với đó, thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp với giá trị khớp lệnh chỉ khoảng 2.000 – hơn 3.000 tỷ đồng/phiên. Các cổ phiếu trụ cột như VHM của Vinhomes, FPT, VNM của Vinamilk… giảm mạnh. Cụ thể, VHM giảm 15,3% kể từ phiên đỉnh VN-Index, FPT giảm 6,7%, VNM giảm 8,9%…
Trong khi các cổ phiếu bluchip có chiều hướng giảm giá, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) lại thu hút được dòng tiền khi đồng loạt tăng giá mạnh với thanh khoản đột biến. Có thể kể đến HAR của Bất động sản An Dương Thảo Điền, HQC của Địa ốc Hoàng Quân, PVX của Xây lắp Dầu khí Việt Nam, HAI của Nông dược H.A.I, FIT, DLG của Tập đoàn DLG…
Đáng chú ý nhất đợt này là cổ phiếu DLG khi tăng 18% chỉ sau 5 phiên giao dịch. Thanh khoản của DLG tăng đột biến ở 4 phiên gần đây với khối lượng khớp lệnh đều trên 10 triệu cổ phiếu. Trước đó, khối lượng giao dịch trung bình của DLG chỉ vào khoảng gần 3 triệu cổ phiếu/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu DLG từ đầu tháng 12. Nguồn: VNDS.
Trước khi điều chỉnh trong 2 phiên gần đây, giá cổ phiếu HAR tăng 30% với thanh khoản đột biến. Khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này trong một số phiên gần đây tăng vọt lên từ 1 – 3 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi khối lượng khớp lệnh trung bình các phiên trước đó chỉ vào khoảng vài trăm nghìn cổ phiếu.
Video đang HOT
Diễn biến giá cổ phiếu HAR từ đầu tháng 12. Nguồn: VNDS.
Diễn biến tương tự cũng diễn ra với HQC với 3 phiên tăng trần liên tiếp với thanh khoản tăng. Tương tự như DLG hay HAR, điểm chung của các đợt tăng giá này là không có thông tin hỗ trợ.
Diễn biến giá cổ phiếu HQC từ đầu tháng 12. Nguồn: VNDS.
Nhóm cổ phiếu HAI, FIT, AMD và TSC cũng có giai đoạn bứt phá rất mạnh với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao, đóng góp đáng kể vào thanh khoản của thị trường chung. Tính tổng cộng khối lượng khớp lệnh của 4 cổ phiếu nói trên trong 3 phiên giao dịch vừa qua chiếm đến 10% khối lượng khớp lệnh sàn HoSE.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), việc các cổ phiếu penny tăng giá mạnh thời gian gần đây có thể đến từ yếu tố tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Dòng tiền chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu cơ bản giảm do các quỹ đầu tư nước ngoài cơ cấu danh mục và có xu hướng bán ra cùng với câu chuyện tính toán giá trị tài sản ròng (NAV). Bên cạnh đó, hiệu ứng tháng Giêng, thời điểm các cổ phiếu vừa và nhỏ có xu hướng tích cực hơn, cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư mua trước. Dù vậy, xu hướng tăng gần đây không phải trải rộng toàn bộ ở nhóm penny mà có sự phân hóa khá mạnh.
Ông Khánh cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu bluechip hay penny ở giai đoạn hiện nay vẫn là câu chuyện lựa chọn. Nhiều nhà đầu tư không chuyên vẫn có thể mắc sai lầm. Chiến lược được cho là hợp lý vào thời điểm cuối năm là mua và nắm giữ dài hơn là việc giao dịch ngắn hạn.
Theo Bình An/ndh.vn
Kỳ vọng trở thành "EcoPark thứ 2", cổ phiếu CSC bứt phá mạnh trong năm 2019
Chủ tịch HĐQT Cotana là ông Đào Ngọc Thanh là người không còn xa lạ với giới đầu tư bất động sản, chứng khoán khi ông nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc EcoPark (tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng), Phó Chủ tịch HĐQT API hay mới đây là Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG).
Những ngày cuối năm 2019, cổ phiếu Cotana (Mã CK: CSC) là một trong những cái tên "nóng" trên sàn chứng khoán với nhịp bứt phá ấn tượng. Có thời điểm CSC lên mốc 46.500 đồng/cp, gấp gần 3 lần so với đầu năm, trước khi "hạ nhiệt" trong những phiên gần đây.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng cho biết Cotana chỉ đạt 3,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm sâu so với mức 115 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh không thực sự ấn tượng nhưng cổ phiếu vẫn tăng "phi mã", điều gì đang khiến CSC "dậy sóng"?
Diễn biến cổ phiếu CSC thời gian gần đây
Kỳ vọng trở thành "EcoPark thứ 2"?
Cotana Group tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam được thành lập từ năm 1993 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Chủ tịch HĐQT Cotana là ông Đào Ngọc Thanh, người không còn xa lạ với giới đầu tư bất động sản, chứng khoán khi ông nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc EcoPark (tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng), Phó Chủ tịch HĐQT API hay mới đây là Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG).
Dù trải qua nhiều vị trí quản lý tại các doanh nghiệp bất động sản, nhưng có lẽ tên tuổi ông Đào Ngọc Thanh được biết đến rộng rãi hơn qua vai trò lãnh đạo EcoPark.
EcoPark sau một thập kỷ phát triển đã trở thành khu đô thị xanh kiểu mẫu của Việt Nam và đạt được nhiều giải thưởng lớn trong lĩnh vực bất động sản. Có thể nói, sự hình thành của EcoPark có dấu ấn không nhỏ của ông Đào Ngọc Thanh trong cương vị Tổng Giám đốc, cũng như Cotana trong vai trò cổ đông sáng lập (đã thoái vốn trong năm 2018).
Kể từ khi thoái vốn khỏi EcoPark, Cotana đã đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư bất động sản, bên cạnh lĩnh vực xây lắp truyền thống. Cotana hiện tập trung chủ lực vào 2 dự án lớn tại Huế, bao gồm Khu đô thị EcoGarden và Khu nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf Ngũ Hồ.
Trong đó, dự án EcoGarden với diện tích 45ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng đã được Cotana chính thức khởi công trong năm 2019. Thời gian thực hiện dự án này dự kiến trong vòng 8 năm. Theo giới thiệu từ Cotana, EcoGarden được định hướng phát triển thành dự án sinh thái bền vững với khu dân cư cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng chất lượng nhà ở với mức sống ngày càng được nâng cao, phục vụ dân cư Huế và các tỉnh lân cận.
Theo chia sẻ của ông Đào Ngọc Thanh: "EcoGarden sẽ là một khu vườn, là thiên đường hội tụ của các loài hoa nổi tiếng trên thế giới. Các dự án thành phần của EcoGarden sẽ lần lượt được đặt theo tên các loài hoa như: camellia (Hoa Trà), magnolia (Mộc Lan), begonia (Thu hải đường)".
Với những quy hoạch tổng thể được công bố, có thể thấy EcoGarden phần nào mang dáng dấp của EcoPark, nơi từng gắn bó với tên tuổi của "kiến trúc sư trưởng" Đào Ngọc Thanh.
Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù kết quả kinh doanh của Cotana thấp do chưa có dự án mở bán nhưng có lẽ kỳ vọng của giới đầu tư về EcoGarden sẽ trở thành "EcoPark thứ 2" đã kích hoạt dòng tiền đầu tư. Theo kế hoạch Cotana công bố, những sản phẩm đầu tiên của EcoGarden sẽ được tung ra thị trường vào quý 1/2020 và đây sẽ là dự án chủ lực của Cotano trong những năm tới.
Ban lãnh đạo đẩy mạnh mua cổ phiếu
Một trong những lý do khiến CSC tăng mạnh thời gian qua có thể đến từ động thái mua cổ phiếu của ban lãnh đạo công ty. Kể từ cuối năm 2018 tới nay, ban lãnh đạo Cotana liên tiếp mua vào cổ phiếu, trong đó đáng chú ý nhất là Chủ tịch Đào Ngọc Thanh mới đây đã nâng lượng cổ phần nắm giữ trực tiếp lên hơn 5 triệu, tương ứng gần 25% cổ phần công ty.
Không những vậy, CSC còn là cổ phiếu khá "cô đặc". Vào đầu năm 2019, CSC đã tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 250 tỷ đồng thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và ESOP. Tuy vậy, số lượng cổ phiếu phát hành thêm này (10,5 triệu cổ phiếu) đã bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Điều này có nghĩa đến quý 1/2021, số lượng cổ phiếu phát hành tăng vốn nói trên mới được giao dịch.
Thống kê cho thấy lãnh đạo Cotana và người có liên quan hiện nắm giữ khoảng 8,8 triệu cổ phiếu CSC trên tổng số 20,5 triệu cổ phiếu (trong đó 10,5 triệu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng 2 năm) khiến số lượng cổ phiếu lưu hành tự do là không lớn. Với tính chất "cô đặc" như vậy, việc CSC tăng giá có phần dễ dàng hơn so với nhiều cổ phiếu khác trên thị trường.
Một yếu tố thu hút sự quan tâm của giới đầu tư với CSC là cổ tức. Kể từ khi lên sàn tới nay, CSC chi trả tiền mặt khá đều đặn. Trong năm 2018, công ty chi trả 10% cổ tức tiền mặt và dự kiến năm 2019 sẽ tiếp tục chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Chứng khoán 19/12: VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 946-951 điểm Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ tư liên tiếp nhưng ngưỡng hỗ trợ 950 điểm vẫn được giữ vững. VN-Index có thể hồi phục tăng điểm trở lại và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 970-975 điểm. Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán 18/12, chỉ số VN-Index giảm 2,90 điểm, tương đương 0,30% về 951,13...