Thị trường bất động sản sau dịch COVID-19 – Bài 1: Nguồn cung khan hiếm đẩy giá nhà đất tăng
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, thế nhưng ngay khi TP Hồ Chí Minh vừa nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã “ nóng” trở lại khi lượng người quan tâm đến thị trường này tăng mạnh.
Nguồn cung hạn chế, doanh nghiệp đang gặp khó cũng như xu hướng đầu tư có sự chuyển đổi đã đẩy giá nhà đất tăng mạnh.
Những dự án nhà ở có khuôn viên xanh luôn là lựa chọn ưu tiên của người dân khi mua nhà ở. Ảnh: CTV
Giá nhà đất tăng bất chấp dịch bệnh
Chị Lê Thị Hà, ngụ ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị đang tìm mua một căn nhà để ở, nhưng sau một tuần đi khảo sát, chị nhận thấy giá nhà đã tăng mạnh bất chấp khó khăn của dịch bệnh. “Hồi đầu năm, tôi đi xem căn nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh thuộc phường Phú Hữu có giá 80 triệu đồng/m 2. Lúc đó, do không đủ tiền mua nên tôi chần chừ, giờ quay lại chính căn nhà đó thì chủ nhà nói phải 85 triệu đồng/m 2 mới bán. Ai nói dịch bệnh khó khăn nên nhà giảm giá, chứ tôi đi chỗ nào cũng thấy tăng”, chị Hà nói.
Tương tự, anh Lê Thanh Hiếu, ngụ quận Tân Bình cho biết, anh vừa ký hợp đồng đặt cọc mua một căn hộ ở quận Tân Bình có diện tích 80m 2 với mức giá gần 65 triệu đồng/m 2. So với các căn hộ trước kia anh đầu tư cùng diện tích đã tăng lên khoảng 5 triệu đồng/m 2. “Nếu trước kia, cũng căn hộ có diện tích như trên, tôi chỉ mua tầm 50 triệu đồng/m 2 nhưng nay giá đầu tư đã tăng thêm gần chục triệu đồng/m 2. Nguyên nhân tăng giá do nguồn cung dự án căn hộ mới ít, lượng khách hàng đặt chỗ nhiều nên chủ đầu tư cũng “mượn cớ” để tăng giá. Tuy nhiên, bây giờ muốn kiếm dự án mới cũng khó nên tôi đành chấp nhận mua mức giá mới dù có tăng”, anh Hiếu nói.
Các dự án nhà ở mới không nhiều.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân khiến giá nhà đất tiếp tục tăng trong đại dịch COVID-19 là nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư vào bất động sản lớn. Cụ thể, theo báo cáo thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh quý 3/2021 của Savills Việt Nam, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 70% so với năm trước. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong quý 3 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch toàn TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 400 căn, giảm 94% so với năm 2020. Đáng nói, do nguồn cung căn hộ hạn chế đã đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý 3/2021, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% tại 11 quận, huyện; trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, lên tới 12%.
Video đang HOT
Tương tự, đại diện CBRE Việt Nam cho biết, quý 3/2021, chỉ có 2 dự án thuộc phân khúc cao cấp thực hiện mở bán qua kênh bán hàng trực tuyến với 1.600 căn hộ, chỉ bằng 40% so với quý trước. Tỷ lệ bán của hai dự án chào bán mới trong quý 3 vẫn rất khả quan, đạt 82%. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tăng 17% so với quý 3/2020.
Lý giải nguyên nhân giá nhà đất không giảm dù dịch bệnh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Bởi càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng để ở trong an toàn. Chính vì vậy, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng “sốt” đất.
Thị trường sôi động trở lại
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho biết: “Theo quan sát, chúng tôi thấy rằng lượng người có tiền vẫn có, vẫn đi tìm bất động sản phù hợp. Những người mới đầu tư, hay sợ lỡ mất cơ hội, họ vẫn tin tưởng vào tương lai nên vẫn xuống tiền mua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung bị giảm khi trong một quý mà chỉ có 3.000-4.000 căn hộ được tung ra; cùng với đó, các quy định về phân lô bán nền cũng được siết lại nên nguồn cung đất nền giảm. Trong khi đó, tư duy gắn liền với đất nên nhu cầu về đất nền vẫn rất cao, điều này đang khiến giá đất nền tăng mạnh dù ảnh hưởng của dịch bệnh”.
Các dự án nhà ở đang ấm dần sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
“Chúng ta cần khẳng định kinh tế đi lên hay đi xuống, lượng tiền vẫn thế, thậm chí sẽ còn tăng lên. Tiền còn rất nhiều, chỉ đi từ túi người này sang túi người khác. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác. Chứng khoán vẫn tăng lên nhiều ở nhiều nhóm và đi vào các doanh nghiệp làm ăn tốt. Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó, nó vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Ngoài chứng khoán, bất động sản cũng là kênh tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hoá khoản lãi từ thị trường chứng khoán sang bất động sản”, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi cho biết, qua nghiên cứu trên 1.500 khách hàng giao dịch gần đây cho thấy, 62% mua để đầu tư; 15% đang phân vân, còn lại mua để ở. Theo đó, nhóm ở hay đầu tư đang phân vân là vấn đề mới xuất hiện. Trong nhóm khách hàng mua để ở, có đến 51% người có kế hoạch ở ngay, 49% người muốn thử nghiệm ở trước vài ngày trong tuần sau những ngày ở thành phố làm việc.
“Nguồn gốc khách hàng từ TP Hồ Chí Minh giảm so với năm 2020 nhưng hiện đã xuất hiện khách hàng ở địa phương khác đến. Về độ tuổi, nhóm từ 31 đến 45 tuổi chiếm 51% có sự dịch chuyển đáng kể khi trước đây đa phần có độ tuổi trên 45 tuổi mua để tích lũy. Trước đây, khách hàng muốn mua bất động sản ở gần trung tâm tiện cho việc đi lại nhưng giờ này họ chấp nhận đi xa hơn trên cơ sở liên kết vùng. Vì vậy, giá nhà đất vùng ven cũng đang tăng giá hơn so với trước. Hiện, người dân cũng đang có xu hướng chuyển từ nhà cao tầng xuống ở nhà thấp tầng nên các căn hộ, đất nền thường có giá cao hơn so với trước”, ông Nguyễn Thanh Quyền nói.
Còn theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, hơn 70% sàn giao dịch bất động sản gặp khó khăn, 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản đã khôi phục với nhu cầu mua gia tăngg. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đã thích nghi và sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi bắt đầu mở bán với những giao dịch khả quan và lượng khách tìm mua căn hộ cũng đang gia tăng. Đa số khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các căn hộ tại vùng ven có tính liên kết vùng để đầu tư trong thời gian này.
“Hiện nay, các chủ đầu tư lớn, uy tín, có sản phẩm tốt nhận được nhiều niềm tin của khách hàng chọn mua. Các đơn vị cũng đưa ra các chương trình thanh toán thuận lợi, hỗ trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư còn đưa ra chính sách cho người mua nhận nhà ở trước rồi tiếp tục thanh toán sau nên thị trường bất động sản cũng đang “nóng” dần lên”, ông Phạm Lâm nói.
Gỡ 'rào cản' kinh doanh bất động sản để phát triển thị trường
Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS 2014 xuất hiện những vướng mắc, tồn tại không còn phù hợp thực tiễn, vì chưa cân bằng lợi ích của các chủ thể tham gia.
Vì vậy, cần được các bộ, ngành, địa phương góp ý sửa đổi, bổ sung các điều kiện mới, đảm bảo bắt kịp sự phát triển của thị trường.
Nhiều bất cập nảy sinh
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea), hoạt động đầu tư kinh doanh các dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, để phát triển ổn định thị trường, hài hòa lợi ích Nhà nước - Chủ đầu tư - Khách hàng cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển từng giai đoạn.
Hiện nay, các dự án nhà ở thương mại được thực hiện qua nhiều giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, bồi thường, quỹ đất, giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, xin cấp phép xây dựng, thi công xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nộp tiền sử dụng đất và bán sản phẩm. Quy trình này thường mất khoảng 5 năm, thậm chí 10 năm, nhưng chủ đầu tư không được quyền tự do chuyển nhượng dự án theo nhu cầu kinh doanh. Vì Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS quy định chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Điều này, đã làm hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và không tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Nhiều dự án BĐS do vướng các điều kiện về kinh doanh BĐS phải dừng thi công để rà soát thủ tục.
Bên cạnh đó, do quy định trong Luật Kinh doanh BĐS chỉ được tính các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, hợp lý được Luật Thuế công nhận, nên giá thành (danh nghĩa) sản phẩm nhà ở thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà chủ đầu tư bỏ ra, trong đó, có cả các "chi phí không tên" và do không được công nhận là chi phí, nên bị coi là "lợi nhuận" phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên các chi phí không được tính này. Cuối cùng, tất cả chi phí của chủ đầu tư đều tính vào giá bán, mà người mua nhà phải chịu.
Mặt khác, hoạt động môi giới BĐS đối với các dự án BĐS là cần thiết, kết nối cung cầu, góp phần làm thị trường BĐS minh bạch và chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay, phần lớn các nhà môi giới, sàn giao dịch ở nước ta chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo đầy đủ và thiếu cơ chế quản lý, nên đã xảy ra nhiều bất cập, nhất là tình trạng "cò đất, cò nhà" gây thiệt hại cho người mua, gây ra tăng giảm thất thường thị trường.
Ngoài ra, đáng quan ngại nhất là hiện có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến điều chỉnh thị trường BĐS, nhưng khi thực thi rườm rà, chồng chéo, làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù các văn bản dưới Luật Kinh doanh BĐS đã khắc phục dần, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo thống nhất, hệ thống, đồng bộ và liên thông...
Những bất cập trên đã và đang khiến cho hàng trăm dự án trong 3-4 năm trở lại đây tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn bị "ách tắc" thủ tục đầu tư xây dựng, dừng triển khai để rà soát, kiểm tra pháp lý, kéo theo nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm trên thị trường.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã rà soát các quy định, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 76 để nhận diện các vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ. Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về tình hình thi hành Nghị định này, Bộ Xây dựng nhận thấy cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS thay thế Nghị định số 76, trình Chính phủ ban hành, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh BĐS cho phù hợp với thực tiễn.
Cần sửa đổi, bổ sung
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đối với một số quy định trong Luật Kinh doanh BĐS chưa phù hợp với các quy định mới và các luật liên quan mới có hiệu lực cần phải rà soát để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Đơn cử, cần bỏ quy định "phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng" và "căn cứ xác định mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh BĐS" trong điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh BĐS với Luật Đầu tư. Hay cần sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS cho phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; đồng thời, bổ sung quy định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS áp dụng trong Luật Kinh doanh BĐS.
Thêm vào đó, Nghị định mới hướng dẫn cần làm rõ hơn quy định về giao dịch BĐS "quy mô nhỏ", "không thường xuyên" để linh hoạt áp dụng trong thực tế; đồng thời, sửa đổi, bổ sung và gộp quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn trong 1 quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng.
Còn theo các chuyên gia BĐS, dự thảo Nghị định mới không sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định, vấn đề thuộc quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014. Các nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như: Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020... và phù hợp với các nội dung quy định trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các luật này.
6 tháng cuối năm, có nên đổ tiền vào bất động sản? Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm được dự đoán sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro về pháp lý. Để dự đoán kịch bản cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, cần nhìn lại sự biến động trong 6 tháng đầu năm vừa qua. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup,...