Thị trường địa ốc Hà Nội: Đà khởi sắc lan rộng
Cùng với sức thanh khoản tăng nhanh của thị trường, hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Hà Nội đang rậm rịch khởi công cho thấy bức tranh thị trường ngày càng sôi động.
Thị trường bất động sản Hà Nội sắp đón nhận thêm nguồn hàng từ nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Công ty cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh miền Bắc vừa cho biết, trong nửa cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9/2015, dù trùng với tháng 7 âm lịch (theo quan niệm của người dân là tháng không may mắn), nhưng Dự án Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu) vẫn có gần 200 căn hộ được giao dịch thành công. Vì vậy, cùng với các dự án có độ nóng về giao dịch, Dự án Times City Park Hill (quận Hai Bà Trưng), Tràng An Complex, Imperia Gardens, Gamuda Gardens, Dự án Goldmark City tiếp tục nằm trong danh sách những dự án nhà ở được khách hàng Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh miền Bắc, tiếp theo đà khởi sắc từ những tháng đầu năm, thị trường bất động sản quý III/2015 tiếp tục phát triển sôi động. Các chủ đầu tư liên tiếp đưa ra các sản phẩm bất động sản mới ở nhiều phân khúc khác nhau. Một số dự án có sự tăng giá đáng kể (khoảng 10%), đa số các dự án có mức điều chỉnh nhẹ (tăng giá từ 3 – 5%).
Thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III/2015 chứng kiến sự tái khởi động và ra mắt của hàng loạt dự án mới như: Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội); Dự án chung cư cao cấp MBLand Central Point (đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm); Dự án FLC Twin Towers (số 256 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy); Dự án FLC Star Tower (418 Quang Trung, quận Hà Đông); Dự án Hanoi Landmark 51 (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông)…
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay tiếp tục khởi sắc. Giao dịch bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM tính đến cuối tháng 8/2015 đạt gần 15.000 giao dịch, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. “Trên cơ sở phân tích các giao dịch bất động sản thành công những tháng gần đây cho thấy, niềm tin của người mua nhà vào thị trường đã dần được khôi phục. Điều này thể hiện ở chỗ, ngoài phân khúc chung cư có tốc độ giao dịch đặc biệt tốt thì với những phân khúc khác như: Đất nền, biệt thự, nhà liền kề có số lượng tồn kho lớn thì những tháng gần đây cũng có tăng trưởng khá. Lượng giao dịch thành công tập trung ở những dự án có vị trí thuận tiện, dân cư hiện hữu, có kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật tốt”, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký VNRea cho biết.
Video đang HOT
Trong những tháng cuối năm 2015, thị trường bất động sản Hà Nội dự kiến sẽ đón nhận những dự án bất động sản quy mô lớn khác như: Dự án Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh (quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Một dự án quy mô lớn khác cũng do Vingroup làm chủ đầu tư là khu chức năng đô thị tại số 233, 233 B và 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Với diện tích quy hoạch hơn 13,2 ha, tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa nhất Hà Nội, đây sẽ là một trong những dự án được chờ đợi nhất trong những tháng còn lại của năm 2015.
Một dự án với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng khác cũng đã cơ bản hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng là Khu đô thị The Manor Central Park do Bitexco làm chủ đầu tư. Dự án có trên diện tích 90 ha thuộc địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), phía Bắc của Dự án trải dài hơn 1 km theo đường Nguyễn Xiển, phía Nam là Công viên Chu Văn An rộng 100 ha, phía Tây là Đại lộ Chu Văn An và phía Đông tiếp giáp với Khu đô thị Bắc Linh Đàm. Theo thông tin mà Báo Đầu tư có được, Bitexco đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích của dự án và dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10/2015. Khu đô thị The Manor Central Park dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 7.000 căn hộ chung cư, hơn 1.000 nhà thấp tầng.
Nhận định về những diễn biến trên thị trường bất động sản gần đây, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn phát triển, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản vốn được xem là kênh đầu tư yêu thích của người Việt Nam so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, lãi suất tiết kiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các nhà đầu tư và người dân có tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang quan tâm tới bất động sản nhiều hơn. Thực tế cho thấy, đầu tư vào bất động sản ở thời điểm này có khả năng sinh lời ngay từ việc cho thuê trong khi vẫn giúp chủ đầu tư bảo toàn tài sản trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ có thể tiếp tục biến động.
Theo_NDH
76% vốn FDI đầu tư vào công nghiệp dệt may tại Việt Nam
Những dự án công nghiệp dệt may quy mô lớn được phê duyệt đã đóng góp 4,18 tỷ USD nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Theo Công ty tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2015, những dự án công nghiệp dệt may quy mô lớn được phê duyệt đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, đóng góp 4,18 tỷ USD tương đương 76% nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới (FDI) vào Việt Nam.
Có động lực từ hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành vải sợi - dệt may được kỳ vọng sẽ phát triển với tốc độ 2 con số khi TPP được kí kết, mặc dù Hiệp định này vẫn chưa được thống nhất vào cuối tháng 7 vừa qua. TPP sẽ ràng buộc các loại vải và hàng may mặc xuất khẩu phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các nước tham gia vào Hiệp định. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong đã lên kế hoạch đầu tư để đón đầu cơ hội này.
Công nghiệp dệt may đóng góp 4,18 tỷ USD nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ Hiệp định sắp tới. Khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam do có một thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Đáng chú ý là Tập đoàn Microsoft đã công bố đóng cửa 2 nhà máy sản xuất điện thoại Nokia ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Tập đoàn này sẽ mở rộng nhà máy có quy mô đầu tư lên đến 210 triệu USD tại khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singgapore đặt tại Bắc Ninh, đồng thời sẽ tăng gấp ba tổng số nhân công so với 2 nhà máy cũ.
TP HCM vẫn nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất
KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), đặt tại tỉnh Quảng Ngãi đến nay đã thu hút 7,8 triệu USD vốn FDI kể từ khi khai trương vào cuối năm 2013. Tập đoàn Mapletree Singapore đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các KCN, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư Singapore khác như Famed Banyan Tree, Keppel Land và Capital Land cũng thông báo kế hoạch đầu tư vào những dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 7/2015, Việt Nam có 299 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84.000 ha, trong đó tổng diện tích đất cho thuê là 56.000ha (66%). Diện tích đã được thuê là khoảng 26.000ha, bằng 46% tổng diện tích đất cho thuê. Hiện có 212 KCN đang hoạt động với đất tự nhiên 60.000ha, và 87 KCN với 24.000ha đất đang được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN trọng điểm phía Nam (SKEZ) bao gồm 106 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 33.500ha. Các KCN này có lợi thế nằm gần đường quốc lộ, đường liên tỉnh, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
TP HCM là trung tâm kinh tế của SKEZ nên nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2015, các doanh nghiệp Anh Quốc đầu tư nhiều nhất vào thành phố, chiếm 59% vốn FDI, theo sau là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và Hàn Quốc đứng thứ 3 (10%).
Trong Qúy I/2015, TP HCM đã có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với 2.300ha diện tích đất cho thuê. Địa phương này đã thu hút 425 triệu USD từ FDI, tăng 50% so với năm ngoái. TP HCM đã công bố kế hoạch mở 7 khu công nghiệp mới, tổng diện tích khoảng 2.000ha để đón dòng vốn FDI trong ngành dệt may, dịch vụ và các ngành chế biến thực phẩm.
Trong khi đó, KCN trọng điểm phía Bắc (NKEZ) bao gồm 7 tỉnh/thành gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Dương đang có 46 khu công nghiệp hoạt động trong NKEZ với tổng diện tích hơn 12.100ha. Hầu hết các KCN nằm dọc theo Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 2, và Quốc lộ 18 (Bắc Ninh - Móng Cái)./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Cận cảnh những dự án khởi động để 'giăng câu' Sự hồi phục của thị trường bất động sản là động lực khiến nhiều dự án địa ốc 'đắp chiếu' thời gian qua bất ngờ 'sống lại'. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự nhập cuộc sôi động hơn của các chủ đầu tư. Sau nhiều năm "đắp chiếu", dự án Hongkong Tower (quận Đống Đa) bất ngờ được mở bán...