Thị trường buôn bán con nuôi chuyển sang Châu Phi
Hiện nay, xu hướng nhận con nuôi trên thế giới ngày càng cao, và xu hướng này đang dịch chuyển “hàng loạt” sang các nước châu Phi. Báo cáo mang tên “Châu Phi: ranh giới mới cho nhận con nuôi” do Diễn đàn chính sách trẻ em châu Phi (ACPF) thực hiện cảnh báo rằng xu hướng này cần phải được thắt chặt.
Bà Brown cùng hai đứa con nuôi người nước ngoài là bé Nyla (trái) đến từ Châu Phi và bé Makena (phải) đến từ Trung Quốc. Ảnh: CNN
Nyla, một cô bé mới hai hay ba ngày tuổi bị bỏ rơi ở giữa một cánh đồng thuộc Rwanda. Khi bà Karen Brown, hiện đang là mẹ nuôi của Nyla, tìm thấy cô bé có đôi mắt màu xanh đen này thì dây rốn của bé vẫn còn chưa cắt. Một năm sau, Nyla sống trong một tòa nhà cao tầng ở HongKong với cha mẹ nuôi người Mỹ và một chị gái bốn tuổi người Trung Quốc. Bé chỉ mới bắt đầu tập đi và mọc được bảy cái răng.
Trường hợp của Nyla là một trong 35.000 trẻ em châu Phi được nhận làm con nuôi trong tám năm qua, theo chuyên gia Peter Selman, đại học Newcastle, Anh. Trong khi các nước trên thế giới bắt đầu giảm tỉ lệ này trong vòng 15 năm thì con số trên lại đã tăng gấp ba lần trong cùng thời kỳ.
Giám đốc điều hành ACPF, ông David Mugawe đề nghị “mọi chi phí đều không nên được khuyến khích, cho con nuôi chỉ nên là phương sách cuối cùng và ngoại lệ hơn là cách giải quyết bình thường của các gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”. ACPF cho rằng vì thiếu các quy định kết hợp với những món tiền gửi từ nước ngoài đã biến trẻ em thành hàng hóa và sự gia tăng phi luân lý của việc nhận con nuôi trên thế giới.
“Tính chất bất hợp pháp của hành vi này đã gây nhiều khó khăn cho việc thu thập tài liệu nhưng được biết đã có rất nhiều trường hợp trẻ em được cha mẹ bán đi hoặc bị bắt cóc rồi bán lại, thậm chí là trẻ được đặt làm con nuôi vì vô cớ trở thành trẻ mồ côi”, bà Najat Maalla M’jid, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về buôn bán trẻ em, mại dâm và khiêu dâm trẻ em.
Các nhà hoạt động ủng hộ quyền trẻ em đã nhóm họp tại Ethiopia tuần qua để xem xét các đề xuất bảo vệ trẻ em tại Hội nghị chính sách quốc tế lần năm về trẻ em châu Phi (IPC). ACPF đã thúc giục các nhà lãnh đạo châu lục đen tìm kiếm giải pháp quốc gia dựa trên nền tảng gia đình để chăm sóc cho khoảng 58 triệu trẻ em châu Phi bị mồ coi do chiến tranh, nạn đói và bệnh tật. Ông Mugawe nói “mỗi đứa trẻ đều có quyền bất khả xâm phạm là được nuôi dưỡng và lớn lên trong đất nước và nền văn hóa mà chúng được sinh ra”.
Từ 2003-2010, hơn một nửa số trẻ em được nhận nuôi từ châu Phi đến từ Ethiopia (22.282), tiếp theo là Nam Phi (1871), Liberia (1355), Madagascar (1331) và Nigeria (1118). Trong số đó, chỉ có Nam Phi và Madagascar đã phê chuẩn Công ước Hague năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác tôn trọng con nuôi liên quốc gia. Chỉ có 13 hoặc ít hơn 1/3 các nước châu Phi đã phê chuẩn công ước.
Theo công ước thì các quốc gia phải làm việc cùng nhau hàng năm để đáp ứng nhu cầu minh bạch hóa. Tuy nhiên, tỉ lệ nhận con nuôi tăng mạnh ở các quốc gia không ký công ước Hague đã dấy lên xu hướng đáng báo động về nhu cầu con nuôi, được ghi trong báo cáo của ACPF có nhan đề “Con nuôi liên quốc gia: một cái nhìn châu Phi”. Báo cáo cũng cho biết nhu cầu chuyển sang các nước mà công ước Hague không tồn tại, trong khi các cơ quan có thẩm quyền tại đây hoàn toàn không chuẩn bị để đối phó với làn sóng nhận con nuôi bất ngờ gia tăng cũng như không thể áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em cơ bản.
Đa số con nuôi từ châu Phi được đưa đến Mỹ và Pháp, hai nước nhận con nuôi nhiều nhất thế giới. Dựa trên số liệu hiện tại nhưng không đầy đủ, ông Selman dự đoán tỷ lệ nhận con nuôi quốc tế sẽ có thể giảm nếu thống kê trong năm 2011 hoàn thành, tổng số từ 23.000-25.000, giảm 50% kể từ năm 2004.
Các thỏa thuận chung đang bàn về vấn đề cung cấp nhiều hơn là nhu cầu. Nói cách khác, nhiều người nước ngoài đang chờ đợi được nhận con nuôi từ châu Phi. Nếu các nước châu Phi giảm việc cho con nuôi sẽ gây thêm nhiều áp lực cho các bậc cha mẹ còn đang chờ đợi một đứa con.
Đang là mẹ nuôi của hai đứa bé người nước ngoài, trong đó có Nyla, bà Brown chia sẻ rằng vấn đề không phải ở chỗ cha mẹ nuôi sống ở đâu. “Nếu có cha mẹ, tên của bạn được mọi người biết đến, được ăn uống đầy đủ, có một nền giáo dục tốt và được yêu thương, cá nhân tôi nghĩ rằng đó mới là những điều quan trọng cho một đứa trẻ”, bà Brown nói.
Theo SGTT