Thị trường chứng khoán sẽ ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn
Trao đổi với Báo Hải quan về những triển vọng của thị trường chứng khoán trong bối cảnh các xung đột chính trị và tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đã chỉ ra những yếu tố then chốt trong việc thu hút vốn ngoại và phát triển thị trường chứng khoán bền vững trong thời gian tới.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam
Xung đột chính trị giữa các quốc gia lớn trên thế giới cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã chi phối diễn biến của thị trường chứng khoán suốt từ đầu năm đến nay. Ông có nhận định ra sao về cơ hội của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ sớm phát triển trở lại. Vì bất cứ thị trường nào, cả thị trường chứng khoán hay thị trường vàng, thị trường hàng hóa trên thế giới đều diễn biến theo đồ thị hình sin. Với những thông tin còn chưa mấy khả quan trong thời gian qua, thị trường đã có những phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội mở ra cho những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt và hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động rất tích cực. Theo số liệu thống kê thì các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), trong đó bao gồm cả các quỹ ETF nội mới thành lập đã thu hút vốn ngoại khá nhiều trong thời gian qua. Điều này đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường.
Trong khi đó, nhà đầu tư nội lại tham gia kém tích cực hơn so với giai đoạn tháng 3, 4, 5/2020 do lực hút của thị trường vàng. Việc giá vàng tăng mạnh gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư lướt sóng dịch chuyển tiền từ chứng khoán sang mua vàng đầu cơ. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, đà tăng của giá vàng sẽ sớm dừng lại hoặc chỉ tăng ở mức độ vừa phải và không còn là kênh đầu tư hấp dẫn do giá đã tăng quá nhiều và đã có dấu hiệu trở thành bong bóng. Nhà đầu tư sẽ thận trọng, không dám liều lĩnh đầu tư vào vàng nhiều mà sẽ bắt đầu bán ra để chốt lời. Khi đó, một trong những kênh chính thu hút dòng tiền này chính là chứng khoán. Do đó, tôi tin dòng tiền nội sẽ sớm quay lại thị trường trong thời gian tới.
Thưa ông, lựa chọn trong giai đoạn hiện nay cho các nhà đầu tư là gì?
- Khi đầu tư vào bất kỳ sản phẩm nào, nhà đầu tư cần chọn thời điểm mua thích hợp, ở vùng giá hợp lý và hiện tại đang là thời điểm thích hợp cho nhà đầu tư chứng khoán do thị trường đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Trong đó, một số mã cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn mức giảm của điểm số do phản ứng quá đà của nhà đầu tư nên đang có giá rất hấp dẫn. Trước đây, PE của toàn thị trường dao động ở mức 14-17x, nhưng đã giảm về mức 10-12x – một mức khá hấp dẫn. Định giá của các cổ phiếu cũng như của các DN đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, những nhà đầu tư cá nhân nên tận dụng cơ hội này để mua vào những cổ phiếu còn ở vùng giá rẻ để đầu tư cho trung dài hạn.
Ngoài yếu tố giá, một yếu tố nữa có thể trở thành niềm tin và cơ sở để các nhà đầu tư quay trở lại thị trường đó là khả năng vượt qua dịch bệnh trong giai đoạn sắp tới của các quốc gia. Cùng với đó, giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh là tháng 3, tháng 4 và tháng 5 cũng đã phản ánh nhiều vào kết quả kinh doanh của các DN. Nhưng đa số DN đã có giải pháp vượt qua đại dịch nên không bị thua lỗ nhiều, có DN còn có lãi, thậm chí lãi vượt kế hoạch so với cùng kỳ năm trước. Nhà đầu tư nên đặt niềm tin vào thị trường, đặt niềm tin vào các DN. Vì sau một thời gian bị đè nén, khi dịch bệnh được kiểm soát, các nền kinh tế mở cửa nhiều hơn, giao thương giữa các quốc gia nối trở lại thì các DN sẽ phát triển trở lại rất mạnh mẽ và mang lại kết quả tốt trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, đầu tư bây giờ chính là đầu tư vào tiềm năng trong tương lai và đây là cơ hội để các nhà đầu tư mua được những cổ phiếu hay lựa chọn những DN với giá hợp lý và có lợi nhuận trong giai đoạn cuối năm.
Video đang HOT
Ngoài các yếu tố kể trên, theo ông về cơ chế chính sách, Nhà nước cần có giải pháp gì để hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển. Hiện Chính phủ và các cơ quan quản lý đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán. Trong đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán đã rất quyết tâm trong việc tạo sự minh bạch trên thị trường bằng cách xử lý các tình huống vi phạm và công bố thông tin trên thị trường một cách minh bạch, rõ ràng. Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường là trọng tâm trong giai đoạn sắp tới. Với quyết tâm như vậy, tôi tin thị trường chứng khoán sẽ ngày càng được tổ chức một cách minh bạch hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc thêm về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vì đây cũng là một cách để thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trên thế giới hay những tập đoàn lớn có nhu cầu đầu tư vào DN Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán. Việc các nhà đầu tư nước ngoài lớn, các tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho nhà đầu tư trong nước yên tâm hơn và mạnh dạn giải ngân nhiều hơn. Theo đó, có thể mạnh dạn cho phép áp dụng chứng chỉ không có quyền biểu quyết tại các DN đã hết room.
Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa DN Nhà nước cũng cần quyết liệt hơn nữa để tạo thêm lượng hàng hóa dồi dào cho các nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khi có hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư cũng sẽ giải ngân mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, để tạo thêm thuận lợi cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch, ngành chứng khoán cần rút ngắn thời gian thanh toán xuống T 0 thay vì T 2 như hiện nay. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu ngay trong phiên thay vì phải nắm giữ tới mấy ngày. Đây cũng là yếu tố hiện còn đang vướng để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 7 của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhà đâu tư cá nhân vân là lực đỡ chính cho các thị trường chứng khoán.
Tháng 7 đón nhận kết quả tăng trưởng kinh tế quý 2 ảm đạm, nhiều nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái.
Cùng với đó là sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã khiến các triển vọng hồi phục kinh tế trở lên bi quan hơn.
Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu do Bank of America Merrill Lynch's thực hiện hàng tháng, số nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ V đã giảm từ 18% của tháng 6 xuống 14% trong tháng 7, trong khi các dự báo hồi phục theo mô hình U hoặc W tăng lên (lần lượt là 44% và 30%).
Có tới 71% các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát cho rằng cổ phiếu đã vượt giá trị thực và giữ quan điểm thận trọng, chuẩn bị cho các tin xấu hơn từ thị trường.
Trong khi đó, dòng tiền đầu tư tại thị trường Việt Nam lại đón nhận các tín hiệu tích cực hơn trong tháng 7.
SSI dẫn chứng, dòng vốn ETF vẫn tích cực trong tháng 7 với tổng giá trị ròng gần 700 tỷ đồng, là tháng thứ 3 liên tiếp có dòng vốn dương (T5: 670 tỷ đồng; T6: 420 tỷ đồng).
Xu hướng tích cực ghi nhận ở hầu hết các quỹ. Đáng chú ý, động lực dịch chuyển sang khối ETF ngoại khi 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất là VanEck Vectors ETF (262 tỷ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỷ đồng).
Ngược lại, xu hướng tăng đã yếu đi ở các ETF nội mới thành lập như VNDiamond ETF và VNFIN Lead ETF.
Quỹ ETF nội lớn nhất là VFM VN30 ETF đã có dòng tiền giải ngân trở lại từ giữa tháng, tuy vậy, diễn biến dịch Covid bất ngờ đã khiến quỹ bị rút vốn trở lại trong tuần cuối tháng, tính chung chỉ thu hút được 58 tỷ đồng trong tháng 7
Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam tăng tỷ trọng cổ phiếu: tỷ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 6 và được giữ ở mức thấp trong tháng 7. Tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (Dragon Capital) - quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng 7 chỉ là 0,87%, của quỹ PYN Elite là 4%, đều là những mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực. Theo EPFR, dòng vốn đổ vào trong nửa cuối tháng 7 đã cao hơn lượng rút ra nửa đầu tháng, tính chung cả tháng 7 có 6,5 triệu USD vốn ngoại tăng thêm vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Châu Á (ngoại trừ Đài Loan) đều bị rút ròng nhưng mức rút ròng của thị trường Việt Nam (-3,6 triệu USD) thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan...
Trong tuần đầu tháng 8/2020, có 7,6 triệu USD vốn ròng vào các quỹ ở Việt Nam (theo EPFR).
Trong thời gian tới, việc sớm kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quyết định đến tâm lý đầu tư cũng như hiệu lực của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam và vẫn sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán phái sinh: Phát triển và tăng trưởng ấn tượng Sau 3 năm vận hành (10/8/2017 - 10/8/2020), thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã phát triển và có mức tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần ổn định thị trường chứng khoán cơ sở, hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến nay, trên thị trường...