Thị trường BĐS: Thuốc đã bốc đúng bệnh!
Sau thời gian dài được “bốc thuốc, kê đơn”, “con bệnh” bất động sản (BĐS) đã trở lên khỏe mạnh hơn khi thanh khoản thị trường liên tục tăng và tồn kho BĐS thì giảm mạnh.
Nhìn lại diễn biến của thị trường BĐS những năm 2011-2012 có thể thấy, nghịch lý lớn nhất của thị trường là tồn kho BĐS dù rất lớn nhưng giá nhà thì lại cao, thậm chí tăng ở nhiều thời điểm. Và chính điều này đã dẫn đến tình trạng, mặc dù nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhưng lại không có điều kiện tiếp cận và sở hữu BĐS. Hệ quả là tồn kho BĐS tại thời điểm này được ghi nhận lên tới gần 130 ngàn tỉ đồng (theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng).
Ảnh minh họa.
Nghịch lý này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề cập khi trao đổi với Petrotimes, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường BĐS giai đoạn 2011-2012 là tình trạng lệch pha “cung-cầu”, thị trường thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi thiếu quá nhiều sản phẩm bình dân, giá rẻ. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là phải khắc phục sự lệch pha “cung-cầu”, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm BĐS đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, xuất phát từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết 02 năm 2013 và Nghị quyết 61 năm 2014 của Chính phủ. Và đến hết năm 2015, thị trường BĐS sau một thời gian trầm lắng đã được phục hồi, thể hiện qua các yếu tố như giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý, hướng tới người thu nhập trung bình và thấp; tồn kho BĐS liên tục giảm.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014). Tồn kho BĐS tiếp tục giảm và tính đến 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 50.889 tỉ đồng, giảm 77.659 tỉ đồng, tương đương giảm 60,4% so với Quý I/2013; giảm 54.100 tỉ đồng, tương đương giảm 42,3% so với tháng 12/2014.
Video đang HOT
Đặc biệt, với chương trình nhà ở xã hội khu vực đô thị, trong năm 2015, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (quy mô xây dựng khoảng 6.164 căn hộ), 20 dự án nhà ở xã hội cho công nhân (với quy mô khoảng 8.273 căn hộ). Và hiện trên cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỉ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỉ đồng.
Và tính chung trong giai đoạn 2011-2015, thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 780 nghìn hộ gia đình, tương đương khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
“Trong thời gian qua có thể thấy rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là hoàn toàn đúng đắn; vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng người dân có khó khăn về nhà ở, được đánh giá là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc”-Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Nói như vậy để thấy rằng, sau một thời gian dài vật lộn với khó khăn, “con bệnh” BĐS đã được “kê đơn, bốc thuốc” đúng bệnh và đã hồi phục rõ nét. Và theo đánh giá của giới chuyên gia, đà hồi phục này là bền vững bởi nó được hình thành dựa trên yếu tố cung-cầu của thị trường cũng như khả năng tài chính của đại bộ phận người dân.
Tính đến hết tháng 12.2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,0 m2 sàn/người (tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010); năm 2015, cả nước phát triển thêm khoảng 1,0 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2
Theo Thanh Ngọc (Petrotimes)
Gói 30.000 tỉ đồng trầy trật về đích
Dù có một vài điểm "trục trặc" phải tháo gỡ nhưng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ tích cực cho người dân có nhu cầu mua được nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định
Gói tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng triển khai từ tháng 6-2013 thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ, kéo dài 2 năm, sau đó được gia hạn thêm 1 năm. Như vậy chỉ còn 6 tháng nữa chương trình sẽ kết thúc. Mặc dù thời gian qua, nhiều người đã trầy trật mới được tiếp cận gói tín dụng này nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ giải ngân gói tín dụng này đạt kết quả tương đối ổn.
Giải ngân vẫn còn thấp
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay đạt 26.999 tỉ đồng, tương đương 90% gói tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay đối với 40.037 đối với hộ gia đình, cá nhân, với số tiền là 19.225 tỉ đồng. Trong đó, 13.087 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền 5.306 tỉ đồng; 22.339 hộ vay để mua nhà ở thương mại giá thấp với số tiền 11.941 tỉ đồng; 4.611 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 1.977 tỉ đồng. Ngoài ra, các tổ chức gói tín dụng cũng cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỉ đồng và hiện đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ 3.940 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân tính đến hết năm 2015 là 17.711 tỉ đồng, tương đương 59% gói 30.000 tỉ đồng.
Gói 30.000 tỉ đồng dù còn nhiều vướng mắc nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho người thu nhập thấp và thị trường bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh
Nhờ gói hỗ trợ tín dụng này mà nhiều người có thu nhập thấp đã có chỗ an cư. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên đều là CBCNV nhà nước tại quận 3, TP HCM. Với mức thu nhập chỉ trên dưới 18 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị rất khó lòng mua nhà ở TP HCM bằng tiền tiết kiệm nếu không có gói hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, chị Duyên đã vay hơn 500 triệu đồng với lãi suất 5% để mua căn hộ chung cư Hoàng Quân (huyện Bình Chánh). Mỗi tháng, vợ chồng chị Duyên phải thanh toán cho ngân hàng 5 triệu đồng bao gồm tiền vốn và lãi. "Nếu không có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, vợ chồng tôi không biết làm sao để mua được nhà vì lãi suất bên ngoài khá cao, lại không ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khó mà yên tâm được" - chị Duyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho rằng trong thời gian đầu, gói tín dụng này đã gặp nhiều vướng mắc về đối tượng, lãi suất, thủ tục... Tuy nhiên, sau khi được tháo gỡ, nhìn chung gói tín dụng đã hỗ trợ rất nhiều cho các đối tượng là CBCNV, người thu nhập thấp có nhà ở. "Theo tôi, không chỉ là gói tín dụng mà Chính phủ nên có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển nhà ở, tạo điều kiện để những người chưa có nhà được an cư. Đó cũng là một chính sách thường xuyên mà hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng" - ông Quang nhấn mạnh.
Vướng mắc không nhỏ
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), thực tế gói tín dụng này rất có hiệu quả về mặt xã hội, giúp người có nhu cầu vay mua nhà để an cư, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy giao dịch nhà ở tăng lên, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ như: thủ tục rắc rối, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai... là những cản trở khiến tốc độ giải ngân vẫn khá ì ạch.
Chưa kể nhiều quy định quá khắt khe khiến nhiều người rất muốn vay gói tín dụng này lại rất khó tiếp cận, như quy định phải đóng bảo hiểm xã hội 3 năm liên tục; chứng minh thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Hoặc nhiều căn hộ họ muốn mua có giá trên 1 tỉ đồng cũng bị từ chối cho vay, phải lách kiểu này, kiểu kia. Đặc biệt, có doanh nghiệp phản ánh rằng dự án của họ nằm ở Bình Dương, giáp ranh TP HCM nhưng người có hộ khẩu tại TP HCM lại không vay được gói tín dụng này.
Thậm chí Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây phải tạm dừng một số khoản vay mua nhà vì vướng quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 khiến nhiều người đang có ý định vay gói 30.000 tỉ đồng phải dở khóc dở cười. Vì vậy, BIDV đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn để tháo gỡ. "Để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng và tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản bảo đảm đối với các tài sản nêu trên, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung" - đại diện BIDV khẳng định.
Đặt vấn đề sau khi kết thúc gói tín dụng, nhà nước có nên có gói tín dụng nào khác cho thị trường hay không, một chuyên gia bất động sản cho rằng thực tế, nhu cầu có nhà ở của đa số cặp vợ chồng chưa có nhà là rất lớn. Chính vì vậy, mỗi khi chính sách hỗ trợ lãi suất đưa ra luôn thu hút người vay. Tuy nhiên, trước khi đưa ra chính sách gì, cơ quan thực thi phải thống nhất quan điểm, ban hành hướng dẫn cụ thể, nhất quán để cho các bên liên quan thi hành một cách thuận lợi; qua đó tạo điều kiện cho người mua, người bán áp dụng dễ dàng, tránh tình trạng quy định ban ra, thi hành gặp vướng mắc thì hiệu quả không cao.
Ông ĐOÀN CHÍ THANH, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (HARS): Cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận người mua nhà Là một trong những đơn vị phân phối, đầu tư bất động sản ở phân khúc giá bình dân, vừa túi tiền, HARS đã thực hiện khá tốt hoạt động kinh doanh của mình thông qua gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng gói tín dụng này mặc dù còn nhiều vướng mắc vì bị thay đổi, điều chỉnh nhiều lần nhưng thực tế, đây là chiếc cầu nối, hỗ trợ tích cực cho cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời kỳ khó khăn, hỗ trợ họ tiếp cận được với người mua nhà có nhu cầu thật. Đặc biệt, những người cần mua nhà đã nhờ gói tín dụng này mà có nhà để ở. Theo đó, từ khi triển khai gói tín dụng, đến nay, HASR đã hỗ trợ cho khoảng 2.000 khách hàng vay gói tín dụng này. Nếu như dự án nào có căn hộ nhỏ, giá bán dưới 1 tỉ đồng và được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng luôn thu hút người mua. Chính vì vậy, nếu tiếp tục có gói tín dụng tương tự thì rất tốt cho thị trường. Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP HCM: Nên duy trì gói hỗ trợ Gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa, có tác dụng tích cực cho xã hội, cho thị trường bất động sản trong thời gian qua. Nó đã đánh vào đúng đối tượng người chưa có nhà, thu nhập thấp đang cần nơi ở. Dù ngay từ khi áp dụng, gói tín dụng đã có những vướng mắc cơ bản về đối tượng, giá trị vay... nhưng sau đó đã được tháo gỡ. Theo tôi, việc duy trì gói tín dụng này sẽ rất tốt cho nhà xã hội vì giải quyết được bài toán nhà ở cho người có nhu cầu mà thu nhập thấp, còn doanh nghiệp thì bán được hàng và ngân hàng thì có thể tăng cường hoạt động tín dụng. Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB): Từ đây đến ngày 30-6, dư nợ cho vay gói 30 000 tỉ đồng sẽ tăng nhanh nhưng sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Do đó, để tiến độ giải ngân của gói tín dụng này đạt như kỳ vọng, cần gia hạn thêm thời gian giải ngân cho các ngân hàng triển khai. Ngoài ra, việc mở thêm gói mới hỗ trợ nhu cầu mua nhà ở của người dân có thu nhập thấp và trung bình cũng cần được xem xét. Các gói khác nếu được triển khai cần được tạo lập ngay từ đầu những quy định pháp lý cho vay chặt chẽ, có hướng dẫn rõ ràng và thủ tục vay thông thoáng hơn để người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo_24h
Giá bất động sản trong tháng đầu năm ổn định, ít biến động Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong tháng đầu tiên của năm 2016, giá bất động sản ổn định, ít biến động. Lượng giao dịch trong tháng 1/2016 tương đương với tháng liền kề và có mức tăng trưởng khá so với tháng 1/2015. Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư,...