Thị trường Australia nhiệt tình chào đón thanh long ruột đỏ Việt Nam
Tuần lễ quảng bá và tiêu thụ thanh long ruột đỏ của Việt Nam vừa diễn ra hiệu quả tại 3 bang đông dân nhất của Australia là New South Wales, Victoria và Tây Australia.
Sơ chế, đóng gói trái thanh long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, do tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các lệnh hạn chế đi lại, nên mọi hoạt động quảng bá và phân phối gặp không ít khó khăn.
Mặc dù vậy, với sự phối hợp giữa Thương vụ Việt Nam và Công ty Xuất khẩu Đà Lạt tại Australia, 5 tấn thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã kịp ra mắt thị trường Xứ xở chuột túi trong các ngày từ 2-8/4 tại 3 bang đông dân nhất của Australia là New South Wales, Victoria và Tây Australia và được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận.
Tại bang Victoria, Công ty Xuất khẩu Đà Lạt là đơn vị chịu trách nhiệm nhập và phân phối thanh long tới các siêu thị và cửa hàng. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA) cũng góp phần hỗ trợ kêu gọi hội viên cùng chung tay mua và quảng bá sản phẩm.
Chủ tịch VBAA Trần Bá Phúc thậm chí đã dành văn phòng của Hiệp hội làm nơi tập kết để tạo thuận lợi cho khách hàng.
Tại bang New South Wales, thanh long được đưa vào các chợ đầu mối trái cây lớn nhất bang, từ đó bán cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm.
Chung tay trong hoạt động tại đây là Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney (VEAS).
Lãnh đạo của VEAS đã kêu gọi hội viên tham gia mua và quảng bá sản phẩm, đồng thời đứng ra lập danh sách, hỗ trợ địa điểm tiếp nhận hàng, tạo thuận lợi cho hội viên.
Video đang HOT
Tại bang Tây Australia, những lô h-àng thanh long ruột đỏ Việt Nam được vận chuyển hơn 3.000km từ bang Victoria tới đây cũng đã được đón nhận và phân phối hết.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết: “Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch quảng bá và phân phối sản phẩm thanh long ruột đỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Australia và cộng đồng bà con Việt kiều, hoạt động lần này đã thực sự thành công.”
Ông Hòa chia sẻ Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Australia luôn có các chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thương vụ nỗ lực hơn nữa.
Trong bối cảnh hoạt động vận chuyển và đi lại đang bị hạn chế do đại dịch, Thương vụ chuẩn bị ra mắt các công cụ trực tuyến để tự động hoá, tối ưu hóa công tác kết nối giao thương, quảng bá và phục vụ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia.
Hiện, Thương vụ đang vận động để xây dựng Diễn đàn các nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam tại Australia, nhằm thống nhất các kế hoạch hành động, chủ động đối phó với tình hình thương mại thế giới có nhiều rủi ro, nhất là mặt hàng nông sản tươi.
Australia đã mở cửa cho quả thanh long Việt Nam kể từ tháng 7/2019, sau hơn 9 năm đàm phán.
Đáng chú ý là Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất được Australia cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng này.
Từ đó đến nay, sản lượng thanh long Việt Nam tiến vào quốc gia lớn nhất châu Đại Dương tăng đều hàng năm, nhưng chủ yếu là loại thanh long ruột trắng, có giá thành rẻ hơn thanh long ruột đỏ và thường phải cạnh tranh trực tiếp với thanh long trồng tại địa phương.
Việc quảng bá, mở rộng và xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ của Việt Nam đồng loạt tại các bang lớn của Australia là cơ hội để tạo điều kiện hơn nữa cho mặt hàng thế mạnh này có chỗ đứng bền vững tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới./.
Diệu Linh
Chứng khoán châu Á và vùng Vịnh tiếp tục lao đao vì COVID-19
Chốt phiên trên sàn giao dịch của Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 7,33%, tương đương 455,60 điểm, xuống mức 5.760,60 điểm.
Bảng điện tử thông báo các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chứng khoán Australia ngày 9/3 đã sụt giảm hơn 7% giá trị do lo ngại về tình hình lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giá dầu mỏ thế giới "lao dốc."
Thông tin này đánh dấu ngày ảm đạm nhất trên thị trường chứng khoán Australia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chốt phiên trên sàn giao dịch của Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 7,33%, tương đương 455,60 điểm, xuống mức 5.760,60 điểm.
Trong khi đó, chỉ số vốn hóa thị trường đại diện cho 500 công ty lớn nhất được liệt kê trên thị trường chứng khoán Australia All Ordinaries Index sụt giảm 7,4%, tương đương 465,1 điểm, xuống còn 5.822,4.
Đáng chú ý, các cổ phiếu ngành năng lượng của nước này "lao dốc bất thường" với việc mất tới 19% giá trị sau khi giá dầu mỏ toàn cầu sụt giảm quanh ngưỡng 30% và là mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" và Saudi Arabia giảm giá dầu.
[Lo ngại dịch bệnh COVID-19, chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ]
Tính đến 12 giờ 50 trưa 9/3 trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Bent biển Bắc giảm 12,23 USD, tương đương 27%, và rớt xuống còn 33,04 USD/thùng.
Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 11,88 USD, tương đương 29%, xuống còn 29,4 USD/thùng.
Thậm chí trước đó có thời điểm rớt xuống còn 27,34 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.
Giới phân tích nhận định giá dầu WTI đang có xu hướng tiệm cận với ngưỡng sụt giảm kỷ lục vượt trên 33% ghi nhận hồi tháng 1/1991.
Không nằm ngoài xu hướng trên, chốt phiên giao dịch cùng ngày trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.050,99 điểm (5,07%) xuống còn 19.698,76 điểm và là mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 4/1/2019.
Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 82,49 điểm xuống 1.388,97 điểm, tương đương mức giảm 5,61%.
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải mất điểm ngay khi mở phiên, trong đó giá cổ phiếu của các công ty năng lượng bị tác động lớn nhất do biến động của giá dầu.
Cụ thể, chỉ số Hang Seng giảm 3,87% (1.012,60 điểm) xuống 25.134,02 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite hạ 1,56% (47,3 điểm) xuống 2.987,18 điểm.
Đầu phiên giao dịch ngày 9/3, các thị trường chứng khoán của các quốc gia vùng Vịnh cũng chứng kiến đà sụt giảm mạnh sau thông tin giá dầu nói trên.
Chỉ số Premier của Kuwait giảm 9,5%, khiến hoạt động giao dịch cổ phiếu mã này tạm thời bị ngưng trệ.
Trong khi đó, thị trường tài chính Dubai và sàn giao dịch chứng khoán Abu Dabi sụt giảm lần lượt là 9,0% và 7,1%.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam )
Giới đầu tư cổ phiếu toàn cầu hoảng loạn khi dịch COVID-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc Chứng khoán Mỹ, châu Á quay đầu giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 lây lan khắp toàn cầu tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cổ phiếu châu Á và chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 6/3 khi nỗi lo gián đoạn sản xuất - kinh doanh do dịch...