Thị trường bất động sản quý 3: Chung cư có mức độ quan tâm cao nhất
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản của Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý 3/2020, chung cư là loại hình duy trì mức độ quan tâm cao nhất với 29%, kế đến là đất thổ cư 23%, nhà riêng 21%…
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản mới nhất của Kênh thông tin Batdongsan.com.vn, trong quý 3/2020, chung cư vẫn là loại hình đứng đầu về mức độ quan tâm với 29%. Trong 3 tháng cuối năm, nguồn cung chung cư tiếp tục được dự báo sẽ duy trùy đà tăng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và tình hình kinh tế thuận lợi.
Nguồn cung chung cư sẽ còn tăng…
Đại diện Batdongsan.com.vn cho biế t COVID-19 tái phát vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám và tháng “Ngâu” (tháng 7 Âm lịch) đã tiếp tục đẩy thị trường quý 3/2020 vào thế khó khăn. Tuy nhiên, khảo sát người dùng trên kênh thông tin này cho thấy “bất động sản vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất.”
“Ngay cả thời điểm vàng liên tục tăng giá thì 57% người dân vẫn lựa chọn phương án đầu tư vào nhà đất. Người dân cũng không còn quá nặng nề tâm lý kiêng kỵ khi 58% số người được hỏi vẫn chọn mua bất động sản trong tháng Bảy âm lịch,” báo cáo của Batdongsan.com.vn nhấn mạnh.
Minh chứng dễ thấy là thị trường bất động sản tại Đà Nẵng và Quảng Nam (2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19) đang từng bước hồi phục các giao dịch. Hiện 2 địa phương này đều có lượng tin đăng (bất động sản rao bán) tăng trưởng đáng kể vào cuối tháng Chín. Trong đó, Đà Nẵng tăng 25%, Quảng Nam tăng 11%.
Đáng chú ý trong số các loại hình bất động sản được quan trong quý 3/2020, chung cư là loại hình duy trì mức độ quan tâm ổn định và có lượng người quan tâm lớn nhất với 29%. Kế đến là đất thổ cư với 23%, nhà riêng 21%…
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy ưu thế của chung cư trong lựa chọn của người tiêu dùng khi 64% người được hỏi cho biết sẽ chọn căn hộ chung cư thay vì chọn nhà hẻm nhỏ 1-2m. Và khi chọn mua chung cư, ngoài giá bán thì yếu tố pháp lý của dự án, uy tín của chủ đầu tư là 2 yếu tố được người mua quan tâm hàng đầu.
Video đang HOT
Đặc biệt, trong quý 3/2020, các chủ đầu tư cũng đang đẩy mạnh các chính sách khuyến mãi, các chính sách kích cầu người mua nhiều hơn so với quý 2 hay quý 1…
Theo dự báo, nguồn cung chung cư dự báo sẽ tăng thêm nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và tình hình kinh tế thuận lợi. Loại hình nhà đất sẽ tiếp tục giảm giá ở các khu vực trung tâm, phân khúc có tầm giá vừa phải sẽ tiếp tục giao dịch tốt.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đối với đất nền, các sản phẩm có khoảng giá trên dưới 1 tỷ đồng vẫn tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Trong quý cuối năm, khu vực miền Bắc và Hà Nội sẽ có lượng quan tâm tăng trưởng tốt hơn thị trường miền Nam và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng
Đại diện Batdongsan.com.vn cũng lưu ý, mặc dù hầu hết các loại hình của thị trường bất động sản nói chung đã phải chịu những tác động tiêu cực từ COVID-19, tuy nhiên bất động sản công nghiệp vẫn được hy vọng là một điểm sáng trong năm 2020 và năm 2021 do có nhiều “cơ hội” để thu hút đầu tư và mở rộng quy mô phát triển.
Một số cơ hội có thể kể đến là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam có hiệu lực; kế hoạch dịch chuyển thị trường của nhiều tập đoàn trên thế giới và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại.
Số liệu của kênh thông tin này cũng chỉ ra rằng bất động sản công nghiệp có sự tăng trưởng ấn tượng giữa một bức tranh thị trường mà gam màu xám đóng vai trò chủ đạo.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số khu công nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm 2020 là 336, số khu công nghiệp đi vào hoạt động là 261, diện tích khu công nghiệp hoạt động là 29,1 nghìn hécta.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, các khu công nghiệp đều tăng trưởng lượng tìm kiếm trong quý 3/2020. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tìm kiếm khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh tăng 22%, khu công nghiệp Tân Bình tăng 20%, khu công nghiệp Hiệp Phước tăng 23%, khu công nghiệp Tân Tạo tăng 37%.
Giá đất nền quanh các khu công nghiệp ở Từ Sơn hay Yên Phong (Bắc Ninh) tăng 1% theo quý; giá đất ở quanh khu vực Bình Dương (Dĩ An, Thuận An) cũng có mức tăng trưởng đáng kể tính theo năm…/.
Những lý do gây 'tắc' sổ hồng nhà chung cư
Nhiều dự án bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh đã bàn giao nhà cho người dân vào ở nhiều năm, thế nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (sổ hồng) khiến người dân bức xúc và trở thành "điểm nóng".
"Tắc" sổ hồng do "tắc" tiền sử dụng đất
Từ năm 2015 đến 2019, có khoảng 54 dự án BĐS tại TP Hồ Chí Minh đang bị "tắc" sổ hồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết hiện có khoảng 54 dự án thuộc 14 doanh nghiệp BĐS với gần 30.000 căn hộ đang bị "tắc" sổ hồng. Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh chiếm 13 dự án, Tập đoàn Novoland 11 dự án, Quốc Cường Gia Lai 7 dự án... Đây là những dự án nằm trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019 (chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015).
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc "tắc" sổ hồng là do "tắc" tiền sử dụng đất, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Cụ thể, ngoài việc giảm nguồn thu ngân sách nhà nước do tiền sử dụng đất bị sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay (năm 2018 chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2%; năm 2019 chỉ thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với 2018; 8 tháng năm 2020 chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với 8 tháng năm 2019) mà tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của thành phố 5 năm vừa qua chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách).
Chưa kể, việc chậm cấp sổ hồng cũng người mua nhà muốn thế chấp tài sản cho ngân hàng vay vốn cũng không được thuận lợi. "Đáng quan ngại, việc chậm cấp "sổ hồng" còn gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà, tiềm ẩn "điểm nóng" tranh chấp, tụ tập đông người. Như vừa qua, đã có một số trường hợp khách hàng quá bức xúc, kéo lên trụ sở doanh nghiệp, căng băng rôn, biểu ngữ, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết do quy trình xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất dự án còn nhiều thủ tục rườm rà. Cụ thể, sau khi doanh nghiệp nộp dự án tính tiền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất, sau đó lập phương án đấu thầu giá đất, xác định phương án giá đất đơn vị tư vấn lập và tiến hành thẩm định. Nếu thuận, phương án xác định giá đất sẽ được Sở trình UBND Thành phố ra quyết định tiền sử dụng đất dự án, trả hồ sơ cho doanh nghiệp và gửi lên Cục thuế thông báo doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất. Nếu không thuận, Sở Tài nguyên Môi trường lại làm lại thủ tục từ đầu hoặc trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp BĐS, điểm nghẽn trong quá trình làm hồ sơ là khâu thụ lý hồ sơ tại các Sở là quyết định. Mặt khác, quy định về lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất còn bất cập. Theo quy định, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xác định giá đất. Do đó, Sở Tài nguyên Môi trường phải tổ chức đấu thầu qua mạng để lựa chọn đơn vị tư vấn có giá chào thầu thấp nhất được trúng thầu. Điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch, tạo cơ chế "xin - cho" và tiêu cực do chỉ cần có đơn vị bỏ thầu thấp nhất, thậm chí vài triệu đồng là có thể trúng thầu, sau đó "độc quyền" thực hiện công tác xác định giá đất dự án, khiến chủ đầu tư rất "khổ" khi bị đơn vị tư vấn này "hành", dẫn đến đi "cửa sau".
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo số tiền sử dụng đất thực tế phải nộp, dẫn đến lúng túng không biết nên nộp thêm hay được hoàn trả, trong khi sổ hồng vẫn không được cấp.
Gỡ điểm nghẽn cho việc cấp sổ hồng
Chung cư Him Lam Phú An (quận 9) vẫn đang bị "tắc" sổ hồng dù dự án đã hoàn thành và bàn giao nhà đã 2 năm nay.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, có nhiều lý do "tắc" tiền sử dụng đất khiến quy trình bị chậm. Trong đó, nổi lên là phần lớn các dự án xây dựng sai thiết kế ban đầu. Điển hình như tại quận 2, Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố phối hợp với UBND phường Bình Khánh kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng tại chung cư Khởi Thành (tên thương mại là Paris Hoàng Kim) do Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh Khởi Thành làm chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng. Chung cư Khởi Thành có diện tích 7.079m2 (bao gồm diện tích thuộc rạch và hành lang bảo vệ rạch phía Đông Bắc) với khu nhà liền kề và chung cư cao 26 cao tầng (412 căn hộ). Theo biên bản làm việc của UBND phường Bình Khánh, công trình xây dựng tại dự án sai và khác với nội dung trong giấy phép xây dựng như xây dựng cọc tường vây trên phần khoảng lùi so với ranh giới đất.
Tại quận Tân Phú, trường hợp sai phạm tại chung cư Oriental Plaza (685 Âu Cơ, phường Tân Thành) do CTCP đầu tư Sơn Thuận làm chủ đầu tư, đã tự ý xây dựng sai so với thiết kế được phê duyệt. Có tới 43 căn hộ đã được chủ đầu tư xây dựng sai phép khiến các cư dân ở đây không được cấp sổ hồng.
Tuy nhiên, theo HoREA, vẫn cần có hướng đi hợp lý để gỡ khó cho các doanh nghiệp và cư dân. Chẳng hạn, nếu gười mua nhà là bên ngay tình, vô can, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà thì phải được "ưu tiên" giải quyết cấp sổ hồng trước. Về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện có nhiều dự án xây dựng sai thiết kế ban đầu khiến việc cấp sổ hồng bị "tắc", trong đó chủ yếu là phần diện tích tầng hầm để xe vượt ngoài ranh diện tích khối đế xây dựng nhà chung cư, như dự án Gateway Thảo Điền của Sơn Kim Land, Sài Gòn Mia, dự án chung cư Lô 3, Lô 4 thuộc tổng thể dự án khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng), dự án chung cư Him Lam Phú An (quận 9) và hàng trăm dự án khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. "Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường nên xem xét tính toán, có thể nộp thêm tiền sử dụng đất (bổ sung) đối với phần diện tích vượt ra ngoài ranh diện tích khối", ông Châu kiến nghị.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc chậm cấp sổ hồng còn một phần là do nhiều dự án thế chấp ngân hàng. Với những trường hợp này, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp với ngân hàng đưa những phần nào của chủ đầu tư thì ngân hàng giữ, còn phần của cư dân trả lại để cấp sổ. Chẳng hạn từ tầng một đến tầng năm là trung tâm thương mại thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì ngân hàng giữ, còn phần từ tầng năm trở lên trả lại cho cư dân. TP Hồ Chí Minh cũng đã công khai danh sách chủ đầu tư có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng và yêu cầu ghi rõ trong thỏa thuận mua bán với người dân. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp Sở Xây dựng cảnh báo người dân quan tâm đến vấn đề cấp sổ hồng và các trách nhiệm của chủ đầu tư cần được ghi đầy đủ trong hợp đồng trong mua bán dân sự.
Bất động sản phía Bắc TP.HCM đang cất cánh Trước năm 2010, toàn bộ thị trường khu Bắc TP.HCM chỉ là những căn nhà xập xệ. Ngay sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng nối trục kinh tế TP.HCM Đông Nam Bộ hoàn thành năm 2015, phía Bắc TP.HCM đã phát triển một thị trường bất động sản sầm uất. Thị trường bất động sản khu Bắc TP.HCM đang thay đổi nhờ...