Thị trường chứng khoán 15/1: Gặp khó trước vùng 1.200-1.220 điểm?
Cập nhật thị trường chứng khoán hôm nay 15/1: VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thử thách vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm.
Thị trường chứng khoán 15/1 (ảnh minh họa)
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1, VN-Index tăng 1,35 điểm (tương đương 0,11%) lên 1.187,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 779,343 triệu đơn vị, giá trị hơn 17.077 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,22 điểm (tương đương 0,1%) xuống 222,27 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng giảm 0,18 điểm (tương đương 0,22%) xuống 77,75 điểm.
Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, mặc dù có động thái rung lắc khá mạnh nhưng VN-Index được hỗ trợ và ổn định trở lại vào cuối phiên giao dịch.
Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang tích cực tìm kiếm cơ hội. Với động thái hỗ trợ cuối phiên, có thể thị trường đã trải qua nhịp chỉnh nhỏ và dự kiến sẽ kiểm tra lại vùng cản tâm lý 1.200 điểm.
Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn có thể nắm giữ các mã đang trong xu thế tăng tốt hoặc tìm kiếm cơ hội ngắn hạn tại những mã đang phát đi tín hiệu tốt sau giai đoạn tích lũy.
Còn theo Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), VN-Index chủ yếu dao động quanh mốc tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch của phiên 14/1.
Dòng tiền đầu tư cải thiện với 9/19 nhóm ngành tăng điểm. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực đồng thời thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên trước.
BSC đánh giá, VN-Index có thể sẽ tiếp tục có sự cân bằng về cung cầu vào phiên cuối tuần.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thử thách vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm.
Vùng kháng cự tâm lý này sẽ tiếp tục tạo ra lực cản đối với xu hướng đi lên của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã ở vào trạng thái quá mua.
Video đang HOT
Đồng thời, nếu chỉ số xuyên thủng mức 1.179 điểm thì có rủi ro điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.
Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.
Cần rộng đường cho doanh nghiệp gọi vốn qua thị trường chứng khoán
Nhiều cơ chế đối với hoạt động gọi vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang vấp phải e ngại từ giới chuyên gia, tổ chức phát hành.
Gặp khó gọi vốn qua trái phiếu
Về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, điểm mới tại dự thảo Nghị định là phải có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm về tổ chức phát hành của tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp: tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán chấp thuận...
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, nội dung trên chưa ổn, vì không quy định rõ ràng kết quả xếp hạng là như thế nào, dẫn đến gây khó cho việc áp dụng.
Mặt khác, từ kinh nghiệm của một tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Kỹ thương cho rằng, việc đặt ra điều kiện về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp như vậy là hơi chặt trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Một khi thị trường xếp hạng tín nhiệm chưa phát triển, mà yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo xếp hạng tín nhiệm nếu muốn phát hành trái phiếu sẽ gây khó cho tổ chức phát hành.
Được biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody's, Standard & Poor's thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm. Kế hoạch này sẽ giúp ích cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng để thực hiện được, cần phải có thời gian.
Trước thực tế thị trường định mức tín nhiệm chưa phát triển, khó đáp ứng được đòi hỏi của tổ chức phát hành, Công ty Chứng khoán VNDirect đề nghị, dự thảo cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến yêu cầu về báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với công ty đại chúng chào bán trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, quy định về báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm chỉ nên áp dụng sau 2 năm kể từ khi nghị định có hiệu lực, vì số lượng các công ty định mức tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xếp hạng tín nhiệm còn rất hạn chế và là các công ty mới, chưa có kinh nghiệm, uy tín hoạt động trên thị trường.
Về hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo quy định tổ chức phát hành phải có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trong vòng 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký chào bán.
Ý kiến từ thị trường cho rằng, 12 tháng là khoảng thời gian quá dài, khiến cho nhà đầu tư, tổ chức bảo lãnh phát hành, cũng như các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối mặt với rủi ro vì khó cập nhận biến động về hiệu quả kinh doanh, sức khỏe tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, cần rút ngắn thời gian báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm xuống 3 - 6 tháng, thay vì 12 tháng như dự thảo.
Cơ chế huy động vốn qua cổ phiếu có nhiều bất ổn
Liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, điểm mới tại dự thảo Nghị định là ràng buộc điều kiện: báo cáo tài chính của tổ chức phát hành phải được lập theo hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại chấp thuận..., ý kiến từ doanh nghiệp đề nghị dự thảo làm rõ đó là chuẩn mực nào, có phải IFRS hay không.
Liên quan đến báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng, Bộ Tài chính, UBCK đề xuất, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả chào bán chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán, UBCK có trách nhiệm: thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành về nhận được báo cáo kết quả chào bán, hoặc có quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong trường hợp kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức phát hành thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c, khoản 1, Điều 28, Luật Chứng khoán;
Đồng thời gửi cho sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đăng tải thông tin về nhận được báo cáo kết quả chào bán, hoặc quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trên trang thông tin điện tử của UBCK...
Nhìn nhận quy định này chưa đảm bảo tính bao quát và rõ ràng, ý kiến từ thị trường cho rằng, nếu sau 3 ngày mà UBCK không có ý kiến phản hồi thì sao, doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước gì tiếp theo?
Do đó, cần bổ sung vào dự thảo: sau thời hạn 3 ngày này mà UBCK không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu, doanh nghiệp được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Ý kiến này được doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra trong bối cảnh họ cho rằng việc chậm ra thông báo của UBCK là có.
Cần cho chuyển tiếp 1-2 năm mới yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo xếp hạng tín nhiệm
Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam
Việc ràng buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra đại chúng phải được tổ chức định mức tín nhiệm đánh giá, xếp hạng sẽ giúp cải thiện tính minh bạch của tổ chức phát hành, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn trước các rủi ro phát sinh.
Tuy nhiên, với thực tế hiện mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, trong đó mới một công ty hoạt động là khó đáp ứng được lượng hồ sơ doanh nghiệp chờ xếp hạng để được phát hành như yêu cầu của dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi doanh nghiệp xếp hạng định mức tín nhiệm được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động, thì cũng không dễ và nhanh chóng đi vào hoạt động, nhất là trước đòi hỏi phải tập hợp được đội ngũ nhân sự có chất lượng, uy tín.
Do vậy, dự thảo cần sửa đổi theo hướng cho phép có thời gian chuyển tiếp từ 1-2 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực, mới buộc doanh nghiệp phải có báo cáo xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu ra công chúng...
Nên cho phép CTCK được làm đại diện người sở hữu trái phiếu
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc CTCK Kỹ thương
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, đại diện người sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký được tổ chức phát hành chỉ định đại diện cho người sở hữu trái phiếu và không phải là tổ chức bảo lãnh thanh toán nợ của tổ chức phát hành, cổ đông lớn, người có liên quan của tổ chức phát hành...
Trên thực tế ở Việt Nam, hầu như các ngân hàng thương mại đang là đại diện người sở hữu trái phiếu.
Thế nhưng, với nội dung mới tại dự thảo như trên, chỉ các thành viên lưu ký mới được tham gia làm đại diện người sở hữu trái phiếu, nên sẽ không có nhiều bên tham gia, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết các tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do vậy, cần bổ sung vào dự thảo, nếu công ty chứng khoán đã làm thành viên lưu ký, cơ chế nên mở cho phép tổ chức này được làm đại diện người sở hữu trái phiếu, đồng thời được nhận quản lý tài sản đảm bảo, từ đó hoàn toàn chủ động trong chọn các bên quản lý tài sản, cũng như xử lý tài sản đảm bảo khi có vấn đề...
Một quy định chưa phù hợp tại dự thảo là yêu cầu doanh nghiệp muốn đăng ký niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán, thì phải đáp ứng điều kiện đã giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm...
Ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, quy định điều kiện của doanh nghiệp niêm yết phải là công ty đã chào bán cổ phiếu ra công chúng/cổ phần hóa hoặc đã giao dịch trên UPCoM cần cân nhắc lại để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký niêm yết, huy động vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán, vì thực tế một số doanh nghiệp lớn khi có nhu cầu niêm yết hoặc huy động vốn qua giao dịch chứng khoán gắn với niêm yết cổ phiếu ngay trên sở giao dịch chứng khoán, chứ ít khi đăng ký giao dịch trên UPCoM vì sàn này không thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, cần cân nhắc mở rộng điều kiện doanh nghiệp niêm yết không nhất thiết phải là doanh nghiệp đã giao dịch trên UPCoM...
Nhìn lại 20 năm TTCK: Ra đời một sản phẩm mất từ 4-5 năm, tiếp tục nghiên cứu nhiều sản phẩm mới Trong thời gian tới, HoSE tiếp tục nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm niêm yết nhằm bắt kịp xu thế phát triển chung của các thị trường chứng khoán quốc tế. Ảnh minh họa. Qua 20 năm vận hành thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã nghiên cứu và triển khai nhiều sản...